TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Wednesday, July 15, 2020

CON MA LẦU NAM PHƯƠNG BÀI VIẾT CỦA HỒ XUÂN NGỌC


CON MA LẦU NAM PHƯƠNG 

BÀI VIẾT CỦA EM TRAI HỒ XUÂN NGỌC 
ĐĂNG TRÊN The Little Saigon News (09-22-1995)

 

Đây là câu chuyện có thật, xảy ra 42 năm trước ở Huế. Nhóm chúng tôi năm đứa: Điểu, Tráng, Ngọc, Hiếu, và tôi. Tuy không học cùng trường, ...nhưng đều là những sinh viên xa nhà nên rất thân thiết. Thời gian ấy, ở Huế, thật vui. Tuổi mới lớn hồn nhiên và thắm thiết với tình bạn, với những kỷ niệm đẹp. Thời gian trôi nhanh. Tưởng như mới ngày hôm qua. Trong năm đứa, có đứa đã Vĩnh viễn nằm xuống, đứa còn ở lại, đứa tha phương trôi nổi. Viết lại chuyện này để nhớ về một thời rất đẹp, rất thơ mộng, và cũng rất buồn. Xin tất cả các bạn hãy cùng tôi về lại quá khứ nên thơ ở khoảng thời gian đã rất xa ấy...HXN.

Người ta đồn rùm lên là lầu Nam Phương Hoàng Hậu trong Đại Nội có ma. Ban đầu, tin được truyền đi từ quán cà phê ông Đường trong thành Nội, từ chính miệng của các sinh viên Mỹ Thuật và Quốc Gia Âm Nhạc. Nên nhớ, Trường MT và QGAN nằm gần lầu Nam Phương, do đó tin đồn đi từ gốc ra hẳn là xác tín lắm. 

Không đầy hai ngày sau, khắp các quán cà phê từ nội chí ngoại thành đều rôm rả tiếng người bàn tán. Chuyện con ma lầu Nam Phương được mấy anh sinh viên cho thêm nước mắm, rắc thêm muối, trộn thêm bột ngọt thành ghê gớm, khủng khiếp hơn cả chuyện con ma Vú...Dài trong trường Cây Mai ở Saigon.

Nguyễn Phi Điểu, sinh viên năm thứ hai cao đẵng Mỹ Thuật, quê Thanh Quít Quảng Nam, cùng ở chung một dãy nhà trọ với tôi, phùng mang trơn mắt vẽ thêm...nanh cho con ma, lúc tôi và nó cùng ba người bạn ngồi ăn sáng ở cà phê Bưu Điện cạnh trường trung học Bán Công Huế.

-Chính tai tao nghe rõ ràng. Ban đầu nó hú một tiếng thiệt dài. Sau đó thì cười sặc sụa. Rồi hát...ghê lắm. Đang ngồi tâm tình với con bồ bên hông trường phải bỏ chạy trối chết.
Tôi cười:
-Mày bỏ con bồ ở lại?
-Điểu trợn mắt:
-Đâu có! Con nhỏ chạy còn...lẹ hơn tao nữa. Bữa nớ tao đuổi theo muốn hụt hơi mà bắt hỏng kịp nó.
Hồ Ái Ngọc, không có bà con gì với tôi chỉ trùng tên và họ, năm thứ hai Văn Khoa, dân Hội An gốc Huế, lại bỏ thêm hành vào câu chuyện:

-Tau có bà dì ở hồ Tịnh Tâm gần nớ. Bả nói đêm mô cũng nghe nó hò...Huế.
Đinh Tráng (em hoạ sĩ Đinh Cường) cùng lớp với Điểu, nhướng cặp mắt hí rải thêm ngò cho đủ vị tả pín lù:

-Tao ở sau trường Mỹ Thuật nghe còn rõ nữa. Mà sao...có lúc tao lại nghe loáng thoáng nó hát bài "Lạnh Trọn Đêm Mưa" mới kỳ chớ! Hỏng lẻ ma...tân thời, mới chết nên thuộc toàn nhạc thịnh hành?
Tôi không nhịn được cười, hỏi:

-Mà...tụi mày nghe giọng gái hay trai?
-Hình như con trai. Cũng có khi nghe eo éo như đàn bà.
Thằng Điểu rùng mình:

