TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Saturday, April 29, 2017

NGƯỜI LẤP BIỀN - THƠ TRẦN TRUNG BÌNH




NGƯỜI LẤP BIỂN
(Chuyện Tiên Lãng - Hải Phòng)

Ta nghe nói Đoàn Văn Vươn lấn biển
Chuyện ngày nay mà ngỡ tự xa xưa
Thuở tiền nhân đi khẩn hoang lập ấp
Để mở mang bờ cõi, dựng cơ đồ.

Ta nghe nói, hai mươi năm bền bĩ
Đoàn Văn Vươn buộc biển phải lùi xa
Thêm đất mới, cho người thêm sự sống
Noi gương tổ tiên, bồi đắp sơn hà. 

Ta bỗng nhớ Người Ngu Công xẻ núi
Đoàn Văn Vươn lấp biển chuyện hôm nay
Ai đong được bao mồ hôi đổ xuống
Bao gian nan, mưa nắng những năm dài. 

Chuyện chàng Vươn nếu xảy ra thuở trước
Những trăm năm thời phong kiến thịnh hành
Chắc sẽ được Nhà Vua ban chiếu chỉ
Truyền sắc phong, ghi công trạng, lưu danh. 

Nhưng ngày nay, bạo quyền đi cướp đất
Phá nhà anh, bắt giam nhốt trong tù
Đạo lý nào? Hỡi Hồn thiêng nước Việt
Ô nhục này sao rửa được ngàn thu? 

Kìa hải đảo, dãy biên cương phía Bắc
Ai đã đem dâng cống cho giặc Tàu?
Ai phản quốc? Ai kiên cường lẫm liệt?
Ai đáng bị ngồi trong chốn nhà lao? 

Xin nguyện Quốc Hồn ghi công luận tội:
Đoàn Văn Vươn như một đóa hoa sen
Bọn gian ác phải cúi đầu sám hối
Trả lại anh đời sống đủ Nhân Quyền. 

01.2012 





Wednesday, April 26, 2017

TƯỞNG NIỆM BA MƯƠI THÁNG TƯ - HOÀNG ÁNH NGUYỆT




TƯỞNG NIỆM BA MƯƠI THÁNG TƯ

Bốn mươi năm lẻ vẫn chưa nguôi
Giận kẻ cuồng nô, hận ngút trời
Áp bức dân lành gieo thống khổ
Bởi quân cướp nước, lũ đười ươi.

Cũng người dân Việt, cũng da vàng
Chém giết thẳng tay, thứ dã man
Gây chiến tranh nồi da xáo thịt
Khiến bao người khổ sở, lầm than!

Dân tộc đau thương hận ngập tràn
Cướp nhà cướp đất, hiếp dân oan
Người nghèo sống kiếp đời ô nhục
Mất nước tan quân, bởi bạo tàn!

Tuổi trẻ xả thân đủ sức tài
Đã vì non nước hiến đời trai
Máu xương anh đỗ tràn sông núi
Đánh đuổi quân gian lũ cướp ngày

Hãy cùng chung sức hãy cùng nhau
Giành lại quê hương đuổi giặc tàu
Con cháu Tiên Rồng, vang biển rộng
Dựng xây nước Việt hết thương đau.

Hơn bốn mươi năm hờn Quốc Hận
Hồn linh vi nước tử vi thần
Nén hương tưởng niệm lòng trung nghĩa
Bia tạc nghìn thu rạng sử xanh.

Hoàng Ánh Nguyệt
4.2017



Monday, April 24, 2017

NGƯỜI ĐI - THƠ DƯƠNG QUÂN






NGƯỜI ĐI
 
 duongquan-content
 
Anh hỏi em... 
 
- Ngày mai anh trở lại 
Em có chờ anh không 
Đời anh như nước chảy 
Bôn ba cuốn xuôi giòng 

 
- Sang năm anh trở lại 
Em có còn nhớ mong 
Xuân tàn sang hè vắng 
Thu buồn, lạnh cuối đông 

 
- Mười năm anh trở lại 
Em vẫn giữ một lòng 
Dáng gầy như bóng liễu 
Hắt hiu chờ bên song 

 
Mười năm ...
 rồi mười năm ...

............................ 
 

Đời em vẫn âm thầm 
Đời anh như nước chảy 
Như chim trời biệt tăm 

 
Trăm năm đành lỡ hứa 
Em lặng lẽ qua đời 
Nấm mộ vàng cỏ úa 
Chập chùng bóng trăng soi 

 
Ngàn năm sau vằng vặc 
Nhựt nguyệt vẫn xoay vòng 
Hồn người đi phiêu bạt 
Quyện theo hồn núi sông 

 
Lời nguyền xưa có nhớ 
Xin hẹn cõi Vô Cùng 
Tìm nhau miền Vĩnh Cữu 
Tạ nỗi niềm cố nhân. 

 Dương Quân 


 

Thursday, April 20, 2017

CHẲNG BẬN LÒNG - THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT

CBLongchang ban long

Chẳng bận lòng chi, miệng tiếng đời

Giữ tâm thanh tịnh sống an vui

Đừng nghe vọng ngữ, lời khen tặng

Bỏ hết ưu phiền theo nước trôi.

