TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Thursday, March 17, 2016

CHUYỆN TÌNH NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC BÀI CỦA HOÀNG ÁNH NGUYỆT


Chuyện Tình Năm Mươi Năm Trước

 

Chiều nay, một buổi chiều đẹp trời. Mùa xuân đã thật sự trở về. Ánh nắng chiếu rực rở khắp Thung Lũng Hoa Vàng. Bầu trời dường như cũng trong hơn, xanh hơn, từng mảng hoa Poppy, hoa Mustard nở rộ khắp các cánh đồng, sườn non…lộng lẩy một màu vàng tươi dưới ánh mặt trời, rung rinh trong nắng, thỉnh thoảng những làn gió nhẹ mang hơi lạnh về…

Hôm nay, ngồi một mình. Lòng tôi cảm thấy rung động lạ kỳ…Làm tôi chợt nhớ cái thuở học trò. Tuổi thơ trong trắng, có hoa, có bướm, đẹp như một bức tranh…Và như có những thúc dục vô hình đánh thức trong tôi những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, hồn tôi miên man nhớ về quá khứ, nhớ lại quê hương Biên Hòa thời hoa mộng.

Trong cuộc đời có nhiều thứ để quên, nhưng tình yêu thuở hoa niên khó mà phai nhạt…

Năm mươi năm về trước tôi là một học sinh của trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa. Ở lứa tuổi cắp sách đến trường, được mặc áo dài đi học, tôi cảm thấy mình đứng đắn hơn một chút và tuổi hoa mộng cũng bắt đầu từ đây.

Nhà tôi ở cách trường không xa, tôi có ba chị em gái, Mẹ tôi khéo sinh nên ba chị em tôi người nào cũng dể thương, các anh chàng sĩ quan gọi thân thương ba chị em tôi là quán Ba Con Thỏ, nhà tôi là một quán bán thức ăn có thương hiệu là quán Cháo Lòng Huỳnh Của tọa lạc tại số 174 đường Trịnh Hoài Đức Biên Hòa. Nhà lại ở gần sân bay Biên Hòa và gần Quân Đoàn nên cũng là nơi thường xuyên lui tới của các anh chàng sĩ quan sau những giờ làm việc ngoài công trường, hay sau những cuộc hành quân gian khổ trở về, hầu như đều ghé quán cháo lòng của gia đình tôi để thưởng thức những món ăn ngon: cơm, bún, cháo…Hoặc uống bia, sinh tố, cà phê…

Tôi còn nhớ lúc đó quy vị giáo sư trường Ngô Quyền nhà ở Sài Gòn trưa nào các Thầy cũng ghé Huỳnh Của dùng cơm, rồi trở lại trường dạy tiếp.

Ngoài những buổi đến trường về nhà, chị em tôi cũng phụ gíúp gia đình buôn bán, ba chị em tôi được rất nhiều anh sĩ quan của nhiều binh chủng, đem lòng thương mến, hầu như ngày nào các anh sĩ quan cũng đến quán, có khi ăn mà cũng có khi đến chỉ để uống ly sinh tố hay cà phê rồi về…

Năm đó tôi được một anh sĩ quan ngành Công Binh Kiến Tạo để ý, hằng ngày anh đến quán, mỗi lần anh đến anh hay đi cùng với anh đại úy Đại Đội Trưởng của anh, lúc nào anh cũng mang cho tôi những tờ báo, những quyển truyện, dần dần quen thân, lúc đó tôi xem anh như người anh của mình, gia đình tôi có nhiều con gái nên cũng khắt khe, chị em tôi chưa dám yêu đương chỉ biết lo học.

Sau thời gian dài anh lui tới thân mật với gia đình, cả nhà tôi ai cũng thương anh, cứ mỗi lần anh đưa quyển sách thế nào trong đó cũng có lá thư, nhiều lần như vậy anh vẫn không thấy tôi trả lời. Tôi biết chắc rằng anh đã mến thương tôi, qua lời thư cũng như cung cách thể hiện, và qua nhiều ngày tháng theo đuổi, chắc anh nghĩ nếu anh không mạnh dạn có thể anh sẽ thất bại vì anh cũng nhìn thấy rất nhiều anh chàng sĩ quan hằng ngày trồng cây si…

Anh nhất quyết phải chiếm tình cảm tôi bằng mọi giá, và tôi phải trở thành vợ anh cho bằng được, nên anh đã cùng các bạn sĩ quan trong đơn vị dựng chuyện để thử lòng tôi…

Môt hôm các anh bạn sĩ quan hớt hải chạy xe Jeep ra nhà báo cho tôi biết:

-         T. Vì thương yêu N. quá mà N. không đáp lại …anh T. không suy nghĩ …và hiện giờ anh đang hấp hối…

Lúc đó tôi sợ quá, các anh bạn sĩ quan gợi ý và muốn đưa tôi vào thăm anh ngay, tôi đã đi theo không đắn đo…Tuổi học trò là như vậy đó, cứ sợ anh chết vì yêu mình thì mình sẽ hối hận suốt đời, nhưng ngược lại điều lo sợ anh “chết” của tôi chỉ là màn kịch, các bạn sĩ quan cùng đơn vị, vì thấy anh thương tôi thật lòng và anh cũng là một sĩ quan hiền lành, một người bạn dễ mến, nên họ muốn tạo điều kiện, dựng chuyện anh “giả chết” vì họ biết rằng con gái hay nhẹ dạ cả tin…Tôi quá ngây thơ nên cũng nhờ vậy mà tôi có một người chồng tốt, suốt cuộc đời hy sinh vì vợ vì con…

