TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Saturday, July 23, 2016

ĐI TÌM NGƯỜI TÌNH TRONG THƠ DUỒNG QUÂN - HOÀNG ÁNH NGUYỆT


 

ĐI TÌM NGƯỜI TÌNH TRONG THƠ DƯƠNG QUÂN.

love

         Bao đêm trằn trọc thao thức, tôi cố dỗ giấc ngủ, nhưng chẳng làm sao ngủ được. Cái lạnh lúc trời đất giao mùa từ Thu sang Đông làm lòng tôi ngát lên chút riêng tư ấp ủ thấp thoáng vài hình ảnh khó quên. Cuộc đời có những buồn vui bất chợt dễ thương để trở thành kỷ niệm đẹp, đều mang một ý nghĩa thiêng liêng.

Tôi hân hạnh được Dương Quân nhà thơ xứ bưởi Biên Hòa tặng 4 tập thơ:

                                     1/ Chập Chờn Cơ Mê 2004

                                     2/ Điểm Hẹn Sau Cùng 2007

                                     3/ Trên Đỉnh Nhớ 2010

                                     4/ Như Thật Như Mơ 2013.

          Hôm nay tôi muốn được viết về những điều tôi nghĩ . Đi Tìm Người Tình Trong Thơ Dương Quân.

 

         Người ta thường nói đến người tình ở nhà thơ này hay phong cách ở nhà thơ khác. Khi phê phán hoặc đồng tình. Và nói đến tình yêu thì không có tuổi và thơ tình hay càng không tính tuổi được bao giờ, mà nhất là tình yêu đối với thi nhân, nguồn đề tài bất tận, trẻ mãi, kể cả những bài thơ mà các thi nhân viết lúc đời đã vào thu. Ngay cả những nhà thơ tiền chiến, hay những nhà thơ cận đại đều có phát họa một người tình, nhiều lúc tưởng tượng, hư cấu, mượn chuyện người khác, hoặc thêu dệt.

        Vì vậy mỗi khi nhắc tới nhà thơ đó là hiện lên hình ảnh người tình trong thi văn lãng mạn với các tác giả tiêu biểu như :

 

        Nhà thơ Nguyên Sa với “Áo lụa Hà Đông

        Mặc dù đã trải qua mấy chục năm sau ngày thi Hoa hậu, để lại trong lòng Nguyên Sa lúc nào cũng mơ tưởng đến ánh mắt nụ cười của người đoạt chức Hoa hậu đầu tiên, thôi thúc ông viết bài thơ ca ngợi người đẹp kiêu sa:

 “Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”.

 

        Đọc bài thơ “Màu tím hoa sim”, lời thơ đã có trong tôi nỗi cảm xúc, thi phẩm bi tráng, một tác phẩm kinh điển. Đặc biệt khi nhắc đến Màu tím hoa sim ai cũng nghĩ ngay tác giả Hữu Loan. Bài thơ ấy là một huyền thoại của một mối tình buồn giữa Hữu Loan với cô học trò kém ông 16 tuổi:

 “Tóc nàng xanh xanh/ngắn chưa đầy búi…”.

         Trong giới yêu văn thơ đã nhắc nhở hơn nửa thế kỷ nay, bất tử với thời gian.

 

         Bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư cho thấy ngày ấy trên con đường trải nắng vàng, có một chàng trai lặng lẽ theo sau cô nữ sinh tên Ngọ đi học về, với tà áo dài trắng, tay ôm cặp, mái tóc xõa ngang vai:

 “Em tan trường về/anh theo Ngọ về…

        Chàng thi sĩ đa tình. Theo ông tình yêu trong những bài thơ chỉ là kỷ niệm, kín đáo và tinh khiết, không nhuốm bụi trần, nhưng cũng đã để lại những vần thơ xót xa và lung linh mãi đến bây giờ.

