TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Monday, July 27, 2020

HỘI AN - TRUYỆN NGẮN - TÁC GIẢ HỒ XUÂN NGỌC ( Em trai út )



    HỒ XUÂN NGỌC 1973


HỘI AN (會 安)
2005
 
Cứ mỗi lần định tọa mông xuống ghế cho đỡ mõi, thì y như rằng chiếc xe lại tuôn qua những ổ gà nằm sắp lớp trên mặt lộ, làm dội bắn cả người. Suốt đoạn đường dài ngót ngàn cây số từ Sài Gòn ra Hội An, chưa bao giờ tôi được an tọa một cách thoải mái quá hai giây...rưỡi. Cứ nhỏm lên ngồi xuống. Lại nhỏm lên...như thể đang cỡi trên lưng con tuấn mã vượt ngàn dặm sơn khê về quê...vợ.
Thật đấy. Hội An là quê của bà xã tôi. Tôi gặp bã ở đó rồi cột chặt đời mình với bã, cùng những thương nhớ nồng nàn cho phố Hội. Cũng vì sự thiết tha, nôn nóng muốn nhìn lại nơi chốn đầy kỷ niệm của ngày xưa, sau hai mươi mấy năm lìa xa, nên tôi tạm quên đi những dằn xốc trên con đường thăm thẳm dợn sóng đầy ổ gà.
Cứ mỗi lần xe nhồi lên thì anh tài xế lại hỏi: "Mệt chưa? Hay ta ngừng lại nghỉ một chút nhé!" Rồi nhìn tôi với vẻ ái ngại, như thể anh đang thay mặt cho con đường mà xin lỗi tôi vậy. Có lần, như để chửa thẹn, anh lại nói đùa: "Nếu đếm những chỗ lồi lõm, cộng thêm ổ gà lớn nhỏ trên đường từ Sài Gòn ra Hội An, thì chắc cũng nhiều bằng sao trên trời anh nhỉ!" Theo tôi, anh đùa có hơi quá đáng. Có lẽ một nửa thì chính xác hơn.
Từ ngã ba Vĩnh Điện vào Hội An, con đường còn tệ hơn. Chiếc xe 12 chỗ ngồi như muốn rã ra từng mảnh, khi trường qua những ổ...voi to tướng trên mặt đường. Không phải chỉ riêng tôi bị chúi dập đầu vào băng ghế trước, mà cả cái máy quay phim cũng hờn dỗi nhảy bộp xuống sàn xe. Cũng may, con đường không dài lắm và ngã ba Tiểu Khu đã thấy trước mặt kia rồi.
Tôi đến Hội An đúng 9 giờ sáng sau một ngày đêm dong ruổi. Thật khó mà tả được cái cảm xúc bồi hồi lúc đặt bước chân đầu tiên lên lề đường Lê Lợi. Tôi giương to lồng ngực hít một hơi đầy ắp cái không khí Hội An thân thương vào buồng phổi mà nghe đã từng thớ thịt. Định...hít thêm vài cái nữa, thì anh Lương, chủ khách sạn Thanh Bình bên kia đường, đã phóng vụt qua như ánh điện xẹt kéo tay tôi vào khách sạn.
Ba chục đô một đêm. Cũng không tệ cho một nơi nghỉ ngơi sạch sẽ khang trang và thân tình. ngay đường phố chính Lê Lợi. Nơi, chỉ cần bước ra sẽ thấy ngay một Hội An nhộn nhịp trải dài trên đường Lê Lợi đến tận bờ sông Thu Bồn. Hãy nghe anh Lương, nhà kinh doanh trẻ tuổi của phố Hội, người không bao giờ phí phạm một giây để chụp những cơ hội làm giàu (như đã chụp tay tôi lúc vừa xuống xe), tâm sự:
-Hội An mình chừ vui lắm! Nhờ khách du lịch vô đông nên đời sống thoải mái hơn xưa. Trước đây vui nhất là đường Cường Để (đã đổi thành Trần Phú). Chừ Lê Lợi lại là nơi đông đúc buôn bán sầm uất nhất thị xã. Xí nữa trời tối, anh ra trước khách sạn sẽ thấy những sinh hoạt rất dễ thương của Hội An về đêm.
Thật vậy, khi đêm xuống, Hội An không thiếu những ánh đèn màu. Trên mấy giàn bông Giấy đã nở rộ trước cửa những căn nhà dọc theo bờ sông Thu Bồn, dãy đèn màu nhấp nháy chen kẽ giữa những khóm hoa đỏ thắm, tô điểm thêm sắc thái dịu dàng cho những dãy bàn ghế sắp dài bên vệ đường. Từng nhóm, từng nhóm du khách nước ngoài nhàn du hớp từng ngụm bia, lim dim tận hưởng luồng gió mát mơn nhẹ từ mặt sông Thu Bồn lấp lánh, diễm ảo dưới ánh đèn. Và, nếu có một vầng trăng, thì bức tranh đêm của phố Hội, bên dòng sông Thu Bồn, sẽ không có bức mực nào có thể tả hết sự tuyệt mỹ của nó
Đêm đầu tiên ở Hội An, tôi ngồi rất lâu bên chiếc bàn kê sát bờ sông. Uống một ly nước mía thật ngon ở nơi chốn đầy dẫy những kỹ niệm thiết tha và nhìn về một góc phố. Nơi ấy, ngày xưa, đã có lần tôi đứng đợi người tình trăm năm dưới cơn mưa lũ.
Gần ba mươi năm rồi đấy! Tôi đâu ngờ lại rời xa chốn này lâu đến thế? Nhưng cũng may, thành phố vẫn còn đây, vẫn vậy, cùng dòng sông Hoài (Thu Bồn) lưu luyến, để tôi còn có một nơi chốn tìm lại kỷ niệm ngày xưa, dù đã rất xa.
Nhờ số lượng du khách đỗ vào đều đặn, sinh hoạt của phố Hội thay đổi hẳn trong mấy năm gần đây. Ngoài những tiệm ăn, giải khát, tiệm bán tranh ảnh, khách sạn nở rộ, Hội An còn có thêm một vài nghề khác, như: nghề...cò, nghề OK sa lem. Trước hết, xin nói sơ về nghề cò. Cò có nghĩa là cò mồi. Mấy tay này hễ thấy khách du lịch đi ngơ ngáo trên đường là xáp lá cà tán hưu tán vượng. Khách vào tiệm ăn thì cò cũng theo vào ra tuồng là người hướng dẫn viên. Rồi sau đó xin chủ quán cho tiền huê hồng dẫn khách. Số lượng cò ở Hội An không nhiều, cũng khó kiếm ăn, vì phố nhỏ ai nấy đã nhẵn mặt khó quậy. Nhưng tựu chung, cũng kiếm được ngày hai bữa.
Chính tôi cũng bị một anh cò bu theo cả nửa ngày mà không biết. Cứ ngỡ anh ta là bà con bên bà xã tôi. Chẳng là lúc tôi đang ngồi ăn Cao Lầu ở đường Cường Để (bây giờ là Trần Phú) thì một anh xồn xồn bước vô kéo ghế ngồi kế bên nói chuyện rất thân thiết. Hội An là phố nhỏ, ai cũng có thể là bà con. Tôi nghĩ chắc anh ta là người thân xa bên vợ. Hỏi mấy câu về gia đình bà xã tôi, anh đều trả lời rành rọt. Nghĩ bụng cũng mừng, vừa gặp bà con, vừa có người trò chuyện đỡ buồn. Suốt nửa buổi, đi đâu anh cũng theo kề sát bên rất tương đắc. Khi tới bờ sông, tôi mướn chiếc ghe để dạo một vòng trên sông Thu Bồn cho mát thì anh không theo nữa. Mời mấy cũng từ chối nại cớ có chuyện phải đi gấp, hẹn tối gặp lại. Ghe chở tôi quanh một vòng Cẩm Nam rồi cặp về bến gần chợ cá. Lúc trả tiền, chủ ghe hỏi:
-cái thèng hồi nãy là boạn của cậu hử?
Tôi trả lời:
-không phải đâu bác. Ảnh là bà con bên vợ cháu.
-Vợ cậu là con của ai?
-Dạ, con ông Hụi tiệm thuốc Hoà Xương Đường...
Chủ ghe lắc đầu, nói:
-Rứa cậu bị hén gạt rồi. Tui cũng bị hén gạt lun.
Tôi ngạc nhiên:
-Ủa! Sao vậy bác?
-Tui ở đây mấy chục năm. Gia đình mô trên phố tui cũng biết hết. Hồi xưa nhà vợ cậu chưa dọn xuống Sài Gòn, tui tới mua thuốc của ông Hụi hoài. Gia đình ông Hụi là người Hoa. Mô có bà con chi với cái thèng quỉ nớ. Hén quê Tiên Phước, đói quá xuống phố làm nghề cò kiếm en. Vậy mà hén nói hén bạn của cậu, dẫn cậu tới giới thiệu đi ghe của tui, làm tui phải chung cho hén hết hưa chục phần trem. Thiệt đúng là cái thèng trời đánh. Tổ choa hén.
Đó là nghề cò. Còn nghề OK Salem thì dễ thương và tội nghiệp hơn. Nguyên chữ "OK Salem" dùng để chỉ những đứa trẻ chạy theo các người lính Mỹ để xin kẹo và tiền, lúc quân đội Hoa Kỳ còn đóng ở miền Nam. Ngày nay, Hội An mượn lại để đặt tên cho một nhóm thiếu nhi con nhà nghèo, sau giờ học, la cà bu quanh du khách gạ bán những tấm bưu thiếp in hình thắng cảnh, đi tích của Hội An. Nghề này một vốn mười lời. Tôi hỏi Thanh, cậu bé mười hai tuổi có gương mặt sáng sủa với nụ cười thân thiện rất...Hội An, lúc em đang cố dụ tôi mua sấp hình chùa Cầu.
-Em bán một ngày được bao nhiêu?
Thanh ngần ngừ giây lát xong trả lời:
-Có khi được vài Đô. Có khi chẳng được đồng mô.
-Những tấm hình này em lấy ở đâu?
Thanh cười:
-Sau giờ học, em lên ty Văn Hoá lấy đi bán. Bán được thì về trả tiền vốn lại cho ty.
So với cò, các em OK Salem này dễ thương hơn nhiều. Không sạo sự. Không lừa bịp. Tất cả dựa trên sự trao đổi thẳng thắn. Vừa lòng người bán, vui lòng người mua.
Trước khi về Hội An, cô em vợ tôi dặn: "Nhớ phải tới phở Liến làm vài tô. Rẻ lắm! Chỉ hai chục cents thôi. Nhưng ngon đáo để." Từ khách sạn Thanh Bình đi bộ tới phở Liến chỉ hơn trăm thước.
Tôi nhớ, hồi xưa cửa phở Liến thông ra con hẻm vô quán cà phê Chanh. Bây giờ, cửa chính lại hướng ra đường Lê Lợi. Sự đổi hướng này có lẽ mang lại nhiều tài lợi nên phở Liến rất đông khách. Mùi phở thơm tho với hương vị đặc biệt theo khẩu vị của người dân xứ Quảng. Không nơi nào bạn có thể tìm ra một bát phở mà gia vị phụ tùng lại có kèm theo vài lát đu đủ sống ngâm dấm đường. Nước phở bùi, bánh phở dai mềm, miếng thịt bò tươi kèm theo cái dòn rụm của lát đu đủ sống. Bởi vậy, làm sao mà tôi không tốn sáu chục cents cho ba tô phở chứ?