Sau đó chúng tôi đáp ứng mối tình này một cách chân thành. Thế là một đám cưới trang trọng được tiến hành với đông đủ họ hàng hai bên…

Chúng tôi yêu nhau, đến với nhau bằng mối tình đầu, thật đẹp, thật hồn nhiên. Anh đã mang đến và anh đã cho tôi hiểu cái giá trị của tình yêu, với những rung động đầu đời, những kỷ niệm bên nhau. Anh đã tôn trọng cái quý giá nhất của đời tôi và anh cũng đã cho tôi cái cảm giác của người con gái lần đầu mới biết yêu…

Nhờ cái bẩy “chết giả” đó mà tôi với “ông chồng đại úy Công Binh Kiến Tạo” sống với nhau đã gần năm mươi năm, có bốn mặt con, các con tôi tất cả đều đã trưởng thành, anh đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc vô biên, chúng tôi luôn cảm nhận hạnh phúc được sống bên nhau, một người chồng hoàn hảo, một người cha thần tượng mà các con tôi luôn hãnh diện mỗi lần nhắc nhở.

Tuy nhiệm vụ của người lính rất nặng nề, nhưng anh lúc nào cũng lo chu toàn, xây dựng một gia đình chung thủy, gương mẫu, hạnh phúc.

Năm mươi năm trước, anh và các bạn anh đã dựng màn kịch”chết giả” để chụp con thỏ của quán cháo lòng Huỳnh Của, là cô nữ sinh Ngô Quyền đã trở thành vợ của anh đại úy Công Binh Kiến Tạo. Rồi tiếp theo  anh Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng CBKT lại chụp thêm một con thỏ em (con thỏ nhỏ). Con thỏ chị lớn nhứt thì bị anh chàng Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh rước về dinh, các anh tài thật, rốt cuộc ba con thỏ của quán cháo lòng Huỳnh Của sụp bẩy các anh sĩ quan, …Trở thành vợ và có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc, con cái thành đạt. Sau bao nhiêu thăng trầm đổi thay của cuộc sống, các anh vẫn trọn vẹn, sống chung thủy, vẫn một lòng.

Nhưng năm mươi năm sau anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại tôi và các con thương tiếc khôn nguôi.

 Tôi đã làm bài thơ Tưởng Nhớ , dâng hương linh anh như nén hương lòng tưởng niệm:

 

TƯỞNG NHỚ
Kinh dâng  hương linh Anh HOÀNG  NGỌC THÁI

Anh đã trả xong nợ thế rồi
Trở về cát bụi giữa trùng khơi
Non bồng nước nhược anh yên giấc
Đau xót lòng em… vắng bóng người!

 
Di ảnh còn đây, anh ở đâu?!
Trời cao vời vợi mấy tinh cầu
Nhìn vầng mây xám lòng đau thắt
Thương nhớ về anh dạ thảm sầu

 
Anh đã ngàn thu giữa cõi trời
Tình thương con, vợ hẳn chưa nguôi
Đã từng tận tụy thân bao quản
Anh sống vị tha suốt cuộc đời

 
Yên giấc ngàn thu biệt bạn vàng
Đau lòng em lắm… quấn vành tang
Còn đâu năm tháng cùng anh bước
Qua khúc gian truân, nỗi đoạn trường

 
Tâm Kinh, em tụng  tiễn đưa anh
Phật chứng lòng  em sự chí thành
Nâng nhẹ hồn anh về cõi Tịnh
Niết bàn Cực Lạc chốn siêu sinh.

 
Hoàng Ánh Nguyệt
(Tháng 09/12/2009)

 

Hình ảnh anh ngự trị trong tôi vẫn chưa phai mờ trong ký ức và cho mãi đến bây giờ, đêm nào tôi cũng mộng mị, những ngày tháng sống bên nhau tôi luôn trân quý tình yêu anh dành cho tôi.

Nhớ lại những kỷ niệm, cảm giác cứ lâng lâng, cứ chập chờn trong từng giấc ngủ, càng nhớ lại, ôn lại dĩ vãng với tất cả niềm thương tiếc. Cho thấy tình yêu của anh dành cho tôi là như thế nào…

Tôi sẽ nuôi mãi trong hồn mình tất cả những hình ảnh thương yêu. Của  năm mươi năm chung sống hạnh phúc…

Cuộc đời là một thay đổi không ngừng, là một con đường dài, nối tiếp, nối tiếp mãi cho đến tận cùng.

Cuộc sống muôn nghìn đời là một định luật , mà chúng ta đành phải chấp nhận, với bao nhiêu những đổi thay của cuộc đời, những kỷ niệm

vui buồn. Nhiều lúc tôi ngồi suy tư, thầm nghĩ mọi chuyện cứ tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua.

Cuối cùng, ngoài bảy mươi tuổi anh đã “chết thật”. Sau cơn bịnh ngắn ngủi, để lại thương tiếc cho vợ con, người thân, bạn bè và đồng đội.

Tuy rằng anh đã đạt được tuổi thọ, nhưng chưa phải là trường thọ.

Mới đó mà anh ra đi đã ba năm rồi. Tháng năm trôi qua, tôi đã trải qua biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn. Mỗi ngày đi qua, những nỗi vui buồn ấy lại trở thành kỷ niệm, để rồi chìm đi giữa những âu lo của đời sống hiện tại, để tôi nhận ra rằng chính những kỷ niệm ấy đã xây thành tình yêu và cuộc sống năm mươi năm tràn đầy hạnh phúc…

Tôi biết nói bao nhiêu lời cho đủ. Tôi chỉ còn biết bám víu lấy định mệnh để vui sống và để nhớ…

Hoàng Ánh Nguyệt

(San Jose 2009)

 

No comments:

Post a Comment