TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Tuesday, April 14, 2015

VÀI CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ ĐƯỜNG TRĂNG CUỐI NĂM


Viết Về Thơ Hà Thu Thủy - DƯƠNG QUÂN


Vài cảm nhận về bài thơ 
Đường Trăng Cuối Năm của Hà Thu Thủy

Tôi thường hay ghé thăm Trang Thơ của Web AHBH, nơi đây có nhiều tác giả làm thơ rất hay, thỉnh thoảng rồi tôi sẽ nhắc đến.
Hôm nay, đọc bài thơ Đường Trăng Cuối Năm của tác giả Hà Thu Thủy, sau một đêm không ngủ được, làm cho tôi bắt buộc phải ngồi vào bàn phiếm, gõ mấy giòng cảm nhận về bài thơ mới được đăng lên.
Cũng tại cái TỰA đẹp quá, gây chú ý cho người đọc: Đường Trăng Cuối Năm cũng như Nguyễn Thị Thêm hôm trước với bài Bên Kia Rặng Núi (mở đầu bằng một câu hỏi: Có gì không bên kia rặng núi? và kết luận bằng một câu trả lời: Bên kia núi xanh chẳng có ai chờ) Thơ như vậy nên không khen không được.
Hôm nay với cái TỰA Đường Trăng Cuối Năm đầy thơ mộng, nên phải xem coi tác giả nói gì?
Nói về Trăng, thì từ xưa tới nay, ai ai là thi nhân đều có những vần thơ về Chị Hằng. Từ Trăng "chết chìm" của Lý Bạch, đến trăng lãng mạn của Lamartine trăng Triết học của Tagore, tiếng chó sói tru giữa đêm trăng của A. Vigny, đến ma quái của Đinh Hùng hay nổi tiếng nhất là "trăng nằm sóng soải" của Hàn Mặc Tử v. v...
Bài thơ Đường Trăng Cuối Năm của Hà Thu Thủy về chữ, lời và ý đều xoay quanh đề tài Trăng gồm 5 khổ thơ, theo thể 8 chữ vần ôm, câu 2 và câu 4. Tác giả sử dụng 3 khổ thơ trong 3 lần với điệp ngữ "Đứng Giữa Đường Trăng" để "mềm môi mời mọc" để "mơ làm giun dế" và để "làm người mất trí"
Hãy nhìn bài thơ này với cái nhìn của Trường Phái Trừu Tượng (symbolisme) và cái nhìn Siêu Thực (sur-realisme) để cảm nhận tư tưởng của tác giả.
Tác giả Đứng Giữa Đường Trăng mềm môi mời mọc hỏi chuyện tình yêu ở chốn thiên đường và cõi nhân gian có khác nhau không? Hay cũng đầy nước mắt?

Đứng giữ đường trăng mềm môi mời mọc
Những vì sao về nghe chuyện dương trần
Chuyện tình đầu buồn tựa như tiếng khóc
Chốn thiên đường, yêu có khác nhân gian?

Có khác chi không tình đầy nước mắt
Mặn những giận hờn, đắng ngắt gian nan
Cười chưa tròn đã não nề cuối mặt (cuối hay cúi?)
Hiu hắt một mình sầu suốt trăm năm

Tác giả lại Đứng Giữa Đường Trăng để mơ làm giun dế, để hát suốt đêm dài cho quên hết thời gian và để ngủ giữ rừng cây cùng muôn đời mặc niệm:

Đứng giữa đường trăng mơ làm giun dế
Hát suốt đêm trường quên hết thời gian
Ngủ giữa rừng cây muôn đời mặc niệm
Tay đan cành cùng lá đẫm dòng trăng


Đến đây, sao thấy tác giả có "hơi thơ" như phái khắc kỷ, hay Lão Trang quá?
Rồi lại "Đứng Giữa Đường Trăng" lần thứ 3. Nhưng lần này tăng thêm một bậc là để "làm người mất trí" Mất trí nhưng thật đáng yêu, vì chỉ hát ca khúc hiền hòa, nằm dưới bụi hồng và an lành trong mộng phiêu diêu

Đứng giữa đường trăng làm người mất trí
Hát thật hiền hòa ca khúc thương yêu
Nằm dưới bụi hồng bình yên giấc ngủ
Sẽ thật an lành trong mộng phiêu diêu..

Còn một khổ thơ cuối cùng, tác giả làm kết luận bài thơ với lời kêu gọi vầng trăng đẹp xin xóa giùm tăm tối u buồn, thắp sáng nụ cười, xua tan cay nghiệt để cho tóc rừng được chảy suông.

Ơi đường trăng đẹp chan hòa khốc liệt
Xóa hộ ta những khỏang tối u buồn
Thắp sáng nụ cười xua tan cay nghiệt
Chảy suông giùm dòng tóc rừng buông.

Khổ thơ cuối cùng này đẹp quá, ý và lời mênh mông diệu vợi. Tác giả đầy can đảm "dám" dùng chữ KHỐC LIỆT trong chan hòa khốc liệt. Nếu suy nghĩ theo thói thường tình, có người sẽ cho rằng hơi khá sống sượng nhưng theo tôi, đây là lời đoan quyết tác giả phải nói hết cường độ vừa nói lời xin, vừa bắt buộc, vầng trăng được yêu cầu phải thực hiện theo ý tác giả.
Vì lời yêu cầu "xóa u buồn" "thắp sáng nụ cười" "chảy suông dòng tóc rừng" là nguyện vọng làm cho thế gian này thăng hoa, thay cho tiếng khóc, giận hờn đắng ngất đã nói ở trên.
Cám ơn tác giả Hà Thu Thủy đã gởi đến cho người đọc thông điệp yêu thương và nhân ái với nhiều quyết tâm. Văn chương đối với người nghệ sĩ thật là quí như bài thơ Đường Trăng Cuối Năm.
Cũng không quên gởi đến Hà Thu Thủy thắc mắc rằng: Ủa? Sao tác giả đặt cái TỰA là Đường Trăng Cuối Năm. Đường Trăng thì đã thấy và đã phân tích. Còn "Cuối Năm" sao không thấy tác giả đề cập chữ nào
trong suốt cả bài thơ?
Dù sao. Đây là một bài thơ hay mà tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần.

Dương Quân
4.15

No comments:

Post a Comment