TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Thursday, June 30, 2022

CHIỆN XÓM TUI - TRUYỆN NGẮN HỒ XUÂN NGỌC


HỒ XUÂN NGỌC 



Chiện Xóm Tui (1)
   (về những người hàng xóm dễ thương của tui ở quận 10))


  Bé LAN
   Hai chú cháu cùng sàng tuổi nhau, nhưng Đông phải kêu tui bằng chú theo vai vế trong họ nội. Tuy là chú, nhưng khờ hơn thằng cháu nhiều lắm. Tui lúc đó còn đi học, khờ khạo ngu ngơ, Đông đã là trung sĩ quân cảnh vừa được thuyên chuyển từ Phú Quốc về làm công vụ ở quận 10 khu nhà tui. Mỗi cuối tuần, Đông dẫn người chú khờ khạo này đi uống bia miễn phí ở các quán bia ôm trong khu vực. Các chủ quán đâu có...ngu mà tính tiền, bộ muốn đóng cửa quán chắc?
   Một hôm, khi chú cháu uống đã ngà say. Đông hỏi:
   - Chú Út lác...ý quên. Chú Út có bồ chưa?
   Mèn đét ơi...tui có tật hơi biếng tắm nên lâu lâu cũng bị...lác sơ sơ. Nói có thần…Tài làm chứng, tuần nào cũng tắm…một lần chớ đâu có phải là hỏng tắm? Ở nhà nói nhỏ nhau nghe cũng hỏng sao. Ai đời, đương ngồi giữa nơi thanh thiên bạch nhật, bên cạnh có mấy người đẹp bia ôm đương đá lông...chân với chú nó, mà nó lại khai báo rõ ràng...đời tư của tui. Thiệt là thằng cháu trời đánh.... Vuốt giận, tui trả lời:
   - Thì cũng có một cô bồ mới quen gần nhà. Có gì hong?
   - Hun hít gì chưa?
   Mèn ơi, tui mới xuất chùa chưa bao lâu(tui xuất gia vài năm ở trong chùa), đương tập sống lại với những sinh hoạt đời thường. Có bồ đã là chiện lớn rồi, nói chi tới chiện hun hít? 
   - Chưa biết hun. Tui ngựơng ngùng trả lời.
   - Bồ chú là ai vậy?
   - Cô Lan cùng xóm.
   Đông trợn mắt nhìn tui:
   - Lan...lác con bà Tám hả?
   Cũng...lác nữa. Chẳng là như vầy: xóm tui có cô đó tên Lan, ngừơi cao gầy nước da trắng trẻo, mặt mày đẹp gái, mà chắc cũng hơi biếng tắm như tui, đứng đâu gãi đó, nên mới có biệt danh Lan...lác. Hai cuộc đời cùng cảnh ngộ, hai tâm hồn cùng…ngứa ngáy, nên khi gặp nhau Lan lác...cua tui là dính liền. 
   Đông biết tui còn ngáo ộp, chẳng bù với nó đời lính phong sương, tình yêu đầy đường, nên dạy khôn thằng chú:
   - Con nhỏ đó cũng đẹp gái đó chú! Vậy, để cháu chỉ cho chú vài chiêu đem thực tập với cổ nhen!
   Ực thêm nửa ly bia, Đông nói tiếp:
   - Đầu tiên, cháu sẽ chỉ cho chú cách hun môi. Chú phải le lưỡi liếm môi cổ...rồi...rồi...
   Đông vừa giải thích vừa diễn tả. Thỉnh thoảng bị khô...cổ lại nốc thêm vài ngụm bia để lấy trớn...
   Hai ngày sau...
   Buổi tối, tui hẹn Lan ra công viên để thực tập bài học từ thằng cháu. Vừa hồi hộp, vừa run rẩy trong bóng tối chập chờn dưới tàn cây cổ thụ. Sau một hồi tâm sự bằng…tay, Lan nhắm mắt ngửa mặt chờ tui. Nhớ lại bài học của thằng cháu “...từ từ le lưỡi, nhắm mắt rà xung quanh vành môi của Lan, rồi đưa lưỡi vào...”. Tui nhắm mắt, run rẩy trong bóng tối, thực hành bài học của thằng cháu. Ủa? Sao bờ môi cuả em Lan chai ngắc mà...mặn chát vậy cà? Định mở mắt ra nhìn cho kỹ thì nghe một cái...bốp vô mặt. Nói thiệt, trong đời tui chưa bao giờ bị một...chưởng đau như dzậy. Chưa kịp hoàn hồn thì nghe giọng Lan rít lên trong bóng đêm như từ cõi...âm vọng về:
   - môi người toa hỏng hun đi hun...lỗ tưa…nhột muốn chếch. Về kiếm thầy hạc(học ) đi. Đồ quỉ sứ.
   Nói xong, Lan xoay mình quày quả bỏ đi, để mặc tui đứng một mình trong bóng đêm với dư âm...ê ẩm vì cú tát nặng...ký của nàng.
   Vài ngày sau...
   Đang ngồi gãi...lác đã quá thì nghe tiếng bấm chuông. Sáng sớm ai tới đòi...nợ dzậy trời? Vừa hé cửa dòm thử, thì bác Tám, mẹ Lan, mặt hầm hầm đẩy cửa bước vô, hỏi:
   - Moá mi mô?
   Bác Tám người Tam Kỳ miệt ngoài, dọn nhà vào định cư ở xóm tui cũng được vài năm.
   - Dạ...có chiện dzì hong bác?
   - kêu moá mi roa gặp tau.
   - Dạ...má con đi chợ rồi bác Tám.
   Má Lan ngần ngừ nhìn tôi, nói:
   - Tau hỏa(hỏi) mi. Mi lồm cứa chi moà con Lon(Lan) về nhoà ơm lỗ tưa(tai) khóc miết rứa?
   Trời đất! Chắc Lan đã khai báo thật thà với mẹ nó rồi. Tôi giả bộ ngây thơ:
   - ủa, sao dzậy bác?
   - Tổ choa mi. Còn mún chối hỏa? Con Lon đoã khưa bố hết với tau rầu...hén nói mi lòm hén...viêm một bên lỗ tưa. Về nhoà hén cứ ôm lỗ tưa kêu tên mi rầu khóc miết...hén nói hén thương mi-nói đến đây, bác Tám chợt dịu giọng-Thâu, hưa đứa mi thương nhau thì boác cũng hợp ý. Có gì để boác nói chuyện với moá con rầu tính, hỉ!
   Trời đất! Chiện lớn à nhen! Bác Tám là người miền Trung thật thà, còn theo phong tục ở ngoải, hể trai gái kết nhau thì gả, chớ hong hề nghĩ tới chiện tuổi mới lớn chỉ yêu đương bồng bột, vớ vẩn. Chà, cú này chắc tui phải kiếm đường...đào tẩu quá! Ai mà dè chiện giởn chơi con nít lại thành đại sự như dzậy? Chiện này cũng tại thằng Đông, đứa cháu ôn hoàng dịch vật xử bậy mà ra nông nổi. 
   Nói dzậy mà cả tháng sau cũng hỏng thấy bác Tám qua nhà nói chiện với má tôi. Hàng ngày Lan vẫn đi ngang nhà tôi, vừa rờ lỗ tai, vừa liếc mắt nhìn tôi tình tứ qua khung cửa. Đôi lần muốn hẹn Lan ra công viên để thử…phổi lần nữa, nhưng nhớ lại cú Như Lai Thần Chưởng của Lan làm tôi...hãi quá.
   Một hôm đi học về, mở cửa ra thì thấy lá thơ của Lan nhét qua kẹt cửa. Mừng qúa. Lần đầu nhận được thơ Lan, hỏng mừng sao được? Không kịp thay đồ, chạy vội lên lầu để nghiên kíu ngay lá thơ tình. Thơ Lan viết như dzầy:

