BỘI LAN. (Phần hai)
Ánh trăng chênh chếch rọi xuyên qua song cửa sổ phủ lên một phần thân thể của Bội Lan vùng sáng bạc như dải lụa mỏng. Nàng nằm yên như thế đã rất lâu, kể từ khi mặt trăng vừa nhú lên sau đồi trà dày đặc xa xa. Chỉ những đêm tối im vắng nằm yên một mình trong căn phòng nhỏ, Bội Lan mới thật sự là chính nàng, một cô gái mới lớn với những đòi hỏi khao khát của cơ thể và một tình yêu hoa gấm lãng mạn. Chỉ những đêm tối im vắng, nàng mới làm chủ được tâm hồn để đưa mình vào khoái cảm mênh mông của trí tưởng, của một tình yêu thầm kín mơ hồ. Bởi vì ngày mai, khi ánh mặt trời lên, nàng phải trở thành một con người khác, một người đàn bà đã có chồng với bổn phận và những ràng buột của luân lý. Cho dù chồng nàng chỉ là một đứa con nít và vai trò làm vợ của nàng là hình thức cuả một người vú em. Làm sao có thể yêu được thằng bé mà nàng phải ẵm trên tay mỗi khi nó khóc? Nhưng đó là bổn phận là phong tục mà mọi người ở làng Cối vẫn duy trì hàng bao thế kỷ như một điều hẳn nhiên, dù nghịch lý. Và càng nghịch lý hơn, khi sau này thằng Lạc trưởng thành, nàng lại có bổn phận cưới thêm cho nó vài cô vợ trẻ. Để rồi chính mình trở thành một hình bóng cũ kỹ mờ nhạt trong mắt Lạc.
Phải chi đừng có A Ngưu. Đừng có cái buổi tối Ngưu đột ngột hiện ra như bóng ma sau hiên nhà ôm choàng lấy nàng, để nàng phải thảng thốt ngỡ ngàng đón nhận nụ hôn đầu đời từ Ngưu, thì nàng sẽ cam tâm với đời sống bình dị hiện hữu, cho đến ngày Lạc trưởng thành với đầy đủ chức năng của người chồng và mang đến cho nàng hạnh phúc lứa đôi. Như thế chẳng là mãn nguyện lắm sao? Thế nhưng, chính vì nụ hôn vội vã trong bóng tối cùng vòng tay ôm xiết của Ngưu, đã khuấy động đời nàng từ đêm hôm ấy. Và giọng hát kia, giọng hát đã ru vào hồn nàng những đam mê, những ngọt ngào tình tứ. Làm sao nàng có thể quên?
Dải trăng bạc phủ trên người Bội Lan lùi dần ra khung cửa theo ánh trăng đã lên cao. Bội Lan xoay người nhìn Lạc ngủ say sưa bên cạnh. Nàng dịu dàng kéo nhẹ tấm chăn mỏng đắp lên người nó rồi khẽ cúi xuống hôn lên đôi má bầu bĩnh của thằng bé. Trong bóng tối lờ mờ, nàng lặng ngắm khuôn mặt ngây thơ đang say ngủ của Lạc rồi chợt cảm thấy buồn rầu. Cho dù có cố gắng đến đâu đi nữa, thì nàng cũng chỉ có thể thương mến Lạc như một người em nhỏ, không thể nào tha thiết với Lạc như tình nhân hay người chồng của nàng. Rồi đến một ngày không xa, chỉ vài năm nữa thôi, khi Lạc vừa đủ lớn, người ta sẽ dạy cho nó cái công việc vợ chồng. Và nàng, chính người từng bồng ẵm Lạc trên tay, sẽ là người đầu tiên để Lạc thực hành những điều người ta đã dạy nó. Cái gương mặt ngây thơ và bàn tay nhỏ nhắn đang áp dưới đôi má bầu bĩnh trong giấc ngủ kia, chắc sẽ không đáng yêu như bây giờ, mà có lẽ lại mang đến những đớn đau trên thân thể nàng. Một cảm giác chán chường lẫn sợ hãi bỗng ập đến khiến Bội Lan phải quay sang nơi khác. Nước mắt nàng ứa ra theo nỗi hời tủi và lịm dần vào giấc ngủ với những giọt lệ còn đọng trên đôi mi đã khép kín.
