TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Wednesday, February 22, 2023

ĐỢI NẮNG - THƠ DƯƠNG QUÂN

 


doinang


        Hình như nắng mới vừa sang
Chợt lay giấc ngủ muộn màng cuối đông
        Hình như nắng rớt ngoài song
Chờ em tô điểm má hồng du xuân.

        Trong mây chim hót ngập ngừng
Cành cao trơ trọi nẩy mầm lá non
        Em về vẽ thắm môi son
Quên ngày mưa gió mỏi mòn tuyết sương.


        Ta về gom nắng soi gương
Thấy ê chề những nẻo đường thế nhân
        Đâu còn ngày cũ thanh xuân
Chờ em trong giấc chập chờn chiêm bao.

        Hình như nắng vẫy tay chào
Áo em thấp thoáng ngõ vào tương tư
        Mùa đông em bắt ta chờ
Sang xuân ta lại làm thơ đợi người.

          Hình như nắng đến đây rồi
Để em thôi khóc sụt sùi đêm mưa
 
                Dương Quân 
 

Sunday, February 12, 2023

THÁNG GIÊNG - THƠ DƯƠNG QUÂN

 

Tháng Giêng DQ
 
                  THÁNG GIÊNG
 
       Tháng giêng chậm bước chân buồn 
Dấu xa mộng ảo cuối nguồn thương xưa 
       Hồn ta trên đỉnh đong đưa 
Nhớ em ta ghép vần thơ trần tình 
 
       Phương nầy vắng khách Trang sinh 
Mình ta làm bướm cúi nhìn bóng ta 
       Kể từ công cán bôn ba 
Giấc hòe héo úa cỏ hoa bốn mùa 
       Tay non nhọn búp sầu đưa 
Ngõ yêu từng đã nắng mưa ngậm ngùi
 
       Bây giờ hẹn viễn mù khơi 
Vọng âm non nước thay lời hỏi thăm 
       Võ vàng giấc ngủ quanh năm 
Nhớ em lũ tóc cũng nằm tương tư 
       Bút nghiên khép nép tờ thư 
Vết chân chim đã mịt mờ quan san 
 
       Tháng giêng mỏi cánh hoa tàn 
Cành trơ cuống lá đài trang ngậm ngùi
       Mai đây XUÂN đã qua rồi 
Ta nghiêng mình xuống, tuổi đời lên cao. 

  Dương Quân
    1972

Saturday, February 4, 2023

RẰM THÁNG GIÊNG TẾT NGUYÊN TIÊU (TẾT THƯỢNG NGUYÊN) BÀI VIẾT HOÀNG ÁNH NGUYỆT

 







Rằm Tháng Giêng, Tết Nguyên Tiêu
 
(Tết Thượng Nguyên)

  
 Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm.

 Cùng với mùa Xuân, tháng Giêng cũng là tháng của mùa Xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết, tim người ta cũng dường như trẻ hơn ra và đập mạnh hơn so những ngày mùa Đông lạnh giá.

 Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Dòng lịch sử cho thấy đất nước chúng ta đã có những thời gian cực thịnh. Quê hương đã cất lời ca tiếng hát hoà cùng với thiên nhiên.

 Tiếng hát, lời ca đó là con sông hiền hoà, tươi mát, êm ả chảy xuôi theo dòng thời gian làm nẩy sinh những lễ hội mùa Xuân; những điệu hò câu hát, tạo nên một nền văn hoá phong phú mà chúng ta vẫn hằng hãnh diện là bốn ngàn năm văn hiến.

 Chúng ta được biết rằng, những nhà nghiên cứu về văn hoá trên thế giới đã vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi tìm hiểu, biết đến những điệu hò câu hát khác nhau của dân ta, từ địa đầu ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau. Ở đâu, chúng ta cũng có những lối ru em khác nhau, một lối hát vô cùng phong phú, đặc biệt không nơi nào giống nơi nào. Nhất là những lời đối đáp rất văn chương cũng không kém phần lãng mạn và tình tứ, đôi khi đi đến sổ sàng trong những hội mùa Xuân.