 

Chẳng bận lòng chi, chuyện được thua

Trò đời lên xuống tựa thoi đưa

Như mây, như gió chìm hư ảo

Gút mắc giã từ, xin tiễn đưa.

 

Chẳng bận lòng chi, chuyện nghiệp duyên

Bao nhiêu lo lắng chỉ thêm phiền

Thuyền thơ lặng lẽ xuôi dòng chảy

Ngày tháng không dài cứ thản nhiên.

 

Chẳng bận lòng chi chuyện hận, sân

Luân hồi, sinh tử kiếp trầm luân!

Nhân tình thế thái đời muôn mặt

Ai được, ai thua, ngộ Sắc Không?

 

Thôi chẳng buồn chi, cố luyện tâm

Xả buông mọi nỗi, tránh mê lầm

Dòng đời lẩn quẩn thân oằn mỏi

Về cõi Tây Phương… bước khẽ gần?

 

Hoàng Ánh Nguyệt

08.15

 

Chẳng bận lòng




Monday, April 17, 2017

VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ - BÀI VIẾT ĐỒNG MÔN LÊ THÀNH CÔNG




DƯƠNG QUÂN 1974

VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ

            LÊ THÀNH CÔNG

          Hình như tạo hoá khi tạo dựng con người, đều có "nhã ý" tặng mỗi người một tài năng riêng biệt, một cái "gift" tiềm tàng bên trong mà khi mới chào đời chưa lộ ra để ai thấy được. Từ lúc còn là đứa trẻ khóc oe oe, trần truồng, mắt nhắm nghiền, da thịt đỏ hỏn...tất cả đều là hình ảnh sơ thời giống nhau. Thế mà trong vòng hơn mười năm sau, mỗi con người đã dần dần hiện ra những cá tính, những nét đặc thù, hoặc tài năng riêng...của tạo hoá ban cho người đó, chỉ riêng cho người đó mà thôi. Và cũng nhờ tính chất cá biệt riêng rẽ này, mỗi cá nhân mới tạo được một vị trí riêng biệt trong lòng người khác. Quí vị, các anh, các chị, Dương Quân và tôi, đều nhận được cái "gift" của tạo hoá ban cho, nhưng "phần" của mỗi người đều khác nhau.

          Tôi là một trong những người bạn của Dương Quân đã gần 50 năm qua kể từ ngày chúng tôi được tuyển đậu vào lớp Đệ Thất (Lớp 6) trường Trung học Petrus Ký. Chúng tôi được xếp học chung một lớp suốt cả 7 năm trung học và cũng là bạn sau nầy suốt cả quãng đời - cho đến hôm nay.
          Do đó, tôi "thấy" cái gift của tạo hoá tặng cho Dương Quân khác hơn tôi và các bạn khác. Thật vậy, ngay từ khi còn mặc quần ka-ki xanh, áo sơ mi trắng, thêu phù hiệu Petrus Ký trên túi áo, những năm đầu đệ nhứt cấp trung học, những bạn nhỏ chúng tôi đã nhận thấy người bạn nhỏ Dương Quân cùng lớp đã có "máu" thi văn, có khiếu về văn chương . "Tình anh phát tiết" sớm quá (?). Tôi nghĩ vậy mỗi khi nhớ về người bạn nầy.

          Mà quả thật, hình như anh được sanh ra để "ăn nói" và viết lách. Anh nói cái gì cũng được trơn tru, hoa mỹ...và đặc biệt là cách trình bày, phô diễn có nhiều khả năng lôi cuốn người nghe. Người nghe là bạn bè trong lớp, và "người nghe" đó là các cô nữ sinh choi choi của các trường khác...khi anh ta, chúng tôi đi ...tán đào. Tôi thấy lối nói chuyện hấp dẫn, lối nói chuyện rất...công hiệu của Dương Quân, lối nói duyên dáng, day dứt như kẹo mạch nha, câu nầy nối tiếp câu kia, ý nầy liên kết ý nọ, khiến em nào được "tán" đều cảm thấy lòng mình hư nở hoa vì tai mình được nghe những lời hoa mỹ chải chuốt, ngọt ngào, đậm đà như...champagne, khiến lòng thấy lâng lâng ngây ngất.
Đó là lối "nói" - còn lối  "viết" thì Dương Quân cũng khác hơn nhiều bạn khác.
          Nhớ lại những năm chúng tôi còn là học trò nhỏ - được học tại một trường Trung học nổi tiếng của miền Nam - và trong khung cảnh miền Nam thanh bình, bọn học trò chúng tôi ngây thơ, vui lắm. Nên ngoài việc học, chúng tôi còn "bày ra" việc viết Lưu Bút, và viết Bích Báo.
          Lưu Bút Ngày Xanh là một quyển sổ bìa cứng, bên trong là những trang giấy pelure màu, hoặc giấy ca rô trắng muốt, giữ thật kỹ, thật đẹp, đưa tận tay những người bạn thân thiết để ghi lại những dòng lưu niệm.
          Những trang "Lưu bút ngày xanh" của Dương Quân viết cho bạn bè mang một nét hơi lạ lạ. Nét chữ của anh bay bướm, huê dạng, đặc biệt là các chữ "g" có cái đuôi dài -  lê thê như áng mây chiều (!) - tha thướt. Và lời văn của Dương Quân không có vẻ gì là để dành cho những trang lưu bút rất ư là...học trò, như - nhìn những cánh phượng rơi trong gió, cảm thấy buồn bâng khuâng vì rồi đây chúng ta sẽ tạm chia tay - nghỉ hè - không còn đùa giỡn với nhau hằng ngày; hoặc xa thầy cô, xa mái trường thân yêu , xa bạn bè thương mến, còn đâu những kỷ niệm êm đềm chia nhau trái khế, ly kem...