Xa xa, trong đêm vắng vọng lại vài tiếng chim lạ thật buồn.
oOo
Bội Lan nắm tay thằng Lạc chạy thật nhanh lên căn nhà hoang chứa rạ trên đồi. Cơn mưa bất chợt đổ xuống khiến người nàng ướt sũng nước. Nỗi lo sợ trận mưa làm dâng nước con suối nhỏ bít lối về làm nàng bối rối và lo lắng. Trong lúc ấy, Lạc lại cười đùa thích thú dưới cơn mưa. Giá như không gấp rút chạy vào căn nhà hoang để trú mưa, thì Bội Lan đã dừng lại tát mấy cái vào mặt của thằng Lạc rồi.
Đẩy cánh cửa gỗ bước vào căn nhà, Bội Lan thở phào nhẹ nhỏm. Ít ra, ở nơi vắng vẻ này có một chỗ để trú ẩn vẫn tốt hơn là ngồi trơ trọi dưới tàng cây cổ thụ ngoài kia. Nàng khép lại cánh cửa rồi quan sát phía trong căn nhà. Có lẽ đây là nơi dùng làm chỗ nghỉ ngơi và chứa rạ trong mùa gặt của nhóm nào đó ở làng Cối nên khá rộng rãi sạch sẽ. Những lớp rạ vàng óng còn sót lại phủ đều trên sàn nhà làm tăng thêm vẻ ấm cúng cho căn nhà hoang.
-Cởi quần áo ra vắt cho khô đi Lạc.
Bội Lan nói với Lạc, trong lúc nàng đang rủ bỏ hết xiêm y trên người chỉ chừa lại chiếc váy lót ngắn. Nàng rút chiếc trâm cài trên đầu rồi khom người về phía trước để mái tóc đen mượt rũ xuống, xong vuốt nhẹ những lọn tóc cho khô nước. Cử động của đôi tay làm mấy ngọn tóc chạm vào ngực nàng, mang lại cho Bội Lan một cảm giác nhột nhạt thích thú. Bằng cử động như dò dẫm, nàng từ từ đặt tay xoa nhẹ lên bầu ngực. Trong khoảng khắc, hơi thở Bội Lan trở nên dồn dập và hình ảnh A Ngưu bỗng chợt hiện ra, như thể Ngưu đang ôm nàng vào lòng cùng bàn tay chai cứng mơn man trên vùng ngực căng tròn.
Cánh cửa gỗ bật mở thình lình khiến Bội Lan giật mình bừng tỉnh. A Ngưu người ướt đẫm xồng xộc bước vào. Khi nhìn thấy Bội Lan đang lúng túng che bớt thân thể nàng dưới lớp rạ, Ngưu thảng thốt dừng lại. Ngưu không ngờ trong nhà có người, và càng bất ngờ hơn, khi người đó lại chính là hình bóng nó đang mơ tưởng.
-A...anh Ngưu.
Tiếng thằng Lạc gọi lớn làm Ngưu sực tỉnh. Ngưu gượng nở nụ cười, cố làm vẻ tự nhiên nhìn Lạc, nói:
-Tưởng không có ai. Chẳng dè Lạc và Chị Bội Lan lại vào trú mưa ở đây. Thật là bất ngờ.
Thằng Lạc ngây thơ nói:
-tôi không thích ở trong này đâu. Tôi muốn ra ngoài tắm mưa vui hơn. Nhưng...nhưng...thái thái không cho. Anh Ngưu có thích tắm mưa không?
Một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu Ngưu. Nó nhẹ nhàng đến bên Lạc nói khẽ:
-nếu Lạc thích thì cứ ra ngoài tắm đi. Anh sẽ xin phép thái thái dùm Lạc.
Thằng Lạc ngần ngừ:
-anh chắc thái thái sẽ cho phép tôi chứ?
Ngưu mỉm cười gật đầu.
-không sao đâu. Đi đi...
