Rằm Tháng Giêng, Tết Nguyên Tiêu
(Tết Thượng Nguyên)
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm.
Cùng với mùa Xuân, tháng Giêng cũng là tháng của mùa Xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết, tim người ta cũng dường như trẻ hơn ra và đập mạnh hơn so những ngày mùa Đông lạnh giá.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Dòng lịch sử cho thấy đất nước chúng ta đã có những thời gian cực thịnh. Quê hương đã cất lời ca tiếng hát hoà cùng với thiên nhiên.
Tiếng hát, lời ca đó là con sông hiền hoà, tươi mát, êm ả chảy xuôi theo dòng thời gian làm nẩy sinh những lễ hội mùa Xuân; những điệu hò câu hát, tạo nên một nền văn hoá phong phú mà chúng ta vẫn hằng hãnh diện là bốn ngàn năm văn hiến.
Chúng ta được biết rằng, những nhà nghiên cứu về văn hoá trên thế giới đã vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi tìm hiểu, biết đến những điệu hò câu hát khác nhau của dân ta, từ địa đầu ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau. Ở đâu, chúng ta cũng có những lối ru em khác nhau, một lối hát vô cùng phong phú, đặc biệt không nơi nào giống nơi nào. Nhất là những lời đối đáp rất văn chương cũng không kém phần lãng mạn và tình tứ, đôi khi đi đến sổ sàng trong những hội mùa Xuân.
…………………….
Trăng tháng Giêng non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác. Cái đẹp của trăng Rằm tháng Giêng giống như nét đẹp của nàng tiên nữ kiêu sa huyền diệu…
Nét văn hoá chung gặp nhau của 3 miền: Bắc, Trung, Nam trong Lễ Hội Rằm tháng Giêng:
Lễ Tết quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng…
Theo Phật Giáo, ngày Mồng Một và ngày Rằm hằng tháng được coi là ngày Rằm của Phật, mà nhất là ngày Rằm tháng Giêng, các tín đồ đến ngày ấy đi chùa lễ Phật. Cũng là ngày Rằm đầu tiên nên nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng cho lòng thành của Phật Tử. Thêm vào đó, cái không khí vui Xuân vẫn còn đậm đà, cho nên chính là dòng người từ già đến trẻ, đi lễ đầu Xuân đông hơn, mong cầu Phật gia hộ độ trì cho quanh năm bình yên và cũng tin rằng lời thành tâm khẩn nguyện ấy sẽ được chứng giám. Đây còn là ngày Vía Thiên Quan, người ta đến chùa cúng sao để giải trừ tai ách, ước nguyện điềm lành, được xem là phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưởng của người Việt Nam.
Không biết những lời thỉnh cầu có đến được cữu trùng hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi đi lễ đầu năm, hay đi trẫy hội về, tâm hồn của họ như được thắp sáng lên và hy vọng ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn…
Trong dân gian, đa số theo phong tục thờ cúng ông bà, thì Rằm tháng Giêng trước hết được hiểu là ngày Rằm lớn. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư và khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.
Tuỳ theo lòng thành cũng như ngành nghề, có gia đình cúng lễ Thổ Công, Thần Tài hoặc cúng âm hồn…nhưng đặc biệt không ai có thể quên bày mâm cỗ để cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cám ơn trời đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả…Tuy nhiên mâm cúng gia tiên có khác nhau tuỳ phong tục của từng vùng, từng miền.
Theo truyền thống văn hoá cư dân nông nghiệp lúa nước, vụ mùa gieo trồng thường được bắt đầu vào khoảng 15 tháng Giêng, sau một thời gian dài nghỉ Tết Nguyên Đán. Người nông dân bắt đầu công việc đồng áng và bắt đầu một vụ mùa, cho nên họ đốt rạ, khai hoang và hạ điền. Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, nét văn hoá này thể hiện rất rõ với 3 vụ mùa trong năm:
Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy
Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy
Hay câu:
Lễ Phật quanh năm
Không bằng ngày Rằm tháng Giêng
Đã thấy tầm quan trọng của ngày lễ này đối với người dân Việt Nam, có thể nói những ngày lễ này đã hoà quyện giữa văn hoá truyền thống và tín ngưởng.
Vì sao có lễ hội Rằm tháng Giêng?
Trong 12 ngày Rằm, Rằm tháng Giêng mang nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như Tết Nguyên Tiêu, Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, Thượng Nguyên…
Cách gọi này bắt nguồn từ giao lưu văn hoá Trung Hoa và có sự kết hợp hài hoà với văn hoá bản địa. Người dân ai cũng mong mỏi có một vụ mùa tốt tươi, thay vì đốt rạ khai hoang thì người Trung Hoa có một lễ hội cúng “Hoa Đăng” hay còn gọi là “Tết Nguyên Tiêu”.
Lễ hội Rằm tháng Giêng được du nhập vào Việt Nam theo phong tục Tết Nguyên Tiêu của người Hoa. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của năm mới (Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm, ngày Rằm tháng Giêng âm lịch). Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên bởi vì còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười) .
Và đêm 15 tháng Giêng sẽ là Đêm Nguyên Tiêu, người xưa và cả ngày nay đều cho rằng đêm đẹp nhất của ánh trăng trong năm. Dù bao biến đổi của đất trời đã và đang diễn ra, nhưng xưa và nay, vầng trăng tháng Giêng vẫn vẹn nguyên như thế, tròn và trong sáng giữa đêm Xuân. Thế thôi cũng đủ để lòng người ta cảm tạ trời đất ban cho mặt trời còn tặng cả vầng trăng, trăng già còn trăng non, trăng tròn rồi trăng khuyết. Trăng mùa Đông tàn thì còn trăng Xuân đón đợi. Đó chính là vầng trăng toả sáng cái Tết trăng tròn khỏi sự cho đêm rằm đầu tiên của năm mới: Rằm tháng Giêng!
Theo nho học, xưa kia ngày này là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng hoạ, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại cho muôn dân an lạc, thái bình, thịnh trị.
Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm Rằm tháng Giêng được các văn nhân, thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi, mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng hoạ, đối đáp phong phú và sinh động hơn.
Tết Nguyên Tiêu hình thành là một sinh hoạt tao đàn trang nhã. Văn nhân, thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thì thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ không phải gặp nhau để chén tạc, chén thù, mà chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc. Đúng như cái cảnh tuyệt vời thơ mộng của Đêm Nguyên Tiêu.
Hoàng Ánh Nguyệt
(Hoàng Quỳnh Hương)
(Tài liệu sưu tầm)
No comments:
Post a Comment