MƠ CẦU Ô THƯỚC
Trời vừa chớm thu, gió heo may thoảng nhẹ, những cành phượng vỹ đã mất đi màu sắc rực rỡ, đong đưa, rơi rụng, tơi tả ven đường.
Cảnh thu gợi bao niềm nhớ, những bâng khuâng hò hẹn , nhung nhớ không thành lời; hình ảnh đẹp của những chiếc lá vàng rơi, hình ảnh của những cặp tình nhân dìu nhau đi trong nắng thu, ngồi bên nhau thưởng thức bầu không khí mát mẻ trong lành….Chao ôi! Đẹp tuyệt vời.
Mùa thu là mùa của thi nhân
“Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Sương thu bạch
Trăng thu lạnh
Gió thu xây thành
Lá thu rơi rụng dầu gành
Song thu đưa lá ….
(Thu Cảm/Tản Đà)
Em nghe chăng mùa thu
Lá thu rơi xào xạt
Con nai vàng ngơ ngát
Đạp trên lá vàng khô…
Thi nhân sáng tác những vần thơ tuyệt đẹp, bất hủ… những hình ảnh buồn nhất của mùa thu: trăng thu mờ ảo giữa đêm buồn, những giọt mưa thu thảnh thót rơi, làm cho lòng người cảm thấy lạnh lẻo, man mác, u buồn… cũng là lúc bắt đầu hun hút từng cơn gió lạnh thổi về, cây rụng lá, trời rơi mưa. Bầu không khí sụt sùi thương cảm của tháng Bảy mưa Ngâu, của Ngưu Lang Chức Nữ, của giai thoại về cầu Ô Thước…..
Mưa Ngâu là tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng Bảy Âm Lịch.
Ở Việt Nam từ xưa đến nay, nhất là ở miền Bắc, vẫn còn phong tục làm Lễ Thất Tịch: Ngày Thất Tịch nhằm vào ngày mồng Bảy tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Lễ này còn gọi là lễ Ngâu để kỷ niệm sự tích vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ.
Ba trăm sáu mươi lăm ngày cách biệt, cái tháng mà mỗi năm một lần vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ nhờ cánh chim Ô Thước bắc nhịp cầu qua dải Ngân Hà để được gần nhau, giữa bầu trời cao rộng, gặp nhau trong ngắn ngủi, không được mãi mãi gần nhau theo năm dài tháng rộng, nên cả hai chỉ biết ôm nhau khóc trong những giây phút tương phùng.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa Ngọc Hoàng Thượng Đế có người con gái rất được yêu chiều tên là Chức Nữ, nhan sắc mặn mà, nữ công khéo léo, tuy là con gái cưng của Ngọc Hoàng nhưng suốt ngày rất chăm chỉ quay tơ, nàng có tài dệt lụa rất đẹp. Ngưu Lang chỉ là một chàng chăn trâu, nhưng có tâm hồn thi sĩ, lại có tài thi phú, một chàng trai khôi ngô tuấn tú, siêng năng làm việc. Trai tài gái sắc, nàng đã nặng lòng yêu anh rất mực, và anh cũng thương say đắm với nàng, một mối tình rất thơ, rất đẹp. Trước mối tình tha thiết, đằm thắm ấy. Ngọc Đế tác thành và se duyên cho đôi lứa, Chàng Ngưu chăm lo săn sóc đàn trâu của nhà Trời. Đôi uyên ương sống với nhau thật hạnh phúc trong tình yêu.
Tuy nhiên, Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang, hai tâm hồn đồng cảm, suốt ngày quấn quít bên nhau không rời, nên đã chểnh mảng công việc Ngọc Hoàng giao, chẳng còn siêng năng quay tơ cũng như sao lãng bên khung cửi, còn chàng Ngưu bỏ phế đàn trâu không chăm sóc để trâu càng ngày càng gầy đói. Ngọc Hoàng thấy vậy giận dữ, bèn nổi trận lôi đình, ra lệnh đày cả hai phải xa nhau sống ở hai bờ cách biệt, kẻ đầu sông, kẻ cuối sông Ngân. Suốt đời không được gặp nhau.