Không phải chỉ có phở tôi mới ăn đến ba tô, mà cả bún bò, cơm gà, cao lầu...thứ gì cũng phải ăn từ ba tô, ba dĩa trở lên mới hả cơn...thèm. Cũng đừng quên món bánh ích tro, bánh đậu xanh, mà khi ăn phải...đẩn cả chục cái mới đã.
Nếu bạn phải vất vả, ê ẩm suốt một ngày đêm ngồi xe ra tận Hội An như tôi, thì sự bồi dưỡng về món ăn ngon của phố Hội cũng đủ bồi đắp cho nỗi cực nhọc đó rồi. Đấy là chưa nói đến những di tích lịch sử nổi tiếng, không những trong nước mà ngay cả ở ngoại quốc cũng biết đến. Một trong những đi tích lừng danh của phố Hội là chùa Cầu.
Theo sử liệu thì chùa Cầu khởi công xây năm 1593, mãi đến năm 1597 mới hoàn tất. Chùa Cầu là một sự hoà hợp tuyệt vời giữa ba cấu trúc văn hoá mỹ thuật hiếm có của Nhật-Việt-Hoa. Tuy đã trải qua hơn bốn trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt, chùa Cầu vẫn hiện ngang bền bĩ giữ trọn vẹn những đường nét hoa mỹ đặc thù, cùng sự bí ẩn về đôi chó đá và cặp tượng khỉ đặt hai bên đầu cầu. Điều mà mãi đến bây giờ, người dân phố cỗ và các nhà khảo cỗ vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng về ý nghĩa của bốn tượng đá này.
Hồi đó, khi mới vào Hội An, tối nào tôi cũng thả bộ băng qua chùa Cầu. Tuổi trẻ thích long bong lêu bêu dạo phố đêm. Có lần sụp chân xuống cầu vì dẫm phải mảnh ván mục sướt cả đầu gối. Bây giờ, mỗi khi nhìn lại vết sẹo nhỏ ở chân, tôi hay gọi đùa là "vết sẹo chùa Cầu." Cũng là một kỷ niệm để nhớ mãi về một Hội An rất đằm thắm trong quá khứ.
Về Hội An mà chẳng xuống cửa Đại tắm biển là một thiếu sót không thể tha thứ được. So với hai bãi biển nổi tiếng Nha Trang và Vũng Tàu, thì biển cửa Đại ở Hội An trội hơn cả. Mặt biển xanh. Nước thật trong. Bãi cát lài lài ra tận ngoài xa, lội ra cả trăm thước mà nước vẫn không sâu qúa ngực. Sóng không lớn cuốn vào bãi cát nông, tạo nên nhiều đợi sóng nhỏ trắng xoá, đẹp mắt.
Nằm ngã người trên chiếc ghế xếp dưới chòi dừa dọc theo bãi cát. Uống một chai bia lạnh. Ăn một miếng mực luộc chấm nước mắm ớt. Bạn sẽ quên hết mọi phiền muộn trên đời. Mà, có khi, lại còn có thể quên cả chính bạn nữa. Hãy phóng tầm mắt xa hơn chút nữa ra khơi, bạn sẽ nhìn thấy một cù lao Chàm hùng tráng ẩn hiện trên mặt biển. Tủ rừng thông xanh mướt nối liền với bãi cát mịn vàng, kéo theo màu biếc của biển cùng cù lao Chàm. Qủa thật, tạo hoá đã dựng nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ rất tuyệt vời.
Trong mục đích bảo tồn di tích, Hôi An đã nhận được sự giúp đỡ tài chánh từ nước ngoài để tu bổ, sửa chửa những hư hỏng kiến trúc của phố thị. Tu bổ, sửa chữa chứ không được thay đổi hình dạng cấu trúc của nhà phố. Do đó, cho dù bạn có rời xa phố Hội vài mươi năm đi nữa, thì khi trở lại, Hội An vẫn chung thủy giữ dùm bạn từng góc phố, từng ngôi nhà thân quen, như thể bạn chưa hề rời xa nơi này đã quá lâu như vậy.
Sự chung thủy gắn bó của phố Hội có thể chứng minh bằng chính những vết tích kỷ niệm của từng người, của bạn, của tôi. Như hồi xưa lúc mới bị bà xã...cua, tối tối tôi hay ngồi đợi bả trên bực thềm xi măng ở bờ sông. Có lần bả cho tôi leo cây, không ra chổ hẹn, giận quá tôi đập cục gạch xuống bực thềm làm mẻ một miếng lớn. Chuyến này về lại chỗ "nớ" thấy vết bể vẫn còn, chỉ khác là hơi bự hơn một chút, làm tôi xúc động đứng lặng cả người. Rồi, cả tấm bảng hiệu Hoà Xương Đường (和 昌 堂) của nhà bà xã tôi mấy chục năm trước, vẫn còn treo trên lan can ở căn nhà bên đường Nguyễn Thái Học. Tại phố chính không thay đổi, nhưng nếu đi một chút ra ngoại vi sẽ thấy sự chuyển mình đáng kể của phố Hội. Chẳng hạn như: khu sân banh, xóm Mới, bến xe...nhà lầu mọc lên rất nhiều theo mức độ tăng trưởng của dân số chung quanh thị xã. Riêng con đường về Cẩm Châu xuống cửa Đại thì khỏi nói, nhà cửa san sát liền nhau, biến một Cẩm Châu buồn tẻ của quá khứ thành khu nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Ban đêm, muốn xuống biển chơi, nếu không phải dân bản địa, chớ có dại mà tự lái Honda, nếu bạn chẳng gẩy cổ ở một ổ gà nào đó trên đường, thì cũng bị cán...bẹp bởi một trong những chiếc Honda của mấy tay yên hùng Cẩm Châu bất cần luật lệ. Chính tôi đã thử rồi và mãi đến giờ nghĩ lại vẫn còn...rùng mình.
Hàng ngày, bạn muốn biết những tin tức nóng hổi đang xảy ra ở Hội An? Khỏi cần đọc báo. Khỏi cần đi xa. Cứ tới quán cà phê đối diện khách sạn Thanh Bình trên đường Lê Lợi, nơi tụ tập của những tay chơi long bong phố Hội, họ sẽ truyền khẩu cho bạn nghe mọi tin nóng sốt. Từ Honda cán chó đến những mối tình vụng trộm; từ cuộc đánh ghen hào hứng của bà X bên xóm Mới đến vụ anh Y giựt hụi vì thua bài. Thậm chí cả số đề số đuôi cũng rôm rả lời bàn.
Khi bản tin miệng buổi sáng chấm dứt theo những ly cà phê đã cạn sạch, bạn có thể bước xéo qua đường mướn đỡ chiếc Honda của anh T với giá hai đô một giờ. Nhưng cũng đừng quên cảnh giác cái đồng hồ rất... nịnh chủ của anh T lúc nào cũng chạy nhanh hơn đồng hồ của bạn đến một...tiếng. Riêng tôi, mỗi lần bị anh T tính thêm giờ, tôi lại nhắc khéo về cái đồng hồ thổ tả đó, thì y như rằng, anh lại đánh trống lảng mà kể cho tôi nghe thêm một sự tích khác nữa về ngôi...chùa Cầu
Tôi ra vườn Ương ngoài bến xe tìm nhà một người bạn cũ. Cảnh trí nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Ngôi nhà của bạn tôi một thời được xem là rất đẹp trong vùng, giờ đây trông thảm hại cũ kỹ, nép mình giữa những căn lầu đúc tân kỳ bao quanh. Gặp một ông già mặt hao hao giống thằng bạn đang ngồi ngoài thềm cửa, tôi gật đầu chào:
-Thưa bác, đây có phải nhà anh Hiếu?
Ông già chăm chú nhìn tôi rồi đứng lên nhăn hàm răng đã di tản gần hết ra cười:
-Ngọc hả? Tao...Hiếu đây. Hong phải ông già tao mô.
Ngày tháng trôi nhanh. Mọi việc, mọi sự trên đời đều đổi thay theo năm tháng. Nhưng Khuôn mặt của bạn tôi lại bị thời gian bạc đãi quá tàn nhẫn, đến nỗi tôi không còn nhận ra chính nó. Nắm bàn tay gầy guộc của Hiếu, tôi hỏi nó về cuộc sống. Hiếu ngậm ngùi:
-Giải phóng xong tao nghỉ học. Ở nhà đôi năm cuộc sống đã khó khăn nhiều. Nghe lời rủ của mấy thằng bạn, tao lên Tiên Phước tìm vàng. Rừng thiên nước độc, vàng đào không thấy, mắc thêm bịnh sốt rét. Tao về lại đây sống lây lất qua ngày.
-Sinh hoạt của mày giờ ra sao?
-Cũng tương đối ổn định.
-Vợ con gì chưa?
Hiếu cười buồn:
-Mi nghĩ có người nào chịu sống đời với một ông già xấu xí bịnh tật như tao sao?
Nỗi thất vọng về tương lai và cuộc sống đã biến Hiếu thành một người bi quan cùng cực. Hồi chúng tôi còn học chung phân khoa Luật ngoài Huế, trong nhóm bạn bè, Hiếu là người sáng giá nhất. Đẹp trai, học giỏi, con nhà khá giả, ăn nói duyên dáng, lịch sự. Lúc nào cũng có cả khối các cô nữ sinh Đồng Khánh Huế hâm mộ. Quả thật, thời gian đã quá vô tình và tàn nhẫn với một người rất dễ thương như Hiếu.
Buổi chiều, một ngày trước khi rời Hội An, tôi mướn chiếc xe đạp rảo một vòng quanh xóm Mới, qua sân Vận Động, ghé lại trường Trần Quí Cáp, thăm lại nơi tôi đã miệt mài suốt niên học của lớp đệ nhất (12). Lúc đạp xe đến trước cổng trường thì trời đã sâm sẩm tối. Ngôi trường vắng vẻ cũng buồn như cái hoàng hôn đang chết dần theo màn đêm. Tôi đứng ngoài vòng rào cố tìm lại lớp học của mình ngày xưa, nhưng bóng tối đã không thương tình mà che cả tầm nhìn bằng một màu đen sền sệt dễ ghét. Đành quay xe về hướng khác mà lòng rất buồn.
Ghé lại chùa Nam Tôn như một tình cờ không định trước. Thắp nén hương. Uống một tách trà nóng. Nói dăm câu chuyện cùng thầy trụ trì. Rồi, cũng với một cảm giác rất muộn phiền rời chùa về lại phố. Đạp xe suốt con đường Nguyễn Thái Học thiếu ánh điện, vắng cả bóng người đi. Dãy phố đêm với những khung cửa gài kín, im lìm như phố chết. Nguyễn Thái Học không còn là lộ trình của một thời nhộn nhịp, một thời lê gót, một thời đứng đợi...em trong mưa của tôi ngày xưa. Tất cả, còn lại, chỉ là những ký ức rất buồn rầu trên con đường nhạt nhoè, cô đơn giữa hai hàng phố vắng.
