TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Wednesday, November 1, 2023

BÉ CẨM - TRUYỆN NGẮN HỒ XUÂN NGỌC ( CHUYỆN THẬT CỦA TÁC GIẢ)






 Bé Cẩm

 

Tuần lễ ma quỷ Halloween, xin đăng lại chuyện ma để các bạn cùng mất ngủ đêm nay.


CHUYỆN MA 


Bé Cẩm 


   Thường thì cứ mỗi tháng một đôi lần, tôi thức trọn đêm không ngủ được. Mỗi lần mất ngủ đầu óc lại miên man quay về kỷ niệm xa xưa khi còn trẻ. Đêm qua, cứ trằn trọc mãi. Bỗng chợt nhớ lại thật rõ, một câu chuyện rất huyền hoặc, lạ kỳ, không thể lý giải, xảy ra đã rất lâu ở Hội An, trong những ngày tôi còn long bong ở đó mà tôi đã trải nghiệm trong thời gian lưu lại thành phố này. Sáng, rời khỏi giường, tôi quyết định ghi lại câu chuyện ấy. Một phần, để tưởng niệm về cô bé tên Xê bên Cẩm Nam. Một phần, muốn mang câu chuyện đến với bạn hữu Hội An, để nhớ thêm về một Hội An thân thương có nhiều kỳ tích và để giải trí trong bối cảnh đáng buồn vì Corona virus. Cảnh báo: vị nào độc thân sống một mình, không nên đọc vào ban đêm (đùa thôi, không đến nỗi đáng sợ như vậy). Nào! chúng ta hãy bắt đầu vào chuyện, bạn nhé!

   Hồi ở Saigon quậy quá, học hành lem nhem, nên má tôi gởi ra ở với bà chị có chồng làm tiểu đoàn trưởng đóng quân ở Hội An để đi học. Năm ấy, tôi học lớp đệ nhất trường Trần Quý Cáp Hội An. Thường sau giờ học, cơm nước xong, tôi thả bộ xuống phố long rong cùng mấy thằng bạn trời đánh mãi đến khuya mới về. Nói là khuya, nhưng khoảng 10 giờ đêm lả ai về nhà nấy ôn bài vở, vì sắp tới giờ giới nghiêm. Lúc ấy, tôi học ban B nên chỉ lo về toán, lý hoá, bài vở không cần học thuộc lòng nhiều như các bạn ban A và C. Vả lại, tôi có tật hơi...làm biếng và lè phè, nên cứ đợi đến giờ chót mới cắm đầu, cắm cổ học thi. Thế nhưng, về việc dạo phố thì không hề bê trễ , nhưng không hẳn lúc nào cũng họp đủ nhóm bạn để đi. Cũng có hôm, chỉ mình tôi lang thang phố Hội một mình, vì chẳng có đứa bạn nào rảnh. Hồi ấy, thời kỳ chiến tranh, phố Hội về đêm không nhộn nhịp như bây giờ. Ngày thường, sau 8 giờ tối thì nguyên con đường Nguyễn Thái Học tối thui, chỉ sót lại vài căn nhà gần ngã tư Lê Lợi là còn mở cửa, khiến con đường tối vắng càng thêm buồn tẻ. Riêng đường Cường Để, suốt từ chợ, trước chuà ông Bổn, đến cuối đường xuyên chùa Cầu qua Cẩm Phô, thì sinh hoạt tấp nập hơn, nhờ ánh đèn từ những cửa hàng và nhà dân. Lộ trình thường nhật hàng đêm của tôi và mấy đứa bạn là gặp nhau trước chùa ông Bổn. Xong, thả bộ tà tà dọc Cường Để đến chùa Cầu, rồi hướng theo bờ sông Bạch Đằng đến chợ Cá. Từ chợ Cá, bọc ngược lên Nguyễn Thái Học, rẽ phải trên đường Lê Lợi trực chỉ ngã tư tiểu khu rồi...tan hàng. Cũng có khi tan hàng ở ngã tư nhà Đèn hay trước bịnh viện Hội An. Nói thì ngắn gọn, nhưng cũng mất nhiều giờ tàng tàng thả bộ. Đôi khi có tiền, thì bọn tôi ghé vào quán cà phê nhâm nhi nghe nhạc. Hoặc, có lúc, chỉ một mình, tôi lại ghé vào tiệm thuốc bắc Hoà Xương Đường, làm bộ mua ít cam thảo đề có dịp...cua cô gái xinh đẹp con ông chủ tiệm. Nói chung, đó là những ngày tất vui, với thú tản bộ quanh phố cổ đầy thú vị, đơn giản, mộc mạc thời bấy giờ, nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong ký ức thời còn trẻ của tôi ở Hội An.