   “Anh Út mến,
   Khi anh đọc những dòng chữ này thì em đã thuộc về người khác rồi(híc híc). Ngày này tháng sau, em lên xe...lam về nhà chồng(híc híc). Em xin lỗi đã làm anh buồn lòng. Xin anh hãy gắng quên em và coi em như một người em gái của anh. Xin anh hãy bảo trọng, giữ gìn sức khỏe. Cố gắng học hành để đạt được một tương lai sáng lạng, chứ bây giờ thấy anh...lêu bêu quá. Anh Út, chồng tương lai của em cũng tên Út. Út thợ may chứ hỏng phải Út...lác như anh. Người ta nghề nghiệp đàng hoàng. Không như anh, nghề hỏng có, mà nghiệp cũng hong. Chỉ có...lác là nhiều thôi. Chồng sắp cưới của em có tiệm may ở ngã ba ông Tạ, cũng gần đây thôi anh à! Dù ảnh hỏng đẹp trai bằng anh, nhưng ảnh có kinh tế, biết chìu chuộng em. Ảnh còn biết...hun em đủ...chổ hết. Còn anh, anh chỉ biết hun...lỗ tai em thôi. Người có ăn học như anh mà sao ngáo quá vậy trời?
Thôi, thơ ngắn tình dài, vài hàng từ giã với anh. Chúc anh nhiều may mắn trên đường học vấn. Nhớ giữ sức khỏe và nhớ sau này có quen cô nào thì đừng có hun lỗ tai người ta, hong thôi là mất bồ đó anh.

Em Lan
   Tái bút: ngày cưới, em sẽ mời anh dự. Đi cưới, anh đừng mua...đồng hồ treo tường tặng em. Vì đám cưới nào cũng thấy khách mời mua toàn...đồng hồ treo tường hết. Mong anh đi cưới bằng ...tiền mặt hoặc...vàng ba số 9. Như vậy sẽ tiện cho em. Em cám ơn anh...trước. À quên...hôm trước anh còn thiếu em...năm trăm. Xin anh đừng quên bỏ luôn vô bao thơ đi cưới. Đội ơn anh vô cùng.”
***
Anh TÔN
   Ngày cưới của Lan, tôi...trốn luôn vì ...mậu lúi. Không tiền đi cưới, lại thiếu nợ nàng...chường mặt tới để Lan tặng cho một...chưởng nữa là banh đời trai. Buồn tình, ra quán cà phê của anh Tôn Lề đầu hẻm kêu xị rượu đế giãi sầu.
   Quán ế, đang ngồi...ngáp chờ khách, thấy tôi,  anh Tôn Lề mừng ra mặt.
   - Mấy bữa nay đi đâu hỏng thấy mày ghé qua dzậy Út? Sao mặt mày buồn dzậy?
   - Cho em xị rượu thuốc đi anh Tôn.
   Anh Tôn cười cười, hỏi:
   - Hà...hà...bị đứa nào bộp...tai nữa hả Út?
   - Biết rồi còn hỏi…
   Đặt xị rượu xuống bàn, anh Tôn kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Mặt anh ra chìu nghiêm trọng:
   - Có gì từ từ nói tao nghe. Đừng vì ba đứa con gái lôm côm mà say sỉn hư đời nhen mậy!
   Mèn ơi...nghe ảnh nói mà đương buồn cũng muốn thất cười. Bản thân ảnh cũng vì mấy cô gái...lôm côm mà bây giờ chỉ còn có chín...ngón tay. Giờ, muốn dạy lại tui?
   Chẳng là ngày xưa ảnh yêu chị ba Lề bán hột vịt muối ở cầu ông Lãnh. Hai người thề non hẹn biển, đùng một cái, chị Lề ôm cầm sang thuyền khác. Anh Tôn đau lòng lận dao phay vô cạp quần, rủ tui cùng đi tới gặp chị ba Lề, trước ngày chỉ lên xe…bông. Rồi, trước mặt chị, anh để ngón tay lên cạnh bàn, rút dao phay phập xuống cái…bụp đứt lóng tay trỏ( chắc cũng mượn cớ trốn…lính). Anh Tôn thề:
   -Có mặt đèn làm chứng, Tôn vì Lề mà chặt đứt ngón tay. Thề, suốt đời hong yêu ai nữa.
   Báo hại, tui phải hốt hoảng chạy ra kêu xe  taxi, rồi cùng chị ba Lề chở ảnh thẳng vô nhà thương Sài Gòn trước bồn binh chợ bến Thành(sau vụ này, tui về kể lại cho bà con nghe, nên xóm tụi tui mới đặt cho ảnh biệt danh là “Tôn vì Lề.” Thét rồi ai cũng quen miệng kêu tắt là anh Tôn Lề).
   Giờ nói tới cái vụ xe taxi. Tui hỏng có tiền trong túi đã dành, chị ba Lề thì lính quýnh lúc đi quên cầm bóp theo. Khi xuống xe hong có tiền trả, chị ba Lề quay qua hỏi anh Tôn:
   - Anh có đem tiền theo hong?
   Anh Tôn trả lời giọng yếu xìu:
   - Hồi anh qua nhà em chỉ lận có con dao, nên cũng quên…bóp ở nhà.
   Nói thiệt, lúc đó dòm anh Tôn, tui cũng thất cười. Ảnh bự con, cao lớn, râu ria xồm xoàm như Trương Phi,mà mới đứt một lóng tay mặt mày đã xanh như…đít vịt, nói hỏng ra hơi. 
   Tui nói với chị ba Lề:
   - Thôi, chị đưa ảnh vô phòng cấp cứu trước đi, vụ taxi để em lo. Hỏng sao đâu.
   Tui quay lại nói với chú tài xế:
   - Giờ vầy, chú chở con về nhà ở đường Trần Quốc Toản, trước đại học Quốc Gia Hành Chánh quận 10. Con vô nhà lấy tiền trả cho chú, cộng luôn cuốc xe từ đây về đó.
   Chú tài xế nhếch mép nhìn tui, nói:
   - Thằng Tôn quýnh quá nên hỏng nhận ra tao. Còn mày là thằng Út…lác con bà tư Hồ phải hong? Dzìa hỏi má mày, chú bảy taxi, là bả biết tao liền. Chòm xóm với nhau tiền bạc cái gì. Thôi, dzô lo cho thằng Tôn đi.
   Thấy hong? Thấy dân quận 10 của tui hong? Tình nghĩa dzậy đó! Nghĩ lại ngày xưa tui thấy mình cũng nổi danh ghê.
   Giờ trở lại chiện của tui. Ực một ngụm rượu, tôi kể sơ cho anh Tôn nghe về chuyện Lan đi lấy chồng. Anh nhìn tôi ái ngại, nhưng rồi lại nghiêm sắc mặt, hỏi:
   - thôi, bỏ qua chiện đó đi! Giờ tao hỏi thiệt mày...bửa nay mày uống trả tiền hay ghi...sổ? Sổ mày hết chỗ ghi rồi.
   Tôi gãi đầu làm mặt...buồn:
   - Thằng em đương buồn, anh cho ký thêm xị nữa. Hứa với anh cuối tháng này sẽ thanh toán hết cho anh.
   Anh Tôn lầm bầm với giọng kém vui:
   - Lần nào cũng cuối tháng...gặp chừng hai thằng như mày là tao...sập tiệm luôn.
   Nói dzậy chứ anh Tôn là người tốt. Cuối cùng, tôi cũng...ký nợ thêm...ba xị nữa.
Hôm đó say quá cỡ. Anh Tôn phải cõng tôi về nhà. Nằm liệt giường hai ngày mới bò dậy. Rượu gì mà ác dzậy trời? Chắc rượu bà Quẹo pha thuốc rầy quá?
   Mùa hè sắp hết, nghĩ đến chuyện đi học lại buồn muốn chết. Một buổi sáng, khi đọc xong lá thư của chị tôi, theo chồng đang đóng quân ở Hội An gửi vào, má tui nói:
   - Út à! má muốn gửi con ra miền Trung đi học. Nghe nói ngoài đó học sinh hiền lành, ngoan ngoãn lắm. Hong như tụi bây học trò Sài Gòn ăn chơi, nhậu nhẹt tối ngày. Thôi, con chuẩn bị tuần sau đi ra ngoải. Má sẽ đặt vé máy bay. Ra đó ráng học hành cho nên người nha con.
   Tui cũng hong ngờ chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó, dòng đời đã đưa đẩy tui ra tận miền Trung lạ lẫm xa tắp ngoài kia. Thế nhưng, chính vùng đất hiền hoà xa xôi ấy đã tặng cho tui những ký ức, những hoài niệm tuyệt vời nhất của tuổi mới lớn. 
   Vậy mà, phải hơn bốn năm sau tui mới về lại xóm cũ. Đường Trần Quốc Toản khu nhà tui trông xa lạ, nhộn nhịp hơn những ngày tui chưa ra Trung. Quán nhậu của anh Tôn được sửa sang đẹp đẽ hơn. Anh Tôn bây giờ đã lập gia đình và có một đứa con trai dễ thương với chị Hồng, người Hoa quê bên quận 6. Gặp lại tui, anh mừng lắm. Anh ôm cứng lấy tui rồi hun chùn chụt lên tóc tui, như thể, tui vẫn là thằng Út lác mười sáu tuổi ở những ngày anh còn cõng tui về nhà mỗi khi say. Bữa đó anh đãi tui linh đình, bia rượu khui mỏi tay. Chị Hồng không ngừng hối mấy cô chạy bàn bưng mồi do chính tay chị nấu, để tui và anh Tôn nhâm nhi. Cũng nhờ tài nấu nướng của chị Hồng, mà quán anh Tôn lúc nào cũng nghẹt khách. Thôi thì cũng mừng cho anh, vừa có vợ giỏi giang đẹp gái, lại thêm đứa con trai nối dõi tông đường. 
   Tiệc tàn, tui lạng quạng đi bộ về nhà. Anh Tôn đi theo tui một đoạn ngắn. Bất chợt, anh níu tay tui rồi nói:
   -út à! Mày giờ đã lớn, ráng học để sau này còn làm ông này bà nọ nhen! Mấy năm mày ra miệt ngoải tao cũng nhớ mày lắm. Thôi, khi nào rảnh ghé tao nhậu cho vui. Chị Hồng mày bả dễ chịu lắm. Mơi sáng ra uống cà phê với tao.
   Vừa quay lưng đi, thì anh Tôn bỗng kéo tui lại và nhìn quanh quất như thể sợ ai nghe thấy những điều anh sắp nói với tui:
   -út à…tao dặn mày cái này nhen! Chiện quá khứ bỏ qua đi. Trước mặt chị Hồng, mày đừng kiu tao là anh Tôn Lề, cũng đừng nhắc chiện tao chặt lóng tay vì con ba Lề.  Biết tại sao hong? Tại hồi cua con Hồng tao lỡ…nổ với nó, tao là lính biệt kích. Rồi, trong một trận đánh xáp lá cà với địch quân, tao bị một thằng cầm mả tấu chém đứt lóng tay nên được giải ngũ. Nhờ vậy mà chị Hồng mày mới phục và yêu tao. Chiện giữa hai anh em mình nhớ đừng tiết lộ nhen! Nhớ lợi hồi đó, trước ngày mày ra Trung, mày cũng còn thiếu “anh”mấy ngàn. Thôi thì, vì chiện này, “anh”…xù luôn cho mày đó.
   Ha ha…sao tui thương anh Tôn Lề, ý quên…anh Tôn hàng xóm hiền lành của tui ghê!

