VÀI NÉT VỀ THƠ DƯƠNG QUÂN
Năm nay, sau khi hướng dẫn đội bóng Người Việt tại Chicago (IL) đi tranh giải tứ hùng tại San José (CA) nhân ngày lễ Lao động ngày 6-9-2010, trở về, tôi hân hạnh nhận được ba tập thơ của thi sĩ Dương Quân ở Tampa (Florida), gởi tặng, qua sự giới thiệu và trung gian địa chỉ của nhà thơ Hoàng Ánh Nguyệt ở San José (California). Tôi thật sự vô cùng ngạc nhiên, khi đón nhận món quà nầy…
1- CHẬP CHỜN CƠN MÊ, xuất bản năm 2004 và tái bản 6 lần
2- ĐIỂM HẸN SAU CÙNG, xuất bản năm 2007
3-TRÊN ĐỈNH NHỚ, xuất bản năm 2010
Tất cả các tập thơ không đề giá bán, chỉ có câu “Dành tặng thân hữu”. Tôi rất vui mừng được trở thành một “thân hữu” mặc dầu chưa một lần hạnh ngộ với Dương Quân. Tôi vội vã gửi điện thư cám ơn tác giả và Hoàng Ánh Nguyệt.
Tôi đọc bài “Thay Lời Tựa” và càng vui mừng hơn, khi biết được Dương Quân là người nguyên quán Biên Hoà, từng phục vụ cho chế độ VNCH ở chức vị công chức cao cấp, từng bị đi tù cải tạo nhiều năm và qua định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO vào năm 1993…
Tôi được biết thêm khi còn là học sinh trường Pétrus Ký –Sài gòn, Dương Quân chọn ban C và rất yêu thích văn chương. Dương Quân bắt đầu làm thơ và gia nhập thi văn đoàn “Văn Nghệ Đôi Mươi”, thuở toàn dân miền Nam đang sống trong cảnh thanh bình.
Thơ của Dương Quân bắt đầu được nhiều người biết đến, kể từ khi bài thơ “Về Bến Mộng” của Dương Quân được đăng trong tập thơ của thi văn đoàn VNĐM và trên báo Văn Nghệ Tiền Phong năm 1960. Một bài thơ viết từ tuổi học trò, diễn tả tâm trạng của một người ‘ nửa kiếp phong sương đời dậy sóng’, mong mõi thuyền đỗ bến mộng, mở tiệc tẩy trần…..xoá nhoà quá khứ đầy gió bụi tang thương …
Hãy đỗ lại thuyền ơi trên bến mộng
Cất chèo khua tan vỡ cả bờ trăng
Đã nửa kiếp phong yên đời dậy sóng
Trở về đây yến tiệc ngắm cung Hằng
…
Tôi chuốc chén lưu ly người nhắp thử
Tiệc tẩy trần uống nốt cặn bi ai
Buồn chi nữa mộng mơ đời gió bụi
Đời tang tương thế sự ngập u hoài
….
Hãy đổ lại thuyền ơi trên bến mộng
Để lùi về ảo giác sống hoang mang
Trôi nổi lắm thuyền xưa đà dậy sóng
Bến đò trăng đà mấy độ hoang tàn.