Ngưu nắm tay Lạc kéo ra cửa. Đợi Lạc chạy khuất ra ngoài, Ngưu khép cánh cửa gỗ lại. Nó đứng tần ngần một hồi để thu hết can đảm vào người, rồi lom khom bước nhè nhẹ đến chỗ Bội Lan đang nằm ẩn mình dưới lớp rạ. Bội Lan sợ hãi lết dần về góc nhà cho đến khi lưng nàng đụng hẵn vào tường. Đôi mắt nàng mở lớn theo nỗi sợ hãi lẫn hồi hộp, thân hình trắng ngần phơi bày trọn vẹn dưới mắt Ngưu làm tăng thêm nỗi thèm muốn trong lòng Ngưu. Không chút do dự, Ngưu nhào đến đè ngửa Bội Lan một cách thô bạo và giật mạnh chiếc váy lót cuối cùng trên người nàng. Không một nỗ lực kháng cự, Bội Lan mím chặt môi nhắm mắt lại với nỗi nôn nao hồi hộp, chờ đợi cái giây phút kỳ lạ nàng hằng muốn biết, cái giây phút sẽ đưa nàng lên địa vị của một người đàn bà mà chính Lạc không thể nào làm được. Khuôn mặt Ngưu thật gần cùng hơi thở dồn dập của nó sát bên tai nàng, đôi bàn tay chai cứng bóp chặt bờ ngực căng tròn cuả Bội Lan. Rồi, cả thân hình vạm vỡ của Ngưu chợt ập xuống theo cái đẩy mạnh của nó, khiến Bội Lan phải rướn người lên để khỏi bật ra tiếng kêu trong cơn đau xé thịt và lịm đi với cảm giác bềnh bồng cùng nỗi đau bàng hoàng kỳ lạ. Ngoài kia, mưa vẫn vô tình. Và gió, gió cũng vô tình luồn qua khe cửa mang theo tiếng vỗ rào rạt của những giọt mưa trên mái lá, lẫn âm hưởng tiếng cười vô tư của Thằng Lạc đâu đó dưới cơn mưa bên ngoài.
oOo
Đã hơn mười năm qua, tôi vẫn không thể nào quên được cái ngày mưa định mệnh ở căn nhà chứa rạ trên ngọn đồi nhỏ nơi làng Cối. Cái ngày đã đưa Bội Lan Vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời tôi. Tôi còn nhớ cái cảm giác hoang mang sợ hãi khi bước vào căn nhà lúc cơn mưa chưa tạnh, để nhìn thấy một Bội Lan trần truồng đang ôm mặt khóc ngất trong vòng tay vỗ về của a Ngưu, để nhìn thấy đôi mắt đáng thương của hai người thảng thốt hướng về tôi như van xin và cầu mong sự tha thứ. Thật khó mà tả được cái cảm xúc của tôi lúc bấy giờ trong tình huống đó. Tôi đứng lặng thật lâu với những xung đột mãnh liệt trong hồn. Một đứa bé mới năm tuổi đầu như tôi làm sao hiểu được những gì hai người đã làm. Có một điều chắc chắn Bội Lan không hề thương tôi như tôi hằng nghĩ. Bằng chứng là nàng đang chia xẻ cái tình thương đó cho a Ngưu, một người làm công của gia đình mà tôi rất ngưởng mộ. Nước mắt đầm đìa trên mặt, nhưng tôi vẫn cố mím chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Rồi trong khoảng khắc giận dữ với những tổn thương trong lòng, tâm hồn tôi như vượt thoát khỏi thân thể nhỏ bé của mình để trở nên một người trưởng thành thật sự. Tôi nói bằng một giọng lạnh lùng như thể thanh âm phát ra từ miệng của một người nào đó:
-Đi đi...hai người hãy trốn khỏi nơi này và đừng bao giờ trở lại.
Bội Lan nhào đến ôm xiết tôi vào lòng. Thân thể nồng ấm của nàng và cả những giọt nước mắt đang nhỏ xuống vai tôi không hề mang lại một xúc cảm nào, ngoại trừ sự giá lạnh đến tàn nhẫn trong hồn tôi.
-Lạc...tha thứ cho tôi. Tôi đã hành động rồ dại. Xin để tôi được chết với hình phạt thảm khốc dành cho những kẻ đê tiện.
-Không...
Tôi hoảng hốt đẩy Bội Lan ra. Không, nàng không thể chết như vậy được. Cả a Ngưu nữa. Hình ảnh cặp trai gái trong rọ bên dòng sông đêm hôm nào và tiếng hét thê lương của hai người bị bức tử chỉ vì một phút rồ dại đã không ngớt ám ảnh tôi từ dạo đó. Làm sao tôi có thể nhẫn tâm mang lại cái chết cho hai người tôi thương mến? Không, họ phải đi khỏi làng này. Phải đi thật xa đến một nơi nào yên bình để cùng nhau xây dựng một tình yêu cho đời họ. Còn tôi? Tôi sẽ giữ kín chuyện này cho đến ngày nhắm mắt.
