Chiện Xóm Tui (1)
(về những người hàng xóm dễ thương của tui ở quận 10))

Bé LAN
Hai chú cháu cùng sàng tuổi nhau, nhưng Đông phải kêu tui bằng chú theo vai vế trong họ nội. Tuy là chú, nhưng khờ hơn thằng cháu nhiều lắm. Tui lúc đó còn đi học, khờ khạo ngu ngơ, Đông đã là trung sĩ quân cảnh vừa được thuyên chuyển từ Phú Quốc về làm công vụ ở quận 10 khu nhà tui. Mỗi cuối tuần, Đông dẫn người chú khờ khạo này đi uống bia miễn phí ở các quán bia ôm trong khu vực. Các chủ quán đâu có...ngu mà tính tiền, bộ muốn đóng cửa quán chắc?
Một hôm, khi chú cháu uống đã ngà say. Đông hỏi:
- Chú Út lác...ý quên. Chú Út có bồ chưa?
Mèn đét ơi...tui có tật hơi biếng tắm nên lâu lâu cũng bị...lác sơ sơ. Nói có thần…Tài làm chứng, tuần nào cũng tắm…một lần chớ đâu có phải là hỏng tắm? Ở nhà nói nhỏ nhau nghe cũng hỏng sao. Ai đời, đương ngồi giữa nơi thanh thiên bạch nhật, bên cạnh có mấy người đẹp bia ôm đương đá lông...chân với chú nó, mà nó lại khai báo rõ ràng...đời tư của tui. Thiệt là thằng cháu trời đánh.... Vuốt giận, tui trả lời:
- Thì cũng có một cô bồ mới quen gần nhà. Có gì hong?
- Hun hít gì chưa?
Mèn ơi, tui mới xuất chùa chưa bao lâu(tui xuất gia vài năm ở trong chùa), đương tập sống lại với những sinh hoạt đời thường. Có bồ đã là chiện lớn rồi, nói chi tới chiện hun hít?
- Chưa biết hun. Tui ngựơng ngùng trả lời.
- Bồ chú là ai vậy?
- Cô Lan cùng xóm.
Đông trợn mắt nhìn tui:
- Lan...lác con bà Tám hả?
Cũng...lác nữa. Chẳng là như vầy: xóm tui có cô đó tên Lan, ngừơi cao gầy nước da trắng trẻo, mặt mày đẹp gái, mà chắc cũng hơi biếng tắm như tui, đứng đâu gãi đó, nên mới có biệt danh Lan...lác. Hai cuộc đời cùng cảnh ngộ, hai tâm hồn cùng…ngứa ngáy, nên khi gặp nhau Lan lác...cua tui là dính liền.
Đông biết tui còn ngáo ộp, chẳng bù với nó đời lính phong sương, tình yêu đầy đường, nên dạy khôn thằng chú:
- Con nhỏ đó cũng đẹp gái đó chú! Vậy, để cháu chỉ cho chú vài chiêu đem thực tập với cổ nhen!
Ực thêm nửa ly bia, Đông nói tiếp:
- Đầu tiên, cháu sẽ chỉ cho chú cách hun môi. Chú phải le lưỡi liếm môi cổ...rồi...rồi...
Đông vừa giải thích vừa diễn tả. Thỉnh thoảng bị khô...cổ lại nốc thêm vài ngụm bia để lấy trớn...
Hai ngày sau...
