TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Thursday, January 14, 2016

QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH BÀI VIẾT HOÀNG ÁNH NGUYỆT







QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH 

 

    Quận Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hòa thời VNCH, nay là Huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, nằm về phiá Tây Nam thành phố Biên Hòa, phía Bắc giáp huyện Long Thành (Đồng Nai) và nằm về phía Đông Nam thành phố Sài Gòn, giáp các quận 2 và quận 9, phía Nam giáp khu Rừng Sác thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhơn Trạch là một quận xa nhất của Tỉnh Đồng Nai, từ tỉnh lỵ Biên Hòa đến Nhơn Trạch phải trải qua một khoảng đường dài trên 40 cây số, đi Quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), vừa qua khỏi chợ Long Thành, gặp ngã ba, rẽ tay mặt, đi Liên tỉnh lộ 25 vào Nhơn Trạch, nhưng nếu từ Nhơn Trạch đi Sài gòn thì lại rất gần, chỉ hơn 10 cây số, qua ngã Phà Cát Lái, hoặc cũng có thể đi từ trung tâm Sài Gòn đến Nhơn Trạch bằng ngã qua phà Thủ Thiêm (sông Sài gòn) đến Cát Lái rồi qua phà Cát Lái (sông Đồng Nai) đi đến Nhơn Trạch.Trước năm 1975, nơi đây có kho đạn thành Tuy Hạ, có trường Quân Khuyển, có Khu Trù Mật Hang Nai, một vùng đất rộng, trồng lúa và nhiều loại cây trái, phong cảnh hữu tình, đặc biệt có nhiều cá sấu ở khu Rừng Sác và có nhiều loài dơi xuất hiện vào mùa sầu riêng trổ bông và mùa chôm chôm chín.

Sau năm 1975, dân chúng thành phố Sài gòn bung về đây lập nghiệp, nhờ vậy mà huyện Nhơn Trạch trở nên trù phú của Biên Hòa Đồng Nai

       Người dân thành phố Sài Gòn, gần như có thói quen, sau những ngày làm việc vất vã ở thành phố, họ muốn có được những ngày cuối tuần thư giản bằng cách thực hiện chuyến du lịch dã ngoại, sống cùng thiên nhiên để hít thở chút không khí trong lành nơi thôn quê và thưởng thức những trái cây tươi, đặc sản miền quê, họ chọn về vùng huyện Nhơn Trạch, là một huyện gần Sài gòn và còn mang màu sắc miệt vườn. Điều thú vị nhất là ghé vào các khu vườn trái cây, đi dạo quanh tìm sự thoải mái qua cảnh trời cao, sông rộng, vườn cây trĩu trái, tỏa hương. Khung cảnh mát mẻ, êm ả của miền quê Nhơn Trạch dễ khơi gợi lòng người một niềm lưu luyến …

       Nhiều phong cảnh đẹp như tranh vẽ tạo cho đối tượng một sự thanh thản, một cảm giác tuyệt vời rất êm đềm, yên tĩnh…khiến cho tâm hồn con người dễ hòa nhập vào môi trường tự nhiên, cây trái xanh tươi trĩu cành;  thích thú nhất là thưởng thức các loại trái cây trong vườn do tự tay mình hái, những chùm chôm chôm đỏ tươi và những chùm dâu chín mọng, sum suê; đi dưới bóng những hàng mít, hàng dâu, có cả hàng dừa lẫn hàng cau dọc theo dòng kênh; ngắm những bụi thơm trái thật to, giống thơm tây, được trồng men theo bờ vườn chôm chôm, sầu riêng. Thơm tây Long Thành và Nhơn Trạch cũng đang là món quà quý của người miệt vườn dành để tặng bạn bè, hoặc du khách mua làm quà cho người thân khắp nơi nhất là ở thành phố; thêm vào đó, ta nghe có tiếng chim hót líu lo trên ngọn cây…. Ta cảm nhận được mùi sầu riêng lan tỏa ngát hương. Quả thật, không khí, màu sắc lẫn hương vị  miền quê Nhơn Trạch đã giữ một vai trò đặc biệt trong việc làm thư giản tinh thần cho một số đông người dân thị thành sau những tháng ngày cố bon chen tìm lẽ sống. Những chuyến vui chơi dã ngoại cuối tuần đã thật sự trở nên cần thiết đối với người dân cư ngụ tại thành phố Sài gòn và miệt vườn Nhơn Trạch là nơi tạo nguồn thư giản đầy thú vị.