Thế nhưng, phụ tử tình thâm, về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, động lòng trước lời than khóc của con gái, nên thương tình; mỗi năm Ngọc Hoàng cho hai người gặp nhau một lần vào ngày Bảy tháng Bảy Âm lịch, ngày ấy lúc nào Trời cũng đổ mưa, mưa dầm dề, ảm đạm.
Cũng theo truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ mỗi khi gặp nhau và cứ sau khi hàn huyên tâm sự họ lại khóc, nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành mưa, các cơn mưa không liên tục; cứ rả rích, lúc tạnh, lúc rơi, đó chính là mưa Ngâu. Người ta còn gọi đó là nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ, và hẳn chúng ta cũng đã được nghe ông bà nhắc đến “ ông Ngâu, bà Ngâu” hay “vợ chồng Ngâu”.
Vì vậy, mới có câu “trời mưa sụt sùi” cũng để chỉ tháng Ngâu.
Ngày xưa dải Ngân Hà trên thiên đình rộng mênh mông, không có một cây cầu nào bắc ngang hết. Ngọc Hoàng mới ra lịnh vời các phường thợ mộc dưới trần thế lên trời để xây cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.
Các chàng thợ mộc, tuy được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ bắc cầu vậy mà mỗi người mỗi cách, không thực hiện theo lịnh Ngọc Hoàng kẻ muốn làm kiểu này, người đưa ý kiến muốn làm kiểu khác, không thống nhất, mạnh ai nấy làm theo ý riêng của mình, cho nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn chưa hoàn thành. Ngọc Hoàng bực tức, phạt các chàng thợ mộc không cho làm người mà hóa kiếp làm quạ, đã vậy còn bắt phải lấy đầu sắp lại làm thành cây cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.
Từ khi bị hoá kiếp thành quạ, các chàng thợ mộc lại càng tức giận, cau có nhau hơn. Vì thế theo tục lệ, cứ tới tháng Bảy là loài quạ tụ họp lại sửa soạn bay lên thiên đình làm nhiệm vụ bắc cầu Ô Thước. Thêm vào đó mỗi lần gặp nhau như thế gợi nhớ lại chuyện cũ vì không nghe lời Ngọc Hoàng bị đày hoá kiếp quạ nên khi gặp nhau chúng cắn mổ nhau đến tả tơi lông cánh.
Ngưu Lang Chức Nữ bước lên cầu Ô Thước do quạ kết thành, nhìn xuống thấy đàn quạ một màu đen loi ngoi dưới chân thì lấy làm sợ hãi, mới ra lịnh cho đàn chim Ô Thước mỗi khi lên trời bắc cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, mỗi năm cứ tới tháng Bảy tất cả loài quạ nhìn thật tội nghiệp vì con nào cũng xơ xác, đầu chẳng còn cộng lông, và cũng trong ngày đó ở trần gian vắng bóng không thấy một con quạ nào, vì quạ đã kéo nhau lên thiên đình bắc cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ.
Đây là một câu chuyện tình thật lâm ly bi thảm bởi sự ngăn cách, nhớ nhung. Cuộc gặp gở ngắn ngủi sau một năm dài xa cách của lứa đôi trên tiên giới “vào mồng Ba, ra mồng Bảy” thật là thương cảm biết bao, nhuốm nỗi buồn cho cõi nhân gian và cũng phù hợp với khung cảnh âm u của đất trời tháng Bảy.
Câu chuyện tình buồn viết về mưa Ngâu, chủ đề này làm cảm được lòng nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam khai thác, nên có biết bao vần thơ đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ:
“Đây là dải Ngân Hà
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua”
Lưu Trọng Lư
Trong các sinh hoạt truyền thống lâu đời của dân Việt ta hầu như ai cũng biết rằng tháng Bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất và cũng trong văn học dân gian mưa Ngâu có nhiều trong ca dao Việt Nam
mà ông bà ta xưa vẫn thường nhắc nhở. Thi sĩ Tản Đà cũng có sự đồng cảm này và đã viết những vần thơ:
“ Tục truyền tháng Bảy mưa Ngâu
Con Trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
Một là duyên, hai là nợ
Mối xích thằng , ai gở cho ra
Vụng về cũng thể cung nga
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng…”!