          Thoát ra những sáo ngữ ấy, Dương Quân thể hiện lối viết đột phá trong văn chương so với các bạn cùng trang lứa. Anh viết như những lời tự tình, những xúc cảm bàng bạc trong lòng người con trai đa cảm.
          Giờ đây trí tôi không còn tốt để nhớ nhiều. Những năm tháng bị tù đày, những thăng trầm nghiệt ngã hằng vài chục năm chồng chất đã vô tình...xâm thực và xói mòn một phần lớn những kỷ niệm  trong cuộc đời mình với bạn bè. Nhưng tôi không thể nào quên một câu của Dương Quân đã viết trong quyển "Lưu Bút Ngày Xanh" của tôi vào lúc đó. Anh viết "...Anh với em như băng hà với biển, và ngàn năm mãi mãi, biển bao quanh băng hà...!!" Chỉ có mấy chữ thế thôi, mà sao tôi thấy hay quá, lãng mạn quá. Tôi thấy xao xuyến cảm động và có chút gì cảm phục, vì với ý nghĩ của bọn học trò lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ (lớp 7 , 8) của chúng tôi lúc đó, chưa ai nghĩ đến một ý văn như vậy.
          Cho nên về sau nầy, mỗi khi tôi viết thư tình, những lời văn hoa mỹ của anh đều được tôi tận tình chiếu cố, khai thác triệt để. Thank you Dương Quân - Đa tạ một tài hoa, với bút pháp huê dạng đã gợi cảm hứng cho tôi sau nầy.
          Rồi quãng đời học sinh thơ ấu êm đềm như giòng sông...Danube (?) và mỗi bạn bè chúng tôi người mỗi ngã. Dương Quân vào Quốc Gia Hành Chánh, còn tôi thì khoác chiến y. Người nghề văn, người nghiệp võ.
          Cuộc đời của Dương Quân trơn tru, sóng suốt như những dòng văn anh viết, sống những ngày hoa gấm như nét đẹp trong thi văn anh sáng tác, chí tang bồng hồ thỉ được điểm trang thêm cho cuộc đời bay bướm hào hoa của anh, tung anh lên cao như những áng mây lang thang trong bầu trời mơ ước. Trong thời gian làm công chức trẻ không dài mà anh đã giữ các chức vụ chỉ huy ở địa phương  Quận, Tỉnh - và ở Trung Ương Phủ Bộ - nhứt là khi anh giữ chức vụ Công Cán Uỷ Viên - Giám đốc Trung Tâm ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục, anh đã chứng tỏ là người biết "ăn nói" viết lách và tài năng giao tế, khả năng nghề nghiệp đã giúp anh thành công trước khi vào tù cải tạo 8 năm ở miền Bắc.
          Sau hơn 20 năm dong ruỗi trên đường đời, thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại nhau hàn huyện trò chuyện. Anh lại trở về nhiệm sở, tôi trở ra đơn vị nhưng tình bạn chúng tôi vẫn như xưa, ngày nào mặc quần ka ki xanh, áo sơ mi trắng và phù hiệu thêu trên túi áo