-Làm mấy bữa nửa đêm mắc đái, tao hỏng dám ra ngoài.
Tôi gặng:
-Rồi mày làm sao?
Điểm cười hề hề:
-Thì chỉa ra cửa sổ chứ sao nữa.
Tôi đá vô chân Điểu:

-Hèn chi mấy cái áo thun tao phơi ngoài cửa ướt mèm, còn hăn hắt mùi khai.
Điểm xoa chân, giả lả
-Bộ mi hỏng lấy khăn lau mặt của tao chùi giày sao?
Hồ Ái Ngọc tợp một ngụm cà phê, nút nút cục nước đá xong phun toẹt xuống đất, nói:

-Bữa mô tụi mình kéo nhau vô lầu Nam Phương ngủ lại một đêm, coi ma có dám ra hát nữa không.
Đinh Tráng hăng tiết canh:

-Ừ...phải đó. năm thằng mình hỏng lẻ sợ con ma sao.
Hoàng Trọng Hiếu cùng lớp với Hồ Ái Ngọc, gốc Hội An. Từ nãy đến giờ cặm cụi đá cho sạch dĩa sôi im lặng không nói gì, giờ mới lên tiếng:

-Thằng mô nói cũng ngon lắm...tới hồi đụng chuyện toàn bị sốt rét hết.
Tôi nháy mắt với Hiếu, gài độ:

-Kỳ này chính miệng tụi nó đề nghị, có sốt rét cũng phải đi. Đừng lo Hiếu à.
Tráng cười gằn:
-Được rồi. Để coi thằng nào chạy đạn trước.
Ngọc hăm hở nói:
-Tao đề nghị tối thứ sáu tuần tới vô trong nớ ngủ. Đồng ý chưa?
Tôi nhái giọng Huế, giỡn:
-Đù mạ thằng mô giả bộ bị sốt rét bỏ chạy.
Tụi tôi chia tay nhau trước ty Thông Tin bên kia cầu Trường Tiền. Tráng, Điểu và tôi về phòng trọ trong thành Nội. Ngọc và Hiếu dắt nhau về cư xá sinh viên Quảng Đà ở Huỳnh Thúc Kháng.

Dãy nhà trọ của tụi tôi nằm trong khuôn viên nhà thờ Nguyễn Phước Tộc, còn được gọi là Tôn Nhơn Phủ đối diện với cửa Đại Nội, cạnh công viên bên đường Đinh Bộ Lĩnh. Chung quanh Tôn Nhơn Phủ có tường cao bao bọc. Khung cảnh vắng vẻ, yên tĩnh tách rời hẳn phố xá ồn ào ngoài thành, rất thích hợp cho việc học hành. Ngoài ra, còn có quán cà phê ông Đường xéo ngay cổng và cà phê ông Tôn gần đó, thật tiện việc ký sổ...nợ cho đám sinh viên nghèo như tụi tôi.

Từ cổng Tôn Nhơn Phủ đi vào dãy nhà trọ của tụi tôi khá xa. Dọc theo lối đi có những luống rau Lang xen kẽ với đám cây Tùng và Nhãn cao quá nóc nhà, cành lá xum xuê tỏa bóng, mát luôn cả khoảng sân rộng trước mấy căn phòng của tụi tôi. Ban ngày cảnh trí có vẻ tình tứ, thơ mộng. Nhưng khi đêm về lại âm u ma quái, tạo sợ hãi cho những người yếu bóng vía. Đối với tụi tôi, sống ở đây cả năm trời, quá quen với cảnh đi khuya về muộn nên chẳng có gì đáng sợ hết.
Đang lui cui mở khoá cửa phòng thì Nhuỵ từ đâu chạy đến vỗ vai tôi, giọng vui vẻ:

-Chờ anh từ sáng tới chừ đói muốn xỉu luôn.
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
-Nhuỵ chờ anh làm gì?
-Chờ dẫn anh đi ăn.
-Trúng mánh hả Nhuỵ?
Nhụy gật đầu.