 

        Hình ảnh Paris trong thơ Cung Trầm Tưởng với tượng đá, công viên, vườn Luxembourg  lá vàng rơi lả tả trong “Mùa thu Paris”: “Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ”… Là một người con gái Tây phương. Hay hình ảnh nhà “Ga Lyon đèn vàng”, tuyết trắng trong bài “Chưa bao giờ buồn thế” đã hiện ra trong những màu sắc với tất cả nỗi niềm.

 

        Với nhà thơ Kiên Giang tác giả đã thương thầm nhớ trộm người con gái thướt tha với tà áo tím đã khiến ông rung động, và từ đó bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” ra đời. Mối tình học trò trong trắng, ngây thơ của chàng trai ngoại đạo, với cô gái có đạo. Một bài thơ tình đầy lãng mạn

 

         “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ” Thơ của Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng với những tác phẫm viết về tình yêu tuổi trẻ. Nguyễn Tất Nhiên đã gặp cô gái người miền Bắc “Đôi mắt tròn đen như búp bê” và đã có tình cảm, thoáng nhẹ vu vơ thời trai trẻ, tuy không thành nhưng cũng đã là nguồn cảm hứng cho tác giả sáng tác nhiều bài thơ tình buồn.

 

        Trở lại thơ Dương Quân. Đêm đã khuya, ngoài kia trên bầu trời xanh thẳm đã hiện ra những vì sao lấp lánh, tôi ngồi một mình đọc thơ Dương Quân. Nhưng trời về Đông, khí trời lành lạnh. Ngọn đèn trên bàn tỏa ra một bầu ánh sáng chỉ đủ sáng chỗ tôi ngồi. Chung quanh tối, mọi thứ im lặng dày đặc. Lúc này chính là lúc xem thơ Dương Quân.

        Theo gót nhà thơ Dương Quân, tôi đi tìm Người Tình trong thơ anh, đi dần vào thế giới huyền diệu của tình yêu. Của anh chàng Đốc Sự non choẹt, xuất thân Biên Hòa, theo học trường Petrus Ký. Sau khi tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh về nhận nhiệm vụ tận miền cực Nam của tổ quốc, khi mới ngoài hai mươi tuổi đầu:

 “Chân trời cuối Việt xa thăm thẳm” … “Hành trang chỉ một xách tay vừa”…

        Từ thuở ban sơ chung chuyến đò anh vướng mối tình đầu, một cô gái quê thật thà, duyên dáng, dịu dàng đã quyến rũ và làm rung động trái tim của chàng thi sĩ  đa tình với lòng non trẻ của Dương Quân.

        Tình yêu trong thơ Dương Quân, nhẹ nhàng và kín đáo, hình ảnh cô gái miệt vườn, chất phát, chèo ghe ra họp chợ. Lời thơ đã làm rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Có lẽ vì nỗi thiết tha đến nhường ấy đã đọng lại trong cõi thơ Dương Quân khi vui cũng như khi buồn đều nồng nàn tha thiết, một cô gái hiếu thảo dễ thương. Lời thơ dịu nhẹ, ngọt ngào.

        Cảnh trước mắt làm cho tình trong lòng cũng nhóm bỗng bâng khuâng. Tác giả tả cảnh cô gái quê nghèo hằng ngày:

 “Hái rau đem bán lo tiền chợ /  Mót cũi rừng thưa, nhúm bếp cơm”.

 Cha mẹ già, con muộn nên cô gái phải: “Tảo tần ngày tháng đáp công ơn”

 Tác giả cũng tỏ ra là người có tình và hiếu nghĩa:

“…Tôi dưới Tân Thành lên chợ quận/ Mua quà xin gởi biếu song thân…”

        Cuộc sống đẹp, tình người đẹp, những câu thơ là cái nhìn ấm áp yêu thương:

Từ đó tôi yêu miền cuối Việt / Yêu đôi mắt đẹp, cổ tay tròn

Áo bà ba tráng, môi cười nụ / Yêu gái Cà Mau vẹn sắc son.”

(Hương Tình Cà Mau)

        Nghe giọng văn anh rụt rè tình tứ trong mối tình đầu, cũng biết mối tình đó thi sĩ chưa đạt được. Lòng anh luôn luôn mơ ước mối tình nguyên hương trinh bạch.