Tháng Bảy là tháng mưa Ngâu
Bước sang tháng Tám lại đầu trăng thu…
Thi sĩ Thế Nhân cũng có bài thơ trữ tình diễn tả nỗi nhớ thương, nguyện ước của đôi uyên ương với những vần thơ đẹp, nhưng thật buồn, cầu mong cho những đôi uyên ương vì hoàn cảnh đời ngăn cách, được gặp nhau mỗi năm một lần thôi, phút giây say đắm tuyệt vời….
MƠ CẦU Ô THƯỚC
Mưa Ngâu tháng Bảy gieo sầu
Buồn năm tháng cũ từ đâu kéo về
Sông Ngân ghi dấu lời thề
Nhịp cầu Ô Thước đê mê nỗi đời…
Hạt mưa nhẹ nhẹ rơi đều
Mưa Ngâu tháng Bảy eo sèo mưa bay
Cách xa ngàn vạn tầm tay
Giang đầu anh đợi cuối mây em chờ
Chờ nhau biết đến bao giờ…
Cầu Ô Thước vẫn mịt mờ mưa bay… !
Đêm qua mộng đẹp về xây
Băng rừng lao lách vòng tay ấm nồng
Duyên xưa má thắm môi hồng
Càng yêu càng thấy cõi lòng nở hoa
Bao nhiêu kỷ niệm ngày qua
Về đây sưởi ấm tình ca muôn trùng
Chao ơi ! Tỉnh giấc hương nồng
Vẫn mưa tháng Bảy chập chùng khói sương
Trách ai ngăn lối uyên ương
Cho sầu cổ độ về vương tháng ngày.
Trời cao có thấu nỗi nầy
Xin cho làm kiếp người say hương tình
Dù qua mấy vạn trường đình
Cầu Ô Thước có lung linh nẻo đời
Mỗi năm nguyện một lần thôi
Trần gian ngây ngất giữa trời bướm hoa.
Thế Nhân
(ngày 1-6-2009 )
Và thi sĩ Lâm Sông Đồng cũng có những bài thơ làm cho lòng ta cảm thấy nhớ nhung, tâm hồn xao xuyến, bâng khuâng qua bài thơ:
MƯA NGÂU - TỪNG GIỌT LỆ SẦU
Chiều xưa có trận mưa rào
Duyên mưa hai đứa gần nhau vô tình
Bởi em mắc cở làm thinh
Để tôi ấp úng lời tình yêu trao
Chiều xưa tháng Bảy mưa Ngâu
Gió lùa hơi ấm lần đầu bên nhau
Tình yêu mãi nhớ về sau
Cuộc đời lưu lạc khổ đau đợi chờ
Người đi vượt sóng ngàn khơi
Biển Đông bảo nỗi thuyền trôi nơi nào
Thân tôi gió núi rừng sâu
Mười năm lao ngục hư hao nửa đời
Mưa Ngâu tháng Bảy mưa rơi
Nhớ người về phố tìm nơi ban đầu
Dưới hiên từng giọt lệ sầu
Chờ người năm cũ người đâu bây giờ?
Lâm Sông Đồng
Nhớ đến những ngày “mưa buồn ảm đạm” liên miên rả rích hầu như ai cũng thốt câu cửa miệng “ tháng Ngâu rồi” hoặc tháng mưa Ngâu. Thời gian này bầu trời lúc nào cũng xám xịt, rồi mưa rơi buồn bã, sùi sụt kéo về. Lúc đầu là những hạt mưa nhỏ, rơi mà như nhảy nhót. Tiếng mưa rơi đều tí tách trên mái nhà, trên mặt đường , tạnh rồi lại mưa, rồi lại tạnh. Mưa dần lớn hơn, hối hả, xôn xao.