Tôi còn nhớ ánh mắt ngoái lại lần cuối của Bội Lan trước khi bóng nàng và a Ngưu khuất hẳn sau khung cửa gỗ, như cố gửi lại cho tôi sự trình mến sau cùng. Mỗi bước chân cuống quít rời xa của Bội Lan như mang đi cả một phần đời rất đẹp mà tôi đã có với nàng. Có lúc, tôi muốn chạy băng ra cánh đồng đang ngã nắng chiều sau cơn mưa bên ngoài để kéo lại hình bóng Bội Lan. Nhưng chân vẫn chôn chặt với nỗi buồn rầu trong căn nhà còn vướng vít chút hương thơm quen thuộc của Bội Lan. Tôi cúi xuống nhặt chiếc trâm nằm lẻ loi trên lớp rạ nơi góc nhà, kỷ vật cuối cùng nàng bỏ lại trong cơn hoảng loạn. Rồi, trìu mến áp lên má và bật khóc ngon lành như thể chưa bao giờ được khóc.
Tám năm sau ngày Bội Lan cùng a Ngưu trốn khỏi làng Cối thì xảy ra cuộc cách mạng Văn Hoá (1966). Biến cố này mang lại sự rối loạn cho cả nước. Ba tôi vì nhục nhã và buồn rầu chuyện Bội Lan nên sức khỏe ngày càng yếu kém. Rồi, chỉ vài tháng sau ngày đoàn cán bộ của huyện Kiến Xương vào làng kết hợp đám thanh niên nam nữ xung vào Hồng Vệ Binh, trong đó có tôi, để đưa lên Côn Minh học tập bổ xung cho chiến dịch cải cách văn hoá, thì ba tôi trở bệnh nặng và qua đời trong lúc tôi đang hăng say thích thú với những nhộn nhịp của thị thành và giáo điều mới mẻ nơi trường học ở Côn Minh (Đoàn thể hoàn toàn giấu kín việc này. Mãi đến năm năm sau khi tôi trở về làng Cối mới hay rằng ba tôi mất đã lâu).
Sau một năm thụ huấn ở Côn Minh, tôi được gửi sang Trùng Khánh, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên để bắt đầu công tác trong chiến dịch cách mạng Văn Hoá. Bấy giờ tôi đã mười bốn tuổi. Trong đám đồng viên cùng tuổi, tôi là người có thân hình rắn chắc
hơn tất cả nhờ vào những năm tháng phụ giúp công việc đồng án cho gia đình ở làng Cối. Công tác mà họ, những người trong chính quyền, giao phó cho chúng tôi là một thứ công việc đầy thú vị (chỉ sau này khi đã trưởng thành, tôi mới nhận thức được đó là một việc làm hết sức phi nhân và tàn nhẫn). Với chiếc khăn quàng đỏ trên cổ, đám Hồng Vệ Binh tụi tôi tung hoành khắp hang cùng ngỏ hẻm cuả Trùng Khánh. Có quyền lôi cổ bất cứ người nào mà chúng tôi không thích rồi tròng vào đầu bản án tử hình vì một lỗi mơ hồ, phản văn hoá, chống lại cách mạng. Chính quyền đã ban cho chúng tôi, Hồng Vệ Binh, những quyền hạn quá lớn. Đến nỗi có lúc chúng tôi tràn vào cả những doanh trại Quân Đội Nhân Dân, kéo các vị chính ủy đầy công trạng ra mà sỉ mạ chửi bới. Quân đội hoàn toàn làm ngơ và có vẻ như sợ hải trước những lấn áp quá độ của đám Hồng Vệ Binh măng sữa cuồng tín được che chở bởi đồng chí Giang Thanh và chủ tịch Mao Trạch Đông.
Thường vào buổi chiều, sau một ngày hò hét đập phá, tôi lại ra bến phà bên sông Trường Giang để tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Để nhìn dòng nước vàng đục nhấp nhô xuôi mãi không ngừng qua bến phà, qua hải cảng mở rộng của Trùng Khánh để gửi gấm tâm sự luyến nhớ bồi hồi ngược dòng về làng cũ trên thượng nguồn. Có lúc, hình ảnh Bội Lan lại hiện về như một ám ảnh chua xót trong lòng. Làm sao tôi có thể quên nàng khi cứ mãi nhớ hoài những ngày tháng cũ, dù đã rất xa. Tôi ao ước một lần hội ngộ cùng nàng, để trả lại Bội Lan nỗi đau đớn trong tôi, trả lại đôi mắt nhìn tôi lưu luyến hôm nào. Và, trả lại chiếc Trâm cài nàng bỏ lại mà tôi vẫn mang theo từ dạo ấy.