       Muốn thưởng thức những đặc sản của vùng quê Nhơn Trạch, người ta thường để ý đến các mùa vụ trong năm: cứ hết mùa bưởi, mùa dâu, mùa sầu riêng lại đến măng cụt, chôm chôm… để có thể hưởng được hương vị của trái cây đầu mùa.

        Vào mùa xuân, hoa sầu riêng bắt đầu trổ bông, du khách về miệt vườn Phú Hội, Long Tân ( huyện Nhơn Trạch) chẳng những thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản mà còn có dịp thưởng thức món ăn thật độc đáo được biến chế, nấu nướng từ thịt con dơi.

         Miệt vườn Phú Hội Long Tân có rất nhiều loại dơi như: dơi chó, dơi sen, dơi hương, dơi quạ…Dơi quạ là loài dơi to nhất mỗi con nặng trên ký lô và khi bay hai cánh giang dài hơn cả mét, chuyên sống bằng cách hút mật bông sầu riêng và ăn chôm chôm chín, nên những người ăn thịt dơi sành điệu ở xã Phú Hội rất ưa thích những món thịt dơi quạ. Họ cho rằng thịt dơi quạ là món ăn đại bổ, bổ phổi, bổ thận, đặc biệt là món huyết dơi pha rượu, ngoài ra, trong dân gian còn truyền miệng, cho rằng huyết dơi quạ pha rượu uống sẽ trị được chứng bịnh lao, chỉ là bài thuốc dân gian, nhưng có rất nhiều người bịnh áp dụng, mặc dù chưa có sự kiểm nghiệm của ngành Y Học, nhằm xác định tánh dược trong huyết con dơi quạ.

        Theo ông Chín  Ra, nhà ở Bến Cẩm, xã Phước Thiền và vài ông chủ vườn sầu riêng nổi tiếng ở Phú Hội cho biết, dơi quạ  xuất hiện ở miệt vườn trái cây Nhơn Trạch một năm chỉ có hai lần. Lần đầu vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào mùa chôm chôm chín, khoảng Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Dơi quạ bay theo từng đàn và chọn những cây sầu riêng trổ bông thơm ngát, xà vào cắn đài bông để hút mật. Chúng rất khôn ngoan và biết phân biệt, chỉ chọn những cây thật ngon để cắn bông hút mật và thường xuất hiện lúc nửa đêm, đến tờ mờ sáng thì chúng bay về xóm Hố vùng ven khu rừng lòng chảo thuộc xã Phú Hội và Long Tân (Nhơn Trạch) để ngủ. Dơi quạ ngủ suốt ngày đến nửa đêm thì thức dậy, bay đi ăn. Người dân Nhơn Trạch cho biết, không ở đâu dơi quạ nhiều như ở xã Phú Hội, vì đài hoa sầu riêng và chôm chôm chín là thức ăn ưa chuộng nhất của loài dơi nầy.

        Để tránh cho các vườn sầu riêng và chôm chôm bị dơi quạ phá hoại, gây thất thu, các chủ nhà vườn ở Phú Hội và Long Tân nghĩ cách giăng lưới đánh bẩy, lưới có gắn lưỡi câu treo tòn ten trên cành sầu riêng, đàn dơi xà xuống ăn, thì cánh bị vướng vào lưỡi câu, càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt, đến sáng chủ vườn chỉ việc ra gở đem vào làm thịt hoặc đưa ra chợ bán. Vườn cây nào không khéo che, gặp bầy dơi bay ngang qua chỉ một đêm thôi, đến sáng hôm sau, vườn trái sum suê chỉ trơ trọi cành không. Ông Chín cũng cho biết thêm, thịt dơi quạ chế biến nhiều món ăn rất ngon, như: Dơi quạ hấp chao, dơi quạ rô ti, dơi quạ nấu cháo đậu xanh … húp bát cháo dơi bạn sẽ thấy mình khác lạ, cảm giác rất dễ chịu, nhẹ người, khỏe khoắn thêm lên, và dân “nhậu” còn có thêm món dơi quạ xào lăn.