          Nhưng lần xa nhau sau năm 1975, bạn bè chúng tôi mỗi người một Trại Cải tạo khác nhau, kẻ rừng sâu, người núi rậm, như là lúc hạnh phúc con người , khi vươn lên chưa tới đỉnh ước mơ thì bị tuột dốc...down hill. Ở tù ra tôi hỏi thăm các bạn bè thì biết Dương Quân vẫn còn sống. Nghe tin anh đang làm lò gạch, và tôi quyết tâm đi tìm...
          Với chiếc xe đạp cũ kỹ, xộc xệch, tôi chen chúc lạng lách trên con đường đất đỏ chật hẹp mà những ổ gà, ổ voi đã chiếm hơn 2/3 mặt lộ. Tôi cảm thấy hơi băn khoăn khi nhìn trước mặt khoảng đường còn dài hơn vài cây số. Nhưng tôi không nản lòng, tiếp tục đi tìm anh theo hướng người quen đã chỉ dẫn.
          Giữa cánh đồng hoang vắng, một vài con bò gầy gò đang gặm cỏ trên gò đất, từ xa tôi thấy những hàng gạch đang được phơi nắng chung quanh một mái nhà tôn thấp lè tè mà nhiều tấm đã rỉ sét, không vách, không cửa. Tôi nghĩ đó là nơi làm gạch. Một đám người đứng lố nhố trai gái lẫn lộn, la lối xôn xao đang loay hoay dưới mái nhà. Chính giữa gian nhà là một cổ máy đang nổ xình xịch, khói đen tua tủa. Phía trên cổ máy là một cái cối lớn đựng đất sét. Một người hơi già đang ở trần, mặc quần dài, hai ống quần xăn lên tới đầu gối đang rút chân lên, đạp chân xuống, để nhồi đất cho dẻo; chân thì bước tới, bước lui đạp đều để ém đất vào trục quay của cối, mắt thì nhìn trục quay, vừa nhìn dòng đất sét được cối ép nặn ra để được cắt thành những viên gạch, miệng thì quát tháo la đám thanh niên đang cười giỡn ầm ĩ, mồ hôi giọt ngắn giọt dài, ướt đẫm mình trần...thiếu mỡ, thiếu thịt...
          Thấy có người bước vào, mọi người đều nhìn ra. Riêng người đứng trên cối vẫn không ngừng chân đạp.
          Tôi cất tiếng hỏi thăm:"Xin lỗi, ở đây có ông Dương...? Người đứng trên cối, ngước mắt nhìn tôi. Tôi nhận ra ngay, ông ta là Dương Quân.
Đúng rồi, đúng là Dương Quân của Petrus Ky ngày nào. Đúng là Dương Quân hào hoa phong nhã, "vang bóng một thời"........
          Tôi hơi bàng hoàng xúc động. Anh vẫn chưa nhận ra tôi. Thấy anh ngơ ngác, tôi nhắc tên và nở nụ cười quen thuộc - nụ cười sau bao năm tháng đọa đầy vẫn chưa bị héo hon:
          Công đây, Lê Thành Công, Petrus Ký đây. Tôi dường như hét hơi lớn, vừa như để át tiếng xình xịch của cổ máy. Nhờ vậy, Dương Quân nhận ra tôi. Đôi mắt anh chợt sáng lên và hình như trong khoảng khắc 1/1000 giây phút đó, hình ảnh người bạn nhỏ Petrus Ký năm xưa đã trở lại trí nhớ của nhau.
          Dương Quân đã nhận ra tôi. Một thoáng...lệ chẳng hoen mi...nhưng hơi xúc động. Phải chăng, hai câu thơ sau đây của nhà thơ nào đó, đã diễn tả giùm cảnh huống bấy giờ của chúng tôi:
"Nầy đây - là thật cố nhân
Mà ôi thôi - đã phong trần cả hai."....

          Dương Quân bước xuống khỏi cối đất sét, bảo cho tắt máy, và ra lệnh cho tất cả được nghĩ đến chiều. Anh rửa chân tay, khoác vào cái áo ka ki xanh dương cũ kỹ, tôi chở anh trên xe đạp ra ngoài quán cà phê đầu đường , kể lại chuyện xưa, chuyện tù, chuyện khổ v. v...Từ đó về sau, chúng tôi lại thường gặp nhau ở quán cà phê lề đường, ở nhà tôi dưới tàng cây mận, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện phản bội, chuyện chung tình, chuyện đói nghèo, chuyện bon chen, chuyện xe thồ, chuyện nhọc nhằn của chúng tôi và của người đời, của bạn bè...trước khi tôi định cư xứ người . Sau đó, anh cũng tiếp bước  H.O........
- Helo! Thành Công đây!
- Helo! Tôi nghe! Dương Quân trả lời bên kia đầu dây điện thoại từ bờ Đông Florida nước Mỹ, với tôi từ bờ Tây California , nước Huê Kỳ. Nhưng Đông và Tây không hề cách biệt vì thường lệ cuối tuần , chúng tôi vẫn gọi, hỏi thăm nhau. Dù thường  xuyên nói chuyện với nhau, nhưng chúng tôi chưa lần nào gặp nhau trên đất tạm dung nầy. Anh làm thơ gởi qua tôi. Anh nói:
"Rồi hôm nay, soi gương ta chợt thấy
Da đồi mồi, tóc bạc, trán nhăn nheo
Ta biết mình sức không còn vùng vẫy
Đời sắp tàn với nấm mộ đìu hiu."
          Lời thơ của Dương Quân phản phất "La mort de Loup" của Alfred De Vigny:
"Et enfin, comme moi, souffre et mourir sans parler."
          Gần 50 năm, khác với những dòng lưu bút ngày xanh anh viết xưa kia cho tôi và các bạn nhỏ ở Trường Petrus Ký.
          Tuy anh mệt mỏi, nhưng tôi không quên hình ảnh Dương Quân xắn quần đứng trên cối, đạp nhồi đất sét để làm gạch...Hình ảnh đẹp như thơ văn của anh. Dù hoàn cảnh nào, dù gian truân thống khổ nào, anh vẫn thích nghi, hiện ngang đối đầu với thử thách, cũng như phải tự trui rèn nghị lực để tồn tại sau bao năm dài trong ngục tù bao la. Không ngã quỵ để bị hủy diệt, không ngã lòng để mất tiết tháo, Dương Quân vẫn sống, vẫn làm thơ, dù trong điều kiện cực kỳ cay nghiệt trong trại tù. Hồn thơ anh vẫn lai láng, tuy ý thơ đã pha thêm vị đắng cay.
          Hay là vì phong thổ mà quít Giang Tây có chút thay đổi vị ngọt? Nhưng không sao cả. Vì như thế mới thấy được đâu là xanh mộng ấu thơ, đâu là hoàng hôn xế bóng. Và cũng nhờ thế mới suy gẫm được đâu là nhung lụa, đâu là gió sương.
          Vài dòng về người bạn cũ, kỷ niêm một thời với kẻ đa tình, đa tài như Don Juan, đa năng, đa hiệu như Võ bị Đà Lạt, như Quốc Gia Hành Chánh...một loài chim bay xa với cái "gift" riêng của tạo hoá đã dành cho.