Nhụy là em bà con của anh Tôn chủ nhà trọ. Mới 17 tuổi nhưng mặt nó trông già...gấp đôi mặt tôi. Trong nhóm sinh viên trọ học ở đây, nó chỉ thích một mình tôi. Chỉ vì tôi chịu khó đàn cho nó nghe và hát những bản nhạc nó yêu cầu.
-Anh vừa mới ăn với mấy thằng bạn xong.
Mặt Nhuỵ lộ vẻ thất vọng. Nó nài nỉ:

-Kệ. Đi với tui cho vui. Không ăn được nữa thì uống cà phê.
Bóp lại ổ khoá, tôi theo nó ra quán ông Đường. Lựa cái bàn ngoài sân cạnh cây Nhãn, nó kéo tôi ngồi xuống.
-Ăn thêm tô bún hỉ?
-Thôi...kêu cho anh ly cà phê sửa đá được rồi.
Nhìn nó hì hục ăn tô bún, tôi hỏi:

-Nhuỵ vô mánh gì bữa nay vậy?
Xuýt xoa vì ăn miếng ớt, Nhuỵ nói lúng búng:

-Mới vớt được chiếc xe đạp ngoài cửa Thượng Tứ hồi sáng. Vừa "đẩy" xong là chạy vội về kiếm anh. Biết đợi lâu rứa tui đi ăn trước cho rồi.
Tôi nói:

-Làm riết có ngày vô khám nha em.
Nhụy ngang tàng:
-Thằng ni mô có sợ chi ai anh.

Nhụy nói thiệt. Khắp mấy con đường chung quanh Tôn Nhơn Phủ ai mà không ớn nó? Ăn cắp, giật đồ, trộm xe, bắt gà là nó. Về đêm, ít có người nào dám lai vãng trên mấy con đường quanh đây. Kể cả công viên bên kia nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân cũng vắng hoe khi đêm xuống.

Kể ra, Nhuỵ cũng là đứa đáng thương. Mồ côi cha mẹ từ bé. Sống lây lất với vợ chồng anh Tôn cho đến lớn. Thiếu hẳn tình thương và sự giáo dục của gia đình. Học hành đang dở, nó đi dần vào con đường hư hỏng, bụi đời.

-Nhuỵ có nghe vụ con ma lầu Nam Phương chưa?
Đang ăn, nó ngưng lại nhìn tôi, ngập ngừng:

-Ma? Chỗ mô anh?
-Lầu Nam Phương Hoàng Hậu trong Đại Nội.
-À...có có...tui còn chộ thấy hắn nữa.
Tôi hỏi dồn:

-Thiệt hong?
-Láo...chết liền.
Tôi nghiêm nghị nhìn nó:

-Nhuỵ thấy sao kể anh nghe coi.
Nhuỵ kéo vạt áo chùi miệng, hắng giọng:

-Tối nớ tui đi qua nhà bạn gái chơi. Lúc đi ngang qua hồ Tịnh Tâm thì nghe có tiếng hát văng vẳng trên cây Tùng cạnh lầu Nam Phương...
Tôi ngắt ngang:

-Tại sao Nhuỵ lại đi vào trong đó? Sao không đi ngoài đường có đèn điện sáng sủa hơn?
Nhuỵ ấp úng:

-Thì tui muốn đi tắt cho gần rứa mà.
-Rồi sao nữa? Ban đêm nghe tiếng hát trên cây bên lầu hoang. Bộ Nhuỵ hong sợ sao?
Nhụy nhăn răng cười:

-Rứa mới chạy sút quần...hì hì-đang cười nó bổng nghiêm nét mặt- khi tới gần cây Tùng nhìn lên, tui thấy một bóng đen ngồi vắt vẻo ngay nhánh cây sát cửa sổ trên lầu. Hai chân nó đong đưa xào xạt theo tiếng lá. Tui run giọng hỏi lớn "ai rứa?". Con ma từ từ quay lại...mạ ơi, chộ cái mặt hắn là hồn bất phụ thể...tui co giò chạy trối chết.
Tôi hồi hộp, hỏi:

-Mặt nó ra sao?
Nhuỵ rùng mình:

-Ui chau! Hai con mắt xanh lè, cái miệng đỏ lòm thấy mà ớn. Nó còn le lưỡi dài cả thước nhát tui. Chưa khi mô tui chộ cái lưỡi chi mà...dài như rứa.
-Nó có rượt theo Nhuỵ hong?
Nhuỵ lắc đầu. Tôi định nói cho nó nghe ý định vào lầu Nam Phương ngủ rình ma, nhưng lại thôi. Nhìn nét mặt thất thần của nó có rủ cũng vô ích.