Ghé vào trường Lễ Nghĩa. Khoảng sân sáng rực ánh đèn với sự tranh tài hào hứng của những tay hảo thủ vũ cầu phố Hội. Ngồi một chút để cổ võ tinh thần cho những tay vợt trẻ. Cũng gọi là rất vui và đáng khâm phục cho những người trẻ yêu chuộng thể thao. Dù cuộc sống khó khăn, trường Lễ Nghĩa vẫn cố khắc phục tổ chức thường xuyên các giải tranh đua truyền thống.
Từ Lễ Nghĩa lại đạp xe xuống chợ. Chợ đã tàn từ sẩm tối, giờ chỉ còn lại những lều sạp trống rỗng. Cố luồn xuyên qua từng dãy sạp vắng tối mù ra tận bến cá. Gió sông mát rượi. Nghe như có giọng hò đâu đó vẳng lại bên kia sông. Cây cầu nối qua Cẩm Nam mất nhịp chỉ còn trơ lại chân trụ như một dấu tích rất muộn phiền của quá khứ. Thiếu một nhịp cầu, Cẩm Nam như rất gần mà cũng rất xa. Cũng may, tôi chẳng có nguổi yêu bên nớ, nếu không thì đã lỡ chuyến đò cuối qua sông đêm nay.
Đạp dọc theo đường Bạch Đằng. Những dãy bàn bên mé sông vẫn còn đông khách với từng chùm đèn màu nhấp nháy rọi sáng một quãng đường rất lãng mạn của Hội An về đêm. Dừng lại mua gói thuốc, gặp Hùng Anh, thằng bạn học ngày xưa ở lớp đệ nhị (11) trường Bồ Đề. Vẫn dáng cao dong dỏng gầy gầy và vẻ mặt bất cần đời. Hùng Anh kéo tôi về nhà. Căn nhà dài thăm thẳm từ Bạch Đằng thông ra tận đường Nguyễn Thái Học. Hắn lôi tôi lên lầu ra phòng rộng phiá trước, nơi vợ chồng nó và ba đứa con quây quần thành một mái gia đình rất hạnh phúc, bình dị. Tách trà Mai Hạc khởi đầu cho những hàn huyên, những gợi nhớ vui buồn trong quá khứ. Kỷ niệm cũ cứ như chẵng bao giờ kể hết. Về ngôi trường. Về thầy cô. Về bạn bè lưu lạc mười phương. Về những ngang tàn phá phách của tuổi mới lớn và về những buổi tối uống rượu nếp ở bờ sông An Hội. Tất cả được dàn trải theo nỗi ngậm ngùi luyến tiếc của một thời rất đẹp, rất nhớ.
Lúc từ giả, Hùng Anh buồn buồn nắm tay tôi như chưa muốn rời. Tôi đi mà không ngoái đầu nhìn lại. Gió đêm thật mát nhưng khó mà nguôi được nỗi rầu rĩ ở trong lòng. Đến gần cuối đường, dựng chiếc xe đạp vào cột điện, tần ngần nhìn cây cầu ngắn nối qua An Hội. Dưới ánh đèn vàng vọt, chiếc cầu vắng cũng buồn thảm như lòng tôi. Bên kia, dưới bầu trời lẻ loi những vì sao, cả An Hội đã chìm vào giấc ngủ. Chợt muốn bước qua cầu mà lòng vẫn ngập ngừng. Rồi sẽ tìm thấy gì giữa bóng tối quạnh quẽ bên kia bờ? Tai bỗng nghe âm thanh rất quen thuộc của tiếng nước vỗ vào chân cầu. Hình ảnh chiếc cầu. Nước reo nhè nhẹ theo ngọn gió thoảng trên mặt sông. Tất cả, tất cả chợt như ở một ngày nào đang hớp từng ngụm rượu nếp thơm nồng tại bến sông này.
Có phải gần ba mươi năm đã qua? Có phải thời gian đã trôi nhanh đến thế? Có phải tôi chưa hề rời khỏi chốn này trong suốt một phần đời? Có phải tôi vưà tỉnh dậy sau giấc mộng ngắn từ cơn say? Và, có phải tôi vẫn là tôi của những ngày rất xa đang dệt mơ ước nơi này bên bến sông đêm?
Dắt chiếc xe đạp thả bộ mươi bước thì cùng đường. Quẹo phải lên đoạn dốc ngắn đã thấy chùa Cầu. Đứng lặng một chút để ngắm chiếc cầu lừng danh nối liền Cẩm Phô và phố Hội. Bất giác, lại nhớ đến vết sẹo ở chân và mảnh ván mục trên cầu. Vết sẹo vẫn chưa mờ, chẳng biết mảnh ván gẫy có còn không? Ngồi giữa cầu, tay vuốt ve từng thanh gỗ, mảnh ván dưới chân. Nghe mùi hương ai thắp bên chân tượng chó đá như một gợi nhớ rất nổng nàn. Nước vẫn róc rách chãy dưới chân cầu. Mùi bùn non. Mùi cỏ đêm. Thật hạnh phúc khi tôi tìm lại được tất cả những thân nhớ này. Đêm tàn dần vẫn cứ muốn ngồi lại mãi một mình trong bóng tối. Phải chăng tôi vẫn còn đang chờ đợi một điều gì mình đã quên?
Một ông già đạp xe đến giữa cầu. Thấy tôi, ông đột ngột dừng lại, hỏi:
-đứa mô rứa? Răng giờ ni còn đứng ở đây?
Tôi đứng lên đáp:
-Dạ! Cháu ở xa về thăm phố. Ngồi chơi một lát rồi về.
Ông già định tiếp tục đạp xe đi, nhưng không biết nghĩ sao lại ngần ngừ rồi dựng xe bước lại gần nheo mắt hỏi:
-Mi nói giọng miền Nam giống cái thèng...thèng chi mô quên mất rồi hè?
Tôi cười. Cũng chợt nhận ra ông:
-Bác có phải là bác Bốn bên Cẩm Phô không?
Ông già ngập ngừng:
-Phải...phải. À...tao nhớ ra rồi! Mi là thèng Ngọc bạn của Xuân cháu bác phải không?
Tôi gật đầu. Bác Bốn nắm tay tôi lắc mạnh mừng rở:
-Về bao chừ? Răng không ghé thăm bác?
Lời nói chân thành của ông khiến tôi lặng đi giây lát.
-Cháu có hỏi thăm. Nhưng mấy người bạn nói Xuân không còn ở đây. Cháu tưởng bác cũng dọn về Đà Nẵng rồi.
Bác Bốn trách:
-Mi thiệt tệ quá! Bác vẫn ở đây đâu có đi mô.
Tôi tệ thật. Nhìn mái tóc bạc trắng cùng gương mặt hiền lành già nua của bác Bốn mờ nhạt trong bóng tối bỗng thấy chạnh lòng. Nhớ hồi còn đi học, mỗi khi tan trường Xuân thường rũ tôi về nhà bác Bốn đàn đúm hát hò, bày binh bố trận, phá làng phá xóm, phá luôn giấc ngủ trưa của bác mà bác chả bao giờ quở trách. Lúc nào bác cũng đối xử với tụi tôi rất tử tế, giống như con cháu trong nhà, dù Xuân chỉ là đứa cháu họ xa, được cha mẹ gửi gấm ở trọ nhà bác.
Có lần, bác được ai tặng cho chai rượu quí, cất mãi trên bàn thờ tổ tiên không dám uống. Một hôm, tôi và Xuân đem bình rượu xuống uống sạch. Đến khi phát giác ra tụi tôi là thủ phạm, bác chỉ ôn tồn nói: "Bác không vợ không con. Có tụi mi thêm vui cửa vui nhà. Nhưng phá chi thì phá. Chơi chi thì chơi. Phải ráng học cho nên người." Những lời nói chân thành mộc mạc của bác như còn văng vẳng bên tai, mà sao tôi lại tệ thế? Lại chẳng nhớ gì về một bác Bốn dễ thương bên Cẩm Phô để mà ghé thăm?
Tôi nắm lấy bàn tay chai cứng của bác Bốn mà nghe dạt dào những thương mến. Đúng là tôi đã có một linh cảm khi cố ngồi lại trên cầu để chờ đợi điều gì. Chắc là cuộc gặp gỡ này. Là bác Bốn. Là những kỷ niệm tôi đã bỏ quên trong căn nhà nhỏ của bác bên Cẩm Phô. Của những ngày mưa dầm, tôi, Xuân, và Hùng Tây ngồi trên bộ ván ở hiện nhà bác Bốn, ăn bánh tráng ướt chấm mắm cá uống rượu Nếp. Rồi khi đã ngà say, tôi lại đệm đàn để Hùng Tây và Xuân nức nở những bản tình ca ngoại quốc làm đứt từng khúc... ruột của các cô gái ngây thơ Cẩm Phô.
Tôi kéo bác Bốn ngồi xuống bục ván cạnh lan can. Chỉ mong đêm dài mãi để mà tâm sự, mà nhắc lại từng kỳ niệm và những chặng đời đã qua. Kỷ niệm nào chẳng có buồn vui? Nhưng vui hay buồn gì thì cũng gượng nở nụ cười để mà che dấu đi cái cảm xúc bồi hồi luyến tiếc. Cũng như lúc chia tay cùng bác Bốn, vẫn gượng nỡ nụ cười mà nhìn theo cho đến khi hình dáng cô đơn, gầy gò của bác đạp xe xuống cầu khuất hẳn vào màn sương. Mong bác hiểu cho vì sao tôi không theo bác ghé lại một lần nơi căn nhà cũ để uống cùng bác chung trà. Tôi sợ mình sẽ phải đau lòng hơn khi nhìn thấy sự lẻ loi hiu quạnh của bác, trong căn nhà đã chẳng còn gì...không còn ai...
Tôi quay về phố. Đạp xe thật chậm theo chiếc bóng ưu phiền của chính mình trải dài trên mặt đường. Sương khuya lạnh lắm, nhưng vẫn muốn đêm hãy còn dài để được đi suốt những con đường còn lại của phố Hội. Bởi vì mai này, mai này biết tôi còn giữ được lời hứa trở về thăm phố, hay dòng đời lại cứ đưa đẩy đi xa mãi nơi này?
Tôi rời Hội An buổi sáng sớm khi trời còn mù sương. Một phút đứng lặng nhìn thành phố vẫn yên ngủ mà nghe lòng man mác nỗi buồn. Tuy không sinh ra và lớn lên nơi thành phố này, nhưng tôi đã gửi lại đây một phần đời rất đẹp, dù ngắn ngủi, của tuổi mới lớn. Đã yêu mến từng con đường, từng góc phố, từng mái nhà rêu cổ cùng dòng sông Thu Bồn hiền hoà và một người con gái rất đẹp của phố Hội. Mai này, cho dù có xa tận phương nào, tôi vẫn nhớ về một Hội An như đã nhớ rất nhiều trong đời, vẫn giữ mãi một Hội An đằm thắm trong tim như gìn giữ hình ảnh người tình chung thủy muôn đời.
Nhất định, nhất định tôi sẽ về lại...