Đọc những câu vừa nêu trên thì không còn mang dấu vết tượng trưng siêu thực gì nữa mà vẫn nghe ngọt ngào làm sao! Phải chăng nó rạt rào ý chân thành và vẫn là dư hương kết tinh của mối tình đầu, để rồi kết luận cũng thắm thiết thủy chung. Mang một sắc thái của đồng bằng Nam bộ phù sa ngọt ngào, đầy ắp tình quê hương, dung dị, mộc mạc, chân chất, thật thà, mà vẫn đậm đà hương sắc.

        Một bài thơ viết từ năm 1967 được đăng trên báo Điện Tín và đã được Kiên Giang Hà Huy Hà cho diễn ngâm trên đài phát thanh Sài Gòn. Và cũng từ bài thơ này đã đưa tên tuổi Dương Quân vào danh sách những nhà thơ hay của miền Nam thời chiến. Một sưu tập công phu của nhóm Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn cùng bằng hữu sáng lập.

 

        Hình ảnh cô gái miệt vườn không trang điểm, rất đẹp, tánh ngoan hiền, giúp mẹ gánh trầu ra chợ bán:

 “Ngày ấy anh về thăm Mỹ Hội”…“Tìm em trưa nắng tan phiên chợ…”

        Ngồi kế bên em xếp liễn trầu, chợt anh nhìn thấy bàn tay gầy guộc quá, chính hình ảnh đẹp đó đã khiến tác giả yêu tha thiết:

 “ Lần đầu xao xuyến nụ hôn nhau…” Hôn lần đầu mà xao xuyến, mới vừa hôn xong đã đốt trầm hương khấn mẹ xin “ Sau này được kết nghĩa trăm năm”  Mặc dù xa mãi “Mà bóng người thương chẳng nhạt mờ.”

(Gánh Trầu Mỹ Hội)

 

        Lời thơ thật dễ thương. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Ta cảm thấy như có vườn cau, giàn trầu, bụi chuối, hoàn cảnh tự nhiên, thêm vào đó tính tình chất phát, còn gì thắm tươi hơn những thiếu nữ thôn quê. Cho nên biết bao nhiêu lần tác giả tả người đẹp với những nét dịu dàng và âu yếm.

 

        Có thi nhân chỉ tìm ý thơ trong tình yêu của một người. Trái lại trong thơ Dương Quân thấp thoáng hình ảnh không biết bao nhiêu người, bao hẹn ước ngày xưa cũng đành dang dở, mặc dù:

 “Ôi nhớ lắm! Những ngày hoa gấm cũ

        Tác giả là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tình duyên, có thể là người con gái chất phát, hay là cô gái miệt vườn, hoặc là trong giây phút tưởng tượng đôi khi yêu tiểu thư, cô nữ sinh thành thị:

Bước hẹn hò em ngập ngừng cuối phố / Hoa hoàng lan thơm ngát nẻo em về

Mà “Ba mươi năm, anh bước đời lận đận…/“Một lần đi biền biệt dấu quan hoài”… “Và hồn thơ mòn mỏikiếp lưu vong.” (Em bên ấy)

 

        Sự gợi tình không phải chỉ do ở người con gái xinh đẹp. Theo sự tưởng tượng mà nhờ sự cảm thông của tác giả với muôn vật trong trời đất, ngọn gió thoảng qua cũng rất có tình. Gặp nhau không được, xa nhau thì bịn rịn đành “Nhắn lại người thương”:

 “Có ai thương bậu, ngỏ lời / Bậu ưng đi!-- kẻo cuộc đời tàn phai”

Chừng nào mây trắng còn bay / Qua còn nhớ bậu những ngày xa xưa.”