-Từ nay có ai cho vàng tui cũng không dám đi ngang qua chổ nớ.
Nhuỵ đứng lên đi vào trong quán. Lúc trở ra, nó thẩy gói thuốc Capstan lên bàn:

-Anh cất gói nớ đi. Tui trả hết khoảng tiền ký sổ của anh rồi.
Tôi ngượng ngùng:

-Nhuỵ cứ trả nợ cho anh hoài, làm anh khó chịu quá.
Nhuỵ xua tay:

-Ui chau! Của thiên trả địa lo nghĩ chi cho mệt anh ơi.
Câu nói vô tình của Nhuỵ làm tôi thêm khó chịu. Nó đã và đang giúp tôi bằng những khoảng tiền không lương thiện. Tuy rằng sự giúp đỡ phát xuất từ chính lòng thương cảm của nó dành cho tôi, một gã sinh viên nghèo xa nhà, thiếu thốn. Nhưng, vô hình chung, tôi lại trở thành kẻ đồng loã bất đắc dĩ trong những dịch vụ phi pháp của nó. Tôi buồn bã nói:

-từ nay Nhuỵ đừng trả nợ cho anh nữa. Cứ để anh tự lo...rồi cũng xong mà.
-Việc lẻ tẻ rứa mà anh cứ nói hoài. Bỏ đi.
Nhuỵ lẻo đẻo theo tôi về phòng trọ. Nó im lặng nện mạnh bước chân bày tỏ thái độ giận dỗi hết sức dễ thương.

Lúc mở xong ổ khoá cửa, tôi quay lại thì Nhuỵ đã biến đi đâu mất biệt.
Cái vụ rủ nhau vào lầu Nam Phương rình ma. Ban đầu, đứa nào cũng có vẻ hào hứng và hăng hái lắm. Nhưng càng gần ngày hẹn lòng hăng hái, náo nức xẹp dần. 

Hồ Ái Ngọc, miệng hùm gan sứa, kẻ đã đề xướng ra vụ bắt ma, mặt xanh xao thấy rõ. Đinh Tráng thì biệt dạng phương nào kiếm chẵng ra. Rốt cuộc, chỉ còn tôi, Điểu và Hiếu là gắn bó với kế hoạch.

Những ngày gần đây, sinh viên hai trường Mỹ Thuật và Âm Nhạc bị mất xe đạp rất nhiều. Đơn khiếu nại mất xe của sinh viên hầu như ngày nào cũng có ở văn phòng hai trường. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi cảnh sát phải vào cuộc để điều tra. Mỗi ngày, ngoài những nhân viên cảnh sát đồng phục gát cổng, còn có thêm một nhân viên cảnh sát chìm ngồi ở quán cà phê ông Đường dòm chừng vào cửa Đại Nội, nơi ra vào độc nhất của hai trường. Đôi mắt dấu sau cặp mắt kính...dái dê đen kịt của các vị cảnh sát chìm này hầu như chả bao giờ rời khỏi cửa Đại Nội. Nhưng khả năng chìm của vị này...nổi quá, nên xe đạp vẫn mất dài dài một cách bí mật.

Chính vì cặp mắt...cú vọ của mấy vị cảnh sát mà tụi tôi phải dời ngày rình ma lại vào tối thứ Bảy. Thứ Bẩy, trường đóng cửa. Thứ Bẩy, các vị cảnh sát ở nhà hú hí với vợ con. Chúng tôi có thể ra vào Đại Nội mà không bị hỏi căn cước và làm khó dễ. 

Chiều thứ Bảy, tôi và Điểu kéo nhau xuống cư xá Quảng Đà rủ Hiếu. Tới nơi, Hiếu đã sẵn sàng ngồi chờ nơi phòng tiếp tân của cư xá. Hiếu nhe hàm răng khểnh ra cười:

-Tưởng tụi mi bị sốt rét đeo xe lửa trốn vô Đà Nẵng rồi.
Điểm ưởn ngực:

-Quân tử nhất ngôn. Nhất điểu nhì ngư mà mi.
Hiếu xách túi đứng lên đề nghị:

-Qua rạp Châu Tinh ăn bún hỉ?
-Cũng bún mụ Rớt nữa-Điểu chán nãn lắc đầu.
Tôi đưa ý kiến:

-Tới cửa Thượng Tứ ăn bánh khoái rồi ghé phòng tao lấy đồ cho gần.
Vừa vòng qua đường Phan Bội Châu, Hiếu hỏi nhỏ:

-Thằng mô lo vụ ni đây bây?
-Vụ gì?
-Trả tiền bánh khoái.
Điểm hùng dũng vỗ vào túi quần.
-Đừng lo! Năm sáu đức thánh Trần nằm trong ni. Má tao mới gửi người quen mang ra cho tao. Bảo đảm...bảo đảm.