Hồ Xuân Ngọc. 
2005



Friday, July 24, 2020

ĐỈNH DUNG NGHI - THƠ DƯƠNG QUÂN







ĐỈNH DUNG NGHI

Anh không phải hàng vương tôn công tử
Kẻ thất phu chỉ có trái tim hồng
Và tình yêu là kho tàng, châu báu
Trao cho em, làm sính lễ cầu hôn.

Anh xin rước em về Dinh Hạnh Phúc
Mời em lên ngự trên Đỉnh Dung Nghi
Nơi thủy chung anh tôn thờ duy nhất
Chốn trăm năm đầm ấm sắc hương thề.

Anh sẽ góp mây trời may áo lụa
Sẽ gom hoa nở thắm vạn mùa xuân
Sẽ thu nhạc trùng dương từng thế kỷ
Đem về em tô điểm nét thiên thần.

Anh sẽ giữ lòng yêu em tuyệt đối
Sẽ trung thành mãi mãi tận ngàn sau
Sẽ chiêm ngưởng dáng đoan trang vời vợi
Bóng hình em huyền thoại lẫn ngọt ngào.

Nàng Thơ ơi! Anh đã từng mộng mị
Đeo đuổi em hết cả một đời người 
Không còn nữa những giòng thơ bi lụy 
Khi môi em hàm tiếu nụ cười tươi.

Dương Quân



Monday, July 20, 2020

CÁCH CỨU NGƯỜI LÊN CƠN ĐAU TIM 5 GIÂY (Bài hay trên net)

Không chỉ cứu sống người đang bị lên cơn đau tim, vỗ vào lõm khuỷu tay còn là cách phòng bệnh tim mạch và huyết áp hiệu quả..

Vào cuối năm 2011, dư luận Trung Quốc không khỏi xôn xao về trường hợp một cụ ông 70 tuổi bị lên cơn đau tim trong đám cưới của con gái.

mail?url=http%3A%2F%2Fkenhkienthuc.org%2Fwp-content%2Fuploads%2F2018%2F04%2Fkhuyu-tay-dau-tim-thumbnail.jpg&t=1595232023&ymreqid=04368d96-c432-1dc5-1cd1-df006a010000&sig=tE1IsaW_Jz
Ảnh minh họa


Theo lời kể của các nhân chứng, khi cơ thể cụ ông cứng ngắc, thở rất khó thì một vị khách mời trong đám cưới đã nhanh chóng vỗ mạnh vào phần lõm xuống ở khuỷu tay nạn nhân.

Vài phút sau đó, cụ ông mới dần tỉnh lại và lập tức được đưa vào bệnh viện.

Tại phòng hồi sức cấp cứu, bác sĩ có hỏi người nhà: “Ai đã vỗ vào lõm khuỷu tay của bệnh nhân?”

Sau khi được người nhà thuật lại tình hình lúc đó, vị bác sĩ này nói: “Vỗ vào đây là đúng, vừa có thể ngăn chặn tắc mạch máu, lại vừa có tác dụng khai thông huyết mạch. Nếu không, chỉ e rằng xe cứu thương chưa kịp tới, tình huống xấu đã xảy ra”.