         Thịt dơi quạ được các ông chủ vườn cho rằng “đại bổ” vì chúng ăn toàn mật hoa và chôm chôm chín, phân dơi cũng rất hữu dụng, đã giúp ích nhiều cho nông nghiệp tạo mùa màng tươi tốt. Cây sầu riêng được bón phân dơi sẽ cho nhiều trái, đặc biệt trái thật to và nhiều múi, rất thơm ngon, cây được bón phân dơi đã cho năng suất đậu trái cao gấp đôi so với phân hóa học cũng như các loại phân hữu cơ khác.

        Mấy năm gần đây, được biết các nhà vườn trồng dưa hấu ở miệt Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, Long An và Vĩnh Long cũng sử dụng phân dơi bón dưa hấu cho năng suất cao  mà thịt dưa lại chắc, đỏ au ít hạt và cũng ít sâu bệnh, chẳng những được nhà vườn ưa chuộng  mà còn bán được cho một số cơ sở y dược mua về, sau khi loại bỏ tạp chất, bào chế ra nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, cho thú và phân dơi còn là nguyên liệu phụ gia để chế ra thuốc súng, pháo bông…

       Tác dụng của phân dơi trên nhiều loại cây ăn trái, làm tôi nhớ ra đã có dịp đọc qua cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của dược sĩ Đỗ Tất Lợi viết rằng phân dơi còn gọi là “ dạ minh sa” ( hay thiên thử phẩn, biên bức phẩn). Vì phân dơi ban đêm có ánh lân tinh, nhấp nháy nên gọi là dạ minh sa. Dạ minh sa vì có vị cay, hàn lại không độc, vào can kinh có tác dụng hoạt huyết, nếu bào chế với vài vị thuốc như thảo quyết minh, cốc tinh thảo, để chữa bệnh gan.

      Dơi quạ có rất nhiều ở Phú Hội, Long Tân huyện Nhơn Trạch và ở miệt rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ.Và đặc biệt ở Đồng Tháp Mười hiện nay có một làng dơi, chuyên nuôi dơi để lấy phân.

       Dơi là loài vật khá nhạy cảm đối với môi trường xung quanh. Chỉ nơi nào thật sự an toàn chúng mới đến cư ngụ, như những tháp lầu cao hoặc những khu rừng rậm ít người lai vãng.

Sau đây là vài giai thoại truyền khẩu trong dân gian về vùng Nhơn Trạch (Đồng Nai)
    Nhơn Trạch là vùng đất có nhiều chiến tích lịch sử như rạch Thiềng Liềng, Đồng Tranh, Ngã Bảy, ghi dấu các trận thuỷ chiến từ thời Nguyễn Huệ đánh với Gia Long. Có các di tích kiến trúc cổ xưa như chùa Ông ở Phước Thiền, làng Đồng Môn, cùng với các nếp sống cổ truyền như nghề làm giá Phước Thọ, Phước Long, nghề làm bún ở Phước Lai, đều là những nét đẹp truyền thống, quý báu còn truyền tụng.

Xứ Nhơn Trạch có rừng giồng và rừng sác, nơi này, nước ngọt và nước mặn giao nhau tạo thành dòng nước lợ, môi trường thích hợp cho một số sinh vật như cá, tôm, cua, ốc... tạo nguồn hải sản ngon nổi tiếng không nơi nào bằng. Điều khá bất ngờ là trong số đó có cá sấu ở các ngọn sông Ông Kèo, sông Thị Vải, sông Đồng Môn, Đồng Tranh, sông Vàm Sát, rạch Vũng Gấm, rạch Chà Là, rạch Vọp, rạch Miễu… là những nơi đều có nhiều cá sấu, chúng sống thành từng bầy và được người dân trong vùng xem là “chúa nước” nhưng nổi tiếng “dữ dằn” nhất là cá sấu Vũng Gấm (là ấp của xã Phước An huyện Nhơn Trạch) nơi đây được truyền nhau từ đời này sang đời khác câu ca dao về rừng Sác

                          Rừng sâu nước mặn phèn chua
                       Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng

Săn cá sấu cũng rất nguy hiểm, nên thơ săn cá sấu phải gan dạ và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, không đơn giản dùng đèn và chĩa hoặc dùng mồi là chó hay vịt, chỉ để câu những loại cá sấu vài ba chục ký. Dân chuyên nghiệp câu loại vài ba trăm ký để lấy da, đồ nghề phải trang bị đầy đủ. Dân câu cá sấu chuyên nghiệp được gọi là (traomun), một nhóm vài người (được gọi là “gánh”). Con mồi để câu là một con vịt có gắn hai thanh sắt hàn chéo hình chữ thập thả xuống để nhử mồi. Traomun chính được ngụy trang bằng cách vẽ trên người những đường rằn ri trước ngực còn sau lưng họ đeo một bó phao tre và tay cầm cây lao bằng mun đầu có bịt sắt và buộc sợi dây bằng cước dài hàng trăm mét. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề săn cá sấu, traomun lớn tuổi nhất có nhiệm vụ quan sát, khi thấy cá sấu lớn đến gần, những vết gai sần sùi nổi trên mặt nước, cứ bơi chung quanh con mồi mà không táp ngay thì “Người mồi” biết chắc đó là cá sấu lớn “Người mồi” sẽ nhảy xuống và họ làm động tác khuấy động, đập nước, để nhử cá sấu đến gần, lúc đó “Người mồi” thừa thế đâm lao vào mang cá sấu rồi thả dây bơi vào bờ, cá sấu vùng vẫy vì bị trúng thương, thợ săn chuẫn bị hai chiếc xuồng bơi ra kè vào. Những traomun này chuyên săn cá sấu to để lấy da, phần thịt cho người dân cư ngụ trong vùng. Được biết thịt cá sấu có vị ngọt, dai, có thể nấu cháo, xào, kho hay nấu cà ri ăn với bánh mì đều ngon và rất hấp dẫn, người dân sống trong vùng Rừng Sác và những vùng lân cận ưa chuộng nên những đám giổ, đám tiệc làm với thịt cá sấu loại nhỏ 5-10 ký là chuyện thường.

Nhơn Trạch còn có một đặc sản nổi tiếng nửa đó là trà, nước trà ngon phải kể đến xã Phú Hội, cây trà gắn liền với người dân Phú Hội từ bao đời nay và cũng đã trở thành câu ca dao của quê hương Phú Hôi Nhơn Trạch “Suối Mạch Bà trà Phú Hội” Theo phong tục của người Việt Nam nói chung , người dân huyện Nhơn Trạch nói riêng, món trà không thể thiếu, nhất là trong những ngày tết. Đặc biệt đối với người lớn tuổi uống trà chẳng những làm cho con người sảng khoái (người biết thưởng thức) mà chính trà còn tạo sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm, người dân thuộc lòng hai câu thơ

                            Tuổi già ngồi uống nước trà
                       Nên tình nên nghĩa cũng đà ra thơ

       Nước Mạch Bà được nấu sôi pha với trà Phú Hội rót ra ly trà bốc lên mùi thơm toả ra thật quyến rũ, càng tạo nên hương sắc trà Phú Hội (Nhơn Trạch).

       Nét đặc thù của miệt vườn Nhơn Trạch: Trái cây có hương vị thơm ngon khó quên, có nước Mạch Bà, có trà Phú Hội, có các món ăn biến chế từ thịt dơi rất bổ dưỡng, có nhiều thứ tôm cá ngon, là nơi săn cá sấu lý tưởng. Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là tỉnh Đồng Nai.  Đồng Nai là một miền đất trù phú. Tôi yêu quê tôi chẳng những Đồng Nai là vùng đất địa linh nhân kiệt, đồng ruộng màu mỡ, cây trái thơm ngon, phong cảnh hữu tình với nhiều hoa thơm cỏ lạ mà Đồng Nai còn rất ấm áp tình người, người dân Biên Hòa luôn hiền hòa và hiếu khách.
 
 
  Hoàng ÁnhNguyệt                                                                           
Thung Lũng Hoa Vàng
Mùa Hè
2008   
 
BÀI ĐỌC THÊM
 
Đất Nhơn Trạch còn sản sinh ra nhân tài, hiện nay mà chúng ta thường hay nhắc đến đó là nhà thơ Dương Quân, anh đã từng là cựu HS Petrus Ký, CSV Quốc Gia Hành Chánh (Ban Đốc Sự HC) .