Buổi tối, tui hẹn Lan ra công viên để thực tập bài học từ thằng cháu. Vừa hồi hộp, vừa run rẩy trong bóng tối chập chờn dưới tàn cây cổ thụ. Sau một hồi tâm sự bằng…tay, Lan nhắm mắt ngửa mặt chờ tui. Nhớ lại bài học của thằng cháu “...từ từ le lưỡi, nhắm mắt rà xung quanh vành môi của Lan, rồi đưa lưỡi vào...”. Tui nhắm mắt, run rẩy trong bóng tối, thực hành bài học của thằng cháu. Ủa? Sao bờ môi cuả em Lan chai ngắc mà...mặn chát vậy cà? Định mở mắt ra nhìn cho kỹ thì nghe một cái...bốp vô mặt. Nói thiệt, trong đời tui chưa bao giờ bị một...chưởng đau như dzậy. Chưa kịp hoàn hồn thì nghe giọng Lan rít lên trong bóng đêm như từ cõi...âm vọng về:
- môi người toa hỏng hun đi hun...lỗ tưa…nhột muốn chếch. Về kiếm thầy hạc(học ) đi. Đồ quỉ sứ.
Nói xong, Lan xoay mình quày quả bỏ đi, để mặc tui đứng một mình trong bóng đêm với dư âm...ê ẩm vì cú tát nặng...ký của nàng.
Vài ngày sau...
Đang ngồi gãi...lác đã quá thì nghe tiếng bấm chuông. Sáng sớm ai tới đòi...nợ dzậy trời? Vừa hé cửa dòm thử, thì bác Tám, mẹ Lan, mặt hầm hầm đẩy cửa bước vô, hỏi:
- Moá mi mô?
Bác Tám người Tam Kỳ miệt ngoài, dọn nhà vào định cư ở xóm tui cũng được vài năm.
- Dạ...có chiện dzì hong bác?
- kêu moá mi roa gặp tau.
- Dạ...má con đi chợ rồi bác Tám.
Má Lan ngần ngừ nhìn tôi, nói:
- Tau hỏa(hỏi) mi. Mi lồm cứa chi moà con Lon(Lan) về nhoà ơm lỗ tưa(tai) khóc miết rứa?
Trời đất! Chắc Lan đã khai báo thật thà với mẹ nó rồi. Tôi giả bộ ngây thơ:
- ủa, sao dzậy bác?
- Tổ choa mi. Còn mún chối hỏa? Con Lon đoã khưa bố hết với tau rầu...hén nói mi lòm hén...viêm một bên lỗ tưa. Về nhoà hén cứ ôm lỗ tưa kêu tên mi rầu khóc miết...hén nói hén thương mi-nói đến đây, bác Tám chợt dịu giọng-Thâu, hưa đứa mi thương nhau thì boác cũng hợp ý. Có gì để boác nói chuyện với moá con rầu tính, hỉ!
Trời đất! Chiện lớn à nhen! Bác Tám là người miền Trung thật thà, còn theo phong tục ở ngoải, hể trai gái kết nhau thì gả, chớ hong hề nghĩ tới chiện tuổi mới lớn chỉ yêu đương bồng bột, vớ vẩn. Chà, cú này chắc tui phải kiếm đường...đào tẩu quá! Ai mà dè chiện giởn chơi con nít lại thành đại sự như dzậy? Chiện này cũng tại thằng Đông, đứa cháu ôn hoàng dịch vật xử bậy mà ra nông nổi.
Nói dzậy mà cả tháng sau cũng hỏng thấy bác Tám qua nhà nói chiện với má tôi. Hàng ngày Lan vẫn đi ngang nhà tôi, vừa rờ lỗ tai, vừa liếc mắt nhìn tôi tình tứ qua khung cửa. Đôi lần muốn hẹn Lan ra công viên để thử…phổi lần nữa, nhưng nhớ lại cú Như Lai Thần Chưởng của Lan làm tôi...hãi quá.