Câu chuyện cụ ông may mắn được cứu sống nhờ phương pháp vỗ vào chỗ lõm khuỷu tay đã nhanh chóng trở thành chủ đề xôn xao trong giới y học và dư luận nước này.

mail?url=http%3A%2F%2Fkenhkienthuc.org%2Fwp-content%2Fuploads%2F2018%2F04%2Fkhuyu-tay-dau-tim-1
Ảnh minh họa

Kỳ thực, đây là cách cấp cứu đã được cổ nhân Trung Hoa vận dụng từ ngàn đời xưa. Trung y có câu: “Hàn ngưng trí ứ, huyết đi chịu trở”, đại ý là “lạnh khiến cho máu huyết ứ đọng và khó lưu thông”.

Theo đó, máu huyết của con người có tính chất tương tự như dầu đậu phộng, gặp lạnh sẽ ngưng tụ lại, gặp nóng sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái lưu thông bình thường.

Trong khi đó, chỗ lõm ở khuỷu tay là nơi có màng ngoài tim và kinh tâm nối thẳng với tim.

Vỗ mạnh vào bộ phận này sẽ tác động vào hai kinh lạc kể trên, giúp cho khí huyết lưu thông, kích thích cơ thể ấm lên và đổ mồ hôi nhằm bài tiết chất độc, đồng thời làm “tăng dương khí”, khai thông mạch máu ứ tắc, đồng thời ngăn ngừa tắc động mạch.

Bởi vậy, việc vỗ mạnh vào khuỷu tay để sơ cứu cho người trụy tim như trường hợp cụ ông kể trên không phải là việc làm thiếu căn cứ, thậm chí còn đúng với nhiều nguyên lý y khoa.

mail?url=http%3A%2F%2Fkenhkienthuc.org%2Fwp-content%2Fuploads%2F2018%2F04%2Fkhuyu-tay-dau-tim-thumbnail.jpg&t=1595232023&ymreqid=04368d96-c432-1dc5-1cd1-df006a010000&sig=tE1IsaW_Jz
Ảnh minh họa



Các bác sĩ cũng lưu ý trong lúc dùng biện pháp cấp cứu này, nếu thấy xuất hiện vết bầm tím ở chỗ lõm vùng khuỷu tay nạn nhân, chúng ta cần tiếp tục vỗ cho tới khi chuyển sang màu đỏ mới ngừng lại.

Mặc dù chỉ là động tác đơn giản, nhưng hành động vỗ vào chỗ lõm ở khuỷu tay rất dễ áp dụng trong các trường hợp nguy cấp, không cần học qua trường lớp đào tạo, thậm chí còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh tim mạch và cao huyết áp, giảm nguy cơ phát sinh đột quỵ.




Wednesday, July 15, 2020

CON MA LẦU NAM PHƯƠNG BÀI VIẾT CỦA HỒ XUÂN NGỌC


CON MA LẦU NAM PHƯƠNG 

BÀI VIẾT CỦA EM TRAI HỒ XUÂN NGỌC 
ĐĂNG TRÊN The Little Saigon News (09-22-1995)

 

Đây là câu chuyện có thật, xảy ra 42 năm trước ở Huế. Nhóm chúng tôi năm đứa: Điểu, Tráng, Ngọc, Hiếu, và tôi. Tuy không học cùng trường, ...nhưng đều là những sinh viên xa nhà nên rất thân thiết. Thời gian ấy, ở Huế, thật vui. Tuổi mới lớn hồn nhiên và thắm thiết với tình bạn, với những kỷ niệm đẹp. Thời gian trôi nhanh. Tưởng như mới ngày hôm qua. Trong năm đứa, có đứa đã Vĩnh viễn nằm xuống, đứa còn ở lại, đứa tha phương trôi nổi. Viết lại chuyện này để nhớ về một thời rất đẹp, rất thơ mộng, và cũng rất buồn. Xin tất cả các bạn hãy cùng tôi về lại quá khứ nên thơ ở khoảng thời gian đã rất xa ấy...HXN.

Người ta đồn rùm lên là lầu Nam Phương Hoàng Hậu trong Đại Nội có ma. Ban đầu, tin được truyền đi từ quán cà phê ông Đường trong thành Nội, từ chính miệng của các sinh viên Mỹ Thuật và Quốc Gia Âm Nhạc. Nên nhớ, Trường MT và QGAN nằm gần lầu Nam Phương, do đó tin đồn đi từ gốc ra hẳn là xác tín lắm. 

Không đầy hai ngày sau, khắp các quán cà phê từ nội chí ngoại thành đều rôm rả tiếng người bàn tán. Chuyện con ma lầu Nam Phương được mấy anh sinh viên cho thêm nước mắm, rắc thêm muối, trộn thêm bột ngọt thành ghê gớm, khủng khiếp hơn cả chuyện con ma Vú...Dài trong trường Cây Mai ở Saigon.

Nguyễn Phi Điểu, sinh viên năm thứ hai cao đẵng Mỹ Thuật, quê Thanh Quít Quảng Nam, cùng ở chung một dãy nhà trọ với tôi, phùng mang trơn mắt vẽ thêm...nanh cho con ma, lúc tôi và nó cùng ba người bạn ngồi ăn sáng ở cà phê Bưu Điện cạnh trường trung học Bán Công Huế.

-Chính tai tao nghe rõ ràng. Ban đầu nó hú một tiếng thiệt dài. Sau đó thì cười sặc sụa. Rồi hát...ghê lắm. Đang ngồi tâm tình với con bồ bên hông trường phải bỏ chạy trối chết.
Tôi cười:
-Mày bỏ con bồ ở lại?
-Điểu trợn mắt:
-Đâu có! Con nhỏ chạy còn...lẹ hơn tao nữa. Bữa nớ tao đuổi theo muốn hụt hơi mà bắt hỏng kịp nó.
Hồ Ái Ngọc, không có bà con gì với tôi chỉ trùng tên và họ, năm thứ hai Văn Khoa, dân Hội An gốc Huế, lại bỏ thêm hành vào câu chuyện:

-Tau có bà dì ở hồ Tịnh Tâm gần nớ. Bả nói đêm mô cũng nghe nó hò...Huế.
Đinh Tráng (em hoạ sĩ Đinh Cường) cùng lớp với Điểu, nhướng cặp mắt hí rải thêm ngò cho đủ vị tả pín lù:

-Tao ở sau trường Mỹ Thuật nghe còn rõ nữa. Mà sao...có lúc tao lại nghe loáng thoáng nó hát bài "Lạnh Trọn Đêm Mưa" mới kỳ chớ! Hỏng lẻ ma...tân thời, mới chết nên thuộc toàn nhạc thịnh hành?
Tôi không nhịn được cười, hỏi:

-Mà...tụi mày nghe giọng gái hay trai?
-Hình như con trai. Cũng có khi nghe eo éo như đàn bà.
Thằng Điểu rùng mình:

-Làm mấy bữa nửa đêm mắc đái, tao hỏng dám ra ngoài.
Tôi gặng:
-Rồi mày làm sao?
Điểm cười hề hề:
-Thì chỉa ra cửa sổ chứ sao nữa.
Tôi đá vô chân Điểu:

-Hèn chi mấy cái áo thun tao phơi ngoài cửa ướt mèm, còn hăn hắt mùi khai.
Điểm xoa chân, giả lả
-Bộ mi hỏng lấy khăn lau mặt của tao chùi giày sao?
Hồ Ái Ngọc tợp một ngụm cà phê, nút nút cục nước đá xong phun toẹt xuống đất, nói:

-Bữa mô tụi mình kéo nhau vô lầu Nam Phương ngủ lại một đêm, coi ma có dám ra hát nữa không.
Đinh Tráng hăng tiết canh:

-Ừ...phải đó. năm thằng mình hỏng lẻ sợ con ma sao.
Hoàng Trọng Hiếu cùng lớp với Hồ Ái Ngọc, gốc Hội An. Từ nãy đến giờ cặm cụi đá cho sạch dĩa sôi im lặng không nói gì, giờ mới lên tiếng:

-Thằng mô nói cũng ngon lắm...tới hồi đụng chuyện toàn bị sốt rét hết.
Tôi nháy mắt với Hiếu, gài độ:

-Kỳ này chính miệng tụi nó đề nghị, có sốt rét cũng phải đi. Đừng lo Hiếu à.
Tráng cười gằn:
-Được rồi. Để coi thằng nào chạy đạn trước.
Ngọc hăm hở nói:
-Tao đề nghị tối thứ sáu tuần tới vô trong nớ ngủ. Đồng ý chưa?
Tôi nhái giọng Huế, giỡn:
-Đù mạ thằng mô giả bộ bị sốt rét bỏ chạy.
Tụi tôi chia tay nhau trước ty Thông Tin bên kia cầu Trường Tiền. Tráng, Điểu và tôi về phòng trọ trong thành Nội. Ngọc và Hiếu dắt nhau về cư xá sinh viên Quảng Đà ở Huỳnh Thúc Kháng.