Hồ Xuân Ngọc



Wednesday, June 22, 2022

TRUNG SĨ ĐÔNG - CHUYỆN TRƯỚC 75 - TÁC GIẢ HỒ XUÂN NGỌC




Trung sĩ ĐÔNG 
(Chuyện trước 75)

   Ùm...
   Tiếng nổ của trái lựu đạn bị tức nước nghe ngắn gọn, hậm hực cùng cột nước bốc lên vạt toé ra như hình cái nấm, rồi rơi ngược xuống mặt biển. Đàn cá bị sức ép hất tung lên giẫy giụa phơi bụng trắng phau trên mặt nước còn sủi đầy bọt.
   Đứng trên gành đá, hạ sĩ nhứt quân cảnh Lê Văn Ngọ, say mê nhìn chiến lợi phẩm sau cú ném chính xác của mình. Dưới con mắt kinh nghiệm của Ngọ, ít lắm cũng phải trăm ký ngoài. Nếu tính theo thời giá hiện nay ở Phú Quốc, thì tệ lắm cũng được tám chục đồng một ký. Trái lựu đạn mua năm trăm từ ông thượng sĩ Tường thủ kho đạn, đã thâu về một lợi nhuận đáng kể. Ngọ quay lại ngoắc trung sĩ Huỳnh Văn Đông, người bạn thân cùng đơn vị mà cũng là kẻ hùn hạp trong dịch vụ ném cá, đang loay hoay sau ghềnh đá. Ngọ la lớn:
   - Khẳm rồi Đông ơi! Xuống hốt lẹ hong thôi sóng kéo hết cá ra ngoài đa…
   Miệng nói chớ chưn thằng Ngọ đã thọt xuống mé nước, xong đứng lại chờ thằng Đông. Rồi, mỗi thằng cầm một cái bao bố sãi lẹ ra chỗ đàn cá còn đương lớp ngóp thở, chụp thẩy vô bao. Hốt độ mười lăm phút, hai cái bao đã đầy nhóc cá. Ngọ dòm mớ cá còn nổi lình bình xung quanh, nó chặc lưỡi tiếc rẽ:
   - Phải chi đem thêm vài cái bao nữa thì đã quá!
   Đông phản đối nhẹ:
   - Từ đây về tới tiểu đoàn cả cây số. Vác một bao muốn lời...trê chớ nhẹ sao mà còn đòi thêm?
   Ngọ chắc lưỡi:
   - Ậy, ai hỏng biết vậy. Nhưng bỏ phí như vầy thấy cũng xót bụng chớ mậy.
   Đông và Ngọ ì ạch tải hai bao cá về tới tiểu đoàn thì trời cũng đã nhá nhem. Đám gia đình binh sĩ của tiểu đoàn 9 Quân Cảnh bu lại như kiến. Loáng một cái, hai bao cá bán sạch hong còn một con. Tổng kết, Đông và Ngọ thu được gần mười ngàn. Hai thằng khoái quá tính dẫn nhau ra câu lạc bộ đẩy vài chai bia ăn mừng, thì có lịnh gọi lên trình diện đại đội trưởng.
   Đại uý Hồ Ngọc Sướng đợi cho hai thằng thuộc hạ đứng nghiêm trước mặt mình vài phút, rồi mới tà tà hỏi móc họng:
   - Hai em lúc này mần ăn khá quá hả?
   Đông ngó thằng Ngọ rồi ấp úng:
   - Dạ, cũng qua ngày “đạn” tháng thôi đại uý...
   - Bữa nay hai em bán được bao nhiêu?
   Đông lí nhí trong cổ họng:
   - Dà, cũng hong nhiều lắm, cở...mười ngàn thôi .
   Đại uý Sướng cười gằn:
   - Hừm, mười ngàn mà hong nhiều? Lương của qua chưa tới ba chục một tháng. Mấy em ngày nào cũng đi quăng cá, một tháng ba chục ngày, thử hỏi mấy em kiếm vô bao nhiêu? Hai đứa “sáng” quá cha rồi còn gì.
   - Dạ, đâu có sướng...-chợt thấy mắt đại uý Sướng lăm lăm nhìn mình, biết phạm huý của đại uý, Đông trớ liền- dạ, đâu có “sáng” đại uý.
   Thấy Đông hiểu ý, đại uý Sướng dịu giọng:
   - Hỏng phải qua muốn làm khó tụi em. Song, cũng vì vụ quăng lựu đạn ném cá của mấy em, mà cấp số lựu đạn tồn kho của đại đội sút giảm đáng kể, qua muốn tình trạng này phải chấm dứt. Bắt đầu từ ngày mơi, nếu mấy em tái phạm, qua sẽ dùng biện pháp gắt gạo để trừng phạt.
   Đương mần ăn hưng thịnh tiền vô ào ào, mà bị ngắt đường tài hoạch ngang xương, thử hỏi ai hỏng giận? Nếu hỏng vì đại uý Sướng là cấp chỉ huy, thì Ngọ và Đông đã ăn thua đủ chớ hỏng phải chơi à nhen. Giận tím gan mà cũng phải dằn lòng, Ngọ năn nỉ:
   - Đại uý thông cảm cho em làm thêm vài chuyến nữa kiếm tiền về phép.
   Đại uý Sướng lắc đầu:
   - Em làm mấy tháng nay đủ cất nhà lầu rồi, còn xin thêm gì nữa?
   Ngọ kỳ kèo:
   - Cho em thêm một tuần nữa thôi.
   - Hỏng được.
   Thấy đại uý Sướng có vẻ cương quyết, Ngọ ráng năn nỉ cầu may:
   - Hay đại uý thông cảm cho em thêm một lần nữa...chỉ một lần nữa thôi.
   Dòm gương mặt thểu não của Ngọ, đại uý Sướng cũng cảm thấy mủi lòng:
   - Thôi được, ngày mơi cho hai em đi quăng cá lần chót. Đó là qua cũng thông cảm hết mình rồi đa! Nhưng qua cũng báo trước, sau cú này mà còn tái phạm thì đừng trách qua hỏng vị tình.
   Cái câu lạc bộ có sân khấu dã chiến nằm ngay lòng thung lũng, bao quanh bởi mấy đồi sim tím, coi tình tứ thơ mộng hết sức. Lính tráng của tiểu đoàn 9 quân cảnh gác tù Phú Quốc nhờ có cái câu lạc bộ này nên cũng đỡ nhớ mẹ...hiền, hong thôi chắc cũng nổi điên hết ráo. Bởi vậy, mỗi lần bán cá xong, tiền bạc rủng rỉnh là Ngọ và Đông kéo nhau ra đây lai rai vài chai tiêu sầu. Bữa nay, thay vì phải vui vẻ đẩy nhẹ vài chai đưa cay như mọi khi,  nhưng vì cái vụ ngăn cấm của đại uý Sướng nên đâm ra mất hứng. Thằng Ngọ hớp ngụm bia mà nghe đắng ngét trong cổ họng. Còn mấy tuần nữa mãn nhiệm(mỗi người lính quân cảnh phải ra phục vụ ở đảo Phú Quốc hai năm mới được thuyên chuyển về đất liền) được về làm nhiệm vụ tại quê nhà, định ráo riết kiếm thêm mớ tiền đem về cho má nó sửa nhà, ai dè bị cản trở như vầy, coi có tức hong chớ? Nó rầu rầu nói với Đông đương ngồi bí xị kế bên:
   - Tao còn hai trái lựu đạn, mơi đem ra biển chơi tuốt luôn cho rồi. Nhớ đem theo năm sáu cái bao nhen Đông. Kệ, lần chót ráng chịu cực chút xíu nhen mậy!
   Chiều hôm sau, khi tiếng kẻng báo hiệu tan việc vừa dứt, thì Ngọ và Dông đã nai nịt sẵn sàng. Rồi, kẻ trước người sau cuốc bộ qua hai ngọn đồi thấp đi ra biển. 