(Nhắn lại người thương)

 

        Ngay khi nhà thơ đi qua Chợ Đồn (Biên Hòa) cũng yêu một cô gái tâm hồn trắng trong:

 “Em xưa trong trắng tâm hồn / Tóc hương bồ kết, má hồng thắm tươi…”

(Em gái Biên Hòa)

 

        Dương Quân xuất thân từ Biên Hòa nên yêu Em gái Biên Hòa đây mới thật là mối tình man mác, nên tác giả “Đem theo hình ảnh cả đời tha phương”. Chỉ cần đọc thơ anh, cũng có thể hiểu được ít nhiều những gì anh muốn nói hoặc tâm sự.

 

        Thơ của Dương Quân đằm thắm, nguồn sống rào rạt, lòng say đắm tình yêu, niềm khát khao giao cảm với đời thật nồng nàn, trìu mến, với người tình “buổi trung niên” . Không sum họp nên hẹn đến “Điểm hẹn sau cùng”:

 “Đợi người cho đến ngàn năm nữa / Điểm hẹn sau cùng: Đỉnh Tuyết Vân.”

 

        Say đắm cảnh đời, dù mạch thơ có dẫn dắt đến đâu, tác giả không cần biết, có người đến đỉnh cao hạnh phúc, tràn ngập hân hoan vô bờ bến, có người bất hạnh ôm lấy đơn côi, cũng bởi thương muộn màng cho nên chàng tương tư:

 “ Bậu về khuất rặng trâm bầu / Qua còn đứng ngóng bên cầu ô rô…

 Cả bài thơ đượm buồn vô hạn. Tuy chỉ là nỗi buồn riêng, nhưng lời thơ nhân đó có cái buồn bát ngát, khắp cỏ cây mây nước:

 “ Qua về khép lại mái hiên / Giăng màn nhựt nguyệt, đắp mền tương tư

(Muộn Màng)

 

        Và xin hẹn chờ kiếp sau. Nhưng dầu sao, con người mơ mộng ấy đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại chuyện thực trong đời mình, tác giả xen vào rất nhiều chuyện mộng. Để sống những giờ thần tiên trong tưởng tượng. Mơ người thật người Tiên.Yêu công chúa Tiên Dung, trong “Bức thư tình vương giả” Mê công chúa tiền triều, trong bài thơ (Hoài cổ) Mơ làm rễ trên trời, hay những câu thơ gợi hình, khát vọng “ Trải thơ làm nệm em nằm/ giũ mây em đắp khơi trầm em xông” (Hy Vọng).

 

           Người tình xa xôi như Trăng Viễn Xứ cũng không bao giờ với tới “Tái sinh về chốn lụy phiền gặp nhau” yêu nhau đâu phải tình cờ để rồi:

 “Trăng thề hẹn bến tương tư” “Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người”.
(Trăng Viễn Xứ).

 

Anh bất chợt dang vòng tay mở rộng/ Rước em về ngự trên đỉnh dung nghi
(Phút say mê)

          Nhưng tôi thắc mắc tác giả dùng chữ Đỉnh Dung Nghi, xưa nay chưa thấy trong tình thơ, anh đã dùng từ rất riêng, không phải ngôi vị cao sang đài các, cũng không phải mái lá đơn sơ mà hiểu riêng anh dùng từ đỉnh dung nghi tượng trưng một chỗ rất đáng được tôn trọng, đáng mến đáng yêu. Những người tình nào của tác giả có yếu tố giống thì sẽ được chàng rước về ngự trên Đỉnh Dung Nghi.

 

        Mơ làm vua, em Hoàng Hậu (Trẫm và Khanh). Thơ anh giàu ý nghĩa cũng như luôn hàm súc ẩn dụ không kém phần lãng mạn và có sức hấp dẫn.

        Nhưng chuyện dầu mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình thật chan chứa trong những bài thơ. Dù chưa lăn lóc trong tình trường, đọc thơ Dương Quân bắt ta phải bồi hồi.

       

        Đó là những câu thơ thật đẹp, thanh tao, chứa đựng những xúc cảm lắng đọng, có chiều sâu, được diễn đạt giản dị mà Dương Quân đã viếtLời thơ như lắng sâu vào lòng người đọc:

Ta đã bao lần hứa với em / Từ khi nguyệt bạch rớt bên thềm

Chia nhau nhặt nửa vầng trăng vỡ / Để giữ làm tin mãi chẳng quên”.