San Diego
Tháng 9/2003
Lê Thành Công




Sunday, April 16, 2017

BÀI THUỐC TRỊ TIỂU ĐƯỜNG

Bài thuốc trị tiểu đường hiệu quả tới mức ai cũng phải kinh ngạc

Đây là bài thuốc trị tiểu đường hiệu quả tới mức các bác sĩ cũng phải kinh ngạc, theo Boldsky.Tiểu đường là một trong những căn bệnh đang lan rộng nhanh khắp thế giới. Bệnh xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất insulin hay không thể sử dụng nó hiệu quả, làm đường huyết tăng vọt. Hiện nay, bệnh tiểu đường vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị tạm thời bao gồm việc tiêm insulin cho bệnh nhân trong suốt phần đời còn lại.

title_72234401 Bài thuốc trị tiểu đường hiệu quả tới mức ai cũng phải kinh ngạcLy nước trị tiểu đường – Ảnh minh họa: Internet
Bệnh nhân phải sống với chế độ kiêng khem hết sức nghiêm ngặt. Nếu không, nó sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Có nhiều dạng tiểu đường khác nhau. Tiểu đường type 1 xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin. Trong khi đó, tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách thích hợp. Insulin là hormone thiết yếu của cơ thể, cung cấp glucose cho tế bào, mà sau này có thể được dùng làm năng lượng. Tiểu đường type 2 là dạng phổ biến nhất.
Nguy cơ mắc tiểu đường tăng cao khi mang thai. Đây là lúc cơ thể có mức glucose cao trong máu và không thể sản xuất insulin. Một số triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 2 bao gồm khát nước, viêm nhiễm, mót tiểu và mờ mắt. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn 1 công thức tự nhiên để hạ huyết áp và trị tiểu đường tự nhiên không cần dùng thuốc. Hiệu quả của nó khiến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên.
Nguyên liệu
2 nhánh cần tây
2 củ cà rốt
1 quả táo xanh
3 nhánh cải bó xôi
title_72234401 Bài thuốc trị tiểu đường hiệu quả tới mức ai cũng phải kinh ngạcẢnh minh họa: Internet
Hướng dẫn
Đầu tiên, rửa sạch tất cả nguyên liệu. Gọt vỏ cà rốt và táo, sau đó cho vào máy xay để xay nhuyễn. Tiếp theo, cho những nguyên liệu khác vào rồi xay trước khi uống. Hãy uống 1 li này buổi sáng lúc bụng đói.
Ly nước này sẽ giúp ổn định mức đường huyết trong thời gian rất ngắn. Đồng thời, nó cũng ngăn các triệu chứng của tiểu đường khỏi xảy ra dần dần cho tới khi khỏi hẳn.
Lưu ý
Hãy tiếp tục uống li nước này mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn. Đây được xem là một trong những bài thuốc tự nhiên hay nhất để trị dứt điểm tiểu đường. Ngoài ra, những nguyên liệu này hoàn toàn tự nhiên và không hề có tác dụng phụ nào. Do đó, bạn có thể uống trong thời gian dài mà không cần e ngại gì cả. Ngoài việc trị tiểu đường, nó còn giúp bạn tăng cường sức khỏe mỗi ngày.
Chúc bạn sống khỏe (thông tin mang tính tham khảo, vui lòng hỏi ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng).
Theo Sức khỏe cộng đồng
__________________________
GP TTTĐTH: 3362/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp



Saturday, April 15, 2017

ĐẶC SẢN ĐUÔNG CHÀ LÀ - HOÀNG ÁNH NGUYỆT






  
ĐẶC SẢN ĐUÔNG CHÀ LÀ
(Cần Giờ -  Rừng Sác)
 