(Về Bến Mộng)
Và từ sau đó, Dương Quân có dịp làm quen với nhà văn Hoài Diệp Tử (giữ mục Thơ trên báo Tiếng Chuông) và thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà (tác giả bài thơ nổi tiếng “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” được Huỳnh Anh phổ nhạc và đã trở thành bất tử) trong trường hợp hiếm hoi, gặp ở “Lều Thơ” của Kiên Giang, trong cuối một con hẽm ở Sài Gòn. Dương Quân rất mến mộ Kiên Giang và rất tâm đắc 4 câu thơ của Nguyễn Bính, được Kiên Giang ghi trên vách “Lều Thơ”…
“Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để lều ta xanh sắc rêu”
Năm 1967, Kiên Giang cho đăng trên báo Điện Tín bài “Hương Tình Cà Mau” của Dương Quân, đồng thời, cho giao cho ban Mây Tần diễn ngâm bài thơ nầy trên đài phát thanh Sài gòn. Thơ của Dương Quân bay bổng và được nhiều người biết đến nhiều hơn. Một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt liên đoạn, dài sáu mươi bốn câu, diễn tả một chàng trai trẻ, vừa mới ra trường QGHC, hành trang rời đô thị, đến nhận việc ở tỉnh An Xuyên với tâm trạng lưu luyến Sài Gòn phồn hoa, rộn rịp và một thoáng lo âu, vì chưa đoán được tương lai sự nghiệp của mình nơi vùng đất mới sẽ như thế nào… nhưng khi đặt chân lên miền cuối Việt, chàng trai trẻ nhận thấy cảnh sông nước hữu tình và cô gái miền sông Hậu cũng rất dễ thương, có đôi mắt đẹp, cổ tay tròn, môi cười nụ, biết nhóm bếp, biết lo phụng dưỡng cha mẹ già, và đặc biệt là ‘vẹn sắt son’; tóm lại, ngoài sắc đẹp, cô gái có đầy đủ bốn đức tính công ngôn dung hạnh…. Thế là chàng trai bắt đầu ngâm câu thơ “Cà Mau đi dễ khó về”, mau mau mua quà biếu song thân và sẵn sàng trao cho ‘em’ trọn quả tim hồng.
Thuở ấy một lần xa phố cũ
Tôi rời phố thị đến An Xuyên
Chân trời cuối Việt xa thăm thẳm
Không có người thân chẳng bạn hiền
….
Tôi đến An Xuyên lòng khắc khoải
Những trưa gà gáy gọi hoàng hôn
Những chiều gió biển đùn mây xám
Gợi tiếng sầu dâng tận đáy hồn
….
Dẫu thế, Cà Mau không phụ khách
Có rừng, cũng có đất phù sa
Cầu tre, nước chảy, cô nghiêng nón
Tình gái An Xuyên vẫn đậm đà
….
Mỗi lần tan chợ ghe xuôi nước
Áo trắng em về khuất cuối sông
Tôi tự hỏi lòng sao chẳng gửi
Cho em trọn cả trái tim hồng
…..
Từ đó tôi yêu miền cuối Việt
Yêu đôi mắt đẹp, cổ tay tròn
Áo bà ba trắng, môi cười nụ
Yêu gái Cà Mau vẹn sắt son
(Hương Tình Cà Màu)
Dương Quân cũng như bao người trai thế hệ, cố gắng học hành để phục vụ cho chế độ VNCH, dự phần bảo vệ Miền Nam tự do. Dương Quân đã từng học Đại Học Văn Khoa, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Sài Gòn. Dương Quân được bổ nhiệm đi làm Phó Quận Trưởng ở một cái quận xa xôi nào đó thuộc tỉnh An Xuyên và lần lượt sau đó, giữ nhiều chức vị quan trọng khác: Chủ Sự phòng trong Phủ Tổng Thống, Công Cán Ủy Viên Bộ Văn Hoá Giáo Dục Thanh Niên, phụ trách báo chí, ngoại vụ, và từng là Giảng viên các trường Cao Đẳng và Đại Học Sài Gòn…
Chiến tranh tại miền Nam càng ngày càng gia tăng, Dương Quân bận nhiều công tác, nên tạm gác chuyện làm thơ viết văn qua một bên, tuy nhiên, khi có vài phút giây rỗi rãnh Dương Quân vẫn không quên đến với nàng thơ để gửi gắm nỗi lòng trong những hoàn cảnh éo le, việc nhà, việc nước…nhờ thế, Dương Quân có được trên một trăm bài thơ hay, đủ thể loại với một văn phong khoáng đạt
Đọc các tập thơ trên, tôi nhận thấy Dương Quân là người giàu tình cảm, yêu thích văn chương, thương mến bạn bè, nhất là đối với những đồng môn Học Viện QGHC; luôn ý thức trách nhiệm của một viên chức cao cấp của chế độ VNCH, nhận thức giá trị của sự tự do, dân chủ, trên dải đất miền Nam Việt Nam, đang bị hoạ xâm lăng của Cộng Sản đe dọa. Dương Quân luôn canh cánh bên lòng nỗi lo âu tình nhà và nợ nước. Tôi xin lược trích một số câu thơ tiêu biểu dưới đây, để các bạn thưởng lãm và hiểu qua một phần nào nỗi lòng của Dương Quân.