Tác giả các tập thơ:
 
- Chập Chờn Cơn Mê 2003
- Điểm Hẹn Sau Cùng 2007
- Trên Đỉnh Nhớ 2010
- Như Thật Như Mơ 2013
 
Xin đọc bài thơ nổi tiếng sau đây:






 
GÁNH TRẦU MỸ HỘI
                                                                                                                                                         
 

  

   Thương nhớ gởi về quê Mỹ-Hội
   Dòng đời thắm thoát bấy nhiêu năm
   Bao mùa mưa nắng bao thay đổi
   Mà bóng người xưa vẫn bặt tăm.



              ***

   Thuở xưa Mỹ-Hội êm đềm quá
   Cây trái sum suê đủ bốn mùa
   Phước Lý về ngang Thành Tuy Hạ
   Nhà em ở dưới rặng cau thưa.


   Nhà em có Mẹ già gầy yếu
   Ba mất từ khi em biết đi
   Mẹ bán thúng trầu lưng buổi chợ
   Nuôi em khôn lớn tuổi xuân thì.


   Ngày ấy anh về thăm Mỹ-Hội
   Qua phà Cát Lái ghé Long Tân
   Tìm em trưa nắng tan phiên chợ
   Thăm Mẹ thăm em đã mấy lần.


   Con gái miệt vườn, không trang điểm
   Nhưng em rất đẹp, tánh ngoan hiền
   Má hồng, mắt biếc, làn môi đỏ
   Giúp Mẹ gánh trầu buổi chợ phiên.


   Anh trai tỉnh lỵ ra trường lớn
   Ăn học, làm quen nếp thị thành
   Hai đứa cùng nhau chung ước hẹn
   Chờ anh đi kiếm chút công danh.


   Mỗi bận trở về thăm xóm cũ
   Ra vườn gom hái lá trầu vàng
   Trầu cau chung gánh - chung duyên nợ
   Đủ nghĩa cho tình ta chứa chan.


   Gặp nhau rồi lại xa nhau nữa
   Căn dặn đừng quên sớm trở về
   Em đứng bên bờ sông Cát Lái
   Nhìn theo như níu bóng người đi.


   Chiếc phà tách bến, dòng sông rộng
   Nước xoáy lao chao đám lục bình
   Run rẩy những chồi hoa tím tím
   Thương em bịn rịn bước không đành.
 

   Công danh đeo đuổi chi mà khổ
   Đã lỡ bon chen chốn lụy phiền
   Chưa kịp đến ngày tin Mẹ mất
   Gánh trầu giờ trĩu nặng vai em.


   Anh về lần ấy, hay lần cuối
   Ngồi kế bên em xếp liễn trầu
   Chợt thấy bàn tay gầy guộc quá
   Lần đầu xao xuyến nụ hôn nhau.


   Anh đốt trầm hương xin khấn Mẹ
   Sau này được kết nghĩa trăm năm
   Em làm nội trợ, nuôi con nhỏ
   Thôi gánh trầu, thôi những nhọc nhằn.


   Rồi buổi quê hương tàn cuộc chiến
   Anh xa thành phố, sống trên rừng
   Mười năm dày dạn cùng sương gió
   Ai hẹn ngày về giữa gió sương?


   Mỹ-Hội cũng thay từng cảnh sống
   Chợ phiên cần gạo, chẳng mua trầu
   Cau khô, trầu héo, buồn trong thúng
   Vườn cũ thưa dần những bóng cau.


  
Em có khi nào qua Cát Lái
   Bến phà đứng đợi một bên bờ
   Nước sông cuồn cuộn xuôi dòng nhớ
   Những mảng lục bình theo sóng đưa?


   Như mảng lục bình trong nước xoáy
   Không về trở lại bến sông xưa
   Dòng đời xô dạt anh xa mãi
   Mà bóng người thương chẳng nhạt mờ.



              ***


   Biết có ai về quê Mỹ-Hội
   Nhắn dùm người cũ mấy lời thăm
   Giờ thân viễn xứ còn trôi nổi
   Xin hiểu lòng nhau - tạ lỗi lầm.




     Dương Quân



 
 
 

No comments:

Post a Comment