       Biên Hòa nơi mà chúng ta đã sống thuở nhỏ là hình ảnh khác xa những gì đang có ngày hôm nay, điều mà cách đây hơn nửa thế kỷ người ta không bao giờ hình dung nổi. Biên Hòa ngày xưa chưa văn minh, chưa hiện đại nhưng lại có một cái gì đó rất đặc trưng khiến cho ta khó mà quên được. 
       Nét lạ là ngày nay ban ngày lao động cật lực với đủ mọi công việc khác nhau nhưng cứ chiều về tắm rửa xong là đi ăn tiệm. Người khá giả thì vào tiệm sang, người ít tiền thì vào các quán bình dân và đến khuya mới về. Hầu như đã thành thói quen
      Mỗi dân tộc đều có món ăn riêng, ăn mãi dễ chán, nhưng lâu ngày không ăn lại nhớ, người lắm của nhiều tiền nhưng vẫn nhớ đến món ăn bình dân, ăn với bạn bè trong không khí riêng. 
       Hầu hết các nhà hàng sang trọng nổi tiếng ở Biên Hòa  đều có quảng cáo và giới thiệu trong thực đơn một số món ăn “đồng quê” và món “thịt rừng”. Có thể kể đó là các món rắn, trăn, rùa, dơi, kỳ đà, nai, mang, chồn cheo, nhím, tê tê,…một số loại côn trùng: thằn lằn núi, bò cạp, dế cơm…
      Còn có những món ăn cổ xưa nghe như chuyện hoang đường, nhưng món ăn đó lại được liệt vào loại “thời trân”, đắt giá. Món ăn tiến vua hay món chế biến khác thường …xin ghi lại đặc sản nổi tiếng không kém để quý vị thưởng thức món ngon “đệ nhất Nam Bộ”. Đến bậc vua chúa còn thèm đó là  “con đuông chà là”.
        Nhà văn Sơn Nam thường ví con đuông chà là bằng cái tên thật ngộ: “Hồ đa tử”. “Hồ đa” là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang dại, đặc biệt mọc ở rừng ngập mặn Cần Giờ - Rừng Sác. 
        Ông Nguyễn Nhã Ý tác giả lỗi lạc của bộ đại từ điển Việt Nam sau nhiều lần thưởng thức qua, ông nhận xét và cho đuông là món ăn độc đáo, ngon và quý.
       Con đuông chính là con nhộng của con bọ quýt dương nó chuyên ăn đọt dừa đọt chà là, đọt cây cau hay cây đủng đỉnh. 
        Dọc theo cửa sông Soài Rạp, Đầm Dơi Rừng Sác là dảy rừng ngập mặn mênh mông. Bên cạnh vô số các loại hải sản nổi tiếng và giàu dinh dưởng như: tôm, cua, cúm, ghẹ, ba khía, nghêu, sò huyết, cá…v…v …chúng ta thấy có rất nhiều những loại cây mà phổ biến như: cây bần, cây đước cây mắm, vẹt mọc um tùm ngút ngàn.
      Xen kẻ với các loại cây này là những bụi chà là, mọc thành từng khóm như những bụi cây cau cảnh ngoài những bãi bồi nên đuông cũng nhiều, đến độ có nhiều gia đình sống bằng nghề khai thác đuông bán cho các nhà hàng, quán nhậu. 
      Cây chà là thân nhỏ chỉ bằng cổ chân người lớn, cây sống lâu năm có thân dẻo, chắc dùng làm đòn khiêng hoặc làm cột kèo cho loại nhà nhỏ đơn sơ miệt quê. Mỗi bụi chà là rừng có nhiều nhánh cây đầy gai rất bén và nhọn. 
        Ông bà ta thường gọi chà là rừng cũng để phân biệt với một loại chà là có trái to dùng làm mứt mà ta thường thấy bày bán vào mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc .
       Chà là trưởng thành cho nhiều quày trái, có khi đến hàng trăm trái nhỏ, những quả lớn chỉ bằng đầu đũa, quả già có vị chát, các cụ thường tạm hái để ăn trầu, trẻ con rất ưa thích ăn chơi.                                                            
       Vì thuộc họ dừa nên chà là rừng có bắp củ hũ mềm, đặc biệt rất ngọt và thơm, nhiều chất dinh dưởng, vì thế mà bọ cánh cứng thích xâm nhập sanh sản trên đó, để có thức ăn nuôi ấu trùng đuông sau này khi lớn lên trong đọt của cây. Hình thù đuông chà là cũng giống đuông dừa nhưng to hơn.
        Đuông sống nhờ chất ngọt, tức là phần lõi non nhất, là phần “tủy sống” bổ béo nhất của cây  chà là, cây dừa hay cây cau nên béo tròn, mập ú, đầu bằng đít. Sắc đuông trắng nõn như sữa, không chân, nhưng có màu đen ở đầu và đít. Vì thế, ăn đuông không phải chỉ ăn một con sâu, mà là ăn cả một sự diễn tiến của mấy kiếp sống vào lòng, ăn đuông còn là ăn cả hương hoa của đất thơm, là ăn cỏ cây mây nước…
