TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Wednesday, November 13, 2019

VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ - BÀI VIẾT - LÊ THÀNH CÔNG





VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ

            LÊ THÀNH CÔNG

          Hình như tạo hoá khi tạo dựng con người, đều có "nhã ý" tặng mỗi người một tài năng riêng biệt, một cái "gift" tiềm tàng bên trong mà khi mới chào đời chưa lộ ra để ai thấy được. Từ lúc còn là đứa trẻ khóc oe oe, trần truồng, mắt nhắm nghiền, da thịt đỏ hỏn...tất cả đều là hình ảnh sơ thời giống nhau. Thế mà trong vòng hơn mười năm sau, mỗi con người đã dần dần hiện ra những cá tính, những nét đặc thù, hoặc tài năng riêng...của tạo hoá ban cho người đó, chỉ riêng cho người đó mà thôi. Và cũng nhờ tính chất cá biệt riêng rẽ này, mỗi cá nhân mới tạo được một vị trí riêng biệt trong lòng người khác. Quí vị, các anh, các chị, Dương Quân và tôi, đều nhận được cái "gift" của tạo hoá ban cho, nhưng "phần" của mỗi người đều khác nhau.

          Tôi là một trong những người bạn của Dương Quân đã gần 50 năm qua kể từ ngày chúng tôi được tuyển đậu vào lớp Đệ Thất (Lớp 6) trường Trung học Petrus Ký. Chúng tôi được xếp học chung một lớp suốt cả 7 năm trung học và cũng là bạn sau nầy suốt cả quãng đời - cho đến hôm nay.
          Do đó, tôi "thấy" cái gift của tạo hoá tặng cho Dương Quân khác hơn tôi và các bạn khác. Thật vậy, ngay từ khi còn mặc quần ka-ki xanh, áo sơ mi trắng, thêu phù hiệu Petrus Ký trên túi áo, những năm đầu đệ nhứt cấp trung học, những bạn nhỏ chúng tôi đã nhận thấy người bạn nhỏ Dương Quân cùng lớp đã có "máu" thi văn, có khiếu về văn chương . "Tình anh phát tiết" sớm quá (?). Tôi nghĩ vậy mỗi khi nhớ về người bạn nầy.

          Mà quả thật, hình như anh được sanh ra để "ăn nói" và viết lách. Anh nói cái gì cũng được trơn tru, hoa mỹ...và đặc biệt là cách trình bày, phô diễn có nhiều khả năng lôi cuốn người nghe. Người nghe là bạn bè trong lớp, và "người nghe" đó là các cô nữ sinh choi choi của các trường khác...khi anh ta, chúng tôi đi ...tán đào. Tôi thấy lối nói chuyện hấp dẫn, lối nói chuyện rất...công hiệu của Dương Quân, lối nói duyên dáng, day dứt như kẹo mạch nha, câu nầy nối tiếp câu kia, ý nầy liên kết ý nọ, khiến em nào được "tán" đều cảm thấy lòng mình hư nở hoa vì tai mình được nghe những lời hoa mỹ chải chuốt, ngọt ngào, đậm đà như...champagne, khiến lòng thấy lâng lâng ngây ngất.
Đó là lối "nói" - còn lối  "viết" thì Dương Quân cũng khác hơn nhiều bạn khác.
          Nhớ lại những năm chúng tôi còn là học trò nhỏ - được học tại một trường Trung học nổi tiếng của miền Nam - và trong khung cảnh miền Nam thanh bình, bọn học trò chúng tôi ngây thơ, vui lắm. Nên ngoài việc học, chúng tôi còn "bày ra" việc viết Lưu Bút, và viết Bích Báo.
          Lưu Bút Ngày Xanh là một quyển sổ bìa cứng, bên trong là những trang giấy pelure màu, hoặc giấy ca rô trắng muốt, giữ thật kỹ, thật đẹp, đưa tận tay những người bạn thân thiết để ghi lại những dòng lưu niệm.
          Những trang "Lưu bút ngày xanh" của Dương Quân viết cho bạn bè mang một nét hơi lạ lạ. Nét chữ của anh bay bướm, huê dạng, đặc biệt là các chữ "g" có cái đuôi dài -  lê thê như áng mây chiều (!) - tha thướt. Và lời văn của Dương Quân không có vẻ gì là để dành cho những trang lưu bút rất ư là...học trò, như - nhìn những cánh phượng rơi trong gió, cảm thấy buồn bâng khuâng vì rồi đây chúng ta sẽ tạm chia tay - nghỉ hè - không còn đùa giỡn với nhau hằng ngày; hoặc xa thầy cô, xa mái trường thân yêu , xa bạn bè thương mến, còn đâu những kỷ niệm êm đềm chia nhau trái khế, ly kem...