Những vần thơ ý thức trách nhiệm
-Ừ nhỉ!
Bọn mình thời tuổi trẻ
Khí căng buồng phổi, sức căng vai
Vá trời lấp biển mang hoài bão
Vì nước vì dân luyện chí, tài.
….
Ai có ngờ đâu, ra vận nước
Bỗng nhiên trời đất nổi cuồng phong
Bỗng nhiên chính nghĩa thành tro bụi
Tang tóc bao trùm khắp núi sông.
Này bạn!
Rót thêm đầy chén nữa
(Trả vay như uống rượu đầy vơi)
Bao giờ sỏi đá thành châu ngọc
Ta gọi rong rêu hoá kiếp người
…
Ta gọi mùa xuân quay trở lại
Nắng hồng sưởi ấm khắp nhân gian
Cho phường gian ác thôi cuồng mộng
Xua hãi hùng đi dẫu muộn màng
… (Gặp Bạn Tâm Tình)
Nay chung thân lạc loài trên đất khách
Lòng xót xa quê cũ cảnh điêu tàn
Ta căm ghét kẻ gian tà bịp bợm
Hận bạo quyền dày xéo mảnh giang sơn…
Xin hãy cho ta nói lời trăn trối:
Ta vẫn tin nhân nghĩa thắng hung tàn
Kẻ gian ác sẽ có ngày sám hối
Hạnh phúc sẽ về với MẸ VIỆT NAM
Những vần thơ tình cảm gia đình
Hôm nay mây xám sao nhiều quá
Giăng phủ không gian, ngập đất trời
Người đến báo tin buồn vội vã
Quê nhà - chị đã trút tàn hơi!
Chị vào bịnh viện hôm tuần trước
Tiều tuỵ thân gầy, khoé mắt sâu
Khi rước Chị về khăn trắng phủ…
Thôi rồi! dáng liễu chị còn đâu ?
….
Nhớ xưa cứ mỗi lần em bệnh
Chị vội về thăm với gói quà
Sờ trán, xem chừng em sốt lắm
Em vờ bệnh mãi, Chị đừng xa
Thế nào em cũng về quê cũ
Thăm xứ Đồng Nai, nhớ quặn lòng
Thăm chợ Long Thành, cây trái ngọt
Chỗ Chị ngồi bán bưởi – Còn không?
Thế nào em cũng về thăm Chị
Nấm mộ vườn sau - Chỗ Chị nằm
Thắp nén trầm hương - em khấn nguyện
Ngậm ngùi: Vĩnh biệt Chị ngàn năm
(Thư Cuối Cùng)
Thương nhớ gởi về quê Mỹ- Hội
Dòng đời thắm thoát bấy nhiêu năm
Bao mùa mưa nắng bao thay đổi
Mà bóng người đi vẫn bặt tăm.
Thuở xưa Mỹ-Hội êm đềm quá
Cây trái sum suê đủ bốn mùa
Phước Lý về ngang thành Tuy Hạ
Nhà em ở dưới rặng cau thưa
Ngày ấy anh về thăm Mỹ Hội
Qua phà Cát lái ghé Long Tân
Tìm em trưa nắng tan phiên chợ
Thăm mẹ thăm em đã mấy lần
….
Mỗi bận trở về thăm xóm cũ
Ra vườn gom hái lá trầu vàng
Trầu cau chung gánh chung duyên nợ
Đủ nghĩa cho tình ta chứa chan
Gặp nhau rồi lại xa nhau nữa
Căn dặn đừng quên sớm trở về
Em đứng bờ sông Cát Lái
Nhìn theo như níu bóng người đi
….
Anh về lần ấy hay lần cuối
Ngồi kế bên em xếp liễn trầu
Chợt thấy bàn tay gầy guộc quá
Lần đầu xao xuyến nụ hôn nhau.
Rồi buổi quê hương tàn cuộc chiến
Anh xa thành phố, sống trên rừng
Mười năm dày dạn cùng sương gió
Ai hẹn ngày về giữa gió sương?
Mỹ Hội cũng từng thay cảnh sống
Chợ phiên cần gạo chẳng cần trầu
Cau khô, trầu héo, buồng trong thúng
Vườn cũ thưa dần những bóng cau.