Tiệm bánh khoái xéo bên cửa Thượng Tứ tuy lụp xụp, nhưng ngon không đâu bằng. Tôi và Hiếu dày vò mấy Đức thánh Trần của Điểu bằng cách ăn ngấu nghiến với tất cả sức lực của mình. Xem chừng, cuộc chiến đấu tối nay với con ma lầu Nam Phương chắc gay cấn lắm...phải ăn cho lại sức chứ.

Ba đức thánh Trần từ giả Điểu cùng với khuôn mặt...kém vui của nó. Hiếu không quên nhắc khéo mua thêm gói thuốc để cầm cự với sương đêm.

Về đến phòng trọ, đồ đạc đã được xếp vào túi sẵn từ sớm. Tôi và Điểu khoá cửa cẩn thận, rồi đeo túi lên vai cùng Hiếu thả bước vào Đại Nội.

Nắng chỉ còn le hoe, hiu hắt trên chóp kỳ Đài nơi Ngọ Môn. Con đường trải đá dẫn vào lầu Nam Phương hun hút lạnh lùng dưới những tàng cây cổ thụ rậm rì. Gió luồn lách xào xạc cành lá. Gió lách mình qua mái ngói của ngôi lầu hoang phế rít khẽ trên những bức tường thành ẩm mốc, loang lổ. Xa xa nơi khúc rẽ cuối đường, hơi sương lờ mờ tỏa xuống quấn quít đầu cây ngọn cỏ, lan dần trên mặt đường như muốn nuốt chững vạn vật theo ánh mặt trời chết lịm ngoài thành. Thỉnh thoảng, vài tiếng chim lạ kêu vang thảng thốt rồi tắt nghẽn vào bóng đêm vừa xuống.

Lầu Nam Phương nơi làm nghẽn mạch máu của những người yếu tim. Nơi mà ban ngày ít có người nào dám đến gần. Hãy nhìn căn lầu mênh mông, hoang vắng cũ kỹ cùng những cánh cửa sổ gẫy lìa, ẩn hiện trong đám Tùng Bách trăm năm già cỗi. Và, hãy nhìn hình dáng điêu tàn mốc meo, xám xịt của ngôi nhà đã bao năm không người ở, mới cảm thấy cái ma quái rợn người phảng phất trong không khí ở quanh đây.

Đến cuối khúc quẹo, tụi tôi rẽ trái vào con đường nhỏ dẫn vào lầu Nam Phương. Tôi không khỏi bồi hồi khi vạch lá lần từng bước trên con đường ngày xưa đã bao lần hứng gót sen của hoàng hậu Nam Phương. Vậy mà giờ đây hoang phế đầy cỏ dại.
Cả bọn mò đến cánh cổng sắt rỉ sét trước lầu Nam Phương thì đã thấm mệt. Hiếu thì thào:

-Tắt đèn pin ngồi nghỉ mệt chút đi.
Nhìn bức tường và cánh cửa sắt cao nghệu, Điểu lắc đầu ngao ngán:

-Kiểu ni chắc tiêu hết mấy cái bánh Khoái trong bụng tao rồi.
Đêm đen kịt đáng sợ theo những tiếng động và âm thanh rên rỉ của côn trùng vẳng lại, cộng thêm ánh chớp lập loè từ những con đôm đốm trong bóng đêm làm tụi tôi chột dạ. Chùi bàn tay ướt nhẹp mồ hôi vào vạt áo, tôi hỏi nhỏ:

-Sao? Leo vô được chưa tụi bay?
-Đứa mô vô trước? Điểu hỏi.
Hiếu chụp cánh cổng sắt lắc thử.
-Chắc lắm! Để tao leo vô trước cho.