   Đứng trên gộp đá, lấy tay che bớt ánh mặt trời chói lọi của buổi chiều tà, Ngọ chăm chú nhìn xuống những đợt sóng nhỏ lăn tăn vỗ vào bờ. Đợi gần nửa tiếng vẫn hong thấy đàn cá nào giạt vô. Tính đút lại chốt trái lựu đạn đương cầm trong tay, thì lờ nhờ dưới những ngọn sóng, một đàn vừa cá vừa mực tà tà đựơc sóng đẩy vô. Bị ánh nắng làm chói mắt, Ngọ nhoài người ra nhìn cho kỹ trước khi quăng trái lựu đạn. Ai ngờ nó mất thăng bằng, chới với mấy cái rồi ngã nhào xuống mặt nước phía dưới với trái lựu đạn đã mở chốt sút khỏi bàn tay.
   Ùm...
   Nước biển xanh bỗng sủi bọt đen ngòm vì những ống mực phún ra từ đàn mực. Lẫn trong những xác mực và cá lều bều trên mặt nước, còn có thêm xác của hạ sĩ nhứt Lê Văn Ngọ thuộc đại đội D9, tiểu đoàn 9 quân cảnh, đồn trú tại Phú Quốc.
   Lúc đó, trong trại giam tù binh cộng sản B9, trực thuộc quyền kiểm soát canh giử của tiểu đoàn 9 quân cảnh, có một cuộc họp quan trọng dưới sự chủ tọa của thượng uý Bùi Bình Bào, tự bảy Bào. Gần một trăm người tù binh ngồi ngay ngắn trên giường trong sam dài lợp tôn hổng vách B9(vách ở các trại giam cách mặt đất khoảng một thước, để dễ quan sát sinh hoạt bên trong và ngăn ngừa tình trạng tù binh đào hầm tẩu thoát), lắng nghe lời thuyết trình của thượng uý bảy Bào:
   - Trong thời gian gần đây, cứ vào mỗi buổi chiều, ta lại nghe tiếng nổ của đạn pháo từ xa vọng lại, thiệt là một dấu hiệu hết sức phấn khởi. Các đồng chí có biết tại sao hong?
   Một đồng chí “cò mồi” trong băng xách động của bảy Bào, được bí mật gài ngồi lẫn lộn ở dưới, làm bộ rụt rè nói vọng lên:
   - Chắc bộ đội ta đang tìm cách gây rối để đánh giá lực lượng địch, trước khi đổ bộ giải cứu toàn thể anh em đồng chí ở đây?
   Mắt thượng uý bảy Bào sáng lên hài lòng:
   - Đúng, đồng chí thiệt sáng suốt! Đó là lý do tại sao tui triệu tập các đại biểu từ mấy sam khác về đây hội nghị chiều nay. Các đồng chí cũng biết, những anh em bên ngoài hong quản ngại hiểm nguy, đương tìm cách giải cứu chúng ta khỏi bọn “ngụy” ác ôn. Để hổ trợ cho công tác đó chóng thành công, chúng ta phải tích cực phối hợp đấu tranh, gây rối loạn trong hàng ngũ địch bằng cách tuyệt thực chống đối, đề cao tinh thần cách mạng bất khuất khiến quân thù phải khiếp vía. Trong khi chờ đợi mật lịnh từ bên ngoài, tui đề nghị các đồng chí khẩn trương chôn dấu thiệt nhiều cơm khô cá mặn(1), chờ lúc thuận tiện sẽ phát động ngay cuộc đấu tranh kiên cường của chúng ta.
   Thượng uý bảy Bào say mê hùng mang trợn mắt nói văng...nước miếng, vẽ ra hình ảnh huy hoàng của ngày bộ đội ta giải phóng toàn bộ đảo Phú Quốc. Chỉ tội cho đám tù binh thiệt thà tin tưởng mê mẩn cả thần hồn, mơ tưởng đến ngày được giải phóng về lại rừng xưa.
                           ooo
   Trở lại chuyện của Ngọ. Sau ngày Ngọ tử nạn, Đông buồn lắm. Mỗi ngày, khi rảnh rỗi, nó hay ngồi trên lô-cốt canh tù(việc canh tù giao cho những người lính, nhiệm vụ của hạ sĩ quan là kiểm soát việc canh gác và sinh hoạt trong các trại giam) đề hướng cặp mắt buồn rầu nhìn về phía bãi biển đã vùi thây thằng bạn thân thiết. Xác thân Ngọ giờ này đã nằm yên dưới ba tấc đất nơi quê nó đâu đó trong đất liền, mà sao Đông vẫn mang cảm giác Ngọ còn quanh quẩn đâu đây. Nhìn cái giàn ná treo tòn teng nơi vọng gác, rồi nhìn những viên đạn đất sét vo tròn nằm phơi trên bao cát, Đông nghe cay sè trong mắt. Từ nay mất hẳn bạn hiền, Đông đâu còn lòng dạ nào để xài cái giàn ná và những viên đạn đất này nữa.
   Chẳng là như vầy, mỗi khu trại giam gồm 9 dãy nhả lợp tôn(gọi là sam) nhốt trên dưới chín  trăm tù binh cộng sản. Ngoài mấy lớp kẽm gai bao bọc xung quanh, còn có những lô-cốt đặt bốn phía ngoài cùng để canh giử. Trong khu trại giam cũng có nhà bếp để tù binh tự túc nấu ăn theo yêu cầu của họ. Thực phẩm được cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài, đúng tiêu chuẩn theo Công Pháp Quốc Tế về tù binh đòi hỏi, dưới sự giám sát của Ủy Hội Quốc Tế, Mỹ và VNCH. Nói thiệt, tù binh cộng sản được đãi ngộ còn hơn mấy người lính quân cảnh gác tù. Từ bao gạo thơm, gà đông lạnh, rau cải tươi, thịt hộp...mọi thứ đều được chở từ Thái Lan rồi giao thẳng vào trại để mấy người tù binh tự nấu. Mỗi sam đều có cầu tiêu, nhà tắm hẳn hoi, ngặt cái mấy vị tù binh mỗi lần đi đái hỏng chịu vô nhà cầu, mà cứ ra gần hàng rào đưa mông chỉa...súng vô mặt mấy vị quân cảnh ngồi gác trên lô-cốt để chọc quê. Có nhiều vị còn làm tới, móc thằng...em ria về hứơng lô-cốt, la lớn:
   - Súng của mấy em là súng giả. Thấy súng của qua hong? Nòng bự bằng...cừơm tay ria mạnh như vầy mới là đồ thiệt chớ! Ai như nòng súng M-16 của mấy em, chỉ bự bằng...ngón tay út thì mần ăn cái nỗi gì!                        
   Vì đã có lịnh hỏng được đánh đập, chửi bới, bắn tù nên mấy vị quân cảnh bị khiêu khích đành làm thinh chịu trận. Nói nào ngay, bị chọc thét rồi cũng phải nghĩ ra biện pháp để ngăn chận chớ! Bởi vậy, nhóm quân cảnh canh tù mới nảy ra sáng kiến chế mấy cái giàn ná, dùng đất sét vò viên làm đạn bắn vô...mông đít mấy vị tù binh để dằn mặt. Cứ mỗi lần vị tù nào lắc mông trắng nhách ra ghẹo là phe ta dương ná nẹt liền. Chỉ nẹt mông thôi chứ hong dám nẹt thẳng vô...súng của mấy vị tù binh. Đời mà! ai cũng biết súng đạn vô tình,  đâu biết chừng nhắm...nòng súng mà đạn đi thẳng vô hai hòn...non bộ của mấy vị đó, thì chỉ có nước đứt...chến ngay tại chổ, chớ hỏng phải chơi nhen!