Em có khi nào qua Cát Lái
Bến phà đứng đợi một bên bờ
Nước sông cuồn cuộn xuôi dòng nhớ
Nhửng mảng lục bình theo sóng đưa?
Những mảng lục bình trong nước xoáy
Không về trở lại bến sông xưa
Dòng đời xô dạt anh xa mãi
Mà bóng người thương chẳng nhạt mờ.
Biết có ai về quê Mỹ Hội
Nhắn dùm người cũ mấy lời thăm
Giờ thân viễn xứ còn trôi nổi
Xin hiểu lòng nhau - tạ lỗi lầm.
(Gánh Trầu Mỹ Hội)
Những vần thơ trong tù cải tạo
Từ buổi xa nhà đi cải tạo
Xuân nầy thắm thoát đã ba xuân
Vì chưng mất nước nên tù tội
Giam hãm đời trai giữa núi rừng
….
Cố vui vì phải cố tìm quên
Cố nén tâm tư, dấu nỗi niềm
Uất nghẹn tiếng lòng đang thổn thức
(Nén làm sao được tiếng con tim?)
….
Em hỡi! Miền Nam em có vui?
Có đi chợ Tết mấy hôm rồi?
Có mua áo mới, quà cho trẻ?
Có thấy Xuân sang vắng một người?
(Đêm giao thừa trong trại cải tạo Quảng Ninh)
Những vần thắm đượm tình yêu
Năm tháng đời vui vẫn trọn tình
Đêm về dưới bóng ngọn đèn xanh
Chồng cô ngồi đọc thơ –cô chép
Hai quả tim vàng, một mái tranh
(Cô Giáo Nhỏ)
Đừng tưởng xa rồi quên dễ đâu
Nghìn sau chưa chắc sẽ vơi sầu
Những chiều ray rức vào tâm khảm
Khóc vụng mỗi lần nhớ đến nhau
(Lời Tạ Từ/ 1963)
Tôi đến bên em lặng lẽ buồn
Đắm tình yêu tự chiếc môi non
“-Sao em không nhặt màu hoa trắng
“Ủ lấy cho tình ta sắt son!”
Em bảo: Hoa trinh, nghĩa cuộc đời
Lần nầy hoa rạn vỡ - anh ơi!
Nhặt đi ép sát bờ môi nóng
Anh hãy vì hoa, tiếc một người!”
….
Phiêu bạt chiều qua trở lại đây
Nhà em lặng lẽ cửa then gài
Trước sân lả chả ngàn hoa rụng
Hoa trắng? bây giờ sao mỉa mai!
(Hoa Trắng)
Bậu về điểm lại má hồng
Rẽ đường ngôi lệch, thắt vòng lưng thon
Qua đi ngàn dặm nước non
Cánh chim ai biết mất còn. Bậu ơi!
Quê hương nhớ - nhớ đứng nhớ ngồi
Nhớ con đò nhỏ, nhớ người sang sông
Đồng Nai nước chảy xuôi dòng
Qua đành mãn kiếp lưu vong xứ người
Có ai thương bậu ngỏ lời
Bậu ưng đi! - kẻo cuộc đời tàn phai
Chừng nào mây trắng còn bay
Qua còn nhớ bậu những ngày xa xưa.
(Nhắn Lại Người Thương)
Thơ của Dương Quân rất sống thực, chữ nghĩa đơn sơ, ý thơ dung dị, chân chất khiến người đọc, dễ lãnh hội trọn vẹn ý câu thơ và cảm nhận được những gì ông muốn diễn tả hoặc gửi gắm, với trọn niềm xúc cảm chân thành.
Dương Quân bắt đầu làm thơ từ khi còn là học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn và trải qua thời gian làm công chức, lúc đi tù cải tạo và những ngày sống trong khung trời viễn xứ, tha phương… Bạn bè của Dương Quân nhận xét Dương Quân có khiếu về thơ văn nhưng Dương Quân lúc nào cũng phủ nhận rằng ông không “chuyên nghiệp” và xin mọi người đừng bao giờ gọi ông là thi sĩ. Tính khiêm nhường luôn luôn là một tánh tốt, nhưng sự tự đánh giá thường không bao giờ chính xác. Hãy để cho người thưởng lãm, khách quan nhân xét, thì có lẽ đúng hơn….