   Tôi nhớ hôm ấy trời chập choạng tối, chẳng có tên bạn nào chịu ra tản bộ cùng. Thay vì đi theo lộ trình dạo phố định sẵn như mọi khi, tôi đổi ý đi về Cẩm Châu, băng qua chợ Cá dọc sông Thu Bồn. Thời đó, Cẩm Châu dân cư ít ỏi, qua chợ Cá không bao xa thì nhà cửa thưa thớt dần, nhường chỗ cho vườn cây và những bụi tre xanh um. Khi tôi thả bộ đến gần cuối con xóm nhỏ, không xa lắm, từ chợ Cá, thì thấy thấp thoáng trước mặt dáng của một cô gái độ 15, 16, mặc áo dài trắng, tóc thắt bím cột hai sợi nơ đỏ ngồi trên phiến đá cạnh bờ sông. Ngạc nhiên, vì không hiểu tại sao giờ này, trời nhá nhem tối, lại còn cô bé ngồi một mình bên bến sông, tôi bước đến gần nhìn cho kỹ. Nghe bước chân, cô gái quay lại nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười, lộ hai chiếc răng khểnh trên gương mặt bầu bĩnh. Mái tóc không dài lắm của cô bé được bím gọn, thả dài hai bên tai với hai chiếc nơ đỏ thắt cuối bím tóc, làm tăng thêm nét dễ thương trên  khuôn mặt đáng yêu.

   - Tối rồi...sao em còn ngồi đây? Tôi hỏi cô bé.

   - Em chờ tối mịt mới về- Cô bé trả lời với giọng vui vẻ.

   Tò mò, tôi hỏi tiếp và chỉ tay về ngôi nhà sau lưng gần đó, bên kia đường.

   - Nhà em đó hả?

   Cô bé che miệng cười khúc khích, chỉ về hướng bờ sông đối diện, trả lời:

   - Mô có! Nhà em bên tê, bên Cẩm Nam đó anh.

   Tôi ngạc nhiên, hỏi:

   - vậy...tối rồi đâu còn đò đưa em về?

    Thời điểm đó, Hội An qua Cẩm Nam phải đi bằng đò, không có cầu. Chiếc cầu bê tông do Công Binh xây nối bờ Cẩm Nam và Hội An, cạnh chợ Cá, còn dang dở chưa hoàn tất, chỉ trơ lên mấy trụ cầu chờ lắp nhịp.

   - Dạ, xí nữa em bơi qua sông- cô bé cười cười nhìn tôi.

   Nghĩ cô bé nói giỡn chọc mình. Tôi cười chọc lại:

   - Coi chừng ma da kéo chân đó em!

   Nghe tôi nói, nụ cười chợt tắt theo gương mặt biến sắc của cô bé. Đột nhiên, một luồng gió lạnh thổi lên từ mặt sông làm tôi khẽ rùng mình. Cô bé quay mặt nhìn xuống dòng sông đêm giọng khàn đục thoang thoảng theo cơn gió:

   - Ma sợ em thì có...mà...nghe giọng anh nói hình như không phải người Hội An mình?

   - Ừ, anh người trong Nam ra đây học. Hết niên khoá này sẽ không ở đây nữa. Hồi nãy anh dọa đùa em về ma da...anh xin lỗi nhen!

   - Dạ, không có chi mô anh. Nhưng câu nói của anh, làm em nhớ về một người trong dòng sông ni...mà thôi, anh người ở xa tới, có kể, chắc không biết chị nớ mô- cô bé hồn nhiên tươi cười trở lại, âm thanh có mòi thân thiện- nì...anh tên chi hỉ?

   Tôi nói tên mình cho cô bé nghe.

   - A...anh “Ngạc.” Em tên Cẩm.

   Nghe cô bé đổi tên “Ngọc” của tôi thành “Ngạc” theo cách phát âm địa phương làm tôi suýt bật cười, dù đã quá quen thuộc với lối phát âm này. Bé Cẩm chỉ vào mảng xi măng sức mẻ cạnh chỗ nó ngồi, nói với giọng rất tự nhiên, như thể chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu:

   - Anh ngồi nói chuyện cho vui, xí về.

   Dòng sông đêm Thu Bồn đen thẫm. Thấp thoáng bên kia sông vài ánh đèn dầu leo lét chập chờn. Ngọn gió đêm xào xạc trên những tàng cây, như lời thì thầm của gió cho những chiếc lá đang khép lại trong màn đêm vừa xuống. Tôi khẽ rùng mình và nghe lành lạnh trong người khi ngồi gần cô bé. Trong một thoáng, tôi thấy mặt bé Cẩm bỗng trắng bệch nhợt nhạt trong bóng tối, lúc làn gió lạnh bất chợt thổi ngược từ mé sông phả vào. 

   - Chút nữa ai đón em về? Tôi lại hỏi bé Cẩm.

   - Ha...ha...em đã nói sẽ lội qua sông về nhà mà anh không tin hả? Nhà em ở cạnh sông. Ngay từ nhỏ em đã biết bơi rồi. Chừ thì lội giỏi lắm. 

   - Ba má em làm gì?

