TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Friday, April 23, 2021

THÁNG TƯ ĐEN - THƠ TRẦN THUÝ NGỌC , THÁNG TƯ NGẬM NGÙI - THƠ HỒ LONG ẨN



THÁNG TƯ ĐEN
 
THÁNG TƯ ĐEN 
(4-1975)

     Tháng tư là tháng tư nào?
Đạn bay, bom nổ, máu đào tuôn rơi
     Rền vang pháo kích tơi bời
Bình yên bỗng chốc ngập trời hiểm nguy

     Tháng tư là tháng tư gì?
Rừng sâu khỉ, vượn tràn về phố đông
     Bỏ nhà, người chạy chập chùng
Văn minh sụp đổ, anh hùng gãy gươm

     Tháng tư là tháng tư buồn
Giặc vào cướp bóc, thê lương dân hiền
     Giặc vào đốt sách, đổi tiền
Chiếm nhà, đập phá chùa chiền tan hoang

     Tháng tư làng xóm điêu tàn
Hờn căm, uất hận ngập tràn núi sông
     Tháng tư thiếu phụ khóc chồng
Trại “tù cải tạo” đi không trở về

     Tháng tư áo não, ê chề
Triệu người hối hả tính bề vượt biên
     Trùng trùng biển cả oan khiên
Trước hàm cá mập ngửa nghiêng xác người

     Tháng tư đói rạc nơi nơi
Bo bo cho ngựa, nay người phải ăn
     Từ nay xuống kiếp lầm than
Đọa đày dân Việt hàm oan tội gì?

               Trần Thúy Ngọc
             (Vườn Bưởi BH)


THÁNG TƯ NGẬM NGÙI - THƠ HỒ LONG ẨN

Thang Tu Ngậm Ngùi Hồ Long Ẩn.

THÁNG TƯ NGẬM NGÙI

(4-1975)

  

Tháng Tư uất hận ngập trời

Bao lòng ray rứt, bao người xốn xang 

Vẫn chưa vơi nỗi bàng hoàng 

Bốn mươi năm lẻ, lầm than, não nùng!

 

Giặc vào tàn ác điên khùng 

Chúng gieo thảm cảnh hãi hùng triền miên 

Dân lành chịu lắm muộn phiền 

Quê hương đói khổ… ngồi yên sao đành

 

Ngậm ngùi nhớ tháng tư đen 

Lìa quê yêu dấu, bon chen xứ người 

Mong sao con cháu nhớ lời 

Chuyên cần học tập nên người, giúp dân 

 

Chung lòng diệt lũ vô thần

Một loài quỹ dữ, ác nhân bạo tàn

Cứu dân Việt thoát lầm than

Truất sạch bè lũ ác gian về rừng

 

Trời quang thuận bước xuôi dòng 

Quyết tâm đuổi giặc, muôn lòng vùng lên 

Gió lành, biển lặng, sóng êm 

Cờ vàng ba sọc tung lên vẫy chào 

 

Quốc kỳ khắp nước giăng cao

Tự Do Dân Chủ, máu đào thôi rơi

Quê Hương Tổ Quốc bao đời

Việt Nam Hồng Lạc rạng ngời sử xanh.

  

Hồ Long Ẩn

(Tháng 4-2018)