        Đuông có nhiều loại nhưng những người sành ăn thường ưa chuộng nhất là đuông chà là, sau đó đến đuông đủng đỉnh, rồi mới đến đuông dừa, đuông cau... Nhưng đuông sống và lớn lên thì cây chà là, cây dừa hay cây cau bị héo đi, đứt cụt, bẹ lá ủ rũ, cây không còn tươi tốt cũng như phần nhiều những cây đó sẽ không sống được bao lâu nửa. 
       Nhờ kinh nghiệm mà người dân sống ở miệt vườn, hay những người chuyên nghiệp sống bằng nghề khai thác đuông, lùng sục trong vùng nước ngập mặn, người thợ săn này biết con mồi mình đang tìm kiếm ẩn mình trong đó, chỉ cần nhìn qua là đã biết cây nào có đuông hay không, chân tay họ phải được bao bọc kỹ mới dám xông vào đám chà là đầy gai góc, để bắt được con đuông cũng không phải chuyện đơn giản.
       Muốn bắt đuông chà là rừng, người ta phải chặt nguyên bắp chứ không bổ ra để bắt từng con như đuông dừa. Mỗi cây chà là chỉ có một con đuông. Chỉ khi nào cần chế biến món ăn người ta mới chẻ bắp thân chà là lấy đuông ra và cũng để bảo vệ đuông không bị chết khi mang đi xa bán.
        Mùa đuông chà là mập béo là vào tháng mười đến tháng hai âm lịch. Sau mùa giao hoan, đuông tìm một cây chà là tươi tốt để xâm nhập, đuông mẹ có mỏ nhọn, hai cánh cứng như thép, có thể khoét thủng ngọn để vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng.
       Ngày xưa theo truyền thuyết được ông bà kể lại rằng, món đặc sản đuông dừa nướng lửa than ở Nam Bộ đã được tiến cống cung đình triều Nguyễn, dưới thời Hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. 
       Nhiều chuyên gia ẩm thực đã ví ấu trùng đuông được sánh với   “sơn dương trùng” mà Tây Thái Hậu thường đem thết đãi sứ thần phương Tây, cũng không có gì quá đáng.
       Thật ra không hẳn chỉ chà là mới có đuông. Đuông có trong dừa, trong cau, trong đất, trong cây đủng đỉnh. Nhưng đặc biệt đuông chà là có hương vị rất độc đáo. Mùi thơm vị béo bởi chất sữa trong cơ thể ấu trùng ngon nhất, con đuông to nhất, béo nhất nên đã trở thành món ngon nổi tiếng.           
       Nếu chưa lần nào nhìn thấy con đuông, chắc chắn bạn sẽ kinh sợ khi thấy nó thun thun, uốn qua ngoắc lại như con sâu. Vậy mà nó lại là món khoái khẩu của nhiều người. Chỉ cần ăn một lần sẽ thèm hoài vì nó béo ngậy. Đuông không có mùi, mà chỉ có vị thôi, nhưng cái vị của đuông thì quả là đặc biệt. 
       Con đuông là loại côn trùng sạch, thức ăn của nó chủ yếu củ hủ non của chà là, cây dừa, nó không sống được ở môi trường dơ bẩn. 
      Những món đuông được mọi người ưa chuộng và ngon nhất là món đuông chiên bơ. Ngoài ra còn có món đuông đút lò, hun khói, đuông nướng lửa than hoặc nướng phô mai… 
        Trước hết, đầu bếp sành điệu sẽ chẻ thân cây chà là ra, bắt con đuông thả vào tô nước mắm, đuông bị ngộp mà nhả ra các chất bẩn ở đường tiêu hóa, cho thân đuông hoàn toàn sạch sẽ, cũng như để mình đuông ngâm trong nuớc mắm thơm ngon cho có vị hơi mặn mặn. Xong người ta vớt đuông thả vào hổn hợp bột gạo và bột năng đã được chế biến, rồi múc từng con cho vào chảo bơ tươi. Lửa liu riu, con đuông được trở đều trên chảo cho đến khi vàng, cùng với mùi thơm của bơ thì vớt ra dĩa. Vị béo ngọt của đuông chà là không lẫn vào đâu được, cộng với sự giòn thơm của bột năng, bột gạo, hòa quyện với mùi thơm của bơ, đã tạo nên cảm gíác ngon tuyệt vời cho người thưởng thức.
        Ngoài ra còn có một cách ăn khác là đuông chà là tẩm nước mắm mà dân sành điệu thường gọi “đuông lội sông”. Những con đuông vàng rụm dài khoảng 2-3 cm, mình tròn, di chuyễn trong dĩa nước mắm. Gắp lấy một con cho vào miệng nhai sống, đuông vở ra, chất protein loại albuminoid hòa tan chứa trong mình con đuông lan tỏa ra miệng, tạo hương vị ngòn ngọt, bùi bùi, ăn từ tốn để cảm nhận hết cái ngon, béo ngậy từ con đuông mập tròn, chiêu thêm một ngụm rượu chát trắng nhẹ, mà nhấm nháp thủng thỉnh nữa thì mới biết thế nào là đuông Cần Giờ - Rừng Sác, không ăn vội quá  để tận hưởng hương vị độc đáo, đất trời cũng phải sụp đổ vì thơm ngon, chỉ còn biết “ngậm mà nghe”. 
