TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Saturday, January 21, 2017

CHÀO XUÂN MỚI VỚI NHỮNG NỤ CƯỜI ĐỘC ĐÁO TRONG CA DAO MIỀN NAM - HOÀNGÁNH NGUYỆT



CHÀO XUÂN MỚI VỚI NHỮNG NỤ CƯỜI ĐỘC ĐÁO TRONG CA DAO MIỀN NAM




Image result for NỤ CƯỜI TƯƠI



  Từ thời xa xưa đến nay, mỗi khi mùa Xuân đến, không ai bảo ai, đều chuẩn bị mừng đón Tết Nguyên Đán. Đó là ngày vui nhất của năm sau ngót hơn 365 ngày đầu tắt mặt tối. Tết chẳng riêng ai mà cho khắp mọi nhà, mọi dân tộc, là một tục lệ cổ truyền của người Việt Nam. Trong các cái Tết chỉ có Tết Nguyên Đán được xem là vô cùng hệ trọng. Đối với quốc gia thì Tết tượng trưng và tiêu biểu cho linh hồn của một dân tộc, cho dù sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cũng không thể nào quên phong tục tập quán của quê hương mình. Đó còn là dịp để chúng ta gặp gỡ nhau, hứa nguyện trước bàn thờ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ giữ gìn ý tứ, lời nói, và nhất là hành động sao cho trong sạch suốt năm.
Ngày Tết có lắm tập tục, chẳng hạn như tục xông đất, tục dựng nêu, tục lì xì v.v… Người đến chúc Tết lúc nào cũng được gia chủ đón tiếp nồng hậu với nụ cười tươi, cùng tất cả lời chúc lành đẹp nhất. Thể hiện bằng chén trà, ly rượu, bánh mứt… Cũng có nơi gia chủ mời ăn vài món đồ mặn để nhâm nhi với chung rượu lạt nữa.

Như “luật bất thành văn”, người Việt Nam chúng ta cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có tục lệ tổ chức những ngày lễ Tết trọng thể, tưng bừng và tiệc tùng linh đình vào ngày đầu năm.

Ngày Tết Nguyên Đán còn có tục gặp nhau là phải cười, dù cho có ghét nhau mấy đi nữa, có đói, có no, giàu hay nghèo, gặp nhau ba ngày Tết ai cũng vội nhoẽn miệng cười tươi tắn để chúc phúc cho nhau… Ông bà Tổ Tiên ta đã dạy:

Thứ nhất là đạo làm người
Dù no dù đói cho tươi mặt mày.

Những ngày đầu năm mới, kỵ nhất là mặt mày ủ rủ, phải vui tươi thì mới hy vọng cả năm làm ăn khấm khá. Sau đây tôi xin đơn cử nhiều kiểu cười khác nhau, tất cả mọi tình huống mà chúng ta không ít người có thể bắt gặp trong đời sống hằng ngày, hoặc đọc qua và tìm thấy trong ca dao tục ngữ miền Nam.

Có người khi gặp nhau thì có nụ cười gượng gạo, cười trừ, cũng có người có nụ cười vô duyên thì lại cũng có người ta bắt gặp có nụ cười bẽn lẽn, hoặc cười khúc khích cười bả lả…

Để có dịp làm vui cho mọi người những ngày đầu năm mới. Hai câu thơ dưới đây cho thấy:

Phất phơ ngọn cỏ gió lùa
Thấy em cười gượng anh chua xót lòng.

Chỉ cần nhìn nụ cười gượng của nàng thôi đã làm cho chàng phải đắn đo, suy nghĩ. Cũng có khi vì nụ cười gượng này đã làm chàng không dám bước tới:

Bắp non xao xác trổ cờ
Thương nhau xin chớ nhởn nhơ cười trừ.

Trong tình yêu đôi lứa, nhiều khi chúng ta bắt gặp và đáng ghét nhất khi nhìn thấy nụ cười trừ, tuy nó vô âm, vô điệu mà lại rất là vô duyên.

Hầu như phái nữ là rất kỵ và rất ghét nụ cười vô duyên này lắm, nhưng lại hay bắt gặp nụ cười trừ ở phái nam. Cho nên vì vậy mà có câu:

Đứng xa kêu bớ em Mười
Thương hay không thương, em thiệt đừng cười đẩy đưa.

Thật ra nếu bắt gặp nụ cười đẩy đưa thì thật không thiện cảm tí nào, mà còn có thể nói là khó ưa nữa là khác. Tuy nhiên trong nụ cười đẩy đưa ấy có thể trong bụng nàng muốn kéo dài thời gian tìm hiểu chàng, kéo dài thời gian dò xét nên mới có nụ cười đẩy đưa… Cũng như nàng muốn tìm kế “hoản binh” mà thôi. Điều đàn bà tối kỵ nhất và hay tìm cách tránh đàn ông bởi họ thiếu kiên nhẩn nên có câu:

Cây tre nhặt mắt, gió quặt cây tre quằn
Nghe anh cất tiếng cười gằn, em trở gót thối lui.