          Thoát ra những sáo ngữ ấy, Dương Quân thể hiện lối viết đột phá trong văn chương so với các bạn cùng trang lứa. Anh viết như những lời tự tình, những xúc cảm bàng bạc trong lòng người con trai đa cảm.
          Giờ đây trí tôi không còn tốt để nhớ nhiều. Những năm tháng bị tù đày, những thăng trầm nghiệt ngã hằng vài chục năm chồng chất đã vô tình...xâm thực và xói mòn một phần lớn những kỷ niệm  trong cuộc đời mình với bạn bè. Nhưng tôi không thể nào quên một câu của Dương Quân đã viết trong quyển "Lưu Bút Ngày Xanh" của tôi vào lúc đó. Anh viết "...Anh với em như băng hà với biển, và ngàn năm mãi mãi, biển bao quanh băng hà...!!" Chỉ có mấy chữ thế thôi, mà sao tôi thấy hay quá, lãng mạn quá. Tôi thấy xao xuyến cảm động và có chút gì cảm phục, vì với ý nghĩ của bọn học trò lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ (lớp 7 , 8) của chúng tôi lúc đó, chưa ai nghĩ đến một ý văn như vậy.
          Cho nên về sau nầy, mỗi khi tôi viết thư tình, những lời văn hoa mỹ của anh đều được tôi tận tình chiếu cố, khai thác triệt để. Thank you Dương Quân - Đa tạ một tài hoa, với bút pháp huê dạng đã gợi cảm hứng cho tôi sau nầy.
          Rồi quãng đời học sinh thơ ấu êm đềm như giòng sông...Danube (?) và mỗi bạn bè chúng tôi người mỗi ngã. Dương Quân vào Quốc Gia Hành Chánh, còn tôi thì khoác chiến y. Người nghề văn, người nghiệp võ.
          Cuộc đời của Dương Quân trơn tru, sóng suốt như những dòng văn anh viết, sống những ngày hoa gấm như nét đẹp trong thi văn anh sáng tác, chí tang bồng hồ thỉ được điểm trang thêm cho cuộc đời bay bướm hào hoa của anh, tung anh lên cao như những áng mây lang thang trong bầu trời mơ ước. Trong thời gian làm công chức trẻ không dài mà anh đã giữ các chức vụ chỉ huy ở địa phương  Quận, Tỉnh - và ở Trung Ương Phủ Bộ - nhứt là khi anh giữ chức vụ Công Cán Uỷ Viên - Giám đốc Trung Tâm ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục, anh đã chứng tỏ là người biết "ăn nói" viết lách và tài năng giao tế, khả năng nghề nghiệp đã giúp anh thành công trước khi vào tù cải tạo 8 năm ở miền Bắc.
          Sau hơn 20 năm dong ruỗi trên đường đời, thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại nhau hàn huyện trò chuyện. Anh lại trở về nhiệm sở, tôi trở ra đơn vị nhưng tình bạn chúng tôi vẫn như xưa, ngày nào mặc quần ka ki xanh, áo sơ mi trắng và phù hiệu thêu trên túi áo

          Nhưng lần xa nhau sau năm 1975, bạn bè chúng tôi mỗi người một Trại Cải tạo khác nhau, kẻ rừng sâu, người núi rậm, như là lúc hạnh phúc con người , khi vươn lên chưa tới đỉnh ước mơ thì bị tuột dốc...down hill. Ở tù ra tôi hỏi thăm các bạn bè thì biết Dương Quân vẫn còn sống. Nghe tin anh đang làm lò gạch, và tôi quyết tâm đi tìm...
          Với chiếc xe đạp cũ kỹ, xộc xệch, tôi chen chúc lạng lách trên con đường đất đỏ chật hẹp mà những ổ gà, ổ voi đã chiếm hơn 2/3 mặt lộ. Tôi cảm thấy hơi băn khoăn khi nhìn trước mặt khoảng đường còn dài hơn vài cây số. Nhưng tôi không nản lòng, tiếp tục đi tìm anh theo hướng người quen đã chỉ dẫn.
          Giữa cánh đồng hoang vắng, một vài con bò gầy gò đang gặm cỏ trên gò đất, từ xa tôi thấy những hàng gạch đang được phơi nắng chung quanh một mái nhà tôn thấp lè tè mà nhiều tấm đã rỉ sét, không vách, không cửa. Tôi nghĩ đó là nơi làm gạch. Một đám người đứng lố nhố trai gái lẫn lộn, la lối xôn xao đang loay hoay dưới mái nhà. Chính giữa gian nhà là một cổ máy đang nổ xình xịch, khói đen tua tủa. Phía trên cổ máy là một cái cối lớn đựng đất sét. Một người hơi già đang ở trần, mặc quần dài, hai ống quần xăn lên tới đầu gối đang rút chân lên, đạp chân xuống, để nhồi đất cho dẻo; chân thì bước tới, bước lui đạp đều để ém đất vào trục quay của cối, mắt thì nhìn trục quay, vừa nhìn dòng đất sét được cối ép nặn ra để được cắt thành những viên gạch, miệng thì quát tháo la đám thanh niên đang cười giỡn ầm ĩ, mồ hôi giọt ngắn giọt dài, ướt đẫm mình trần...thiếu mỡ, thiếu thịt...
          Thấy có người bước vào, mọi người đều nhìn ra. Riêng người đứng trên cối vẫn không ngừng chân đạp.
          Tôi cất tiếng hỏi thăm:"Xin lỗi, ở đây có ông Dương...? Người đứng trên cối, ngước mắt nhìn tôi. Tôi nhận ra ngay, ông ta là Dương Quân.
Đúng rồi, đúng là Dương Quân của Petrus Ky ngày nào. Đúng là Dương Quân hào hoa phong nhã, "vang bóng một thời"........
          Tôi hơi bàng hoàng xúc động. Anh vẫn chưa nhận ra tôi. Thấy anh ngơ ngác, tôi nhắc tên và nở nụ cười quen thuộc - nụ cười sau bao năm tháng đọa đầy vẫn chưa bị héo hon:
          Công đây, Lê Thành Công, Petrus Ký đây. Tôi dường như hét hơi lớn, vừa như để át tiếng xình xịch của cổ máy. Nhờ vậy, Dương Quân nhận ra tôi. Đôi mắt anh chợt sáng lên và hình như trong khoảng khắc 1/1000 giây phút đó, hình ảnh người bạn nhỏ Petrus Ký năm xưa đã trở lại trí nhớ của nhau.
          Dương Quân đã nhận ra tôi. Một thoáng...lệ chẳng hoen mi...nhưng hơi xúc động. Phải chăng, hai câu thơ sau đây của nhà thơ nào đó, đã diễn tả giùm cảnh huống bấy giờ của chúng tôi:
"Nầy đây - là thật cố nhân
Mà ôi thôi - đã phong trần cả hai."....