       Đặc biệt, món đuông “ngâm” nước mắm rất bổ dưỡng cho quý ông, còn đuông xay sinh tố thì được xem là “thần dược”, bổ dưởng cho cả quý ông lẫn quý bà”.
       Riêng món đuông xay sinh tố phải chế biến đúng cách thì mới ngon. Trước hết, rửa đuông thật sạch, cắt đầu, đem luộc khoảng 15 phút, sau đó cho vào máy sinh tố xay chung cùng với đậu xanh và đậu nành đã lột vỏ, nấu chín mềm. Món sinh tố đuông phải được uống lạnh sẽ có vị béo, thơm hơn cả sữa tươi.
        Riêng đuông đủng đỉnh được ưa chuộng và cũng được dùng nấu cháo với nước cốt dừa thật ngon.
        Độc đáo nhất có lẽ là món đuông hấp xôi. Ngày xưa tôi được bà Ngoại kể lại, cứ sáng mùng một Tết nấu một nồi xôi đuông ăn với gà ram mặn thì vào thời đó chỉ có vua mới được nếm. Nấu xôi vừa cạn nước, để đuông vào miếng lá chuối đặt trên mặt rồi đặy nắp lại. Khi nồi xôi chín thì đuông cũng chín.
         Theo sử sách ghi lại, thời nhà Nguyễn có hai ông vua rất thích ăn xôi đuông là Gia Long và  Minh Mang.Và tôi cũng được nghe ông bà xưa kể lại, dòng họ vua, lúc ở Bến Tre được dân bắt đuông về hấp xôi dâng lên, khoái khẩu, sau này bắt tiến kinh hàng năm. Vua Minh Mạng còn cho khắc trái bần và con đuông lên cửu đỉnh đặt ở Thế miếu ngoài cung đình Huế, được xem là sản vật quý của nước Nam.
        Với những người có tâm hồn ăn uống lại thích sưu tầm những món ăn “độc chiêu” như bò cạp rang me, bò cạp chiên dòn, thằn lằn núi chiên, dế cơm chiên nước mắm, dế cơm kho quẹt, kho tiêu…thì đuông được liệt vào món ăn cao cấp trong hàng thực phẩm côn trùng.
       Đuông chà là, đuông cau, đuông dừa ăn đã ngon “tuyệt vời” rồi; nhưng có người cho thế vẫn chưa đủ ngọt, lại nuôi đuông cho ăn mía. Đuông mía không phải đuông trong đọt mía như chà là, đọt dừa hay đọt cau mà là đuông được nuôi trong cây mía, người ta khoét lỗ to ở giữa cây mía rồi bắt đuông sống cho vào lỗ đó, đậy kín lại, cho đuông ăn rỗng cây mía là lúc có thể ăn thịt được, mỗi cây mía là một con đuông. Ăn như thế, không thể nào chê vào đâu được. 
        Ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre có rất nhiều dừa, cây dừa thường bị đuông ăn cho đến khi xuyên thủng ngọn dừa, làm cây dừa kiệt sức rồi úa tàn dần đến chết.Chủ vườn phải đốn để bắt đuông Trung bình mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông, có khi cả một thúng cái đuông. Nhưng phần nhiều cây mà bị đuông ăn thì cây đó cũng đã sống vài chục năm.
        Tuy đuông là món ăn đặc sản dân dã ngon bổ nhưng thời nay đã trở nên qúy hiếm, rất đắt tiền, sơn hào hải vị cũng khó sánh kịp. Yến cũng không quý bằng, không phải lúc nào cũng có. Vì muốn ăn một con đuông người ta phải hạ cả cây dừa hay cây chà là xuống chẻ ngọn ra mới bắt được. Ngay cả những bậc lão ông lăn lộn với ruộng đồng, vườn tược, trong đời cũng chỉ thưởng thức món này được vài ba lần.
       Đuông là món ăn “độc lập”. Nên đuông không thể ăn kèm với rau, cũng như với đồ chua như củ cải hay cà rốt ngâm dấm, vì gia thêm một món cay, chua, đắng, đều làm món đuông mất hết hương vị đặc biệt của nó. Tuy nhiên muốn ăn cách gì thì ăn, thưởng thức con đuông cũng phải theo đúng quy tắc thì mới cảm nhận hết cái tinh túy của nó. Bởi vì đuông là một miếng ngon “siêu hạng” khó sánh được với các món ăn khác. Thêm vào đó bạn thử tưởng tượng cái ngon đó mà đưa cay với ly rượu đế thì lại càng không nên.
       Ôi những món ăn đặc sắc, những tinh hoa ẩm thực Việt Nam, làm sao dám nói hết, chuyện muôn đời vẫn còn dài, đời đời kiếp kiếp, bởi ăn uống đã từ lâu là một nền văn hóa cổ truyền, nhưng vẫn theo kịp hiện đại nên cũng tạo được một chỗ đứng xứng đáng để chúng ta còn có dịp thưởng thức những món ăn dân tộc, độc đáo, đặc sản của vùng sông nước quê hương.

 Hoàng Ánh Nguyệt
                   Sưu tầm
          (2010)