Dãy nhà trọ của tụi tôi nằm trong khuôn viên nhà thờ Nguyễn Phước Tộc, còn được gọi là Tôn Nhơn Phủ đối diện với cửa Đại Nội, cạnh công viên bên đường Đinh Bộ Lĩnh. Chung quanh Tôn Nhơn Phủ có tường cao bao bọc. Khung cảnh vắng vẻ, yên tĩnh tách rời hẳn phố xá ồn ào ngoài thành, rất thích hợp cho việc học hành. Ngoài ra, còn có quán cà phê ông Đường xéo ngay cổng và cà phê ông Tôn gần đó, thật tiện việc ký sổ...nợ cho đám sinh viên nghèo như tụi tôi.

Từ cổng Tôn Nhơn Phủ đi vào dãy nhà trọ của tụi tôi khá xa. Dọc theo lối đi có những luống rau Lang xen kẽ với đám cây Tùng và Nhãn cao quá nóc nhà, cành lá xum xuê tỏa bóng, mát luôn cả khoảng sân rộng trước mấy căn phòng của tụi tôi. Ban ngày cảnh trí có vẻ tình tứ, thơ mộng. Nhưng khi đêm về lại âm u ma quái, tạo sợ hãi cho những người yếu bóng vía. Đối với tụi tôi, sống ở đây cả năm trời, quá quen với cảnh đi khuya về muộn nên chẳng có gì đáng sợ hết.
Đang lui cui mở khoá cửa phòng thì Nhuỵ từ đâu chạy đến vỗ vai tôi, giọng vui vẻ:

-Chờ anh từ sáng tới chừ đói muốn xỉu luôn.
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
-Nhuỵ chờ anh làm gì?
-Chờ dẫn anh đi ăn.
-Trúng mánh hả Nhuỵ?
Nhụy gật đầu.

Nhụy là em bà con của anh Tôn chủ nhà trọ. Mới 17 tuổi nhưng mặt nó trông già...gấp đôi mặt tôi. Trong nhóm sinh viên trọ học ở đây, nó chỉ thích một mình tôi. Chỉ vì tôi chịu khó đàn cho nó nghe và hát những bản nhạc nó yêu cầu.
-Anh vừa mới ăn với mấy thằng bạn xong.
Mặt Nhuỵ lộ vẻ thất vọng. Nó nài nỉ:

-Kệ. Đi với tui cho vui. Không ăn được nữa thì uống cà phê.
Bóp lại ổ khoá, tôi theo nó ra quán ông Đường. Lựa cái bàn ngoài sân cạnh cây Nhãn, nó kéo tôi ngồi xuống.
-Ăn thêm tô bún hỉ?
-Thôi...kêu cho anh ly cà phê sửa đá được rồi.
Nhìn nó hì hục ăn tô bún, tôi hỏi:

-Nhuỵ vô mánh gì bữa nay vậy?
Xuýt xoa vì ăn miếng ớt, Nhuỵ nói lúng búng:

-Mới vớt được chiếc xe đạp ngoài cửa Thượng Tứ hồi sáng. Vừa "đẩy" xong là chạy vội về kiếm anh. Biết đợi lâu rứa tui đi ăn trước cho rồi.
Tôi nói:

-Làm riết có ngày vô khám nha em.
Nhụy ngang tàng:
-Thằng ni mô có sợ chi ai anh.

Nhụy nói thiệt. Khắp mấy con đường chung quanh Tôn Nhơn Phủ ai mà không ớn nó? Ăn cắp, giật đồ, trộm xe, bắt gà là nó. Về đêm, ít có người nào dám lai vãng trên mấy con đường quanh đây. Kể cả công viên bên kia nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân cũng vắng hoe khi đêm xuống.

Kể ra, Nhuỵ cũng là đứa đáng thương. Mồ côi cha mẹ từ bé. Sống lây lất với vợ chồng anh Tôn cho đến lớn. Thiếu hẳn tình thương và sự giáo dục của gia đình. Học hành đang dở, nó đi dần vào con đường hư hỏng, bụi đời.

-Nhuỵ có nghe vụ con ma lầu Nam Phương chưa?
Đang ăn, nó ngưng lại nhìn tôi, ngập ngừng:

-Ma? Chỗ mô anh?
-Lầu Nam Phương Hoàng Hậu trong Đại Nội.
-À...có có...tui còn chộ thấy hắn nữa.
Tôi hỏi dồn:

-Thiệt hong?
-Láo...chết liền.
Tôi nghiêm nghị nhìn nó:

-Nhuỵ thấy sao kể anh nghe coi.
Nhuỵ kéo vạt áo chùi miệng, hắng giọng:

-Tối nớ tui đi qua nhà bạn gái chơi. Lúc đi ngang qua hồ Tịnh Tâm thì nghe có tiếng hát văng vẳng trên cây Tùng cạnh lầu Nam Phương...
Tôi ngắt ngang:

-Tại sao Nhuỵ lại đi vào trong đó? Sao không đi ngoài đường có đèn điện sáng sủa hơn?
Nhuỵ ấp úng:

-Thì tui muốn đi tắt cho gần rứa mà.
-Rồi sao nữa? Ban đêm nghe tiếng hát trên cây bên lầu hoang. Bộ Nhuỵ hong sợ sao?
Nhụy nhăn răng cười:

-Rứa mới chạy sút quần...hì hì-đang cười nó bổng nghiêm nét mặt- khi tới gần cây Tùng nhìn lên, tui thấy một bóng đen ngồi vắt vẻo ngay nhánh cây sát cửa sổ trên lầu. Hai chân nó đong đưa xào xạt theo tiếng lá. Tui run giọng hỏi lớn "ai rứa?". Con ma từ từ quay lại...mạ ơi, chộ cái mặt hắn là hồn bất phụ thể...tui co giò chạy trối chết.
Tôi hồi hộp, hỏi:

-Mặt nó ra sao?
Nhuỵ rùng mình:

-Ui chau! Hai con mắt xanh lè, cái miệng đỏ lòm thấy mà ớn. Nó còn le lưỡi dài cả thước nhát tui. Chưa khi mô tui chộ cái lưỡi chi mà...dài như rứa.
-Nó có rượt theo Nhuỵ hong?
Nhuỵ lắc đầu. Tôi định nói cho nó nghe ý định vào lầu Nam Phương ngủ rình ma, nhưng lại thôi. Nhìn nét mặt thất thần của nó có rủ cũng vô ích.

-Từ nay có ai cho vàng tui cũng không dám đi ngang qua chổ nớ.
Nhuỵ đứng lên đi vào trong quán. Lúc trở ra, nó thẩy gói thuốc Capstan lên bàn:

-Anh cất gói nớ đi. Tui trả hết khoảng tiền ký sổ của anh rồi.
Tôi ngượng ngùng:

-Nhuỵ cứ trả nợ cho anh hoài, làm anh khó chịu quá.
Nhuỵ xua tay:

-Ui chau! Của thiên trả địa lo nghĩ chi cho mệt anh ơi.
Câu nói vô tình của Nhuỵ làm tôi thêm khó chịu. Nó đã và đang giúp tôi bằng những khoảng tiền không lương thiện. Tuy rằng sự giúp đỡ phát xuất từ chính lòng thương cảm của nó dành cho tôi, một gã sinh viên nghèo xa nhà, thiếu thốn. Nhưng, vô hình chung, tôi lại trở thành kẻ đồng loã bất đắc dĩ trong những dịch vụ phi pháp của nó. Tôi buồn bã nói:

-từ nay Nhuỵ đừng trả nợ cho anh nữa. Cứ để anh tự lo...rồi cũng xong mà.
-Việc lẻ tẻ rứa mà anh cứ nói hoài. Bỏ đi.
Nhuỵ lẻo đẻo theo tôi về phòng trọ. Nó im lặng nện mạnh bước chân bày tỏ thái độ giận dỗi hết sức dễ thương.

Lúc mở xong ổ khoá cửa, tôi quay lại thì Nhuỵ đã biến đi đâu mất biệt.
Cái vụ rủ nhau vào lầu Nam Phương rình ma. Ban đầu, đứa nào cũng có vẻ hào hứng và hăng hái lắm. Nhưng càng gần ngày hẹn lòng hăng hái, náo nức xẹp dần. 

Hồ Ái Ngọc, miệng hùm gan sứa, kẻ đã đề xướng ra vụ bắt ma, mặt xanh xao thấy rõ. Đinh Tráng thì biệt dạng phương nào kiếm chẵng ra. Rốt cuộc, chỉ còn tôi, Điểu và Hiếu là gắn bó với kế hoạch.

Những ngày gần đây, sinh viên hai trường Mỹ Thuật và Âm Nhạc bị mất xe đạp rất nhiều. Đơn khiếu nại mất xe của sinh viên hầu như ngày nào cũng có ở văn phòng hai trường. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi cảnh sát phải vào cuộc để điều tra. Mỗi ngày, ngoài những nhân viên cảnh sát đồng phục gát cổng, còn có thêm một nhân viên cảnh sát chìm ngồi ở quán cà phê ông Đường dòm chừng vào cửa Đại Nội, nơi ra vào độc nhất của hai trường. Đôi mắt dấu sau cặp mắt kính...dái dê đen kịt của các vị cảnh sát chìm này hầu như chả bao giờ rời khỏi cửa Đại Nội. Nhưng khả năng chìm của vị này...nổi quá, nên xe đạp vẫn mất dài dài một cách bí mật.