Friday, April 16, 2021

THƯƠNG TIẾC NGƯỜI PHI CÔNG TRẺ - HOÀNG ÁNH NGUYỆT



Thương Tiếc Người Phi Công Tr

  phicong
        Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại 40 năm qua, nhưng những dư âm tang thương từ “Tháng Tư Đen” vẫn còn là nỗi đau vang vọng trong lòng chúng ta, trong lòng từng gia đình, nhất là những gia đình có những người thân yêu đã một thời khoác áo kaki…
   Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Anh, em trai hầu hết là quân nhân. Chồng tôi, Hoàng Ngọc Thái Đại Úy Công Binh, anh Hai Thiếu Tá Pháo Binh, anh Ba Chiến Tranh Tâm Lý, em thứ Năm Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Công Binh, em thứ Sáu Trung Sĩ Pháo Binh, và em thứ Bảy Trung Úy Không Quân. Tất cả những quân nhân trong gia đình đã chiến đấu hào hùng vì lý tưởng, chính nghĩa Quốc Gia, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho một Tổ Quốc Tự Do toàn vẹn.
    Năm 1967, Em tôi, Hồ Xuân Đạt, khi vừa đậu xong bằng tú tài II, dù vẫn được hoãn dich vì lý do học vấn, vẫn tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của non sông. Em đã xếp áo thư sinh, Từ giã học đường, gia đình, bạn bè…gởi lại sau lưng những kỷ niệm, những ước mơ thật đẹp, thật hồn nhiên của tuổi mới lớn.
   Năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức, em được chọn vào ngành Không Quân và được gửi đi Hoa Kỳ thụ huấn khóa đào tạo phi công trực thăng (Helicopter) tại tiểu bang Texas Hoa Kỳ.
   Năm 1970, khi tốt nghiệp em về lại Việt Nam, phục vụ tại phi trường Biên Hòa thuộc Sư Đoàn III Không Quân QLVNCH. Ngay chính nơi chôn nhau cắt rún của mình.
phicong1
Bằng Lái Máy Bay
    Hai năm sau, vì nhu cầu chiến trường, em nhận lệnh thuyên chuyển ra vùng I chiến thuật, công tác tại phi trường Đà Nẵng rất gần với đơn vị của chồng tôi. Khi ấy, chồng tôi, đại úy Hoàng Ngọc Thái, đại đội trưởng đại đội Biệt Lập 127 Cầu Nổi.
 Hàng tuần vào những ngày nghỉ, em hay về nhà tôi chơi trong khu cư xá Phước Tường Đà Nẵng. Chị em có nhiều dịp gần gũi nhau hơn. Em hay kể cho tôi nghe về những chuyến bay tác chiến, những phi vụ tiếp tế và tải thương tại chiến trường về đêm đầy những hiểm nguy mà em tham dự. Về những người lính can đảm đã anh dũng chiến đấu, đã hy sinh bỏ mình cho tổ quốc.
Chiến tranh vẫn tiếp diễn và em tôi, vẫn hằng đêm thực hiện những phi vụ hiểm nguy để yểm trợ, sát cánh cùng chiến hữu các đơn vị để chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương.