Cũng vì lý do này nên ở Việt Nam , người ta không tổ chức đám cưới vào tháng Bảy Âm lịch ( tháng mưa Ngâu) vì có mưa dầm suốt tháng đồng thời có thể có gió bão, nên ông bà ta kiêng kỵ sợ cuộc sống vợ chồng trẻ sau này bị chia ly giống vợ chồng Ngâu.
Thời còn cắp sách đến trường cho mãi tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ bài thơ Chiêu Hồn của Nguyễn Du. Trong tác phẩm này thi sĩ đã làm cho người đọc cảm nhận lời thơ phảng phất nét liêu trai và cũng hợp với mưa dầm tháng Bảy:
“ Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng…”
Thực sự chuyện Ngưu Lang Chức Nữ được tương truyền trong dân gian, mang sắc thái buồn cho mối tình ngăn cách, ngang trái, bẽ bàng, phù hợp với khung cảnh mùa thu và trong âm nhạc có những bài ca cũng thật trử tình nên nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã ân cần tô điểm trong tác phẩm Giọt Mưa Thu những khúc nhạc tình buồn dành tặng cho những mối tình để đời cho nhân thế:
“ Ngoài hiên giọt mưa thu thành thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
…..
Gíó xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu.
Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong
Và còn nhiều bài ca của nhiều tác giả đã nắn nót từng cung sầu, cũng không kém phần lãng mạn và mang dấu tích của trái ngang:
Sầu Ô Thước - Văn Giảng
Vợ chồng Ngâu - Thẩm Oánh
Hẹn Hò - Phạm Duy
Chuyện Tình Ngưu Lang Chức Nữ - Mạc Phong Linh
Nhà thơ Lâm Sông Đồng cũng còn một bài thơ nói về mưa Ngâu bằng những vần thơ lục bát đầy lưu luyến, nghẹn ngào:
MƯA NGÂU TỪNG GIỌT ƯỚC MƠ
Trời vào tháng Bảy mỗi năm
Mây về xuống thấp mưa dầm đêm thâu
Phố khuya gió lạnh giăng sầu
Buồn vương theo tiếng mưa Ngâu vào mùa
Mưa rơi gợi nhớ ngày xưa
Quen nhau hai đứa chiều mưa lần đầu
Mưa Ngâu, Trời bắt xa nhau
Thân ta khốn khổ, biển nào em đi
Ly tan dẫm nát xuân thì
Sóng đời xô giạt người đi phương nào
Cách ngăn sao quá khổ sầu
Đoạn trường cay đắng đớn đau cả đời
Mưa Ngâu từng giọt lệ rơi
Chờ người năm cũ bây giờ nơi đâu
Mưa Ngâu vang vọng nỗi sầu
Nhịp cầu Ô Thước người sao chưa về
Mười năm mòn mỏi cơn mê
Ôm niềm thương nhớ vỗ về ước mơ
Mỗi năm tháng Bảy mưa rơi
Trời cho hai đứa nghìn đời gặp nhau
Lâm Sông Đồng
Truyền thuyết kể lại là như thế, còn theo các nhà sử học thì xưa kia ở Nhật Bản từng tồn tại một nghi lễ gọi là Tanabata nhưng được viết theo lồi chữ Hán có nghĩa là “Bằng Cơ”.
Trong nghi lễ này, một miko (cô gái sống trong đền thờ đạo Shinto) sẽ dệt nên tấm vải đặc biệt thật đẹp rồi dâng lên thần linh để cầu cho mùa màng bội thu. Thật ngẫu nhiên cái tên Tanabata lại có chung cách đọc với hai chữ Thất Tịch ( mùng 7 tháng 7) được dùng để chỉ lễ Ngưu Lang Chức Nữ. Cũng vì thế mà dần dần lễ hội này được đồng hóa và nhập lại với một nghi lễ khác nhưng cũng mang sắc thái phong tục để cầu xin sự khéo léo trong công việc. Vì vậy mà có tục lệ viết điều nguyện ước vào giấy tanzaku ( giấy ngũ sắc) treo trên cành trúc ở trước cổng mỗi nhà.
