TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Sunday, February 2, 2020

TẾT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM - BÀI VIẾT HOÀNG ÁNH NGUYỆT


TẾT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM



 Tết Nguyên Đán là một ngày hội cổ truyền, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất, đã tiềm tàng những giá trị nhân văn, thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa Xuân, Hạ,Thu, Đông. Người Việt Nam xưa gọi Tết Nguyên Đán là Tết Cả, có nghĩa là ngày Tết lớn nhất, tưng bừng, nhộn nhịp, là lễ quan trọng nhất của cả dân tộc.. 

      Từ những thế kỷ trước. Đời Lý, Trần, Lê... Ông cha ta cử hành lễ Tết hằng năm một cách trang trọng. Tết còn là dịp để mọi người tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn trái nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng.

      Tết nói trại từ chữ Tiết, Tiết Nguyên Đán, Tiết Thanh Minh, Tiết Đoan Ngọ, Tiết Trung Thu, Tiết Trùng Cữu v.v…Trong các cái Tiết chỉ có Tiết Nguyên Đán được xem là vô cùng quan trọng, nhất là đối với dân tộc Việt Nam, vì đó là ngày đầu năm, đầu tháng, đầu ngày.  Người Trung Hoa gọi ngày Nguyên Đán là ngày Tam Thủy hay còn gọi Tam Nguyên (ba cái bắt đầu) là như vậy.

       Cuối năm cũng là cuối mùa nông nghiệp nên  có Tết Hạ Nguyên (Tết Cơm Mới) cúng tổ cơm vào ngày Hạ Nguyên (nửa cuối tháng Mười ta) cũng là lúc mùa vụ vừa xong. Người ta mừng Tết cơm mới để cầu phúc đức no đủ cho năm tới, tránh được thiên tai. Theo quan niệm của ông bà ta ngày xưa, những ngày này, Thiên Đình cử thần Tam Thanh xuống trần gian để xem xét việc tốt xấu về tấu với Ngọc Hoàng. Do vậy, mọi nhà phải chuẫn bị làm lễ để thần Tam Thanh ban phúc lành, đồng thời tránh tai họa và cũng là dịp “ Tiến Tân” cơm gạo mới cúng tổ tiên ông bà.

      Nhân Tết Hạ Nguyên, mọi người đều phải mua quà, gạo nếp cùng những đặc sản lúc giao mùa Thu Đông để biếu ông bà, cha mẹ và những bậc cao niên được tôn kính để tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn bề trên.

      Sau ngót 365 ngày, đầu tắt mặt tối. Tết chẳng của riêng ai mà Tết của khắp mọi nhà, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. Tất nhiên là mỗi dân tộc đều có cái Tết khác nhau.

      Riêng đối với người Việt Nam trên khắp năm châu, dù có mừng lễ nào lớn đến đâu đi nữa, Tết Nguyên Đán vẫn là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong truyền thống lễ hội Việt Nam, mang đậm nét dân tộc độc đáo, phản ảnh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên. Một dịp để mọi người đón mừng Tết một cách trang trọng, mang nhiều ý nghĩa linh thiêng từ ngàn xưa mà tổ tiên chúng ta để lại và cũng biểu trưng cho linh hồn của một dân tộc. Một giá trị tâm linh rất sâu sắc, ẩn sâu trong đời sống của mỗi người, nhất là trong gia đình và cả trong cộng đồng nữa, gọi chung là giá trị của Văn Hóa Việt Nam.

     Người Việt tin rằng, vào ngày Tết, mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại cảnh cho đến lòng người, vì vậy trước Tết khoảng mười ngày, mọi người thường sơn, quét vôi nhà cửa lại, quét dọn bàn thờ sạch sẽ, chùi bóng bộ lư đồng. Cũng như tất bật đi mua sắm quần áo mới cho con cháu để mặc trong dịp này, mua sắm gạo dự trử. Chúng ta cũng chuẩn bị các thức ăn đặc biệt. Nấu bánh chưng, bánh tét, bánh tổ, thịt kho, dưa giá, khổ qua hầm…     

       Trong bất cứ chuẩn bị nào cho ngày Tết đều như có một sự ràng buộc và sự liên hệ với tổ tiên, với quá khứ và hiện tại, để chuẩn bị cho tương lai: cho những công việc làm ăn, toan tính và những mơ ước của cả năm mới. Ngày đầu xuân, mọi người chúng ta đón Tết với cả tâm tình theo một nghi thức đặc biệt khác hẳn với những chuẩn bị của những dân tộc khác.

      Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, của mọi nhà. Tết cổ truyền Việt Nam thắm đượm tình người trong trời đất, sâu thẳm nơi cội nguồn mà gia đình là cái nôi bảo tồn. Những phong tục, tập quán nghĩa tình trong mấy ngày Tết diễn ra trong các gia đình tạo thành truyền thống, làm nên một giá trị tâm linh của văn hóa gia đình. Nhờ những ngày Tết, con người được trở về với cội nguồn, với chính mình.