   - Cha mẹ em làm nghề cá. Nhiều khi đi biển hai ba ngày mới về. Cha mẹ cho em tiền đò qua sông đi học mỗi ngày. Nhưng thấy cha mẹ khổ cực, em chỉ đi chuyến đò buổi sáng để giữ quần áo khỏi ướt khi vào học. Còn chiều thì em lội về tiết kiệm tiền để  mua sách học. khỏi làm cực lòng cha mẹ.

   Nghe bé Cẩm nói, tôi thấy xót xa trong lòng. Một đứa bé mới lớn như nó đã hứng chịu nhọc nhằn. Trông gương mặt hồn nhiên, ngây thơ của nó mà thấy tội. Không để tôi hỏi thêm, bé Cẩm tiếp:

   - Chiều học về, em ghé nhà bạn bên Cẩm Phô học bài. Học xong, em gửi sách vở lại nhà nó để mai nó đem vào lớp dùm em.

   - Em học trường nào?

   - Trường nữ anh nợ! Anh biết trường nữ chớ? Trường nằm đối diện dinh tỉnh trưởng nớ!

   Tôi gật đầu:

   - Biết. Anh cũng ở gần đó. Mà nè...sao em không lội về sớm mà phải đợi đến trời tối? Bộ không sợ sao?

   Bé Cẩm bẻn lẻn cười:

   - Dị lắm anh! Trời sáng lội sông quần áo dính vào người dị lắm. Khi trước, có mấy bận em lội qua sông khi trời còn chạng vạng, gặp mấy ông ngồi câu cá trên ghe cứ nhìn em chằm chằm, rồi quay ghe thiệt lẹ chèo miết vô bờ. Từ đó, em phải đợi tối trời mới dám bơi qua sông. Nói anh nghe, đừng kể lại cho ai biết hỉ!

   - Làm sao em lội qua sông với chiếc áo dài lướt thướt đang mặc?

   Bé Cẩm hồn nhiên đứng bật dậy ôm bụng cười, thanh âm phát ra từ tiếng cười nghe lành lạnh rất lạ. Xong, nó kéo hai vạt áo dài quấn quanh bụng cột chéo lại, nói:

   - Cột như ri mới lội được anh Ngạc.

   Nói xong, nó bỗng nhẩy ùm xuống nước, xuống dòng sông đêm mang màu đen kịt đáng sợ. Tôi hoảng hốt gọi to tên nó, nhưng chỉ nghe tiếng cười khúc khích vẳng lại. Rồi, tiếng cười bỗng biến thành tiếng ùng ục, khằn khặc rợn người, và tắt lịm giữa khúc sông đêm vắng lặng. Tôi rùng mình như có ai đang chà cục nước đá vào da. Trong hoang mang, tôi chạy băng qua đường, hướng về nơi có người đàn bà đứng tuổi đang cầm chổi quét rác trước hiên nhà. Tôi lắp bắp nói:

   - Dì...dì...dì kêu hàng xóm giúp dùm. Có cô gái vừa nhảy xuống sông.

   Người đàn bà chau mày nhìn tôi:

   - Cô gái mô?

   - Cô gái thắt bím cột nơ đỏ, mặc áo dài trắng, ngồi ở bờ sông bên kia đường, nói chuyện với con lúc chạnh vạng. 

   Gương mặt người đàn bà chợt biến sắc. Run giọng hỏi:

   - Cậu biết hắn tên chi không?

   Tôi nói:

   - Nó nói nó tên Cẩm. Nhà bên Cẩm Nam.

   Người đàn bà lại run giọng hỏi tiếp:

   - Phải nó cười có răng khểnh và tuổi độ 15, 16?

   Tôi gật đầu:

   - Dạ!

   Người đàn bà lật đật nắm tay tôi, nói:

   - Con đứng đây đợi dì. Mô Phật...nam mô a di đà Phật...

   Bà quày quả bước vội vào nhà. Vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì đó trong miệng. Ít phút sau, bà trở ra với bó nhang lớn ngun ngút khói cùng khuôn mặt khẩn trương. Chỉ tay về phía bờ sông nơi tôi ngồi với bé Cẩm, bà nói:

   - Con đi với dì qua bên nớ.