   Chính Ngọ đã tặng Đông cái giàn ná đương treo trên cây cột của lô-cốt. Nhớ hồi hai đứa thường ngồi chơi trong lô-cốt này, ngày nào cũng có chiện cười ra nước mắt. Mỗi lần thấy vị tù nào mon men tới gần hàng rào là Đông và Ngọ dương ná chờ sẵn, đợi vị tù...ria xong, rùng...mình mấy cái, quay đít trở vô sam là hai đứa nẹt liền.
   Chạch...
   - Úi giời...ái da...chu choa...ụi chau...
   Bị trúng đạn đất, vị tù nhảy nhổm lên như bị điện giựt. Rồi, vừa hít hà xoa mông, vừa cà...thọt lủi lẹ vô sam. Dựa theo tiếng rú của nạn nhân, Ngọ và Đông sẽ đoán được gốc gác của người đó thuộc miền nào. Bởi vậy, giờ đây nhìn tới cái giàn ná trách gì Đông hỏng ứa nước mắt sao được?
                            o o o 
   Đã hơn một tháng trôi qua, chiều về vắng hẳn tiếng nổ lựu đạn quăng cá của Ngọ. Hỏng biết thượng uý bảy Bào giải thích với đồng chí của ông ra sao về việc đó, mà sam tù B9 vẫn bí mật họp hành liên miên. Và, chiều nay, buổi họp lại khai mạc xôn xao ở sam B9, đứng trên cái giường gỗ dùng làm bục diễn thuyết, tay cầm miếng bông gòn chậm nhè nhẹ lên cặp môi sưng...vều bầm tím, đồng chí bảy Bào nói một cách khó khăn:
   - thời điểm đã chín mùi cho kế hoạch của chúng ta. Theo báo cáo của các đồng chí phụ trách về lương thực, thì số lượng gạo mắm chôn dấu đủ khả năng cung ứng thực phẩm cho toàn khu nguyên một tuần lễ. Để hoàn tất đúng chỉ thị đề ra từ cấp lãnh đạo ở ngoài, tui yêu cầu toàn bộ anh em đồng chí khu B9 triệt để thi hành cuộc tuyệt thực chống đối vào rạng sớm ngày mơi. Cuộc đấu tranh gây tiếng vang về chính trị này sẽ kéo dài cho đến khi nhận được chỉ thị mới từ các đồng chí lãnh đạo bên ngoài.
   Thay vì rổn rảng hùng hồn như những lần trước, lần này giọng bảy Bào chỉ...phều phào, lẫn lộn cùng tiếng huýt...gió vì thiếu mất hai cái...răng cửa. Cặp môi sưng vều cũng làm giảm đi hào khí ngất trời trên gương mặt góc cạnh của thượng uý bảy Bào. Nhìn cái thằng cò mồi năm Vựa ngồi dưới kia mà tức cành hông, cũng tại nó nên bảy Bào mới ra nông nổi này. Ai đời ăn đạn ná của mấy thằng quân cảnh ngụy bị...vẹo mông hết mấy lần mà năm Vựa cũng hỏng tởn, cứ chổng khu ra chọc mấy thằng quân cảnh. Để rồi, trời xui đất khiến, nhằm lúc thằng quân cảnh giương ná nhắm cặp mông...lép của năm Vựa, thì bảy Bào đút đầu đi tới. Hỏng biết viên đạn đất có hận thù...cá nhơn gì với bảy Bào hong? Mà thay vì nẹt vô mông năm Vựa, nó lại đổi hướng đi cái...bụp ngay mỏ bảy Bào. Nói thiệt, sét đánh cũng chưa chắc đau bằng à nhen! Mỗi lần rọi kiếng, thấy cái mỏ chần vần như...lổ đít trâu của mình mà đâm hận cái thằng năm Vựa. Liếc nhóm đồng chí ngồi nín khe bên dưới, bảy Bào hỏi lấy vì:
   - Có đồng chí nào muốn phát biểu gì hong?
   Một cánh tay rụt rè giơ lên:
   - Bố cố đàng chí, tui xin phót biểu!
   - À...đồng chí tư...Bốn, khu bộ nam Ngãi. Xin mời.
   Đồng chí tư Bốn, người vừa giơ tay xin phát biểu, đứng lên. Anh sửa lại bộ điệu cho nghiêm chỉnh, rồi nói với giọng Quảng Ngãi đặc sệt:
   - Tất coả những gì đàng chí bửa...Bồ(bảy Bào) vừa phót biểu, chúng tôi cùng nhất trí. Riêng coá nhân tui, xin thay mẹt toàn thể anh em nọn nhân(nạn nhân) của bọn ngụy, những người đoã bị bọn hén bén noá vô mông trang(trong) lúc đoang đứng...đứa(đái), đề nghị đàng chí tích cực phỏn ảnh lên cấp chỉ huy của bọn chúng, để có biện phốp(pháp) thích ứng chấm dứt ngay hành động tòn ót(tàn ác) này. Xin chấm dứt voà(và) cổm ơn đàng chí bửa...Bồ.
   Cũng nữa, cũng “bửa...Bồ” nữa? Bửa là hồi còn ở trong rừng, lâu lâu trúng mánh dụ được mấy em văn công. Rồi, đợi đêm về, dẫn em dựa đại gốc cây bửa…quấy quả thiệt lẹ cho qua cơn, xong kéo quần hô…biến, chớ hong thôi lỡ gặp mấy thằng biệt kích tuần thám của bọn ngụy bất thần ào tới, thì chỉ có nước chạy sút…dép lốp, có khi còn mất luôn cái quần lót vá chằn vá đụp chớ hỏng phải chơi. Còn bây giờ? Giờ ở trong tù “bồ” đâu mà “bửa”? Hỏng lẽ bửa đít…năm Vựa?  Bao nhiêu lần dặn dò, khuyên nhủ cái thằng tư Bốn này phải ráng đánh vần cho đúng tên “bảy Bào” của mình, mà lần nào nó cũng kêu “bửa Bồ” trứơc mặt bá quan văn võ, làm mất uy tín chính trị, coi có tức hong chớ? Cố dằn cơn giận, bảy Bào nói:
   - Các đồng chí cứ yên tâm. Chính tui-chỉ vô cặp môi bầm tím của mình, bảy Bào gằn mạnh- cũng là một nạn nhân mà bằng chứng còn ràng ràng trên mặt. Tuy nhiên, vì cách mạng, chúng ta hãy tạm thời gạt bỏ những hận thù cá nhơn mà lo cho đại cuộc đấu tranh sắp tới. Bây giờ, yêu cầu các đồng chí khẩn trương lắng nghe kế hoạch tui trình bày sau đây, rồi cùng nhau học tập cho thông suốt trước khi phát động.
   Ngưng lại đón ly nước trà từ tay người cần vụ, bảy Bào ực một ngụm cho thông cổ. Cặp môi sưng đụng phải trà nóng đau thấu óc. Mối thù này nhứt định phải trả, hỏng phải là ngày mơi, ngày mốt hay một ngày nào đó, mà phải là ngày hôm nay. Trong óc thượng uý bảy Bào bỗng loé lên một ý định táo bạo ngoài những dự tính của chương trình đã vạch sẵn: ý định bắt cóc mấy thằng quân cảnh tuần tra trong khu trại giam để tạo thanh thế cho cuộc nổi dậy. Khoái chí với kế hoạch mới, mà cũng nhằm trả thù cho cặp môi bị...đề phô của mình
, bảy Bào hồ hỡi ban chỉ thị:
   - Chút nữa đây, khi tiếng kẻng báo hiệu giờ tập họp về sam, các tổ hành động của mỗi sam phải cố gắng tóm cổ ba thằng trung sĩ nguỵ tuần tra trong nội vi trại giam(2) làm con tin. Sau đó, ta sẽ phát động cuộc đấu tranh tuyệt thực của toàn trại. Các đồng chí nhứt trí chớ?
   -nhứt trí...