Năm 1969, lực lượng Hồng Vệ Binh hoàn toàn tan rã sau gần bốn năm tàn phá, hủy diệt những chứng tích lịch sử, văn hoá, đền miếu. Chính chủ tịch Mao Trách Đông ra lệnh cho quân đội tiêu trừ chúng tôi, vì sợ ảnh hưởng của chúng tôi có thể lấn áp cả ông. Đoàn Hồng Vệ Binh trở thành đối tượng của tất cả sự phẩn uất từ mọi tầng lớp trong nước. Đặt biệt hàng ngũ Quân Đội Nhân Dân đã phát động đầu tiên chiến dịch càn quét tiêu diệt đoàn Hồng Vệ Binh để trả thù cho những hành động tàn nhẫn quá độ của đoàn trong quá khứ đối với họ.
Tôi may mắn hơn những đồng bạn không bị xử bắn tại chỗ, khi được dựng dậy lúc nửa đêm trong khu nhà tập thể của đoàn. Mấy nòng súng AK lạnh lùng dưới ánh điện vàng úa như báo hiệu đoạn cuối của đời tôi. Những người lính của Quân Đội Nhân Dân bịt mắt trói tôi lại, rồi dẫn đi trong đêm tối hừng hực nóng của tháng bảy. Tôi bước chập choạng với những mịt mù ký ức, với những hình ảnh bềnh bồng nơi làng Cối, với những gương mặt thân yêu của ba mẹ tôi cùng Bội Lan. Nước mắt đầm đìa trên má. Không, tôi không hề sợ cái chết hay nỗi đau buốt trong khoảng khắc khi viên đạn đi xuyên qua đầu. Tôi chỉ sợ không còn cơ hội để gặp lại những người tôi yêu mến. Và, hơn tất cả, gặp lại Bội Lan để gửi lại nàng những nhớ thương đau đớn mà tôi đã ấp ủ qua bao năm tháng dài.
Những người lính đưa tôi đi thật lâu trong đêm cho đến khi nghe có tiếng sóng vỗ nhẹ và mùi ẩm của nước lẫn vào gió. Tôi đoán có lẽ gần đến bến sông Trường Giang.
Giọng một người bộ đội lạnh buốt trong gió sông phần phật:
-Cho nó một phát rồi quẳng xuống sông như mọi khi chứ?
Có tiếng đáp:
-Thủ trưởng bảo phải đợi chính đồng chí thủ trưởng tới thụ lý lý lịch can phạm trước khi hành hình, để tránh bớt tình trạng nhầm lẫn trước đây.
Tôi nói bằng giọng tỉnh táo không ngờ:
-các đồng chí cứ ban cho tôi viên đạn đi. Đừng bắt tôi phải chờ đợi. Tôi chính là một trong những tên Hồng Vệ Binh ngu xuẩn mà các đồng chí đang lùng bắt.
Một gả bộ đội giận dữ dí nòng súng vào ngực tôi, rít khẽ:
-Câm miệng lại. Đồ chó đẻ.
Có bước chân lao xao lẫn giọng nói hách dịch của một người đàn bà:
-Đêm nay chỉ tóm được một tên thôi à? Nếu biết thế tôi chẳng cần phải thân hành ra đây giờ này, cứ để tự mình các đồng chí xử lý cho xong.
Ai đó tháo tấm vải bịt mắt tôi. Phải vài giây sau tôi mới tiếp nhận được khung cảnh lờ mờ chung quanh nhờ vào ánh đèn điện hắt ra từ những chiếc xà lan đậu xa xa giữa khúc sông. Người đàn bà mặc quân phục đứng trước mặt tôi cùng bốn gả bộ đội bao quanh. Ánh sáng không đủ tỏ để nhìn rõ mặt, nhưng nghe giọng nói ban nãy, tôi đoán người đàn bà này không quá ba mươi.
-Tên? Giọng người đàn bà cộc lốc, lạnh lẽo.
-Hồ Kiến Lạc. Tôi đáp.
-Quê quán?
-Làng Cối, huyện Kiến Xương, tỉnh Vân Nam.
Thanh âm của người đàn bà chợt run run hơi chút hoảng hốt:
-cha cậu...tên gì?
-Hồ Từ Phúc.
Ánh đèn pin loé sáng dừng thật lâu trên mặt tôi rồi tắt ngủn. Người đàn bà lạnh lùng quay sang hỏi gả bộ đội bên cạnh:
-Các đồng chí đã cột chặt tay nó rồi chứ?