        Có cái gì đó như chất chứa nghẹn ngào. Con người của tác giả luôn yêu, luôn quý và thấy những cái quý giá đã xa mình. Nhà thơ đã bộc lộ tình yêu của mình mà không cần dấu diếm, bao nhiêu lời tha thiết, hò hẹn:

 “Ta đã vì em phát nguyện cầu / Một mình chấp nhận hết thương đau…”
Cho câu hò hẹn chừng vô tận / Ôm nửa vầng trăng nhớ miệt mài…”.
(Muôn Thuở Tình Si)

 

         Cái đẹp của tình yêu là thế, lời thơ trong sáng, ý thơ nhẹ nhàng mà cảm động đến thế là cùng.

        Tuy nhiên, ai cũng biết tánh anh không muốn làm mất lòng ai. Tim anh luôn mở rộng đón lấy tình yêu của bốn phương trời. Thơ anh vẫn không thiếu phần tình tứ say sưa, nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, chính khát vọng yêu thương mãnh liệt này, tình yêu vẫn tươi đẹp, dù đợi:

Mười năm, rồi mười năm…” / “Em lặng lẽ qua đời

Nấm mộ vàng cỏ úa / Chập chùng bóng trăng soi…”

 Cho dù âm dương cách biệt nghìn trùng, hiểu cho ta:

Nhựt nguyệt vẫn xoay vòng / Hồn người đi phiêu bạt

Chàng theo vận nước nổi trôi: “Quyện theo hồn núi sông…”

(Người Đi)

 

         Cuối cùng người yêu của Dương Quân ngoan, hiền lành, chất phát, đầy lòng chung thủy, chờ nhau đến chết, đó là hình ảnh đẹp, tình yêu vẫn mãi tươi đẹp sáng lung linh và huyền diệu. Cõi người vẫn tin rằng, họ vẫn yêu nhau.

         Cuộc đời là những biến đổi không ngừng, gặp nhau như những giòng sông giao lưu nhưng mỗi giòng sông đi về một ngả để rồi cùng ra biển cả. Một yêu thương không thành tựu, trái ngang, nghiệt ngã.

 

        Người tình trong thơ Dương Quân qua tổng hợp trong 4 tập thơ không tìm thấy người tình kiêu sa sắc sảo mà là một thiếu nữ hiếu thảo, chân thật, chất phát, dịu hiền. Nhưng thỉnh thoảng tác giả cũng lướt qua thiếu nữ thời đại cách đây vài chục năm.

 

        Nửa thế kỷ Dương Quân làm thơ, chất chứa đặc trưng của người con gái miền Nam. Rốt cuộc những người tình của Dương Quân là như vậy. Và tình yêu trong thơ anh, dù là ở tuổi thanh xuân, tuổi trung niên hay khi đã ngã bóng, đều đắm say và nồng nàn. Dòng đời không tạo được hạnh phúc cho người. Theo bước thời gian để lại nhiều kỷ niệm.

     Hạnh phúc nhất là khi người ta có những kỷ niệm để thương yêu, ấp ủ bên lòng và cũng hạnh phúc nhất là khi người ta có quá khứ để quay lại và nhìn xem mình đã lớn được bao nhiêu. Mỗi nỗi nhớ đều sống động, êm đềm, ấm áp, hòa quyện vào nhau trong một khoảng không gian là nỗi nhớ! Và cũng nhờ vào những lời bình dị, mọi nỗi nhớ liên kết vào nhau như mắt xích đến nỗi khi ta nhắm mắt, những hình ảnh xưa cũ lại kéo về như ta đã gặp hôm qua, đã gặp hôm nay!