Xưa kia trong lễ hội này, phụ nữ xin cho mình có được sự khéo léo trong nghề quay tơ dệt cữi hoặc may vá thủ công. Còn nam giới cầu mong cho mình học giỏi, may mắn văn hay chữ tốt.
Thời nay, vào ngày này hàng năm người dân Nhật Bản cũng còn giử nét văn hóa truyền thống, một giá trị cổ truyền cần được giữ lại là tục lệ trồng trước cổng nhà mình những cành trúc hoặc tre tươi được trang trí bằng những dải giấy ngũ sắc và mỗi gia đình họ thành tâm cầu nguyện cho mọi sự tốt đẹp may mắn, trở thành sự thật như ý mong cầu. Nếu trời không mưa, các cặp tình nhân sẽ đưa nhau đến những ngôi đền thờ đạo Shinto ( gọi là Jinza, hay Thần Xã) để cùng cầu nguyện. Còn những chàng trai cô gái đang sống độc thân cũng đến chắp tay cấu nguyện mong tìm thấy trung nhân, hợp ý đẹp đôi cho mình sau này.
Nhưng lại cũng có truyền thuyết cho rằng lễ Tanabata của người Nhật Bản kể về người con gái đã dệt nên dải Ngân Hà cũng để nói lên một mối tình bị chia cách vì chỉ duy nhất trong ngày Thất Tịch xuất hiện hai ngôi sao Altair và Vega ở hai đầu dải Ngân Hà mới được trùng phùng.
Những cặp tình nhân Nhật Bản họ xem ngày lễ này rất quan trọng như lễ Tình Nhân (Valentine) được du nhập từ Châu Âu nhưng lại mang đậm màu sắc đẹp đẽ và lãng mạn của Á Đông.
Ở khá nhiều nước, lễ hội Tanabata tức lễ Thất Tịch, lễ này không nơi nào trên thế giới lại có được một ngày thi vị như ở Nhật Bản. Ngày lễ này có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng được biết đến khá nhiều nước.
Tuy nhiên dù ở nước nào, khoa học có tiến bộ, những tài liệu sưu tầm qua bao giai đoạn cũng như tìm hiểu về hiện đại cũng không sao vượt qua cái lý giải rất dân gian, rất tín ngưỡng của người Việt Nam về truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau vô cùng cảm động ấy, khiến con người lắng đọng những cảm xúc, những suy tư trở vào nội tâm. Để cho tâm trí hằn sâu đường nét sâu sắc về tình yêu, lòng thủy chung son sắt của những đôi tình nhân và cũng để thắt chặt mối quan hệ mà người đời cho đó là số mạng hay duyên tiền định, dù yêu nhau say đắm nhưng trên cõi đời này có những trái ngang, những nỗi đoạn trường trong tình yêu, đôi khi do hoàn cảnh thế này hay thế khác đi đến đổ vỡ hoặc xa cách.
Câu chuyện tình Ngưu Lang Chưc Nữ trong điển tích Thất Tịch, diễn tả đôi vợ chồng nầy vì qua yêu thương nhau mà chễnh mãng công việc giao phó, nên bị Ngọc Hoàng trừng phạt, bắt phải sống ngăn cách và được truyền tụng trong dân gian.
Để lưu giữ nét đẹp về huyền thoại nầy, người dân Việt thường nhắc đi nhắc lại hằng năm vào dịp mưa mùa tháng Bảy, qua các hình thức thi ca văn nghệ mang giá trị đạo đức, tinh hoa truyền thống. Tôi mong câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt, và từ đó, chúng ta có thêm những bản nhạc hay hoặc những bài thơ tuyệt, viết về mối tình đẹp của đôi vợ chồng Ngâu.
Hoàng Quỳnh Hương
( SJ, ngày22-7-2009)
No comments:
Post a Comment