Khi đã vào hẵn bên trong, Hiếu rọi đèn bấm cho tôi và Điểu leo vào. Tụi tôi chạy vội qua khoảng sân rộng ngập đầy lá rồi dừng lại trên thềm lầu. Hai cánh cửa trước bằng gỗ đã mục nát ngã xiên dưới hiên nhà. Hiếu quét một vòng đèn pin vào bên trong tiền đường: trống rỗng. Bụi bặm và mạng nhện giăng đầy mọi góc. Tôi nói:

-Dưới này dơ quá! Lên lầu coi thử có khá hơn không.
Hiếu ngần ngừ giao đèn pin lại cho tôi, giọng nó hơi run:
-Mi đi trước dẫn đường hỉ.
Tôi cầm cây đèn pin làm bộ cứng:

-Tụi bay theo tao.
Trên lầu cũng trống trơn nhưng được cái sạch sẽ và thoáng khí hơn ở dưới. Tôi gọi Điểu:

-Lấy đèn cầy đốt lên đi Điểu.
Điểm cắm cây đèn sáp nơi góc phòng, trong lúc tôi và Hiếu kiểm soát mấy cánh cửa sổ. Không còn cánh cửa nào nguyên vẹn. Tất cả đều xiên xẹo sút bản lề. Cánh cửa thông ra phòng phía trước ổ khoá đã sét cứng không mở được. Gió đêm thổi luồn qua bốn khung cửa sổ mở rộng, làm nổi gai theo tiếng dong đưa kẽo kẹt của mấy cánh cửa mục nát.

Tụi tôi trải tấm bạt xuống sàn gần khung cửa có nhánh Tùng vắt ngang bên ngoài. Nhớ lời Nhuỵ kể, tôi đoán con ma đã ngồi trên cành này nhát Nhuỵ. Cho đến bây giờ, thật tình mà nói, tôi vẫn không tin có chuyện ma quỉ hiện hình. Nhưng nói nào ngay, khung cảnh hoang liêu ở đây không khỏi làm tôi hoảng sợ. Tôi dấu bặt Hiếu và Điểu chuyện Nhuỵ gặp ma tại lầu này, để lòng can đảm của tụi nó khỏi bị sút giảm.
Trải xong tấm bạt. Hiếu thắc mắc:

-Sao không ngủ giữa phòng mà lại nằm gần cửa sổ?
Tôi giải thích:

-Nằm ở đây mình có thể quan sát được ba cửa sổ còn lại. Hơn nữa-tôi đùa-nếu ma nó đu vào cửa sổ trên đầu mình, thì mình còn có cơ hội đá ngược cho nó văng ra ngoài chớ.

Tiếng hú nhọn buốt vang lên vào khoảng gần nửa đêm làm tụi tôi giật điếng người. Ban đầu, tiếng hú nghe thật xa như ở bên kia hồ Tịnh Tâm. Càng về sau, tiếng hú thật gần như thể đã lọt vào khuôn viên lầu Nam Phương. Tụi tôi muốn đứng tim vì sợ hãi. Sáu con mắt trợn trừng trong bóng đêm. Ánh nến bập bùng nơi góc phòng tắt phụt vì cơn gió đập mạnh bên ngoài.

Giọng cười the thé dội lên từ dưới lầu như cục nước đá chà xát vào làn da đang nổi gai của tụi tôi. Rồi, tiếng chân kéo lê lần theo cầu thang lên lầu. Giọng cười bổng đổi thành tiếng khóc nỉ non rên rỉ.

Hừ...hừ...trả...nhà...lại...hừ...hừ...nhà...của...tau...răng bây dám...vào...hừ...hừ...
Tụi tôi nằm cứng đơ như xác chết. Hùng khí ban đầu bốc hơi theo những giọt mồ hôi rịn ướt áo. Cây đèn pin mò tìm run rẩy, sẩy tay lăn mất ngõ nào.

Tiếng chân xoàn xoạt kéo lê gần hết cầu thang thì ngưng lại. Tôi nghe thật rõ hơi thở phì phò của con ma đâu đó nơi khoảng tối phía cầu thang. Sự sợ hãi tưởng chừng như bóp nghẹt hơi thở tôi. Tôi mườn tượng ra một khuôn mặt xanh lè, cái lưỡi dài thòn đỏ choét sắp liếm vào mặt mình. Rồi đôi bàn tay với những móng tay nhọn hoắc cắm sâu vào cổ. Làm sao đây?