   Số trung sĩ Đông năm nay xui xẻo bị sao... chổi chà chiếu ngay mỏ...ác. Vụ thằng bạn bỏ mạng tháng rồi chưa kịp ráo nỗi sầu, thì lại bị thêm vố nữa còn ngặt nghèo gấp bội. Nói nào ngay, nhờ có chút...võ và lá bùa Lỗ Ban đeo trước ngực phò trợ chớ hong thôi Đông cũng khó mà bảo “tàn” tánh mạng.
   Chẳng vầy, nhè cái bữa mấy ông thần nước...mặn khu B9 tổ chức bắt cóc, đấu tranh tuyệt thực, thì lại tới phiên Đông tuần tra ở đó. Hồi nào tới giờ, quân cảnh đi kiểm soát trong mấy khu giam giữ đâu có đeo súng ống gì, chỉ gài cây ma-trắc ngang hong, tay cầm gậy nhọn chọt chọt trên mặt đất dò tìm coi tù có chôn dấu đồ gì hoặc đào hầm tẩu thoát hong, chớ chưa có chiện gì rắc rối xảy ra hết. Bởi vậy cái chiện ba vị quân cảnh vừa đi vừa chọt giữa trại giam cả ngàn “ông kẹ” đương lõ mắt nhìn là việc thường tình. Mấy vị tù binh cũng biết thân “cá chậu chim lồng” nên dù có ghét, hận, oán hờn gì thì cũng chửi xéo, chửi đổng cho đã nư, chớ nào dám đụng tới ba tay quân cảnh kiểm soát này.
   Tiếng kẻng chiều vừa nổi lên, thì Đông còn đương cầm gậy tà tà trên lối đi giữa hai dãy giường trong sam bảy Bào. Đông lấy làm lạ, hỏng hiểu bữa nay tụi tù mắc chứng gì mả kéo cả bầy theo sau lưng nó. Trên mấy khuôn mặt “tết Mậu Thân” đó còn nở rộ nụ cười...cầu tài hết sức khả nghi. Đương nghi vấn trong đầu, thì đám tù sau lưng Đông bỗng dạt ra bao nó vô giữa. Năm Vựa, vai choàng khăn rằn y chang kép cải lương...Minh Cảnh đương diễn tuồng trên sân khấu, điểm mặt Đông:
   - Chính tên này đã bắn vô...mông tui nhiều nhứt. Bữa nay phải bắt nó đền tội trước nhân dân...ý quên...phải đền tội trước mặt các anh em đồng chí.
   Nhiều tiếng nhốn nháo phụ hoạ đủ giọng ba miền đất nước:
   - Mẹ bố tiên sư cha nhà nó...tôi cũng bị vỡ mông vì cái thằng phải gió này. Cứ mông nó mà “tương” cho đẫm vào...
   - Đợp chếch choa hén cho ràu coác đàng chí quơi...
   - Móc mắt nó ra trộn...gỏi sứa nhậu đi...
   Nghe bát nháo mấy bản án khủng khiếp của cả đống quan toà, Đông thiếu điều muốn đi...tướt trong quần. Thôi rồi, cú này chắc gặp bạn hiền nơi chín suối. Nghĩ tới cái chết, bất giác Đông rùng mình té huỵch xuống mặt đất. Tưởng Đông làm bộ xỉu, năm Vựa để liền cú...giò lái vô hông Đông. Ai dè, cú đá của năm Vựa lại khơi mào cho trận đòn thù. Hàng chục cú đấm, cú đá bay tới tấp lên thân hình co quắp của Đông.
   - Cứ mông nó mà độp...các đồng chí ơi!
   Đám tù đương say máu bề...hội đồng thằng Đông, thì có tiếng nạt lớn:
   - Ngừng lại...
   Thượng uý bảy Bào đứng chống nạnh trên giường gỗ, mặt hầm hầm:
   - Ai ra lịnh cho các đông chí đánh đập tù nhơn?
   Mọi cặp mắt đổ dồn về hướng năm Vựa. À...cũng lại cái thằng năm Vựa này, bảy Bào chau mày nhìn năm Vựa, tưởng giúp đỡ, trau chuốt để nó nên người, ai dè lại gánh thêm họa vì nó. Cặp môi bảy Bào bị...đề phô cũng vì nó. Rồi đây cách mạng mang tai tiếng đánh đập tù nhơn cũng tại nó luôn. Một cái thằng thiếu tác phong, thiếu đạo đức cách mạng như nó, làm sao có thể cất nhắc lên làm chuyện lớn? Liếc xéo năm Vựa lần nữa để cảnh cáo, bảy Bào nói:
   - Các đồng chí đã hành động quá trớn làm mất chánh nghĩa đấu tranh. Ai dạy các đồng chí đánh đập tù nhơn? Ai dạy các đồng chí chửi thề lỗ mãng thiếu văn hoá như vậy? Từ nay trở đi, nhứt nhứt đều phải chờ chỉ thị của tui, hong được làm càng. Đồng chí nào hong chấp hành nghiêm chỉnh, sau này sẽ chịu trách nhiệm trước mặt trận.
   Một bóng người, từ bên ngoài chạy vụt vào đứng trước mặt thượng uý bảy Bào, thở hổn hển:
   - Báo cáo đồng chí, hai trung sĩ Nguỵ kia đã chạy thoát ra cỗng rồi.
   Bảy Bào hằn học, hỏi:
   - Cả trăm mạng bên đó mà bắt hỏng được một thằng sao?
   Vị đồng chí mới chạy vô lấy tay xoa xoa cục u trên trán, ấp úng:
   - Nó chạy lẹ quá đồng chí ơi! Tụi tui rượt theo muốn thắt họng mà hỏng kịp. Đã vậy, tui còn bị nó chơi ngược cú “cò chũi”…ý quên…cùi chỏ vô trán đau thấy ông vãi luôn.
   Thấy thằng em đồng chí nhăn nhó xoa bóp cục u trên trán thảm qúa, nên  bảy Bào cũng mủi lòng nén giận, nói:
   - Thôi, dù sao mình cũng giữ được một thằng ở đây. Bây giờ các đồng chí đỡ nó lên giường trói lại, rồi liên lạc với các sam khác cùng phối hợp hô hào, đả đảo suốt đêm nay.
   Lúc bấy giờ ở bên ngoài tiếng kẻng báo động đập liên hồi. Trung sĩ quân cảnh Võ Văn Tẻo và trung sĩ Lê Văn Bạch phá đựơc vòng vây của đám tù binh, chạy thoát ra cổng, đương báo cáo tình trạng bị giam giữ của trung sĩ Đông trong sam B9 với đại uý Sướng. Đại uý Sướng cấp tốc điện thoại lên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Bùi Có trình bày sự việc. Nghe tin dữ, thiếu tá Có ba giò bốn cẳng dọt lẹ xuống sam B9 liền.
    Trong lịch sử trại tù ở Phú Quốc, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ bắt cóc nổi loạn của tù binh cộng sản. Thiếu tá Có giận lắm, đưa nguyên một đại đội bao kín sam B9, rồi đứng ngay cổng bắt loa kêu gọi phải giao trả trung sĩ Đông ra ngoài. Lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ muốn hết...pin của cái loa dã chiến cầm trên tay mà hỏng thấy...hồi âm từ phe bảy Bào. Bực mình, thiếu tá Có ráng hét vào chiếc loa đã rè vì yếu pin bằng giọng đanh thép, giận dữ:
   - lần chót, tui ra lịnh cho quý dzị trong thời hạn một giờ đồng hồ, phải thả ngay trung sĩ Đông. Nếu không, tui sẽ cho binh sĩ nổ súng vào sam.