Phạm Thành Châu, bạn đồng môn QGHC cũng là bạn tù sau 1975, nhận xét: “Thơ Dương Quân quả nhiên được bạn bè đón nhận với nhiều thích thú. Các bạn gọi nhau, khen “Chập Chờn Cơn Mê” hay lắm…..Tập thơ trước đã hay, tập thơ nầy càng thâm thuý hơn”
GS Nguyễn Thanh Liêm nhận xét: “Tập thơ “Chập Chờn Cơn Mê” ra đời, và tôi có dịp thưởng thức một tác phẩm độc đáo. Độc đáo vì nó nói lên tâm tư của một con người, nó là tâm tư của Dương Quân”
GS Nguyễn Văn Tương (Tiến Sĩ, Pháp) nhận xét: “Anh là một trong những tâm hồn đầy nhiệt quyết đó, lại có biệt tài diễn tả những suy tư của mình qua những bài thơ đẹp, đầy đủ ý nghĩa, khiến cho độc giả dễ nhận chân tâm hồn thi sĩ của Anh”
Trần Kiêu Bạc (ĐS17/-nhà thơ, California) nhận xét: “Thơ lục bát dễ mà khó hay. Thế mà anh có những bài gây nhiều “ấn tượng” như Điệp khúc Nắng Mới, chợ Huyện Miền Trung, Tháng Giêng…”
Lý Ngọc Chương (ĐS14-Úc) nói lên cảm nghĩ: “Tôi đã khóc khi đọc tập thơ của bạn và đang chảy nước mắt khi viết những dòng nầy….”
Bùi Thị Kim Dung (Orlando-FL,quả phụ Đinh Công Đắc, ĐS14, Cố GS) nhận xét: “ Quyển sách gồm nhiều bài thơ quá hay và rất thắm thía. Tôi nghĩ anh đã tự mình thắp đuốc mà đi trong đêm tối”
Vũ Quang Dũng (ĐS10-CH3-Úc) nhận xét: “Bài thơ “Đêm Giao Thừa Trong trại Cải Tạo Quảng Ninh” trong tập thơ của bạn rất cảm động”
Nguyễn Ngọc Dũ (ĐS10-CHI,CA) nhận xét: “Tập thơ đầy tình cảm, đọc rất xúc động và thấy thơ rất trử tình, đầy nhân tính”
Đỗ Xuân Trúc (Xuân Đỗ, ĐS10, CH3, OK) nhận xét: Tôi đã đọc tập thơ trong xúc động bang hoàng…Chữ nghĩa giản dị nhưng đầy đủ súc tích của anh được diễn đạt dưới một giai đoạn lịch sử đau thương sau tháng 4/75 tại Việt nam. Đọc thơ anh, tôi có cảm tưởng như đọc một bi trường tiểu thuyết sống động…”
Vũ Công Hùng (ĐS14-CH6-CO) nhận xét: An hem ĐS14 rất hãnh diện có anh là người đầu tiên phát hành thi tập. Thú thật với anh, tôi đã khóc khi đọc bài “Lời Cuối” của anh viết về cháu An Xuyên…”
Trương An Ninh (Hoài Việt, ĐS14-CA) nhận xét: “Thơ của Dương Quân cũng “đạt” rồi đáy. Mình cũng tình cờ xem các bài thơ trong những tờ báo khác, các bạn tù gốc quân đội đã nhắc đến tên D.Q”
Nguyễn Tấn Phát (Nguyên Trần, ĐS11-Canada) nhận xét: “ Thú thật tôi đã “mê” anh từ lúc đọc bài “Đêm Giao Thừa Trong Trại Cải Tạo Quảng Ninh” của anh đăng trên Đặc San Hành Chánh Miền Đông. Bài thơ thật nhẹ nhàng thong cảm, đọc xong lòng thấy xúc động rưng rưng….”