   Đến bờ sông, bà cắm bó nhang xuống đất cạnh hòn đá, nơi Cẩm ngồi, chấp tay xá xá vài cái, rồi nói thì thẩm điều gì trong miệng. Sau đó, kéo tay tôi đi ngược về nhà, dẫn tôi vào và ra dấu bảo tôi ngồi xuống ghế cạnh chiếc bàn gỗ cũ kỹ nơi phòng khách. Sau khi hỏi sơ qua thân thế tôi, bà nói:

   - Con cứ kêu dì là dì Năm. Con bé nớ tên là Xê, không phải Cẩm. Nó mất cách nay đã hơn hai năm, giữa khúc sông chỗ nớ. Nó là cháu kêu dì bằng cô, nhà bên Cẩm Nam. Cha hắn, thằng Đệ, là em trai của dì. Hồi nớ, mỗi ngày tới trường con Xê phải đi đò qua sông. Thấy tội quá, cô bắt nó ở nhà cô đi học cho tiện, nhưng nó nhất định không chịu. Một hôm, nó ở lại nhà bạn bên Cẩm Phô ôn bài thi đến tối mịt mới về. Ban đêm, chiếc đò nhỏ không gắn đèn bị ghe cá đụng giữa sông. Con bé rơi xuống nước mất tích. Hai ngày sau mới tìm thấy xác gần cửa Đại- dì Năm ngừng lại lấy tay chùi nước mắt, sụt sùi kể tiếp- sau đó, nhiều người câu cá lúc trời sâm sẩm tối ở khúc sông nớ, thường thấy nó mặc áo dài trắng bơi qua sông. Bởi vậy, khi nghe cháu nói, dì biết ngay là con bé Xê.

   Nghe dì Năm kể xong câu chuyện, tôi nổi gai ốc. Trên đời có lắm chuyện huyền bí khó thể giải thích. Tôi đi về mà lòng thật buồn. Nhớ lại câu chuyện dì Năm kể về cái chết tức tưởi của bé Xê, mà nước mắt cứ rưng rưng muốn khóc. Không cần biết em là Cẩm hay Xê, mong sao em không trở lại cõi trần này với cuộc đời bất hạnh đã qua. 

   Những ngày sau đó, có đôi lần, thỉnh thoảng vào buổi chiều, tôi ghé lại bờ sông, nơi, tôi và bé Cẩm ngồi. Hòn đá và miếng xi măng sứt mẻ vẫn còn đó, không gì thay đổi. Chỉ khác là có nhiều chân nhang cắm rải rác xung quanh. Tôi đứng tần ngần nhìn ra khúc sông Thu Bồn vẫn còn lấp lánh chút ánh nắng sót lại của chiều tà, lòng chỉ mong sao dòng sông hiền hoà này sẽ chẳng bao giờ phải cưu mang thêm một linh hồn, cùng thân xác bất hạnh nào nữa của con người. 

   Bẳng đi thời gian dài, vì bận ôn bài cho kỳ thi Tú Tài 2, tôi không còn ghé lại bến sông trước nhà dì Năm nữa. Bấy giờ tình hình chiến sự leo thang, Hội An bị pháo kích thường xuyên. Lệnh giới nghiêm vẫn được áp dụng trên toàn thành phố, từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Khi đêm về, ai cũng hoang mang lo sợ. Vì vậy, nhóm bạn chúng tôi rất ít tụ tập dạo phố đêm như lúc trước. Thế rồi học mãi, ở mãi trong nhà cũng tù túng, tôi quyết định đi ra phố cho khuây khoả tinh thần, sau những ngày đêm miệt mài với công thức cùng con số. Tôi còn nhớ, hôm ấy thứ bảy, phố xá về đêm cũng nhộn nhịp. Lâu ngày không ra phố thấy lòng rất vui. Tôi đi suốt những con đường thân quen của Hội An, suốt nhiều con hẻm nhỏ với cả cõi lòng hân hoan của mình và cứ ao ước được đi hoài như vậy trong niềm vui ấy, quên cả thời gian. Cho đến khi đi về lại phố từ Cẩm Phô đến ngã tư Lê Lợi và Cường Để, thì chợt giật mình vì phố xá đã đóng cửa, đường vắng vẻ không còn bóng người. Nhìn đồng hồ còn 10 phút đến giờ giới nghiêm. Từ ngã tư này về đến nhà phải mất 15 phút đi bộ, chỉ có nước chạy cho nhanh mới kịp. Tôi cắm đầu chạy thật lẹ. Thanh niên còn sung sức, nên chưa đầy 5 phút tôi đã chạy đến trước ty Thông Tin trên đường Hoàng Diệu. Thấm mệt, tôi giảm tốc độ chạy tà tà dưỡng sức, vì cũng sắp đến nhà, chỉ cần quẹo phải trên đường Trần Hưng Đạo trước mặt, đi qúa trường Trần Quý Cáp một quãng ngắn là đến nơi. Lúc bấy giờ, đường Hoàng Diệu vắng vẻ không có người đi, chỉ còn một cô gái mặc áo dài trắng, vừa quẹo xe đạp từ Trần Hưng Đạo xuống Hoàng Diệu ngược chiều với tôi. Không thèm chú ý đến cô gái đang hối hả đạp xe về hướng chợ Cá, tôi cứ thong dong cất bước.

   - Anh Ngạc...-cô gái lính quýnh ngừng xe gọi to tên tôi với giọng mừng rỡ- em nè...Cẩm nè!