Một hôm đi học về, mở cửa ra thì thấy lá thơ của Lan nhét qua kẹt cửa. Mừng qúa. Lần đầu nhận được thơ Lan, hỏng mừng sao được? Không kịp thay đồ, chạy vội lên lầu để nghiên kíu ngay lá thơ tình. Thơ Lan viết như dzầy:
“Anh Út mến,
Khi anh đọc những dòng chữ này thì em đã thuộc về người khác rồi(híc híc). Ngày này tháng sau, em lên xe...lam về nhà chồng(híc híc). Em xin lỗi đã làm anh buồn lòng. Xin anh hãy gắng quên em và coi em như một người em gái của anh. Xin anh hãy bảo trọng, giữ gìn sức khỏe. Cố gắng học hành để đạt được một tương lai sáng lạng, chứ bây giờ thấy anh...lêu bêu quá. Anh Út, chồng tương lai của em cũng tên Út. Út thợ may chứ hỏng phải Út...lác như anh. Người ta nghề nghiệp đàng hoàng. Không như anh, nghề hỏng có, mà nghiệp cũng hong. Chỉ có...lác là nhiều thôi. Chồng sắp cưới của em có tiệm may ở ngã ba ông Tạ, cũng gần đây thôi anh à! Dù ảnh hỏng đẹp trai bằng anh, nhưng ảnh có kinh tế, biết chìu chuộng em. Ảnh còn biết...hun em đủ...chổ hết. Còn anh, anh chỉ biết hun...lỗ tai em thôi. Người có ăn học như anh mà sao ngáo quá vậy trời?
Thôi, thơ ngắn tình dài, vài hàng từ giã với anh. Chúc anh nhiều may mắn trên đường học vấn. Nhớ giữ sức khỏe và nhớ sau này có quen cô nào thì đừng có hun lỗ tai người ta, hong thôi là mất bồ đó anh.
Em Lan
Tái bút: ngày cưới, em sẽ mời anh dự. Đi cưới, anh đừng mua...đồng hồ treo tường tặng em. Vì đám cưới nào cũng thấy khách mời mua toàn...đồng hồ treo tường hết. Mong anh đi cưới bằng ...tiền mặt hoặc...vàng ba số 9. Như vậy sẽ tiện cho em. Em cám ơn anh...trước. À quên...hôm trước anh còn thiếu em...năm trăm. Xin anh đừng quên bỏ luôn vô bao thơ đi cưới. Đội ơn anh vô cùng.”
***
Anh TÔN
Ngày cưới của Lan, tôi...trốn luôn vì ...mậu lúi. Không tiền đi cưới, lại thiếu nợ nàng...chường mặt tới để Lan tặng cho một...chưởng nữa là banh đời trai. Buồn tình, ra quán cà phê của anh Tôn Lề đầu hẻm kêu xị rượu đế giãi sầu.
Quán ế, đang ngồi...ngáp chờ khách, thấy tôi, anh Tôn Lề mừng ra mặt.
- Mấy bữa nay đi đâu hỏng thấy mày ghé qua dzậy Út? Sao mặt mày buồn dzậy?
- Cho em xị rượu thuốc đi anh Tôn.
Anh Tôn cười cười, hỏi:
- Hà...hà...bị đứa nào bộp...tai nữa hả Út?
- Biết rồi còn hỏi…
Đặt xị rượu xuống bàn, anh Tôn kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Mặt anh ra chìu nghiêm trọng:
- Có gì từ từ nói tao nghe. Đừng vì ba đứa con gái lôm côm mà say sỉn hư đời nhen mậy!
Mèn ơi...nghe ảnh nói mà đương buồn cũng muốn thất cười. Bản thân ảnh cũng vì mấy cô gái...lôm côm mà bây giờ chỉ còn có chín...ngón tay. Giờ, muốn dạy lại tui?
Chẳng là ngày xưa ảnh yêu chị ba Lề bán hột vịt muối ở cầu ông Lãnh. Hai người thề non hẹn biển, đùng một cái, chị Lề ôm cầm sang thuyền khác. Anh Tôn đau lòng lận dao phay vô cạp quần, rủ tui cùng đi tới gặp chị ba Lề, trước ngày chỉ lên xe…bông. Rồi, trước mặt chị, anh để ngón tay lên cạnh bàn, rút dao phay phập xuống cái…bụp đứt lóng tay trỏ( chắc cũng mượn cớ trốn…lính). Anh Tôn thề:
-Có mặt đèn làm chứng, Tôn vì Lề mà chặt đứt ngón tay. Thề, suốt đời hong yêu ai nữa.