        Mỗi nỗi nhớ của nhà thơ đều mang âm hưởng tình nghĩa. Phải, tác giả đã nắm được những gì quá tinh tế mà con người khó bắt nhận để đưa vào thơ mình! Kể cả đất trời cũng vậy, đất quê hương, đất xứ người, đất trên muôn ngàn mảnh đất khác lạ! Nhưng để rồi một ngày ta đi xa, một ngày ta xa lánh cuộc đời…

        Thơ Dương Quân đằm thắm, như những nốt nhạc mà thanh âm réo rắc, nhịp nhàng làm câu thơ có tiết điệu đặc biệt, khiến tôi say sưa, ưa đọc, nó là những vần thơ dễ thương mà lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Biên Hòa nơi quê hương của Dương Quân. Một thi nhân luôn ca ngợi tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của tác giả riêng âu yếm những nỗi lòng của người thiếu nữ. Nhưng sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết. Khi bình yên lặng lẽ, khi phơi phới yêu thương, Dương Quân thỏ thẻ những lời đến dễ thương, đã đưa người đọc về cuộc đời bên trong đầy ý nhị. Để trở về với hồn thơ, trở về với những niềm tâm sự sâu lắng của nhà thơ.

        Đọc thơ tình của Dương Quân, hiểu thơ Dương Quân ta có thể đánh giá được phong cách, đánh giá được ngôn ngữ của tác giả luôn ôm ấp, ca ngợi chân dung mẫu người tình lý tưởng, hình ảnh người con gái không sắc nước hương trời, không cao sang đài các mà chỉ tìm thấy người tình mộc mạc ngoan hiền, trung hậu, đảm đang, nhẹ nhàng chung thủy. Tuy Dương Quân có đề cập đến có mơ người thật người tiên, yêu công chúa tiền triều chỉ là tưởng tượng thoáng qua. Từ những kỷ niệm tươi sáng, cho đến bao nhiêu buồn thương, bao nhiêu chán nản, bao nhiêu đau khổ vì yêu, cả cái cảnh đời giá lạnh lúc “đã xế bóng”. Nhưng dầu sao, trong vườn trần gian không còn gì, không còn hy vọng người tình nào, cho nên tác giả đi lên núi mượn mỏ thiền sư:
Am nghèo mượn mõ thiền sư / Đọc kinh cứu khổ giải trừ nghiệp căn
Tứ thời lần chuỗi ăn năn / Hạt quên hạt nhớ trần gian vô thường” 
(Thư viết ven rừng)

Cũng không được một lần nữa nhà thơ đành trở xuống miền biển vắng mời mọc:
“Mời em một chuyến rong chơi – Thăm miền biển vắng thăm người cô đơn…
Mời em thu xếp về đây – Hành trang xin nhớ chất đầy túi thơ”
(Lời Mời Của Biển)
 

        Mãi mãi Dương Quân không gần gũi Người Tình nào cả. Lời mời chân tình mộc mạc viết từ miền biển vắng, cũng chẳng có ai hưởng ứng, quá cô đơn, thất vọng, cuối cùng nhà thơ đành viết lời trăn trối. Sẽ có một ngày người ung dung nằm xuống bên bìa rừng, đành vĩnh biệt thế gian:

 “Lửa thiêu lụn nấm tro tàn… Thong dong trên chốn vĩnh hằng vô ưu”…

 

          Đọc thơ Dương Quân thấy tâm hồn mình phong phú hơn, yêu con người và cuộc đời tha thiết hơn. Biết thêm một Dương Quân thủy chung, nhân hậu.

        Hôm nay nhân dịp sinh nhật anh Dương Quân (tháng 02 DL), tôi hoàn tất bài viết này như một món quà để kính tặng anh Dương Quân nhà thơ xứ bưởi. Xin cầu chúc anh Dương Quân sống vui khỏe để tiếp tục sáng tác thơ cho đời, cũng như tiếp tục tìm trường phái thơ cho riêng mình, để không còn những đêm trăng ngồi độc ẩm mà buồn cho cuộc đời, buồn cho thế sự.

 

Hoàng Ánh Nguyệt

(Đông Hàn Giáp Ngọ 2014)




 

No comments:

Post a Comment