   Tôi giật mình dừng lại nhìn nó. Đúng là con bé Cẩm bên bờ dông dạo nọ. Một luồng hơi lạnh tỏa khắp người khiến tay chân tôi bủn rủn, muốn chạy mà không nhấc nỗi chân. Bé Cẩm nhìn bộ dạng thất thần của tôi, nhăn răng cười khúc khích, nói:

   - Chi mà sợ rứa? Bộ không nhận ra em sao?

   Không biết có phải vì đèn đường không đủ sáng, hay tại tôi hoang mang bấn loạn, mà khi nó cười, tôi thấy, hình như...hai chiếc răng khểnh của nó nhọn hoắc như hai cái răng nanh. Tôi lắp bắp:

   - À...à...bé Cẩm...

   Con bé lại cười, khuôn mặt tái nhợt dứơi ánh đèn đường cùng hai chiếc răng nanh bên khoé miệng:

   - Chu choa! Gặp anh em mừng quá! Nhưng gần đến giờ giới nghiêm rồi, em phải về cho kịp. Có dịp anh em mình nói chuyện nhiều hỉ! Chừ em về... à... suýt nữa quên. Cha mẹ em dọn về bên ni rồi, không còn ở Cẩm Nam mô. Hôm mô rảnh ghé nhà em chơi. Nhà mới xây nên chưa có gắn bản số. Từ nhà Đèn, anh cứ theo con đường nớ, đi miết xuống Cẩm Châu, tìm số nhà 181. Xong, anh nhìn qua bên kia đường là nhà em đó. Thôi, em về hỉ!

   Nói xong, nó hấp tấp đạp xe đi. Trước khi đi, nó còn quay đầu nhìn tôi, tươi cười khoe hai cái răng nanh, nói lớn:

   - Nhớ ghé nhà em hỉ! Đối diện với nhà số 181 nớ!

   Hú hồn, tôi co giò chạy thục mạng về nhà mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Trong đời tôi, có lẽ, đó là lần đầu tiên chạy nhanh đến thế.

   Mấy hôm sau, tôi cứ suy nghĩ, phân tích về lai lịch của bé Cẩm, về câu chuyện của dì Năm liên quan đến bé Xê. Cả hai đứa: Xê và Cẩm, có quá nhiều sự kiện trùng hợp, ăn khớp với nhau, mà dì Năm là nhân chứng khả tín trong cuộc. Dẫu biết rằng trong đời thường, có rất nhiều điều kỳ bí không thể lý giải được. Nhưng, trong trường hợp này: chẳng lẽ nào, Cẩm lại là hiện thân của bé Xê? Chẳng lẽ nào, tôi đã gặp Xê ở bến sông đêm? Và, cũng chẳng lẽ nào, tôi lại gặp Xê ở đêm về muộn bữa đó trên đường Hoàng Diệu? 

   Nhớ lại đêm gặp bé Cẩm, nó có cho tôi địa chỉ nhà ở Cẩm Châu, tôi quyết định xuống đó tìm hiểu sự thật. Một hôm giữa trưa, từ ngã tư nhà Đèn, tôi thả bộ về Cẩm Châu theo lời hướng dẫn của bé Cẩm. Đi theo con đường đất đã khá xa, nhà cửa thưa thớt dẩn, vẫn chưa đến số nhà Cẩm cho, dọc bên đường toàn vườn cây và những bụi tre xanh rậm rạp. Chột dạ, định bỏ về, thì thấy trước mặt có căn nhà nằm cheo leo bên lộ. Đến gần, thấy đúng số nhà 181, nhưng nhìn phía bên kia đường đối diện, theo lời Cẩm nói, thì chẳng có ngôi nhà nào mới xây cả, mà chỉ là khu vườn cỏ dại um tùm. Thấy tôi đứng tần ngần nhìn quanh quất, một ông già ốm nhom, từ trong căn nhà bước ra hỏi:

   - Chú kiếm chi?

   Tôi trả lời:

   - Dạ, con tìm nhà bé Cẩm. 

   - Cẩm mô? Con ai? Xóm ni mô có đứa nào tên Cẩm?

   Tôi giải thích, gia đình Cẩm bên Cẩm Nam mới dọn về đây. Và, theo lời Cẩm thì cha mẹ Cẩm mới xây nhà đối diện với căn nhà của ông. Ông già khẽ chau mày suy nghĩ rồi nói:

   - Chắc con Cẩm nớ cho sai địa chỉ rồi. Con thấy đó, mô có nhà nào bên nớ. Miếng đất nớ của thằng Đệ bên Cẩm Nam, mô có nhà cửa chi, chỉ đất trống cỏ mọc thấy sợ. Lâu lâu, hai vợ chồng hắn ghé lại làm sạch cỏ quanh mộ con gái chôn bên nớ, thắp vài nén hương rồi đi biệt. Thiệt tội! Con bé mới 16 tuổi, tội tình chi mà mất sớm như rứa?

   Tôi hồi hộp hỏi:

   - Cô bé đó tên gì, bác? Tại sao mất?