phicong2
   Tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Tin tức địch quân sắp chiếm Đà Nẵng làm dân chúng xôn xao, hỗn loạn tìm đường thoát chạy. Trong khu cư xá sĩ quan của Liên Đoàn 8 Công Binh, tôi không làm sao liên lạc được với chồng vì anh đang phải cấm trại tại đơn vị. Vừa lo lắng cho chồng, vừa lo cho Đạt em tôi, vừa lo cho chính bản thân mình và các con. Sau này nghĩ lại, thời gian ấy thật sự đáng sợ và kinh khủng nhất trong đời tôi.
   Bỗng nhiên một buổi sáng trước ngày Đà Nẵng thất thủ, Đạt lái trực thăng đáp xuống khoảng sân rộng trước nhà tôi ở khu cư xá sĩ quan Công Binh Phước Tường. Khi bước vào nhà gặp tôi, trông em có vẻ căng thẳng và lo lắng. Em nói “Chị và các cháu chuẩn bi sẵn sàng. Em sẽ trở lại đón vào phi trường tìm đường về Sàigòn càng sớm càng tốt”.  Nói xong, em quay lưng bước vội về chiếc trực thăng vẫn còn đang nổ máy ngoài sân. Trước khi cất cánh, em nhìn tôi rồi gượng nở nụ cười qua khung cửa gió của con tàu.. Tôi không bao giờ ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Đạt. Cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nụ cười của em tôi. Một nụ cười buồn, rất buồn. Bởi, em chẳng bao giờ trở lại đón tôi như lời đã hứa.
   Ngày 29/03/1975 Đà Nẵng thất thủ.
   Ngày 05/05/1975 với nhiều vất vả, khổ cực, tôi một mình dìu dắt bốn đứa con nheo nhóc từ Đà Nẵng về nhà mẹ ở Sàigòn. Về đến nhà Mẹ thì mới hay Thái, ông xã tôi,  đã có mặt ở nhà Mẹ cả tháng, vì nghĩ rằng chú các cháu ( trung uý phi công Hoàng Ngọc Thịnh lái A37 không Quân QLVNCH) đưa  vợ con vào phi trường Đà Nẵng về Sài Gòn trước rồi, nên trong lúc thất thủ anh cũng vất vả tìm cách về Sài Gòn, anh có ngờ đâu vợ con anh còn kẹt lại Đà Nẵng. Bỏ ăn, bỏ ngủ với thân hình tiều tụy, vì nhớ thương vợ con, anh đã không từ một xác trôi nổi nào được tấp vào bất cứ bãi biển, bến tàu nào anh cũng tìm đến nhìn mặt xem có phải vợ con mình không, anh lang thang khắp nơi như người mất hồn.Tôi cũng không gặp được anh vì anh đã đi ngược ra Đà Nẵng tìm vợ con sau một tháng trời mất liên lạc. Giữa đường anh bị bắt, bị bịt mắt còng tay ra sau lưng, bị dẫn độ đi ngày đêm trong rừng sâu, và từ đó anh bặt tăm, một lần nữa tôi lại đi tìm chồng, không biết địch có để cho anh sống hay chúng đã giết anh rồi…Nhưng may mắn anh còn sống.  Tôi đã gặp anh và anh đang bị tù mãi tận trong núi Kỳ Sơn Quãng Nam…
        Ngày tháng trôi qua cả nhà tôi lại tiếp tục đi tìm em trai Đạt, hết trại tập trung này đến trại cải tạo kia, vẫn không nơi nào có tên em, cứ tưởng Đạt bay đi được ra khỏi Việt Nam và đang tị nạn ở Hoa Kỳ, Canada hay một nước nào đó trên thế giới, không ngờ đến tháng  11/1975  một anh quân nhân VNCH cùng đi trên chuyến bay định mệnh, sau khi máy bay bị bắn rớt, anh bị bắt đi tù gần 8 tháng về kể lại:
        Máy bay cất cánh vội vàng với số lượng quá tải, cũng cố cất cánh bay cao rời khỏi phi trường Đà Nẵng với bao nhiêu người trên chuyến bay định mệnh trong những giờ phút mà đạn pháo quân thù bay ra xối xả, Đạt có ngờ đâu đó là phi vụ cuối cùng của cuộc đời binh nghiệp…
        Khi phi cơ bay qua vùng Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định thì bị một loạt mưa đạn AK của địch từ phía dưới bắn lên nhắm ngay buồng lái, Đạt bị trúng thương, người phi công nữa vào thay cũng bị bắn, trong lúc Đạt bị bắn trọng thương anh lính đã chăm sóc, Đạt biết mình không thể sống, nên đọc địa chỉ nhờ nhắn tin về nhà, cả hai phi công đều tử nạn, chiếc trực thăng không người lái, bay chúi xuống ruộng, sát chân núi. Những người trên chuyến bay còn sống đã bị địch bắt…
        Vẫn giữ lời, sau khi ra tù anh quân nhân tốt bụng, đã tìm đến tận nhà báo tin về chiếc phi cơ của Đạt bị địch bắn và rơi xuống vùng Bồng Sơn (Bình Định) ngày 27/03/1975 như tôi đã kể trên. Và chỉ rõ địa điểm máy bay lâm nạn.
         Quá bất ngờ lẫn đau sót và vô cùng bối rối, và cũng vì anh lính vội vã về gia đình nên anh lính chỉ báo tin cho biết và đi ngay, cả nhà tôi nghe tin sét đánh, đã lặng người, không còn nghe thấy gì, không còn nhớ tên anh lính cũng như địa chỉ hay quê quán nơi anh cư ngụ…
        Theo lời anh lính chỉ đường, tôi và Má tôi đi xe đò ra Bồng Sơn, mặc dù không rành đường, nhưng khi xe chạy gần đến nơi tôi linh tính như có ai dẫn đường, tôi kêu xe ngừng lại đúng ngay địa điểm chiếc máy bay vẫn còn nằm dưới đám ruộng tuốt trong xa, gần chân núi, chỉ cần sơ ý xe chạy lướt qua, coi như không thể tìm thấy.