-Vâng. Chính tay tôi cột nó, thưa đồng chí thủ trưởng.
-Tốt. Các đồng chí rất tích cực phục vụ cách mạng trong công tác. Đêm đã khuya, các đồng chí có thể ra về nghỉ ngơi. Phần tên khốn kiếp này, tôi cần thâu thập thêm những liên hệ giữa nó và đồng bọn còn đang lẫn trốn, rồi sau đó chính tôi sẽ chu toàn cho nó. Các đồng chí cứ yên tâm.
Người đàn bà đẩy tôi ngã chúi xuống bãi cát lài lài sát mé nước trước khi bóng bốn gả bộ đội khuất hẳn vào màn đêm. Tôi nằm co quắp trên bãi cát pha lẫn sỏi đá, cố gượng lên nhưng không thể nào ngồi dậy được với đôi cánh tay bị trói quặt sau lưng.
Bỗng dưng người đàn bà quì xuống nâng tôi dậy. Rồi bất chợt ghì sát tôi vào lòng và bật khóc. Thanh âm tiếng khóc của nguời đàn bà như mang tôi về lại vùng quá khứ xa thẳm của mười hai năm trước trong căn nhà chứa rạ trên đồi nơi làng Cối. Ngày đó, cũng tiếng khóc này, tiếng khóc cuả Bội Lan, khởi đầu cho sự ly biệt đằng đẵng bao năm tháng dài. Và giờ đây, cũng tiếng khóc ấy, lại là phút giây hội ngộ bất ngờ dù chỉ là cuộc hội ngộ bi thảm chua xót.
-Lạc...
Tôi đã chờ đợi thanh âm ngọt ngào này qua bao tháng ngày mòn mỏi. Nước mắt tôi ứa ra vì sung sướng. Trong giây phút, tôi quên bẵng mình chỉ là tên tử tội, mà chốc nữa đây tự chính tay nàng sẽ ban cho tôi một viên đạn oan nghiệt.
Bội Lan kéo tôi đứng lên. Nàng hấp tấp mở nhanh những nút dây đang cột chặt tay tôi. Trong bóng đêm mù mịt bỗng vọng lại tiếng gọi lo lắng của một gả bộ đội:
-Đồng chí thủ trưởng...đồng chí thủ trưởng...
Bôi Lan rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao da bắn hai phát vào khoảng không trên đầu.
-Đi...đi đi Lạc. Hãy đi khỏi nơi này khi bóng tối còn che chở Lạc. Hãy bảo trọng. Vĩnh biệt...
Nàng xiết tôi vào lòng cùng nụ hôn vội vã, rồi quay mình bước nhanh vào màn đêm về hướng có tiếng gọi cuả gả bộ đội.
Tôi cắm đầu chạy điên cuồng trong bóng đêm cùng vị mặn cuả những giọt nước mắt nàng còn sót lại trên môi mình và chỉ mong được chết cùng vị mặn ấy. Chân tôi rướm máu. Mắt nhoè lệ. Tôi khóc. Tôi cười. Rồi khóc. Rồi cười. Tôi là ai? Có phải tôi là thằng Lạc đáng thương của cái làng Cối xa thẳm nào đó? Hay tôi chỉ là một người điên? Một người điên vừa tìm được quá khứ lại đánh mất. Một người điên vừa khóc vừa cười, cô độc trong đêm đen, bên dòng Trường Giang vẫn vô tình xuôi mãi về phương Đông...
-----------------------------------------------------
Mỗi sáng thức dậy nhìn vào gương, nhìn vào những nếp nhăn trên khuôn mặt, nhìn những sợi tóc bạc nhiều hơn ngày hôm qua, nhìn sự biến đổi của thời gian trong cuộc đời...tôi không còn tìm thấy Lạc trong tôi. Tôi không còn là Lạc. Lạc chỉ là một hình bóng mơ hồ trong quá khứ. Thế nhưng, cái đời sống ấy, cái đời sống thật, rất xa, nơi làng Cối, cùng hình bóng Bội Lan vẫn mãi mãi trong tôi. Tôi vẫn nhớ vị mặn cuả giọt nước mắt nàng bên bến sông đêm xa thẳm hôm nào. Và, cho dù nàng phụ bạc, tôi vẫn nhớ về nàng, vẫn yêu mến nàng như chưa hề nhớ thương ai nhiều đến thế trong đời.
Hồ Xuân Ngọc
No comments:
Post a Comment