       “ Dù ai đi đâu, ở đâu thì những ngày Tết cũng mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, tuân theo những tục lệ thiêng liêng, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ ông bà, những nơi của thời thơ ấu, mong được sống với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi cất tiếng khóc chào đời, làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con và người thân ruột thịt môt cách tự nguyện. Ngày Tết không ai bảo ai gặp nhau người ta đều tươi vui, tay bắt mặt mừng, hớn hở, cầu chúc và mừng tuổi nhau, cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp “Năm mới vạn sự như ý” , Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh… rộng rãi, cởi mở, tha thứ cho nhau những lỗi lầm, củng cố tình bạn, tình yêu thương với mọi người, với người ruột thịt trong gia đình thêm khắn khít hơn, chân thật hơn, tình cảm thương yêu nhân nghĩa hơn...”

      Qua các lễ và tục lệ như: lễ Cúng Ông Táo, lễ Cúng Giao Thừa, lễ Tống Cựu Nghinh Tân, lễ Tiễn Ông Bà...Tục lệ xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi, thăm viếng họ hàng…Mỗi một lễ hay tục lệ là một bài học giáo dục khơi dậy cái thiện, xóa đi cái ác. Vì thế trong các ngày Tết, con người ai cũng mong mỏi tất cả mọi người đều tốt đẹp hơn. Những lời chúc đầu năm xuất phát từ cái tâm chân thật, không phải là những lời chót lưỡi đầu môi. Vì những tục lệ ngày Tết, lưu truyền từ bao đời có giá trị văn hóa cao, bất cứ nơi nào, chúng ta cũng phải làm gương cho con cháu hiểu biết mà bảo tồn, nhất là luôn luôn hướng tâm về cội nguồn.

      Người Việt Nam từ bao đời nay vẫn nhớ Tết Táo Quân. Theo truyền thuyết dân gian ông Táo còn gọi là ông Đầu Rau, ông Than bếp…là vị thần coi sóc bếp lửa trong một gia đình. Mỗi nhà đều có 3 vị thần là Thổ Địa, Thổ Kỳ và Thổ Công, tức ông Táo.Tục thờ Táo quân (thần lửa) còn là lễ nghi tẩy rửa. Tàn tích đó vẫn còn để lại trong phong tục cô dâu, trước khi bước vào nhà chồng, phải bước qua một bếp lò, dùng tro than biểu tượng cho “tháng tẩy” v.v…

      Tết Táo Quân được cử hành vào ngày 23 tháng Chạp. Ngày hôm ấy là ngày mọi nhà tiển đưa Ông Táo về trời. Từ sáng sớm, người ta ra chợ mua lễ vật về cúng. Lễ vật gồm có nhang đèn, hoa quả, kẹo bánh, thèo lèo, hai cái mũ Táo Ông, một mũ Táo Bà, ba con cá chép làm “ngựa” (cá chép hóa rồng). Cúng xong, mũ được đốt và thả ba con cá chép sống xuống sông, để hai ông một bà này về trời tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế, kèm theo sớ Táo Quân trình tấu chuyện hạ giới một năm qua. 

      Việc dọn dẹp bếp và cúng Táo Quân xong. Các bà nội trợ còn sửa soạn muối dưa, làm dưa món, nén hành, nén kiệu, bó giò…làm đủ thứ thức ăn cho ngày Tết. Các bà thường hay nói: “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối để cho thêm phần đậm đà, còn vôi để xóa đi những gì cần bỏ qua, vì vậy mà sau những ngày mùa cuối năm, các cụ thường hay quét vôi lên tường nhà để tẩy xóa những dơ bẩn. Cũng là Tết cuối cùng.

      Sau Tết Táo Quân là đến đêm 30 là đêm trừ tịch, cúng Giao Thừa. Mọi người trong gia đình quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ, đánh bài, ca hát hoặc ngồi chờ nồi bánh chưng sôi sùng sục, kể cho nhau nghe những chuyện cổ tích.

      Thiêng liêng nhất là lễ Cúng Giao Thừa. Đây là giây phút linh diệu. Cử hành lễ Cúng Giao Thừa, tất cả các gia đình dù giàu hay nghèo cũng đều chuẩn bị mâm cổ lên bàn thờ cúng gia tiên với đủ các món ăn truyền thống: thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, hoa trái để bày tỏ lòng biết ơn của mình, trên bàn thờ được thắp nhang liên tục trong suốt ba ngày Tết. Mùi nhang tỏa ra hòa lẫn vào không khí cho chúng ta có cảm giác hòa hợp âm dương giữa con người và thần linh, giữa người sống và người chết. Và một mâm cúng giao thừa ngoài trời. Đây là một ngày hết sức quan trọng vì chính là ngày phải tổ chức buổi lễ Rước Ông Bà Tổ Tiên về cùng ăn Tết cả với con cháu.
 
       Giờ xuất hành, trong ngày đầu năm là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới, để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Là một việc có ý nghĩa quan trọng nên người ta phải tính kỹ. 
 
       Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, phương hướng, tuổi tác đến giờ giấc v.v…để mong gặp được quý thần, tài thần, hỷ thần…Nếu xuất hành đến chùa, sau khi lễ bái, còn có tục lệ bẻ lấy một cành lộc để mang về. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.