…………………….

 Trăng tháng Giêng non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác. Cái đẹp của trăng Rằm tháng Giêng giống như nét đẹp của nàng tiên nữ kiêu sa huyền diệu…

 Nét văn hoá chung gặp nhau của 3 miền: Bắc, Trung, Nam trong Lễ Hội Rằm tháng Giêng:

Lễ Tết quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng…

 Theo Phật Giáo, ngày Mồng Một và ngày Rằm hằng tháng được coi là ngày Rằm của Phật, mà nhất là ngày Rằm tháng Giêng, các tín đồ đến ngày ấy đi chùa lễ Phật. Cũng là ngày Rằm đầu tiên nên nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng cho lòng thành của Phật Tử. Thêm vào đó, cái không khí vui Xuân vẫn còn đậm đà, cho nên chính là dòng người từ già đến trẻ, đi lễ đầu Xuân đông hơn, mong cầu Phật gia hộ độ trì cho quanh năm bình yên và cũng tin rằng lời thành tâm khẩn nguyện ấy sẽ được chứng giám. Đây còn là ngày Vía Thiên Quan, người ta đến chùa cúng sao để giải trừ tai ách, ước nguyện điềm lành, được xem là phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưởng của người Việt Nam.

 Không biết những lời thỉnh cầu có đến được cữu trùng hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi đi lễ đầu năm, hay đi trẫy hội về, tâm hồn của họ như được thắp sáng lên và hy vọng ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn…

 Trong dân gian, đa số theo phong tục thờ cúng ông bà, thì Rằm tháng Giêng trước hết được hiểu là ngày Rằm lớn. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư và khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.

 Tuỳ theo lòng thành cũng như ngành nghề, có gia đình cúng lễ Thổ Công, Thần Tài hoặc cúng âm hồn…nhưng đặc biệt không ai có thể quên bày mâm cỗ để cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cám ơn trời đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả…Tuy nhiên mâm cúng gia tiên có khác nhau tuỳ phong tục của từng vùng, từng miền.

 Theo truyền thống văn hoá cư dân nông nghiệp lúa nước, vụ mùa gieo trồng thường được bắt đầu vào khoảng 15 tháng Giêng, sau một thời gian dài nghỉ Tết Nguyên Đán. Người nông dân bắt đầu công việc đồng áng và bắt đầu một vụ mùa, cho nên họ đốt rạ, khai hoang và hạ điền. Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, nét văn hoá này thể hiện rất rõ với 3 vụ mùa trong năm:

Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy

Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không

Rằm tháng Mười, mười người mười quảy

Hay câu:

Lễ Phật quanh năm

Không bằng ngày Rằm tháng Giêng

 Đã thấy tầm quan trọng của ngày lễ này đối với người dân Việt Nam, có thể nói những ngày lễ này đã hoà quyện giữa văn hoá truyền thống và tín ngưởng.

 Vì sao có lễ hội Rằm tháng Giêng?

 Trong 12 ngày Rằm, Rằm tháng Giêng mang nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như Tết Nguyên Tiêu, Nguyên Tịch, Nguyên Dạ, Thượng Nguyên…

 Cách gọi này bắt nguồn từ giao lưu văn hoá Trung Hoa và có sự kết hợp hài hoà với văn hoá bản địa. Người dân ai cũng mong mỏi có một vụ mùa tốt tươi, thay vì đốt rạ khai hoang thì người Trung Hoa có một lễ hội cúng “Hoa Đăng” hay còn gọi là “Tết Nguyên Tiêu”.

 Lễ hội Rằm tháng Giêng được du nhập vào Việt Nam theo phong tục Tết Nguyên Tiêu của người Hoa. Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của năm mới (Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm, ngày Rằm tháng Giêng âm lịch). Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên bởi vì còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười) .