Báo hại, tui phải hốt hoảng chạy ra kêu xe taxi, rồi cùng chị ba Lề chở ảnh thẳng vô nhà thương Sài Gòn trước bồn binh chợ bến Thành(sau vụ này, tui về kể lại cho bà con nghe, nên xóm tụi tui mới đặt cho ảnh biệt danh là “Tôn vì Lề.” Thét rồi ai cũng quen miệng kêu tắt là anh Tôn Lề).
Giờ nói tới cái vụ xe taxi. Tui hỏng có tiền trong túi đã dành, chị ba Lề thì lính quýnh lúc đi quên cầm bóp theo. Khi xuống xe hong có tiền trả, chị ba Lề quay qua hỏi anh Tôn:
- Anh có đem tiền theo hong?
Anh Tôn trả lời giọng yếu xìu:
- Hồi anh qua nhà em chỉ lận có con dao, nên cũng quên…bóp ở nhà.
Nói thiệt, lúc đó dòm anh Tôn, tui cũng thất cười. Ảnh bự con, cao lớn, râu ria xồm xoàm như Trương Phi,mà mới đứt một lóng tay mặt mày đã xanh như…đít vịt, nói hỏng ra hơi.
Tui nói với chị ba Lề:
- Thôi, chị đưa ảnh vô phòng cấp cứu trước đi, vụ taxi để em lo. Hỏng sao đâu.
Tui quay lại nói với chú tài xế:
- Giờ vầy, chú chở con về nhà ở đường Trần Quốc Toản, trước đại học Quốc Gia Hành Chánh quận 10. Con vô nhà lấy tiền trả cho chú, cộng luôn cuốc xe từ đây về đó.
Chú tài xế nhếch mép nhìn tui, nói:
- Thằng Tôn quýnh quá nên hỏng nhận ra tao. Còn mày là thằng Út…lác con bà tư Hồ phải hong? Dzìa hỏi má mày, chú bảy taxi, là bả biết tao liền. Chòm xóm với nhau tiền bạc cái gì. Thôi, dzô lo cho thằng Tôn đi.
Thấy hong? Thấy dân quận 10 của tui hong? Tình nghĩa dzậy đó! Nghĩ lại ngày xưa tui thấy mình cũng nổi danh ghê.
Giờ trở lại chiện của tui. Ực một ngụm rượu, tôi kể sơ cho anh Tôn nghe về chuyện Lan đi lấy chồng. Anh nhìn tôi ái ngại, nhưng rồi lại nghiêm sắc mặt, hỏi:
- thôi, bỏ qua chiện đó đi! Giờ tao hỏi thiệt mày...bửa nay mày uống trả tiền hay ghi...sổ? Sổ mày hết chỗ ghi rồi.
Tôi gãi đầu làm mặt...buồn:
- Thằng em đương buồn, anh cho ký thêm xị nữa. Hứa với anh cuối tháng này sẽ thanh toán hết cho anh.
Anh Tôn lầm bầm với giọng kém vui:
- Lần nào cũng cuối tháng...gặp chừng hai thằng như mày là tao...sập tiệm luôn.
Nói dzậy chứ anh Tôn là người tốt. Cuối cùng, tôi cũng...ký nợ thêm...ba xị nữa.
Hôm đó say quá cỡ. Anh Tôn phải cõng tôi về nhà. Nằm liệt giường hai ngày mới bò dậy. Rượu gì mà ác dzậy trời? Chắc rượu bà Quẹo pha thuốc rầy quá?