Chính vì cặp mắt...cú vọ của mấy vị cảnh sát mà tụi tôi phải dời ngày rình ma lại vào tối thứ Bảy. Thứ Bẩy, trường đóng cửa. Thứ Bẩy, các vị cảnh sát ở nhà hú hí với vợ con. Chúng tôi có thể ra vào Đại Nội mà không bị hỏi căn cước và làm khó dễ. 

Chiều thứ Bảy, tôi và Điểu kéo nhau xuống cư xá Quảng Đà rủ Hiếu. Tới nơi, Hiếu đã sẵn sàng ngồi chờ nơi phòng tiếp tân của cư xá. Hiếu nhe hàm răng khểnh ra cười:

-Tưởng tụi mi bị sốt rét đeo xe lửa trốn vô Đà Nẵng rồi.
Điểm ưởn ngực:

-Quân tử nhất ngôn. Nhất điểu nhì ngư mà mi.
Hiếu xách túi đứng lên đề nghị:

-Qua rạp Châu Tinh ăn bún hỉ?
-Cũng bún mụ Rớt nữa-Điểu chán nãn lắc đầu.
Tôi đưa ý kiến:

-Tới cửa Thượng Tứ ăn bánh khoái rồi ghé phòng tao lấy đồ cho gần.
Vừa vòng qua đường Phan Bội Châu, Hiếu hỏi nhỏ:

-Thằng mô lo vụ ni đây bây?
-Vụ gì?
-Trả tiền bánh khoái.
Điểm hùng dũng vỗ vào túi quần.
-Đừng lo! Năm sáu đức thánh Trần nằm trong ni. Má tao mới gửi người quen mang ra cho tao. Bảo đảm...bảo đảm.

Tiệm bánh khoái xéo bên cửa Thượng Tứ tuy lụp xụp, nhưng ngon không đâu bằng. Tôi và Hiếu dày vò mấy Đức thánh Trần của Điểu bằng cách ăn ngấu nghiến với tất cả sức lực của mình. Xem chừng, cuộc chiến đấu tối nay với con ma lầu Nam Phương chắc gay cấn lắm...phải ăn cho lại sức chứ.

Ba đức thánh Trần từ giả Điểu cùng với khuôn mặt...kém vui của nó. Hiếu không quên nhắc khéo mua thêm gói thuốc để cầm cự với sương đêm.

Về đến phòng trọ, đồ đạc đã được xếp vào túi sẵn từ sớm. Tôi và Điểu khoá cửa cẩn thận, rồi đeo túi lên vai cùng Hiếu thả bước vào Đại Nội.

Nắng chỉ còn le hoe, hiu hắt trên chóp kỳ Đài nơi Ngọ Môn. Con đường trải đá dẫn vào lầu Nam Phương hun hút lạnh lùng dưới những tàng cây cổ thụ rậm rì. Gió luồn lách xào xạc cành lá. Gió lách mình qua mái ngói của ngôi lầu hoang phế rít khẽ trên những bức tường thành ẩm mốc, loang lổ. Xa xa nơi khúc rẽ cuối đường, hơi sương lờ mờ tỏa xuống quấn quít đầu cây ngọn cỏ, lan dần trên mặt đường như muốn nuốt chững vạn vật theo ánh mặt trời chết lịm ngoài thành. Thỉnh thoảng, vài tiếng chim lạ kêu vang thảng thốt rồi tắt nghẽn vào bóng đêm vừa xuống.

Lầu Nam Phương nơi làm nghẽn mạch máu của những người yếu tim. Nơi mà ban ngày ít có người nào dám đến gần. Hãy nhìn căn lầu mênh mông, hoang vắng cũ kỹ cùng những cánh cửa sổ gẫy lìa, ẩn hiện trong đám Tùng Bách trăm năm già cỗi. Và, hãy nhìn hình dáng điêu tàn mốc meo, xám xịt của ngôi nhà đã bao năm không người ở, mới cảm thấy cái ma quái rợn người phảng phất trong không khí ở quanh đây.

Đến cuối khúc quẹo, tụi tôi rẽ trái vào con đường nhỏ dẫn vào lầu Nam Phương. Tôi không khỏi bồi hồi khi vạch lá lần từng bước trên con đường ngày xưa đã bao lần hứng gót sen của hoàng hậu Nam Phương. Vậy mà giờ đây hoang phế đầy cỏ dại.
Cả bọn mò đến cánh cổng sắt rỉ sét trước lầu Nam Phương thì đã thấm mệt. Hiếu thì thào:

-Tắt đèn pin ngồi nghỉ mệt chút đi.
Nhìn bức tường và cánh cửa sắt cao nghệu, Điểu lắc đầu ngao ngán:

-Kiểu ni chắc tiêu hết mấy cái bánh Khoái trong bụng tao rồi.
Đêm đen kịt đáng sợ theo những tiếng động và âm thanh rên rỉ của côn trùng vẳng lại, cộng thêm ánh chớp lập loè từ những con đôm đốm trong bóng đêm làm tụi tôi chột dạ. Chùi bàn tay ướt nhẹp mồ hôi vào vạt áo, tôi hỏi nhỏ:

-Sao? Leo vô được chưa tụi bay?
-Đứa mô vô trước? Điểu hỏi.
Hiếu chụp cánh cổng sắt lắc thử.
-Chắc lắm! Để tao leo vô trước cho.

Khi đã vào hẵn bên trong, Hiếu rọi đèn bấm cho tôi và Điểu leo vào. Tụi tôi chạy vội qua khoảng sân rộng ngập đầy lá rồi dừng lại trên thềm lầu. Hai cánh cửa trước bằng gỗ đã mục nát ngã xiên dưới hiên nhà. Hiếu quét một vòng đèn pin vào bên trong tiền đường: trống rỗng. Bụi bặm và mạng nhện giăng đầy mọi góc. Tôi nói:

-Dưới này dơ quá! Lên lầu coi thử có khá hơn không.
Hiếu ngần ngừ giao đèn pin lại cho tôi, giọng nó hơi run:
-Mi đi trước dẫn đường hỉ.
Tôi cầm cây đèn pin làm bộ cứng:

-Tụi bay theo tao.
Trên lầu cũng trống trơn nhưng được cái sạch sẽ và thoáng khí hơn ở dưới. Tôi gọi Điểu:

-Lấy đèn cầy đốt lên đi Điểu.
Điểm cắm cây đèn sáp nơi góc phòng, trong lúc tôi và Hiếu kiểm soát mấy cánh cửa sổ. Không còn cánh cửa nào nguyên vẹn. Tất cả đều xiên xẹo sút bản lề. Cánh cửa thông ra phòng phía trước ổ khoá đã sét cứng không mở được. Gió đêm thổi luồn qua bốn khung cửa sổ mở rộng, làm nổi gai theo tiếng dong đưa kẽo kẹt của mấy cánh cửa mục nát.

Tụi tôi trải tấm bạt xuống sàn gần khung cửa có nhánh Tùng vắt ngang bên ngoài. Nhớ lời Nhuỵ kể, tôi đoán con ma đã ngồi trên cành này nhát Nhuỵ. Cho đến bây giờ, thật tình mà nói, tôi vẫn không tin có chuyện ma quỉ hiện hình. Nhưng nói nào ngay, khung cảnh hoang liêu ở đây không khỏi làm tôi hoảng sợ. Tôi dấu bặt Hiếu và Điểu chuyện Nhuỵ gặp ma tại lầu này, để lòng can đảm của tụi nó khỏi bị sút giảm.
Trải xong tấm bạt. Hiếu thắc mắc:

-Sao không ngủ giữa phòng mà lại nằm gần cửa sổ?
Tôi giải thích:

-Nằm ở đây mình có thể quan sát được ba cửa sổ còn lại. Hơn nữa-tôi đùa-nếu ma nó đu vào cửa sổ trên đầu mình, thì mình còn có cơ hội đá ngược cho nó văng ra ngoài chớ.

Tiếng hú nhọn buốt vang lên vào khoảng gần nửa đêm làm tụi tôi giật điếng người. Ban đầu, tiếng hú nghe thật xa như ở bên kia hồ Tịnh Tâm. Càng về sau, tiếng hú thật gần như thể đã lọt vào khuôn viên lầu Nam Phương. Tụi tôi muốn đứng tim vì sợ hãi. Sáu con mắt trợn trừng trong bóng đêm. Ánh nến bập bùng nơi góc phòng tắt phụt vì cơn gió đập mạnh bên ngoài.

Giọng cười the thé dội lên từ dưới lầu như cục nước đá chà xát vào làn da đang nổi gai của tụi tôi. Rồi, tiếng chân kéo lê lần theo cầu thang lên lầu. Giọng cười bổng đổi thành tiếng khóc nỉ non rên rỉ.

Hừ...hừ...trả...nhà...lại...hừ...hừ...nhà...của...tau...răng bây dám...vào...hừ...hừ...
Tụi tôi nằm cứng đơ như xác chết. Hùng khí ban đầu bốc hơi theo những giọt mồ hôi rịn ướt áo. Cây đèn pin mò tìm run rẩy, sẩy tay lăn mất ngõ nào.