   Đáp lại lời kêu gọi của thiếu tá Có là bản nhạc “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” vọng ra từ sam B9, như cái tát nháng lửa vô mặt tiểu đoàn trưởng Có. Cho lính ùa vô thì hỏng dám. Mà, ngồi đây để tụi tù binh chọc giận thì quê qúa. Thiếu tá Có bực bội đi tới đi lui, nghĩ hoài hỏng biết phải giải quyết sao cho êm thắm. Thiệt tình mà nói, thiếu tá Có tuy tánh tình nóng nảy nhưng bản chất hiền hoà được lòng lính tráng dưới quyền. Ông cũng thường nhắc nhở binh sĩ hong nên hà hiếp, đối xử bất công với mấy vị cộng sản, mả phải thi hành đúng theo những điều lệ quy định bởi Công Pháp Quốc Tế về tù binh. Bởi vậy mấy vị tù binh mới được thong thả an nhàn, rồi nhân cơ hội làm tới như tối nay. 
   Một tiếng trôi qua...
   Rồi một tiếng nữa.
   Trời đã tối mịt. Mấy cái đèn pha từ lô-cốt rọi sáng rực phạm vi chung quanh khu B9. Chín dãy nhà tôn nằm thành ba hàng dọc vắng vẻ, bên ngoài không một bóng người đi lại, chỉ có âm thanh vang rền của mấy trăm cái miệng hò hét vẳng ra từ bên trong như thách thức đại đội A của tiểu đoàn 9 quân cảnh.
   Bụng đói, cổ khô, chờ lâu đâm quạo, thiếu tá Có biểu thằng tà-lọt: 
   - Em chạy dzìa văn phòng của “qua” lấy khẩu AK đem tới đây.
   Thằng tà-lọt ngớ ngẩn hỏi:
   - AK nào? Ở đâu ông thầy?
   Thiếu tá Có nổi sùng, gắt:
   - Cây AK-47 thiếu tá Khương tịch thu ngoài mặt trận, đem dzìa tặng cho “qua” treo chần vần ở văn phòng mà ra vô hoài hỏng thấy sao?  
   Thằng tà-lọt cắm đầu chạy thiệt lẹ về văn phòng của sếp và trở lại với cây AK cùng băng đạn trên tay. Chẳng nói chẳng rằng, thiếu tá Có lên đạn chỉa nòng súng lên trời để liền một tràng giòn rụm. Tiếng hò hét trong khu B9 bỗng im bặt giây lát, rồi chợt ùn ùn hồ hỡi vọng ra.
   - Bộ đội ta...tiếng súng AK của bộ đội ta...các đồng chí của chúng ta đã đến rồi...”này em...em gái trường sơn...ôi em gái...trường sơn...”
   Ai đời bắn thị uy mà bị phản ứng ngược như vậy, bộ...trâu sao hỏng tức? Giận quá mất khôn, quên bẵng trung sĩ Đông còn bị giữ trong sam, thiếu tá Có hạ lịnh:
   - Bắn...
   Nói thiệt, kẹt đồ nhậu bắn bậy chim chóc làm mồi đã thấy ghê tay, chớ đừng nói chi tới chiện bắn người. Phải chi họ cầm súng trực diện đánh nhau với mình trên trận tuyến thì hỏng nói gì. Đàng này, họ là tù binh tay không, biểu bắn càn kiểu này ai mà nỡ dạ? Thiệt tình mà nói, đại đa số lính tráng của tiểu đoàn 9 quân cảnh đóng ngoài Phú Quốc toàn là lính sữa, lính cậu hong hà, nào có ra mặt trận đánh đấm lần nào đâu? Nhiều vị vừa thấy máu đã xây xẩm mặt mày, chớ đừng nói chi tới cảnh phành bụng, đứt đầu. Bởi vậy, lịnh của thiếu tá Có ban ra mà lính tráng im re, hỏng ai lên đạn lẫy cò gì ráo. Tức mình, thiếu tá Có nhảy đổng lên như đạp phải tàn…thuốc, hét lớn vô ô-pạc-lưa:
   - Tui ra lịnh cho mấy anh bắn. Ai bất tuân sẽ bị còng qua an ninh quân đội. Một…hai…ba…bắn.
   Bốn chữ “an ninh quân đội” quả có uy lực ghê gớm. Thôi thì đủ cỡ súng lớn nhỏ thì nhau nhả đạn, tiếng đạn nổ xé màn đêm rền cả một góc trời. Chín dãy nhà tôn tơi tã như tổ ong. Lẫn trong tiếng lộp bộp của đầu đạn chạm vào mái thiếc, còn chen lẫn tiếng rên rỉ của những người bị thương tích.
   Gần năm phút bắn thả dàn, thì một chiếc áo thun trắng đầu hàng mới được quăng ra từ sam chỉ huy của bảy Bào. Thiếu tá Có phất tay:
   - Ngừng bắn.
   Tiếng súng im bặt. Khu B9 phơi mình dưới ánh đèn pha mịt mờ khói súng, trông hoang tàn thê lương như mộ địa. Mà hổng mộ địa sao được? Bắn như rải gạo kiểu đó, có ba đầu sáu tay, bảy mươi hai phép thần thông biến hoá như…Tề Thiên Đại Thánh cũng banh-ta-lông tại chỗ chớ đừng nói chi người. Tổng kết đêm đó gần một trăm nhơn mạng bị thương tích lẫn tử vong, trong số tử vong đó có cả bảy Bào và năm Vựa. Nói nào ngay, đại đa số lính quân cảnh của đại đội A chỉ bắn đại lên mái tôn cho có vì, chớ nếu bắn trực xạ thì con số thương vong còn lớn hơn nhiều. Bảy Bào, năm Vựa có quá vãng thì cũng đáng tội, vì bịa đặt dựng vá vụ bộ đội đổ bộ lên đảo Phú Quốc, khiến anh em đồng chí của ông nhẹ dạ hùa theo gây nên chiện lớn. Chỉ thương cho những người tù binh, vì cả tin nghe theo lời bảy Bào, đến nỗi phải bỏ thây một cách lảng xẹt.
   Biến động ở Phú Quốc gây nên một con số tử vong lớn như vậy, mà báo chí ở Sài Gòn chỉ đăng tin dè dặt vì sợ gây tác động lớn trên dư luận quốc tế. Sau biến cố đó, thiếu tá Có bị cách chức và thuyên chuyển khỏi binh chủng quân cảnh để ra bộ binh. Nghe nói sau này ông lập được nhiều chiến công trong những trận đánh ở miền Trung và được thăng cấp Trung tá tại mặt trận.
   Còn trung sĩ Đông bị bắt cóc làm con tin? Ậy, vậy mà Đông hỏng hề hấn gì mới ngộ. Chẳng, hồi quân cảnh bắn vô thì bảy Bào, năm Vựa và ban tham mưu chết rạp trên mình Đông, nhờ vậy mà Đông hỏng bị dính viên đạn nào hết. Có điều, sau cú thoát chết kỳ diệu này, trung sĩ Đông bỗng mang cố tật, đứng đâu cũng lấy tay xoa vô…mông đít của mình. Chắc tại bị mấy ông tù B9 độp vô mông nó dữ quá, để trả thù cho cái tội nỏ ná vô đít mấy ổng, nên mới bị ám ảnh thần kinh như vậy?
   Lóng rày có ai dạo phố Bolsa, ngay khu Phước Lộc Thọ, nếu tình cờ gặp vị nào, mặt mày nhăn nhó như mới vừa bị chánh phủ cúp…tiền già, chưn đi hai…hàng, đầu …hói một cụm lớn ngay…mỏ ác, hai tay hong ngừng xoa bàn…tọa. Thì, hỏng trật đi đâu hết, ảnh đó: trung sĩ quân cảnh Huỳnh Văn Đông đó…”bậu” à…thiệt tội ghê!