          Dương Quân bước xuống khỏi cối đất sét, bảo cho tắt máy, và ra lệnh cho tất cả được nghĩ đến chiều. Anh rửa chân tay, khoác vào cái áo ka ki xanh dương cũ kỹ, tôi chở anh trên xe đạp ra ngoài quán cà phê đầu đường , kể lại chuyện xưa, chuyện tù, chuyện khổ v. v...Từ đó về sau, chúng tôi lại thường gặp nhau ở quán cà phê lề đường, ở nhà tôi dưới tàng cây mận, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện phản bội, chuyện chung tình, chuyện đói nghèo, chuyện bon chen, chuyện xe thồ, chuyện nhọc nhằn của chúng tôi và của người đời, của bạn bè...trước khi tôi định cư xứ người . Sau đó, anh cũng tiếp bước  H.O........
- Helo! Thành Công đây!
- Helo! Tôi nghe! Dương Quân trả lời bên kia đầu dây điện thoại từ bờ Đông Florida nước Mỹ, với tôi từ bờ Tây California , nước Huê Kỳ. Nhưng Đông và Tây không hề cách biệt vì thường lệ cuối tuần , chúng tôi vẫn gọi, hỏi thăm nhau. Dù thường  xuyên nói chuyện với nhau, nhưng chúng tôi chưa lần nào gặp nhau trên đất tạm dung nầy. Anh làm thơ gởi qua tôi. Anh nói:
"Rồi hôm nay, soi gương ta chợt thấy
Da đồi mồi, tóc bạc, trán nhăn nheo
Ta biết mình sức không còn vùng vẫy
Đời sắp tàn với nấm mộ đìu hiu."
          Lời thơ của Dương Quân phản phất "La mort de Loup" của Alfred De Vigny:
"Et enfin, comme moi, souffre et mourir sans parler."
          Gần 50 năm, khác với những dòng lưu bút ngày xanh anh viết xưa kia cho tôi và các bạn nhỏ ở Trường Petrus Ký.
          Tuy anh mệt mỏi, nhưng tôi không quên hình ảnh Dương Quân xắn quần đứng trên cối, đạp nhồi đất sét để làm gạch...Hình ảnh đẹp như thơ văn của anh. Dù hoàn cảnh nào, dù gian truân thống khổ nào, anh vẫn thích nghi, hiện ngang đối đầu với thử thách, cũng như phải tự trui rèn nghị lực để tồn tại sau bao năm dài trong ngục tù bao la. Không ngã quỵ để bị hủy diệt, không ngã lòng để mất tiết tháo, Dương Quân vẫn sống, vẫn làm thơ, dù trong điều kiện cực kỳ cay nghiệt trong trại tù. Hồn thơ anh vẫn lai láng, tuy ý thơ đã pha thêm vị đắng cay.
          Hay là vì phong thổ mà quít Giang Tây có chút thay đổi vị ngọt? Nhưng không sao cả. Vì như thế mới thấy được đâu là xanh mộng ấu thơ, đâu là hoàng hôn xế bóng. Và cũng nhờ thế mới suy gẫm được đâu là nhung lụa, đâu là gió sương.
          Vài dòng về người bạn cũ, kỷ niêm một thời với kẻ đa tình, đa tài như Don Juan, đa năng, đa hiệu như Võ bị Đà Lạt, như Quốc Gia Hành Chánh...một loài chim bay xa với cái "gift" riêng của tạo hoá đã dành cho.

San Diego
Tháng 9/2003
Lê Thành Công




No comments:

Post a Comment