           Xuống xe quan sát, tôi nhìn thấy ngay nấm mộ đất dưới bờ ruộng, sát lề đường QL.I. ,không mộ bia. Hai bên đường là ruộng, xa xa mới có một căn nhà. Má và tôi tìm đến căn nhà gần nhất để hỏi thăm, cũng may mắn chính ông chủ căn nhà là một trong số những người dân ở đó chôn em tôi khi bị nạn giữa đường mà không có thân nhân… Mộ em nằm cách nhà ông khoảng 50 m. Thuộc thôn Vân Cang, Xã Hoài Đức Huyện Hoài Nhơn, Tỉnh Bình Định.
        Ông chủ nhà rất tử tế, khi được biết chúng tôi đi tìm mộ người thân, ông mời Má và tôi ở lại nhà ông,vì khi tìm đến nhà ông trời cũng đã chạng vạng. Một căn nhà tường xây thật lớn, coi như ông là người khá giả nhất vùng đó, tắm rửa xong, ông mời dùng cơm, một bửa cơm thịnh soạn, thật cảm động, ông kể:
        Khi máy bay rớt ông là người đứng ra chôn cất em tôi và một phi công nữa cùng bị nạn chung trên chuyến bay này. Nhưng anh phi công đó được gia đình biết sớm nên đã di dời về quê. Đêm đó ông lại nhường phòng ngủ của ông cho hai má con tôi ngủ, cái đặt biệt nữa là cái bóp của Đạt, tôi đã nhận ra ngay vì khi em tôi du học Mỹ em mua về sử dụng tôi có biết cái bóp da có hình đầu con Ngựa được đóng nổi. Trong bóp lại còn có tấm hình em mặc bộ đồ bay, tôi mang ra và xin phép ông được nhận lại kỷ vật…Ông rất vui vẻ. Ông cho biết khi ông chôn cất em tôi ông giữ lại kỷ vật này, ông vẫn để trên đầu giường (giường hộp) của ông.
        Sáng hôm sau, Má tôi nhờ ông làm dùm tấm bia bằng gổ cắm trên mộ em tôi. Vì mộ mới nên không thể hốt cốt mang về. Và lần gặp này gia đình tôi rất mang ơn ông, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn ông và các con ông đều ghé nhà chơi.
         Năm năm sau Má tôi trở ra Bình Định hốt cốt em về và hỏa thiêu, sau đó gửi cốt vào chùa, Đạt mất khi em mới 25 tuổi.
         Cái kỷ niệm đau thương, buồn rầu ấy cứ mãi đeo đẳng theo tôi đến tận bây giờ, trong trí tôi lúc nào cũng hình dung cái chết tức tưởi, đau đớn của em mình và trong lòng tôi như có một vết thương chưa lành hẵn…
        Bài viết này, tôi ôn lại và ghi lại những gì tôi còn nhớ, những gì tôi được biết. Tôi chỉ còn nhớ và chắc chắn là không đầy đủ chi tiết.
         Đã 40 năm qua, thời gian cứ trôi, bao kỷ niệm cay đắng vẫn còn, càng cố quên  hình ảnh đứa em thân thương đó tôi lại càng cứ nhớ, càng  yên lặng là lúc hồn tôi miên man nhớ về quá khứ, cái quá khứ đau xót mà gia đình tôi nhận lấy.
         Có nhiều kỷ niệm, kỷ niệm vui buồn, nhiều thứ để quên, nhưng nỗi đau mất mát này không thể nào phai nhạt. Đạt là đứa em gần gũi tôi nhiều nhất.
         Chiến tranh qua đi, là một nỗi đau hằn sâu vết thương lòng cho những người còn lại, sau cuộc chiến là sự mất mát tang thương, bao nhiêu người con yêu của tổ quốc đã xong nợ xương máu không trở về, bao nhiêu quả phụ chít khăn tang khi mái tóc còn xanh, trở thành góa phụ ngây thơ với nỗi buồn và sự mất mát to lớn.
         Không có người Mẹ, người vợ nào trên thế giới lại không tan nát trái tim, trước sự mất mát quá lớn này, sự ra đi vĩnh viễn của những người con, những người chồng, người cha của mình “Vị Quốc Vong Thân” ! Đã hy sinh một cách âm thầm.
        “Tổ Quốc Không Gian”, vùng mây trời mênh mông bao la đã vương giọt máu đào của em tôi, của Đạt, của những người anh hùng nghiêng cánh sắt. Cố bảo vệ, gìn giữ quê hương, đã đem sinh mạng đổi lấy hai chữ “Tự Do”.
        Hồ Xuân Đạt một phi công trẻ của QLVNCH, đã chết vì quê hương, dân tộc. Là người thanh niên Biên Hòa, lớn lên trên dãy giang sơn hoa gấm thân yêu hình chữ “S”, một đất nước hiền hòa đầy tình dân tộc được dựng xây bằng xương máu của các bậc tiền nhân bốn ngàn năm văn hiến, sẽ mãi mãi làm trang sử QLVNCH đời đời sống dậy và người lính Việt Nam Cộng Hòa sẽ không bao giờ chết.
        Xin chân thành biết ơn những anh em Thương Phế Binh VNCH đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, cho chúng tôi còn được nguyên vẹn. 
        Xin chân thành gởi nén hương lòng “Tưởng Niệm” đến những Anh Hùng QLVNCH. Những người nằm xuống trong cuộc chiến, những người tuẫn tiết vì quốc nạn 30/04/1975 và những người ngã gục trong lao tù cộng sản. Những Anh Hùng Bất Tử trong dòng lịch sử Việt Nam. 