Mùa hè sắp hết, nghĩ đến chuyện đi học lại buồn muốn chết. Một buổi sáng, khi đọc xong lá thư của chị tôi, theo chồng đang đóng quân ở Hội An gửi vào, má tui nói:
- Út à! má muốn gửi con ra miền Trung đi học. Nghe nói ngoài đó học sinh hiền lành, ngoan ngoãn lắm. Hong như tụi bây học trò Sài Gòn ăn chơi, nhậu nhẹt tối ngày. Thôi, con chuẩn bị tuần sau đi ra ngoải. Má sẽ đặt vé máy bay. Ra đó ráng học hành cho nên người nha con.
Tui cũng hong ngờ chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó, dòng đời đã đưa đẩy tui ra tận miền Trung lạ lẫm xa tắp ngoài kia. Thế nhưng, chính vùng đất hiền hoà xa xôi ấy đã tặng cho tui những ký ức, những hoài niệm tuyệt vời nhất của tuổi mới lớn.
Vậy mà, phải hơn bốn năm sau tui mới về lại xóm cũ. Đường Trần Quốc Toản khu nhà tui trông xa lạ, nhộn nhịp hơn những ngày tui chưa ra Trung. Quán nhậu của anh Tôn được sửa sang đẹp đẽ hơn. Anh Tôn bây giờ đã lập gia đình và có một đứa con trai dễ thương với chị Hồng, người Hoa quê bên quận 6. Gặp lại tui, anh mừng lắm. Anh ôm cứng lấy tui rồi hun chùn chụt lên tóc tui, như thể, tui vẫn là thằng Út lác mười sáu tuổi ở những ngày anh còn cõng tui về nhà mỗi khi say. Bữa đó anh đãi tui linh đình, bia rượu khui mỏi tay. Chị Hồng không ngừng hối mấy cô chạy bàn bưng mồi do chính tay chị nấu, để tui và anh Tôn nhâm nhi. Cũng nhờ tài nấu nướng của chị Hồng, mà quán anh Tôn lúc nào cũng nghẹt khách. Thôi thì cũng mừng cho anh, vừa có vợ giỏi giang đẹp gái, lại thêm đứa con trai nối dõi tông đường.
Tiệc tàn, tui lạng quạng đi bộ về nhà. Anh Tôn đi theo tui một đoạn ngắn. Bất chợt, anh níu tay tui rồi nói:
-út à! Mày giờ đã lớn, ráng học để sau này còn làm ông này bà nọ nhen! Mấy năm mày ra miệt ngoải tao cũng nhớ mày lắm. Thôi, khi nào rảnh ghé tao nhậu cho vui. Chị Hồng mày bả dễ chịu lắm. Mơi sáng ra uống cà phê với tao.
Vừa quay lưng đi, thì anh Tôn bỗng kéo tui lại và nhìn quanh quất như thể sợ ai nghe thấy những điều anh sắp nói với tui:
-út à…tao dặn mày cái này nhen! Chiện quá khứ bỏ qua đi. Trước mặt chị Hồng, mày đừng kiu tao là anh Tôn Lề, cũng đừng nhắc chiện tao chặt lóng tay vì con ba Lề. Biết tại sao hong? Tại hồi cua con Hồng tao lỡ…nổ với nó, tao là lính biệt kích. Rồi, trong một trận đánh xáp lá cà với địch quân, tao bị một thằng cầm mả tấu chém đứt lóng tay nên được giải ngũ. Nhờ vậy mà chị Hồng mày mới phục và yêu tao. Chiện giữa hai anh em mình nhớ đừng tiết lộ nhen! Nhớ lợi hồi đó, trước ngày mày ra Trung, mày cũng còn thiếu “anh”mấy ngàn. Thôi thì, vì chiện này, “anh”…xù luôn cho mày đó.
Ha ha…sao tui thương anh Tôn Lề, ý quên…anh Tôn hàng xóm hiền lành của tui ghê!
Hồ Xuân Ngọc
No comments:
Post a Comment