   Ông già thở dài, giọng buồn buồn:

   - Con bé tên Xê. Siêng học và hiền lắm. Nghe thằng Đệ, cha nó, nói lại là ban đêm con Xê đi đò về nhà, đò bị ghe cá đụng, té xuống sông chết. Thiệt tội...

   Nghe ông già kể, tôi thấy rợn cả người, tay chân nổi gai ốc lạnh toát. Ông già lại nói tiếp và chỉ tay về bụi tre lớn bên kia đường trên mảnh đất trống:

   - Sau bụi tre nớ là mộ của con Xê đó!

   Tuy có sợ trong lòng, nhưng sự tình cờ đã dẫn dắt đến đây, tôi cũng muốn viếng mộ bé Xê để tỏ chút lòng trắc ẩn của mình. Và biết đâu chừng, tôi lại có thể tìm thêm vài chi tiết liên quan đến sự liên hệ bí ẩn giữa hai cô bé Cẩm và Xê. Tôi ngẩn ngại hỏi ông già:

   - Con có thể qua đó viếng mộ bé Xê, được hong bác?

   Ông già vui vẻ gật đầu:

   - Được...được, để bác dẫn con đi. Cẩn thận, bên nớ gai góc nhiều lắm.

   Ông già dẫn tôi qua đường, lòn lách giữa mấy bụi gai. Một ngôi mộ đất đầy cỏ dại nằm lẻ loi, cô quạnh sau bụi tre. Bát nhang bằng sành sứt mẻ, còn sót lại vài chân nhang bụi bậm, cạnh tấm bia xi măng quét vôi trắng đã lở lói, bong tróc. Tôi bước lại gần nhìn cho rõ những dòng chữ sơn đỏ khắc trên tấm bia: NGUYỄN THỊ CẨM XÊ, HƯỞNG DƯƠNG 16 TUỔI, SINH NGÀY...MẤT NGÀY...

     

                    o O o 


   Năm 1973, tôi rời Hội An ra Huế học Luật. Trường Luật nằm trên đường Đồng Khánh, gần ga xe lửa. Vì trọ phòng trong Tôn Nhân Phú, nên mỗi ngày tới trường phải đi qua cầu Trường Tiền, qua đại học Văn Khoa, trường Quốc Học, và Đồng Khánh. Thời ấy vui lắm, ngày nào cũng được ngắm mấy cô học sinh Đồng Khánh thướt tha tà áo dài trắng, trên con đường đầy hoa phượng đỏ. Huế lúc nào cũng thơ mộng và đầy ắp những kỷ niệm đẹp trong tôi. Tôi vẫn nhớ mãi những con đường lãng mạn rợp bóng  cây, những cô gái Huế e thẹn dịu dàng với tà áo dài trắng thiết tha (nhớ giọng Huế thỏ thẻ răng mà thương chi lạ). Nhưng, chính những tà áo dài phất phơ thơ mộng của những o Huế ấy, đôi khi, lại khiến tôi nhớ về cô bé Cẩm huyền hoặc ở Hội An, nhớ về lần gặp gỡ cuối cùng đêm về muộn, cùng hai chiếc răng khểnh nhọn hoắc. Tất Cả, giống như một giấc mơ hư ảo không có thật, dù bé Cẩm đã xuất hiện như người thường, đã cười nói với tôi, đã tâm sự ngắn ngủi về một phần đời của nó.

   Dần dà, do bài vở quá nhiều, lại phải học thuộc lòng từng bộ môn phức tạp của các bộ Luật, hình bóng bé Cẩm cũng phai nhạt dần theo thời gian trong tôi. Giữa năm 74, má tôi bắt về lại Sài Gòn học, vì sợ những bất trắc xảy ra cho tôi giữa tình hình chiến sự gia tăng ngoài Quảng Trị. Tháng 4 năm 1975, miền nam thất thủ, đời sống xã hội bị đảo lộn mãnh liệt, nhiều gia đình tan nát vì sự thay đổi quá nhanh. Ai cũng nghĩ đến chuyện vượt biên, tìm đường chạy ra nước ngoài. Tôi có thằng bạn thân gia đình khá giả trên đường Lê Lợi, kế nhà sách Khai Trí. Trước 75, tôi và nó hay ngồi uống cà phê ở Caféteria ngay bồn binh Sài Gòn. Sau 75, đời sống xuống cấp, tụi tôi gặp nhau ở quán cóc ven đường, uống cà phê pha bo bo mưu chuyện vượt biên.