Tiếng chân xoàn xoạt kéo lê gần hết cầu thang thì ngưng lại. Tôi nghe thật rõ hơi thở phì phò của con ma đâu đó nơi khoảng tối phía cầu thang. Sự sợ hãi tưởng chừng như bóp nghẹt hơi thở tôi. Tôi mườn tượng ra một khuôn mặt xanh lè, cái lưỡi dài thòn đỏ choét sắp liếm vào mặt mình. Rồi đôi bàn tay với những móng tay nhọn hoắc cắm sâu vào cổ. Làm sao đây?

Mười phút trôi qua trong im lặng...tôi lay nhẹ cánh tay Điểu, nhưng lại có cảm giác như đang chạm vào một cây nước...đá lạnh ngắt.
-Điểu...Điểu.
Điểu chận tay tôi xuống, thều thào:

-Im...nằm im.
Con ma bay ra cây Tùng ngoài cửa sổ lúc nào chẳng biết. Khi tiếng hú của nó xoáy vào phòng thì bóng nó đã lù lù hiện lên trên khung cửa sổ. Hồn bất phụ thể, tôi hét một tiếng lớn rồi đá ngược hai cẳng vào bóng con ma. Đây có lẽ là cú đá mạnh và tuyệt vời nhất kể từ khi tôi mang đai đen nhất đẳng Thái Cực Đạo.
Bịch...hự...
Chân tôi chạm vào một khối thịt mềm nhũn. Con ma bật ra ngoài cửa sổ rơi xuống đất theo tiếng gẫy răn rắc của những cành Tùng.
Một phút im lặng.

Bỗng, tiếng hú lại cất lên bên dưới. Lần này, giọng hú yếu hẳn pha lẫn tiếng rên rĩ đau đớn rồi xa dần...xa dần. Cuối cùng, tiếng hú tắt nghẽn bên kia hồ Tịnh Tâm.
Sau đêm đó, tụi tôi cải nhau chí choé. Điểu và Hiếu cứ khăng khăng là ma thiệt. Không đồng ý với tụi nó. Tôi hỏi:

-Nếu ma thiệt...làm sao tao đá nó rớt xuống đất chớ?
Hiếu cãi:

-Mi đá hắn hồi mô? Răng tao không thấy?
-Mày sợ quá xỉu ngay đơ còn thấy gì nữa.
Điểu xen vào:

-Rứa tao răng? Tao đâu có xỉu. Răng tao cũng đâu thấy mi đá hắn?
Tức quá, tôi chỉ tay vào túi xách treo trên tường:
-Vậy thì thằng nào giật túi xách của tao trùm vô đầu?
Điểu quê độ làm thinh. Tôi đá mạnh cái ghế bỏ ra ngoài. Bực bội, tôi thả bộ ra quán cà phê ông Đường. Nhuỵ đang ngồi uống cà phê bên cái bàn ngoài sân. Thấy tôi, nó mừng rỡ gọi:

-Anh Ngọc.
Gặp thần Tài, tôi mừng húm băng vội qua đường.
-hồi nãy vô rủ anh đi uống cà phê nhưng thấy anh đang nói chuyện với bạn, nên tui ra đây ngồi chờ. Cà phê hỉ?
Tôi hỏi:

-Nhuỵ đi đâu mấy bửa nay hong thấy?
Nhụy ngập ngừng:

-Tui tới nhà bà cô chơi.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, vô tình đụng vào chân Nhuỵ. Nó nhăn nhó ôm chân. Tôi thấy bàn chân trái của nó xưng vù băng quấn lên tận mắt cá. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-Ủa...chân Nhuỵ sao vậy?
Nhụy làm thinh cầm ly cà phê uống từng ngụm nhỏ. Xong, nó dằn mạnh ly cà phê xuống bàn, buột miệng chửi thề:

-Đù mạ hắn...tức chết đi được.
-Chuyện gì vậy Nhuỵ?
Nhụy dòm quanh quất rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: 

-Chỗ anh em, tui nói cái ni anh đừng nói lại cho ai nghe hỉ.
Tôi cười cười vỗ vai nó:

-Đừng lo. Anh không nói cho ai nghe đâu.
Nhuỵ cúi xuống tay xoay xoay ly cà phê trên bàn. Nó hỏi tôi với giọng trầm trầm vừa đủ nghe, như thể sợ ai đó đang lắng nghe lời của nó:

-Anh biết hồ Tịnh Tâm? Anh biết những vụ mất xe trong Đại Nội? Anh biết chuyện con ma lầu Nam Phương?
Nhuỵ hỏi một hồi rồi nhìn tôi chờ đợi. Tôi gật đầu. Nhuỵ từ tốn nói tiếp:

-Tôi chính là người ăn cắp những chiếc xe đạp trong trường Mỹ Thuật và Âm nhạc. Anh tin không?
Tôi giật mình:

-Té ra là Nhuỵ...rồi Nhuỵ dấu ở đâu? Làm cách nào Nhuỵ đem xe ra được?
Quên cả đau, Nhuỵ nở nụ cười láu cá:

-Rứa mới hay. Anh biết tui dấu chỗ mô không?
Thấy tôi đực mặt ra, nó khoái chí tợp một ngụm cà phê rồi nói tiếp:

-Hồ Tịnh Tâm. Vớt được chiếc mô tui quăng xuống hồ. Tối đến chỉ việc kéo lên đạp qua bên kia hồ, luồn lỗ chó dưới chân tường ra ngoài thành là xong.
Tôi khen:

-Nhuỵ hay thiệt! Hèn chi cảnh sát gát cổng thành ngày đêm mà không bắt được thủ phạm.
-Chưa hết đâu anh! Muốn chắc ăn khỏi bị lộ tẩy. Hằng đêm, tui giả làm ma gào, qủi khóc ở lầu Nam Phương cạnh hồ để không ai dám léo hắn tới.
Tôi lại giật mình lần nữa. Chẳng lẽ con ma lãnh trọn cú đá thực mạng của tôi lại là Nhuỵ, thằng em ơn nghĩa này sao?
Tay xoa ngực, mắt nhìn xuống cái chân đau, Nhuỵ nghiến răng:

-Tối hôm kia có mấy thằng ôn dịch ở mô không biết, tự dưng vào trong nớ ngủ lại.
Tôi làm bộ hỏi:

-Vào trong nào?
Nhụy tức tối:

-Lầu Nam Phương chứ mô nữa! Gần nửa khuya tính vào hồ kéo xe đạp lên thì thấy có ánh nến trên lầu. Lại nghe tiếng nói chuyện rù rì của hai ba người. Loáng thoáng có giọng thật quen, nhưng nhỏ quá tui nhận không ra. Tui đoán mấy tay ni muốn rình coi ma, nên lẳng lặng qua bên kia hồ ngồi chờ, đến nửa đêm sẽ trở lại hù một mẻ để mấy thằng ôn dịch chạy té đái chơi cho kinh hồn. Hết dám vào đây phá đám.
Với gương mặt căng thẳng, tôi giả vờ hồi hộp hỏi:

-Rồi...Nhuỵ có trở lại hong?
-Răng không! Tui hú, tui rên, tui làm đủ trò. Tui mò lên lầu. Nhưng, tối quá không dám bước gần chỗ tụi hắn nằm ngủ cạnh cửa sổ. Tui sợ tụi hắn thủ gậy bổ cho một cái là rồi đời. Mà...kể ra tụi hắn cũng gan thiệt, tui dọa rứa mà chẳng có đứa mô chạy hết. Chợt nhớ đến nhánh Tùng gần cửa sổ nơi tụi hắn nằm, tui đi xuống vòng ra cây Tùng, leo lên đu theo cành bám vào cửa sổ. Vừa mới mở miệng hú chưa dứt thì...mụ nội ơi...nghe một cái...bịch vô ngực. Tui bật ngửa rớt xuống đất...xỉu một chập mới tỉnh dậy-Nhuỵ ngưng lại mồi điếu thuốc, rít một hơi lấy trớn rồi tiếp-lúc tỉnh dậy, mình mẩy rêm hết trơn. Chân trái bị trật đau thấu trời. Vậy mà tui cũng phải ráng sức hú thêm vài tiếng cho mấy thằng nớ chùn chân đừng đuổi theo. Rồi...tui ráng lết về nhà bà cô bên kia hồ.
Tôi nhìn Chân Nhuỵ ái ngại:

-Chắc còn đau lắm hả?
Nhuỵ trợn mắt tức tối:

-Răng không! Nó nghiến răng-Nói thiệt, tui mà biết được thằng mô đạp tui tối nớ. Tui...tui...bằm nó ra cho...vịt ăn mới hả cơn giận. Đồ...ôn hoàng dịch vật.

Tôi ngoảnh mặt sang nơi khác, cố giấu nụ cười "ôn hoàng dịch vật" của mình, trong lúc Nhuỵ nhăn nhó đứng lên, bước thấp bước cao vào quán trả tiền. Vừa đi, miệng nó vừa lẩm bẩm như thể đang nguyền rủa ai đó... Hết.

Hồ Xuân Ngọc.
(09.22.1995)