Hồ Xuân Ngọc

   (1) Thực phẩm được giao thẳng vào trại giam để tù binh tự nấu nướng theo lời yêu cầu của họ. Lợi dụng tình trạng này, tù binh xử dụng những thùng dầu ăn, nước mắm rồi bỏ cơm và cá đã phơi khô, chôn xuống đất dự trữ cho mấy cuộc tuyệt thực trong tù.
   (2) Mỗi khu có ba trung sĩ quân cảnh đi tuần tra trong trại giam vào mỗi buổi chiều để kiểm soát nhân sự. Ba vị quân cảnh này không đeo súng ống gì ráo, chỉ mang ma-trắc và một cây gậy có đầu nhọn, để chọt xuống đất thăm dò coi tù binh có đào hầm hay chôn dấu tài liệu gì không.



Saturday, June 18, 2022

TƯỞNG NHỚ VỀ CHA - THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT



TƯỞNG NHỚ VỀ CHA
TƯỞNG NHỚ VỀ CHA - THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT
NHẠC LMST - HOÀ ÂM N/S VŨ THẾ DŨNG
TIẾNG HÁT C/S TÂM THƯ - VIDEO HUYỀN ÁI

 
candle-content

 

Tháng Sáu lễ Father’s Day

Trong lòng nao nức đến ngày giỗ Cha

Nỗi niềm thương nhớ thiết tha

Con nhìn di ảnh xót xa lệ sầu

 

Tim con quặn từng cơn đau

Trước bao kỷ vật hôm nào còn đây

Cuộc đời hụt hẫng niềm vui

Mất Cha con kể mất rồi niềm tin

 

Tình Cha cao đẹp... vô ngần

Con nguyền giữ mãi trong tâm kính thờ

Xa cha từ tuổi ấu thơ

Đến nay đã mấy chặng đời kinh qua

 

Tóc con nay đã sương pha

Công ơn dưỡng dục chẳng nhoà nhạt phai

Thương Cha con nhớ từng lời

Những câu dạy bảo nên người mai sau

 

Cuộc đời ngày tháng qua mau

Tình thâm nghĩa nặng cao sâu đất trời

Nén hương tưởng nhớ không nguôi

Khói lên tan giữa cõi trời tịnh yên

 

Cách xa con vẫn... hằng đêm

Nguyện cầu Cha mãi vui miền Bồng Lai

 

Hoàng Ánh Nguyệt

(SJ, June- 2010)



Xin bấm vào youtube để thưởng thức 
TƯỞNG NHỚ VỀ CHA - THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT
NHẠC LMST - HOÀ ÂM N/S VŨ THẾ DŨNG
TIẾNG HÁT C/S TÂM THƯ - VIDEO HUYỀN ÁI

Thursday, June 16, 2022

THƠ TẶNG NGOẠI - CHÁU ĐỨC HUY (LONDON)





THƠ TẶNG NGOẠI 
CÁM ƠN CHÁU ĐỨC HUY (LONDON). VỚI NHỮNG 
LỜI THƠ CHÂN THÀNH GỬI ĐẾN THẬT CẢM ĐỘNG
TẶNG NGOẠI, NGOẠI SẼ VUI LẮM. 
"NGOẠI ƠI! NGOẠI Ở NƠI ĐÂU CHƯA VỀ?"



THƠ TẶNG NGOẠI 

Chiều nay nắng ngả qua tây
Lòng con hiu hắt vơi đầy Ngoại ơi
Con chim hót khản nghẹn lời
Nỉ non nó bảo Ngoại rời thế nhân.

Thời gian cũng đã qua dần
Mà con cứ mãi muôn phần nhớ mong
Ngày nào thơ bé hằng trông
Ngoại ẵm Ngoại cõng trong vòng tay yêu.

Giờ con khôn lớn đã nhiều
Ngoại đâu còn nữa tiêu điều nhà xưa
Thương sao biết mấy cho vừa
Vườn rau héo úa giọt mưa não nề.

Bao lần trong những cơn mê
Con mơ thấy Ngoại bên lề gió sương
Thương con Ngoại dắt tới trường
Cho con đi học lúc đường trợt trơn.

Vẳng bên có tiếng ai đờn
Hoài lang dạ cổ khúc đơn bạn lòng
Ngoại ơi con nhớ con Mong
Làm sao để có Ngoại trong cuộc đời.

Con tìm Ngoại khắp bầu trời
Cho con bên Ngoại không rời nữa đâu
Ầu ơ câu hát ví dầu
Ngoại ơi! Ngoại ở nơi đâu chưa về ?

ĐỨC HUY
LONDON 2018