 Và đêm 15 tháng Giêng sẽ là Đêm Nguyên Tiêu, người xưa và cả ngày nay đều cho rằng đêm đẹp nhất của ánh trăng trong năm. Dù bao biến đổi của đất trời đã và đang diễn ra, nhưng xưa và nay, vầng trăng tháng Giêng vẫn vẹn nguyên như thế, tròn và trong sáng giữa đêm Xuân. Thế thôi cũng đủ để lòng người ta cảm tạ trời đất ban cho mặt trời còn tặng cả vầng trăng, trăng già còn trăng non, trăng tròn rồi trăng khuyết. Trăng mùa Đông tàn thì còn trăng Xuân đón đợi. Đó chính là vầng trăng toả sáng cái Tết trăng tròn khỏi sự cho đêm rằm đầu tiên của năm mới: Rằm tháng Giêng!

 Theo nho học, xưa kia ngày này là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng hoạ, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại cho muôn dân an lạc, thái bình, thịnh trị.

 Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm Rằm tháng Giêng được các văn nhân, thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi, mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng hoạ, đối đáp phong phú và sinh động hơn.

Tết Nguyên Tiêu hình thành là một sinh hoạt tao đàn trang nhã. Văn nhân, thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thì thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ không phải gặp nhau để chén tạc, chén thù, mà chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc. Đúng như cái cảnh tuyệt vời thơ mộng của Đêm Nguyên Tiêu.


 

Hoàng Quỳnh Hương
(Hoàng Ánh Nguyệt)
(Tài liệu sưu tầm)


Thursday, February 2, 2023

TÂM SỰ ĐẦU NĂM - THƠ DƯƠNG QUÂN

 

Xuân Hẹn

  XUÂN HẸN
 
 
      Chờ em tàn cả mùa Xuân
Dấu hài đã nhạt mấy phần cầu sương
      Xuân phân hoa rụng bên đường
Bụi hồng phủ kín, rêu mòn lối xưa
 
      Đào, Mai dạn gió đong đưa
Sen tàn, cúc rũ, nắng mưa rã rời
      Hỏi hương? -hương đã phai rồi
Hỏi trăng? -trăng khuyết. Hỏi đời ? -vô tâm
 
      Hỏi người hứa chuyện trăm năm?
Vẫn chờ khêu ngọn hương trầm -lạnh tanh
 
      Chong đèn ôn lại Sử Kinh
Trở về vô thức, hỏi mình tỉnh -mê?
      Leo qua thế kỷ truyền kỳ
Thấy ai ngồi khóc đầm đìa cội thơ
 
      Trần gian ướt những cơn mưa
Trăm thương, nghìn nhớ bơ phờ nhân sinh
      Bao lần vụn vỡ chén tình
Lắng trong, gạn đục cũng đành buông xuôi
 
      Bảo rằng: Muôn sự tại trời
Mượn câu thiên định, giải lời tiên tri
      Miệt mài bàn chuyện Vô Vi
Xuân lai, xuân khứ, xuân thì, xuân tâm
 
      Một mai hoa rụng chỗ nằm
Xuân tàn, lịm giấc tình thâm mộ sầu
      Kiếp này nếu lỡ đời nhau
Thì xin người ngọc, kiếp sau tìm về.
 
 
Dương Quân

Wednesday, February 1, 2023

TÂM SỰ ĐẦU NĂM - THƠ DƯƠNG QUÂN

 

tâm sự đầu năm DQ

   TÂM SỰ ĐẦU NĂM
 
 
Lại một lần năm mới nữa đây
Bày chi cũ, mới chỉ thêm rầy
 
Tình nhà đã lỡ phai thề ước
Nợ nước chưa đền uổng chí trai
Đếm bước lưu vong chừng mệt mỏi
Nếm mùi nhân thế lắm chua cay
 
Tri âm, tri kỷ...còn ai nữa
Nhắm mắt là xong một kiếp này.
 
 
       Dương Quân