   Đầu năm 77, cũng nhờ nó mà tôi đi thoát trong chuyến tàu đêm ở Bình Tuy. Số nó không may, bị trắc trở trên đường xuống bãi, trễ hẹn, tài công nhổ neo bỏ lại thằng bạn tôi và gia đình nó. Chuyến tàu đi xuyên đêm trong cơn bão cấp 5. Tiếng người khóc vì lạc thân nhân, tiếng rên rỉ, ói mữa vì say sóng, như át cả tiếng giật mạnh của gió và sóng vỗ rầm rập vào mạn thuyền. Đàn bà, trẻ em, người lớn tuổi, được nằm dưới hầm tàu. Tài công cùng 5 thanh niên phụ lưới và tôi ở trên khoang, chèo chống cùng cơn bão. Ngày hôm sau, khi ánh mặt trời lên, chúng tôi đã vượt qua vùng bão, mặt biển bây giờ phẳng lì như mặt hồ. Ở đây, tôi không muốn nói nhiều về chi tiết của chuyến đi, sợ đọc giả sẽ càu nhàu “thằng ni bá láp, viết lằng nhằng” (thật ra, trước khi vô đề, cũng phải có đôi lời giải thích về: thời gian, không gian và sự liên kết đưa đến câu chuyện. Chính vì vậy, mà những “lằng nhằng, lòng vòng” ở trên sẽ mang đến cho đọc giả một khái niệm tổng quát, để mừơng tựơng về không gian và khung cảnh bao quanh trong đoạn cuối câu chuyện của bé Cẩm).

   Tàu chạy đã 3 ngày. Phận sự của chúng tôi (tôi cùng 5 người phụ lưới) hàng ngày là đưa nước và cháo (nấu với cá câu được trong ngày) xuống hầm tàu cho mọi người. Chiếc tàu hơi nhỏ nhưng số người đi không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 30. Dưới hầm tàu âm ẩm tối, ai cũng phờ phạc, nhếch nhác, nhìn không ra người mà cũng chẳng giống ma. Ngày thứ tư, vào buổi tối, tôi ra mũi tàu ngồi hóng gió như mọi khi. Đêm ấy trăng sáng lắm, con tàu lướt êm trên mặt biển lấp lánh ánh trăng. Đang ngồi mơ màng nghĩ về tương lai vô định của mình, thì nghe tiếng gọi khàn khàn lẫn theo gió biển sau lưng:

   - Anh Ngạc...!

   Giật mình quay lại. Một cái đầu nhú lên từ hầm tàu, mái tóc bù xù. Cái đầu nhăn răng cười lộ hai chiếc răng khểnh nhòn nhọn, quen quen.

   - Cẩm nè. Bộ không nhận ra em sao?

   Nếu ở đất liền, có lẽ, tôi sẽ chạy, chạy nhanh hơn cả đêm cuối cùng gặp nó trước ty Thông Tin ở Hội An. Người tôi cứng như nước đá, muốn niệm chú trừ tà mà môi cứ lập bập không ra tiếng. Cái đầu nhấc lên cao dần rồi cả thân hình bé Cẩm đã sừng sững đứng trước mặt tôi. Nó quỳ xuống, bàn tay lạnh ngắt của nó bóp chặt tay tôi, giọng khàn khàn hoà theo gió biển nghe xa xôi rờn rợn:

   - Mấy hôm ni anh xuống hầm đưa đồ ăn. Lúc đầu em ngờ ngợ, nhưng sau đó nhận ra anh mà không dám kêu. Ai ngờ, hơn bốn năm rồi, anh em mình gặp lại nhau anh hỉ!

   Tôi run rẩy, lắp bắp:

   - Cẩm...thiệt là Cẩm hả?

   Bé Cẩm cười to, nghiêng mặt đến gần để tôi nhìn cho rõ:

   - Em nì...anh ni chi lạ! Lần mô gặp, anh cũng sợ, làm như em là...ma vậy.

   Khuôn mặt tái nhợt của nó dưới ánh trăng đêm, càng tăng thêm vẻ ma quái. Bé Cẩm lắc lắc hai cánh tay tôi, mặt nó áp gần sát vào mặt tôi, hai chiếc răng nhọn trong cái miệng tươi cười như sắp cắm vào cổ, cùng hơi thở của nó phà vào tai tôi. Thôi rồi, cú này chắc bỏ mạng giữa đại dương, uổng công thằng bạn cho mượn... 5 cây vàng vượt biên, không có cơ hội được hoàn trả. Ủa? Mả sao lọa rứa hỉ? Đã là ma thì làm gì có hơi thở? Tôi giật cánh tay khỏi bàn tay bé Cẩm. Rồi, nhanh như chớp, tôi...nhéo một cái thật mạnh vô má nó.

   - Ái da...-bị đau, bé Cẩm la lên.

   Tôi mừng rỡ cười lớn, nhái giọng Quảng của nó:

   - Khà...khà...nhéo rứa mới chắc ăn, hong thôi cứ nghĩ mi là “moa” miết.

   Bé Cẩm vừa xoa xoa má, vừa đánh vào vai tôi, nói:

   - Anh Ngạc ác chi loạ! Nhéo chi mà nhéo đau dữ rứa trời!