Mười phút trôi qua trong im lặng...tôi lay nhẹ cánh tay Điểu, nhưng lại có cảm giác như đang chạm vào một cây nước...đá lạnh ngắt.
-Điểu...Điểu.
Điểu chận tay tôi xuống, thều thào:

-Im...nằm im.
Con ma bay ra cây Tùng ngoài cửa sổ lúc nào chẳng biết. Khi tiếng hú của nó xoáy vào phòng thì bóng nó đã lù lù hiện lên trên khung cửa sổ. Hồn bất phụ thể, tôi hét một tiếng lớn rồi đá ngược hai cẳng vào bóng con ma. Đây có lẽ là cú đá mạnh và tuyệt vời nhất kể từ khi tôi mang đai đen nhất đẳng Thái Cực Đạo.
Bịch...hự...
Chân tôi chạm vào một khối thịt mềm nhũn. Con ma bật ra ngoài cửa sổ rơi xuống đất theo tiếng gẫy răn rắc của những cành Tùng.
Một phút im lặng.

Bỗng, tiếng hú lại cất lên bên dưới. Lần này, giọng hú yếu hẳn pha lẫn tiếng rên rĩ đau đớn rồi xa dần...xa dần. Cuối cùng, tiếng hú tắt nghẽn bên kia hồ Tịnh Tâm.
Sau đêm đó, tụi tôi cải nhau chí choé. Điểu và Hiếu cứ khăng khăng là ma thiệt. Không đồng ý với tụi nó. Tôi hỏi:

-Nếu ma thiệt...làm sao tao đá nó rớt xuống đất chớ?
Hiếu cãi:

-Mi đá hắn hồi mô? Răng tao không thấy?
-Mày sợ quá xỉu ngay đơ còn thấy gì nữa.
Điểu xen vào:

-Rứa tao răng? Tao đâu có xỉu. Răng tao cũng đâu thấy mi đá hắn?
Tức quá, tôi chỉ tay vào túi xách treo trên tường:
-Vậy thì thằng nào giật túi xách của tao trùm vô đầu?
Điểu quê độ làm thinh. Tôi đá mạnh cái ghế bỏ ra ngoài. Bực bội, tôi thả bộ ra quán cà phê ông Đường. Nhuỵ đang ngồi uống cà phê bên cái bàn ngoài sân. Thấy tôi, nó mừng rỡ gọi:

-Anh Ngọc.
Gặp thần Tài, tôi mừng húm băng vội qua đường.
-hồi nãy vô rủ anh đi uống cà phê nhưng thấy anh đang nói chuyện với bạn, nên tui ra đây ngồi chờ. Cà phê hỉ?
Tôi hỏi:

-Nhuỵ đi đâu mấy bửa nay hong thấy?
Nhụy ngập ngừng:

-Tui tới nhà bà cô chơi.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, vô tình đụng vào chân Nhuỵ. Nó nhăn nhó ôm chân. Tôi thấy bàn chân trái của nó xưng vù băng quấn lên tận mắt cá. Tôi ngạc nhiên hỏi:

-Ủa...chân Nhuỵ sao vậy?
Nhụy làm thinh cầm ly cà phê uống từng ngụm nhỏ. Xong, nó dằn mạnh ly cà phê xuống bàn, buột miệng chửi thề:

-Đù mạ hắn...tức chết đi được.
-Chuyện gì vậy Nhuỵ?
Nhụy dòm quanh quất rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: 

-Chỗ anh em, tui nói cái ni anh đừng nói lại cho ai nghe hỉ.
Tôi cười cười vỗ vai nó:

-Đừng lo. Anh không nói cho ai nghe đâu.
Nhuỵ cúi xuống tay xoay xoay ly cà phê trên bàn. Nó hỏi tôi với giọng trầm trầm vừa đủ nghe, như thể sợ ai đó đang lắng nghe lời của nó:

-Anh biết hồ Tịnh Tâm? Anh biết những vụ mất xe trong Đại Nội? Anh biết chuyện con ma lầu Nam Phương?
Nhuỵ hỏi một hồi rồi nhìn tôi chờ đợi. Tôi gật đầu. Nhuỵ từ tốn nói tiếp:

-Tôi chính là người ăn cắp những chiếc xe đạp trong trường Mỹ Thuật và Âm nhạc. Anh tin không?
Tôi giật mình:

-Té ra là Nhuỵ...rồi Nhuỵ dấu ở đâu? Làm cách nào Nhuỵ đem xe ra được?
Quên cả đau, Nhuỵ nở nụ cười láu cá:

-Rứa mới hay. Anh biết tui dấu chỗ mô không?
Thấy tôi đực mặt ra, nó khoái chí tợp một ngụm cà phê rồi nói tiếp:

-Hồ Tịnh Tâm. Vớt được chiếc mô tui quăng xuống hồ. Tối đến chỉ việc kéo lên đạp qua bên kia hồ, luồn lỗ chó dưới chân tường ra ngoài thành là xong.
Tôi khen:

-Nhuỵ hay thiệt! Hèn chi cảnh sát gát cổng thành ngày đêm mà không bắt được thủ phạm.
-Chưa hết đâu anh! Muốn chắc ăn khỏi bị lộ tẩy. Hằng đêm, tui giả làm ma gào, qủi khóc ở lầu Nam Phương cạnh hồ để không ai dám léo hắn tới.
Tôi lại giật mình lần nữa. Chẳng lẽ con ma lãnh trọn cú đá thực mạng của tôi lại là Nhuỵ, thằng em ơn nghĩa này sao?
Tay xoa ngực, mắt nhìn xuống cái chân đau, Nhuỵ nghiến răng:

-Tối hôm kia có mấy thằng ôn dịch ở mô không biết, tự dưng vào trong nớ ngủ lại.
Tôi làm bộ hỏi:

-Vào trong nào?
Nhụy tức tối:

-Lầu Nam Phương chứ mô nữa! Gần nửa khuya tính vào hồ kéo xe đạp lên thì thấy có ánh nến trên lầu. Lại nghe tiếng nói chuyện rù rì của hai ba người. Loáng thoáng có giọng thật quen, nhưng nhỏ quá tui nhận không ra. Tui đoán mấy tay ni muốn rình coi ma, nên lẳng lặng qua bên kia hồ ngồi chờ, đến nửa đêm sẽ trở lại hù một mẻ để mấy thằng ôn dịch chạy té đái chơi cho kinh hồn. Hết dám vào đây phá đám.
Với gương mặt căng thẳng, tôi giả vờ hồi hộp hỏi:

-Rồi...Nhuỵ có trở lại hong?
-Răng không! Tui hú, tui rên, tui làm đủ trò. Tui mò lên lầu. Nhưng, tối quá không dám bước gần chỗ tụi hắn nằm ngủ cạnh cửa sổ. Tui sợ tụi hắn thủ gậy bổ cho một cái là rồi đời. Mà...kể ra tụi hắn cũng gan thiệt, tui dọa rứa mà chẳng có đứa mô chạy hết. Chợt nhớ đến nhánh Tùng gần cửa sổ nơi tụi hắn nằm, tui đi xuống vòng ra cây Tùng, leo lên đu theo cành bám vào cửa sổ. Vừa mới mở miệng hú chưa dứt thì...mụ nội ơi...nghe một cái...bịch vô ngực. Tui bật ngửa rớt xuống đất...xỉu một chập mới tỉnh dậy-Nhuỵ ngưng lại mồi điếu thuốc, rít một hơi lấy trớn rồi tiếp-lúc tỉnh dậy, mình mẩy rêm hết trơn. Chân trái bị trật đau thấu trời. Vậy mà tui cũng phải ráng sức hú thêm vài tiếng cho mấy thằng nớ chùn chân đừng đuổi theo. Rồi...tui ráng lết về nhà bà cô bên kia hồ.
Tôi nhìn Chân Nhuỵ ái ngại:

-Chắc còn đau lắm hả?
Nhuỵ trợn mắt tức tối:

-Răng không! Nó nghiến răng-Nói thiệt, tui mà biết được thằng mô đạp tui tối nớ. Tui...tui...bằm nó ra cho...vịt ăn mới hả cơn giận. Đồ...ôn hoàng dịch vật.

Tôi ngoảnh mặt sang nơi khác, cố giấu nụ cười "ôn hoàng dịch vật" của mình, trong lúc Nhuỵ nhăn nhó đứng lên, bước thấp bước cao vào quán trả tiền. Vừa đi, miệng nó vừa lẩm bẩm như thể đang nguyền rủa ai đó... Hết.

Hồ Xuân Ngọc.
(09.22.1995)



No comments:

Post a Comment