       Người tuổi nào phải xuất hành hướng nào và giờ nào thích hợp, và muốn biết chi tiết ấy người ta phải đi xem quẻ…để biết giờ hạp và thích hợp.

      Giờ xông đất bắt đầu từ sau Giờ Giao Thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm củ đã qua, năm mới đến. Cách xông đất, sau giờ giao thừa, thường để người thân trong gia đình tự xông lấy. Người ta thường chọn một người dễ vía, tức vía tốt, ra đi từ lúc chưa hết giờ trừ tịch. Lúc trở về nhà đã bước sang năm mới, người này tự “xông nhà”, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình theo quan niệm của ông bà xưa. Đi xông nhà như vậy tránh được sự nhờ vã.

      Cho nên dù biết xông đất, xông nhà người khác là một vinh dự nhưng ai cũng e ngại, vì sợ vía của mình không biết có đem lại may mắn hay  tốt lành cho gia chủ hay không. Phải chờ đến hết năm, mới biết được. Do đó, điều mong mỏi của mọi người là buổi sáng đầu năm có một người hiền lành, tánh tình vui vẻ, bước chân vào nhà họ đầu tiên.
 
      Tục chúc Tết vào dịp Tết Nguyên Đán là một dip để cho mọi thành viên trong gia đình sum họp. Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thắm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý.

     Mồng Một là Tết Nhà Cha. Sáng mùng Một, sau khi lễ GiaTiên, cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc thọ, Ngày xưa, họ còn được con cháu tế sống với hai lạy, hai vái. Để mừng tuổi con cháu, là những bao lì xì đỏ tươi làm ngời lên ánh mắt mừng rở của con cháu. 

      Mồng Hai là Tết Nhà Mẹ. Cha Mẹ và con cháu phải sang nhà Ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự như bên Nội, sau đó ở lại để cùng ăn tiệc đầu Xuân, nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình. 

      Mồng Ba Tết Thầy. Sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là  phong tục nói lên tư cách, đạo đức của một con người. Tục Chúc Tết là một nét văn hóa thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có của sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. 

      Với người Việt Nam, ba ngày Tết lúc nào trên bàn thờ gia tiên cũng phải có nhang đèn và mâm ngủ quả, là một mâm gồm 5 thứ trái cây. 

      Theo quan niệm của ông bà xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Mâm ngủ quả của người miền Nam gồm: Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Quả Sung, Xoài, với ý nghĩa cầu vừa sung mãn đủ xài. Đồng thời người ta kiêng kỵ nhiều thứ, như kiêng không nhắc đến những chuyện xấu, không tranh cải, dùng những câu chữi thề, cố nhịn với nhau, giải hòa vi quý, để được may mắn cả năm

      Không được quét rác trong nhà ra cửa, rác quét vào trong nhà dồn vào một góc sau ba ngày Tết mới hốt hay quét lại bình thường. Theo ông bà ngày xưa nếu quét rác trong nhà ra sân thì năm đó coi như tiền bạc sẽ ra, kiếm được tiền cũng không giữ được.

      Vì sao có tục kiêng hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết? Theo truyền thuyết trong “ Sưu thần ký” có ghi lại chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, Âu Minh đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng Một Tết, Âu Minh đánh con hầu, sợ quá nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh suy sụp và trở lại kiếp nghèo. Hốt rác ngày Tết có nghĩa hốt bỏ cái hên đi. Tục kiêng hốt rác ba ngày Tết bắt đầu từ ngày 30 cuối năm, dầu bận rộn tới đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa, quét hốt sạch sẽ. Đầu năm thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không được bỏ rác bừa bãi, để không phải quét nhà và hốt rác ngày Tết nữa.

      Qua những giây phút sống với phong tục tập quán đẹp đẽ của những ngày Tết, chúng ta mới cảm nhận được cái may mắn khi mình được sống trong nếp sống gia đình, văn hóa dân tộc, một nếp văn hóa cao siêu. Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn Tổ Tiên, Ông Bà đã đễ lại cho chúng ta những phong tục đẹp trong ngày Tết. Những phong tục đó có sức hấp dẫn lạ kỳ, khơi gợi mọi người nhớ về tổ tiên sống trong bản ngã, quay về với cõi linh thiêng, cội nguồn, để luôn hướng tới niềm tin nơi Trời, Đất mà vì bận rộn, vật lộn mưu cầu cuộc sống vất vã khiến ta quên đi, quanh ta còn có Ông Bà, Thánh Thần, Trời Đất.

      Những phong tục đẹp trong ngày Tết diễn ra trong các gia đình Việt Nam còn là bài học về mối quan hệ giữa người với Trời, Đất, để con người được sống hòa nhập với thiên nhiên theo nguyên lý Thiên-Địa-Nhân hợp nhất của Triết Học Phương Đông. Vì vậy nuôi dưỡng những giá trị tâm linh mà văn hóa gia đình đem lại cho ta phù hợp với bản sắc dân tộc và thời đại, nó sẽ giúp con người trở thành người hoàn hão trong sự hợp nhất với Vũ Trụ..

 

Hoàng Ánh Nguyệt



No comments:

Post a Comment