   Đêm đó, dưới ánh trăng bàng bạc, tôi và bé Cẩm ngồi trên khoang tàu nhắc chuyện ngày xưa. Mới đó mà đã hơn bốn năm rồi, bé Cẩm bây giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp, không còn là con bé nhí nhảnh lội sông năm nào. Nhớ đến buổi tối lần đầu tiên gặp nó ở bến sông, tôi hỏi:

   - Em còn nhớ đêm em lội sông về nhà?

   Bé Cẩm gật đầu. Tôi hỏi tiếp:

   - Sao ban đầu anh nghe tiếng em cười rất vui, mà sau đó lại đổi thành tiếng ùng ục nghe ghê quá?

   Bé Cẩm cười, vẫn tiếng cười trong trẻo ngày xưa:

   - Tối nớ, em lội ra một chút, quay đầu lại nhìn, thấy anh quýnh quáng chạy tới, chạy lui, quơ tay, quơ chưn kêu tên em, làm thất cười nên bị sặc nước. Bởi vậy nó mới phát ra tiếng ùng ục đó.

   - Vậy còn số nhà em cho ở Cẩm Châu? Anh xuống tìm nhà em, nhưng chỉ thấy ngôi mộ của người tên Xê.

   Giọng bé Cẩm chợt chùng xuống, buồn buồn:

   - Đêm nớ gần giới nghiêm, nhà còn xa, đường tối, em gấp về nhà nên cho anh lộn địa chỉ. Thay vì 381 thì lại cho anh số 181. Nguyên trước đó khi còn ở bên Cẩm Nam, thỉnh thoảng em ghé lại thăm mộ chị Xê, trước căn nhà 181, để thắp cho chỉ nén hương. Hồi chị Xê còn sống, nhà ở sát nhau, nên em thường chạy qua nhà chỉ chơi. Chị Xê thích bím tóc cột nơ đỏ nên cũng bím tóc em giống như chỉ. Sau này, khi chị Xê mất, nhiều người hỏi thăm ngôi mộ để đến viếng, em cho họ số nhà nớ. Nói miết thành quen miệng, nên tối hôm đó cho anh lộn số. Trên đường về sực nhớ ra, nhưng không thể quanh xe lại. Em biết anh học trường Trần Qúy Cáp, định đến cổng trường chờ anh để nói lại địa chỉ, nhưng làm rứa thấy dị quá, sợ nhiều người không biết, họ tưởng em là bồ anh. Phố nhỏ, đa phần biết nhau, họ mà đồn lên em đứng chờ anh ở cổng trường thì em chết mất.

   Tôi nói đùa;

   - Thì làm bồ anh cũng được có sao đâu?

   Bé Cẩm trề môi, lườm tôi:

   - Thôi đi...người anh hôi thuốc “loá” như rứa ai mà thèm. Chu choa! Đứng xa cả thước mà nghe mùi nồng nặc, còn hôi hơn thuốc Cẩm Lệ nữa.


                                  ***


   Thưa các bạn, câu chuyện đã được giải mã. Nếu không tình cờ gặp lại bé Cẩm trên chuyến tàu vượt biên năm đó, chắc suốt đời, tôi cứ mãi hoang mang về nó. Bởi vậy, đời sống có lắm điều kỳ dị, lắm điều trùng hợp lạ lùng, nếu không tìm ra sự thật sẽ tạo nên những hiểu lầm tai hại, đáng tiếc. 

   Trở lại chuyện bé Cẩm. Chuyến tàu đưa chúng tôi đến đảo Pulau Tenga vài ngày sau đó. Sau bốn tháng ở đảo, bé Cẩm được định cư ở Úc, còn tôi thì kẹt lại gần tám tháng sau mới đi Mỹ. Bé Cẩm đi rồi tôi buồn lắm, không còn dịp chọc cái giọng Quảng Nam  dễ thương của nó. Vậy mà chỉ ba tuần sau khi đến Melbourne, bé Cẩm gửi thư cho tôi, kèm theo 35 đồng đô Úc. Nó viết ngắn gọn “Anh Ngạc, nếu được đi Úc thì dọn về đây ở gần tụi em cho vui. Còn nếu anh đi nước khác, thì nhớ liên lạc với em theo địa chỉ ni. Em mới qua, còn đang đi học, chính phủ cho ít trợ cấp hàng tuần, em để dành được chút ni, của ít lòng nhiều, gửi anh mua thuốc hút... “Trời đất! Ba mươi lăm đô Úc ở thời điểm đó mà nó nói “của ít lòng nhiều?” Cảm động quá, tôi viết cho nó một bức thư dài lâm li, bi đát. Cuối thư , tôi tái bút một câu canh dờn như sau. “Cẩm à! Nhớ gửi thư đều cho anh nhen! Và cũng đừng quên kèm theo chút... “của ít lòng nhiều” để anh có đủ... năng lực hồi âm thư em. Kính bái… ý quên… thương chúc em nhiều sức khỏe, vui vẻ và lúc nào cũng nhớ anh. Anh Ngạc”


Hồ Xuân Ngọc

No comments:

Post a Comment