Hàn Thiên Lương (nhà thơ, ĐS7.OR) nhận xét: “Ngay bài thơ đầu tiên “Về Bền Mộng” đọc xong tôi “PHÊ” ngay. Ôi tuyệt diệu! Nhìn xuống cuối bài thơ thấy làm từ năm 1960. Trời đất ơi! Gần nữa thế kỷ rồi! Ôi chao! Chắc tại Dương Quân bận rộn trên đường hoạn lộ, đau buồn trên cõi phù sinh, vất vưởng nơi chốn ngục tù. Đó là điều tôi lấy làm tiếc, nếu không trong chốn văn đàn, Dương Quân cũng ngang ngửa với Vương Đức Lệ, Tô Thuỳ Yên, Mai Trung Tĩnh…”
Quách Đại thành (ĐS15, OR) nhận xét: “Đọc những bài thơ anh sang tác từ những năm 60, tôi rất thích thú và ngạc nhiên. Thơ của anh có âm điệu của thơ của Nguyễn Đình Toàn, rất dễ thương, nhẹ nhàng, không cầu kỳ. Những vần thơ là những xúc động thật sự, tôi đọc 3, 4 lần.”
Lưu Văn Trang (ĐS9-CA) nhận xét: “Nhận tập thơ anh gửi tặng, mới đọc được vài bài…hay lắm. Không ngờ nhà thơ lại người ở Biên Hoà. Tôi làm việc ở Biên hoà 10 năm cho tới ngày mất nước, đi tù rồi vượt biên 1984…”
Giáo sư Dương Ngọc Sum (CA) nhận xét: “Năm nay (2005), thầy đã ngoài 70 tuổi rồi, mà vẫn còn đi làm. Té ra, em đồng hương Biên Hoà với thầy. Thầy thích thơ em văn chương bình dị, dễ hiểu, dễ đọc. Thầy không thích những lời văn lập dị, đọc lên không ai hiểu gì cả”
Còn khoảng trên năm mươi người nữa, phần đông là văn nhân, thi sĩ hoặc các giáo sư và các bạn đồng môn của Dương Quân trình bày rải rác trong ba tập thơ nói trên, bằng những lời nhận xét rất chân thật: “Dương Quân làm thơ rất dễ, chữ nghĩa đơn sơ, không cầu kỳ, không gọt giũa…..với nguồn thi hứng dồi dào….”
Riêng tôi nhận xét về Dương Quân: “câu thơ nào cũng hay, lời thơ nào cũng có ý nghĩa, kết thành một chuỗi đan thanh, chứa chan tình cảm, ngập tràn hương sắc … phản ảnh từng góc cạnh cuộc đời của Dương Quân, theo những thăng trầm của đất nước, cũng như trong tình yêu, với những lời thơ dung dị, nhẹ nhàng, bình dân, dễ hiểu như thơ của Nguyễn Bính và Kiên Giang, dễ gây xúc cảm lòng người. Tôi rất cảm phục Dương Quân và sau khi đọc ba tập thơ trên đây, tôi viết đôi vần gởi tặng Dương Quân gọi là chút quà tri ngộ người cùng xứ sở Biên hoà.
Kính tặng thi sĩ Dương Quân, tác giả ba tập thơ
Điểm Hẹn Sau Cùng, Chập Chơn Cơn Mế và Trên Đỉnh Nhớ
Gặp nhau - “Điểm Hẹn Sau Cùng”
Chút duyên văn nghệ cùng chung đất trời
Lê chân xứ lạ quê người
Bâng khuâng đếm những nỗi đời tha phương
Cảm thông cùng một nỗi lòng
Thương dân, yêu nước “Chập chờn Cơn Mê”
Tình “Trên Đỉnh Nhớ” đong đầy
Lưu vong vẫn hẹn một ngày phùng sinh
Những vần thơ của Dương Quân
Lung linh âm hưởng mấy ngàn nước mây
Niềm riêng dằng dặc tháng ngày
Tình nhà nợ nước cuồng say lưng trời
Mái đầu trắng điểm sương rơi
Vẫn còn thao thức những lời hẹn xưa
ĐỌC THƠ DƯƠNG QUÂN
Hôm nay, có dịp đọc Dương Quân
Dù muộn – niềm vui - thoả một lần
Bút pháp tinh vi lời gãy gọn
Câu thơ điêu luyện ý cân phân
Tình nhà trang trải từng cung bậc
Nợ nước cưu mang mấy điệu vần
Giữ tấm lòng son cùng tuế nguyệt
Sắc mầu riêng rẽ của Dương Quân
Nguyễn Kim Lộc
(Chicago, ngày 10-10-10)
No comments:
Post a Comment