Có thể chàng đang giận nên chàng cười gằn, từ cười trừ chuyển sang cười gằn:

Chiều chiều ra đứng vườn cà
Thấy anh cười lạt, trở vô nhà, em hốt muối em ăn.

Cười lạt thật ra độc đáo hơn cười gằn. Nhưng cũng có một kiểu cười khác “độc” hơn,  nhiều người nhận xét cho rằng cười lạt độc hơn cười gằn:

Chuồn chuồn đậu ngọn cau tơ
Anh cười bả lả em ngờ duyên anh.

Nghe giọng cười bả lả của chàng. Người mà mình yêu thầm trộm nhớ chỉ biết cười bả lả thì chắc chắn duyên nợ sẽ không đi đến đâu. Bởi nụ cười bả lả biểu lộ sự cợt nhả, bông lơn của kẻ chỉ tính chuyện lợi dụng, qua đường.

Đàn ông thì họ có trăm cách, trăm mánh khoé để biện hộ cho nụ cười bả lả này.

Có những cô gái thuộc loại vô duyên, chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy… Hay có những cô gái thuộc loại điêu ngoa, chuyên môn cười châm choc. Cười toe toét, cười bò càng bò niểng. Rồi lại có những cô gái cười đến chảy nước mắt nước mũi. Cười chành bành, cười nhắm mắt hả họng…

Có những chàng mới gặp thấy nàng có vẻ nhu mì, nhưng cũng bị lầm nên than thầm:

Tưởng đâu bến đã gặp thuyền
Nào hay em cười lãng nhách, anh liền lui ghe

Nhìn vợ người hàng xóm không ra gì, chàng liền so sánh:

Thà rằng chịu cảnh gông xiềng
Còn hơn có vợ cười vô duyên tối ngày

Nhiều anh chàng than khổ, sao mà khó quá! Kiếp sau xin chớ làm người…Bắt bẻ nhau chi một tiếng nói, một kiểu cười:

Con quạ nó núp vườn chuối
Thấy em đứng cười lỏn lẻn với ai!?

Cười lỏn lẻn là một kiểu cười dễ thương của các cô gái hay e thẹn. Nhưng đôi khi cũng bị hiểu lầm là:

Cô kia cười cợt ghẹo trai
Cái miệng méo xẹo như quai chèo đò

Quả thật ở sao cho vừa lòng người khi thương thì “trái ấu cũng tròn, ghét nhau thì bồ hòn cũng méo”. Đã vậy:

Phòng trong sớm mở tối gài
Ai cười khúc khích để phòng ngoài ngẩn ngơ.

Nàng ở trong nhà cười khúc khích, lúc nhìn ra thấy chàng mặt mày ngẩn ngơ. Vậy mà có ai đề cập đến nàng thì lại làm bộ làm cao:

Thôi thôi tình phải buông lơi
Chưa chi em đã vội cười toét toe…

Ca dao miền Nam thật phong phú, không thiếu những nụ cười khi “Cá chưa cắn câu”. Những nụ cười của tình yêu đơn giản, những nụ cười hạnh phúc, rất thâm thúy và nồng nàn:

Bông cúc nở trước sân, con bướm vàng nhận nhụy
Thấy miệng em cười hữu ý anh thương

Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười giòn anh mê.

Tóc em dài em cài hoa thiên lý
Thấy em cười hiền, anh để ý anh thương.

Con kiến vàng bò ngang đám bí
Thấy miệng em cười ẩn ý, anh đỡ lo.

Cóc nghiến răng còn động lòng trời
Cũng vì em có điệu cười mím chi

Bới tóc cánh tiên bỏ vòng lá liễu
Thấy miệng em cười, trời biểu anh thương.

Chỉ một nụ cười của em thôi đã làm “động” tới lòng trời. Tất cả mọi người chúng ta sống nơi xứ người, những nụ cười hạnh phúc thì thật quý giá vô cùng.

Hiện nay, rải rác khắp nơi trên thế giới như Đan Mạch, Ấn Độ, Canada… Đều có “Festival chỉ để cười” Tất cả mọi người đều cố tập cho mình một kiểu cười chẳng giống ai. Tuy nhiên có một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là hãy đem lại cho người khác những nụ cười lành mạnh!

Phong tục ngày đầu năm, gặp nhau ai cũng phải cười, cười cũng còn là một thần dược. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Trị được cả bịnh thể xác lẫn tâm hồn, cười làm ta cởi mở, bao dung và nhất là có một tinh thần lạc quan yêu đời. Tất cả các kiểu cười: Cười Mím, Cười Nụ, Cười Ra Tiếng, v.v. Đều làm cho khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn trong ngày đầu năm mới. Bởi vì chính những nụ cười này sẽ đem lại cho họ niềm vui, may mắn suốt năm.


Hoàng Ánh Nguyệt
(Hoàng Quỳnh Hương)
(Sưu tầm)






 

No comments:

Post a Comment