Hoàng Ánh Nguyệt
(San Jose 2015)



Sunday, April 11, 2021

CHIỀU MƯA - THƠ DƯƠNG QUÂN







CHIỀU MƯA
 (Gởi người bên kia)



Chiều giăng mây xám lưng trời
Giọt mưa rả rích cho đời buồn tênh
Vi vu gió hú đầu cành
Hỏi người bên ấy tâm tình có vui?

Ở đây mưa rất ngậm ngùi
Vắng tanh chẳng thấy bóng người thoáng qua
Giọt mưa lạnh buốt hiên nhà
Vần thơ cũng đẫm xót xa ngôn từ.

Nhớ về lời dạy cổ thư
Anh hùng cũng lụy bên bờ mỹ nhân
Quẩn quanh trong chốn hồng trần
Đời sa cơ đã bao lần ướt mưa.

Hỏi rằng: Cội phúc nghìn xưa
Vụng tu sao lại đổ thừa căn nguyên?

Cầu mong người được ấm êm
Gió mưa xin để dành riêng phương này
Chia ly là biển đọa đày
Nhớ thương là mộng chất đầy trang thơ.

Biết ai hứa hẹn mà chờ
Như mưa chiều vẫn mịt mờ không gian
Hạt mưa gội những phai tàn
Héo hon tình sử, ngổn ngang cõi buồn.

Nhạt nhòa lịm tắt hoàng hôn
Hỏi người có lạnh những cơn mưa chiều?
 
 


DƯƠNG QUÂN




Thursday, April 8, 2021

LỜI HẸN SAU CÙNG - THƠ DƯƠNG QUÂN


 LỜI HẸN SAU CÙNG

QUEHUONG

Ta đã chết mấy lần, rồi sống lại
Không yên tâm về ngụ ở Thiên Đường
Bởi ta phải chờ em sang kiếp khác
Lại gặp nhau và tiếp nối yêu thương

Ta đã chết đêm qua, khi trăng lặn
Khi em về hứa hẹn giấc trăm năm
Ta đau nhức bởi vết thương trần thế
Nặng tình em nên hụt bước Niết Bàn

Ta còn nợ làm người chưa trả đủ
Nợ non sông, nợ kinh sử, nợ tình
Ta quay cuồng, ngập chìm trong bể khổ
Ta đi tìm toàn những thứ linh tinh

Ta đi tìm hoa tươi trong nắng hạ
Ta muốn nghe chim hót buổi đông tàn
Ta thèm ngắm bình minh ngày giông bão
Nên hoài công dẫm mãi lối gian nan

Ta đi tìm thủy chung trong phản bội
Còn chút nào cay đắng nữa không em?
Xin hãy quên lời đầu môi chót lưỡi
Thôi kiêu sa, trở lại nếp ngoan hiền

Và cũng thôi cho ta hi vọng ảo
Rằng, thì, là...mưa nắng, tuyết sương giăng
Củ cà rốt treo trước đầu con ngựa
Ta chạy theo rời rã cũng muộn màng

Nhớ xưa kia, ta có thừa uy dũng
(Anh hùng nào không lụy cửa mỹ nhân)
Sao giờ đây, ta yếu mềm điêu đứng
Tôn thờ em như thánh nữ giáng trần

Em nhớ không? Còn tuổi nào để đếm
Chỉ chờ nhau cũng đã hết kiếp người
Ta sẽ làm con sói già đơn độc
Để nhìn xem trái đất lúc ngừng xoay

Ta đến đây, đường nhân gian đã hết
Cõi trần ai ta nếm đủ đau buồn
Hẹn ngày kia, em hãy cùng ta chết
Để cùng nhau về thế giới yêu thương


          Dương Quân



Thursday, April 1, 2021

TÌNH THẾ GIAN - THƠ DƯƠNG QUÂN


buoi_sang_hong-large-content


Tình Thế Gian


Xưa ta làm rễ trên trời

Bị đày rơi xuống làm người tình si

Ta khờ nên chẳng biết chi

Đường trần khúc khuỷu ta đi lạc loài


Tình cờ gặp gỡ em đây

Hỏi: Xưa có phải chung dây tơ hồng?

Em rằng: Chẳng nhớ Có – Không

Nhìn xem nét mặt thấy chừng quen quen


Ta đòi hôn thử má em

Em rằng: Đã có chồng em hôn rồi

Ta đòi hôn thử đôi môi

Em rằng: Chỉ sợ nụ cười héo hon


Ta xin nắm cổ tay tròn

Em rằng: mắc bận lũ con quây quần

Ta xin hôn dưới bàn chân

Em rằng: HÔN ĐƯỢC – chớ lần lên trên!


Ta về nằm ngủ giật mình:

Mùi bàn chân cũng thắm tình thế gian


Dương Quân