TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Thursday, December 26, 2019

BIÊN HOÀ NHỚ GIÁNG SINH XƯA - HOÀNG ÁNH NGUYỆT


BIÊN HOÀ NHỚ GIÁNG SINH XƯA

noel_1-large-content


BIÊN HOÀ NHỚ GIÁNG SINH XƯA


        Ngoài trời đang se lạnh. Tiếng nhạc Giáng Sinh âm vang đây đó. Báo hiệu mùa Đông đến, Giáng Sinh nữa lại về làm xao động lòng người. Nơi xứ Mỹ đang được mọi người háo hức chuẫn bị cho lễ Giáng Sinh thật hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, cũng là dịp chúng ta tìm về những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, đồng thời còn là cơ hội trao nhau những món quà ý nghĩa thay cho lời chúc đến người thân yêu cũng như chuẩn bị chào đón năm mới  Tết Dương Lịch sắp đến.

         Không khí lễ hội đang tràn ngập trên đường phố với muôn vạn ánh đèn màu lấp lánh và những cây thông Noel được trang trí thật công phu, đèn hoa rực rỡ giăng mắc khắp mọi nơi, đặc biệt tại các nhà thờ Thiên Chúa Giáo, hang đá Bê Lem được dựng lên cùng cảnh tượng Chúa giáng trần rất trang trọng… Lòng tôi nô nức, dù chẳng nói ra và dường như có một huyền lực nào đó khiến tâm trí tôi cứ quay ngược về quá khứ, một quá khứ thật ngọt ngào và êm đềm của tuổi mộng mơ khi tôi còn ở quê nhà…

          Tôi còn nhớ cách đây hơn 40 năm, một người bạn rất thân, học chung lớp với tôi tại trường Ngô Quyền Biên Hòa; bạn theo đạo Công Giáo, nên thường rủ tôi đi lễ hàng tuần và nhiều lần đi dự Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Biên Hòa, ngôi nhà thờ cổ kính đối diện trường Mỹ Nghệ mà hằng ngày tôi đều đi ngang qua, lúc tôi còn học tại trường Tiểu Học Nguyễn Du.

           Mặc dù tôi là người ngoại đạo, nhưng tôi rất thích đi nhà thờ, bạn tôi hiểu được điểm nầy, nên thường rủ tôi đi dự lễ… Nhờ vậy, tôi thuộc rất nhiều bài kinh thánh: Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy ChaKinh Tạ Ơn… Ngoài ra tôi còn thuộc nhiều bài thánh ca như: Ave Maria, Hang Belem… Nhưng tôi thích nhất là bài:“Đêm Thánh Vô  Cùng" hoặc “Đêm Yên Lặng” (tiếng Đức: Stille Nacht; tiếng Anh: Silent Night). Lời của bài hát Stille Nacht được viết bằng tiếng Đức bởi linh mục Josef Mohr và giai điệu được sáng tác bởi nhà giáo/nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Xaver Gruber, cả hai đều là người Áo.

 “Silent Night/Đêm Thánh Vô Cùng” bài thánh ca bất hủ, được dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu truyền đến ngày nay, nhất là không thể thiếu trong các ngày Lễ Giáng Sinh trên khắp thế giới: 

“Đêm thánh vô cùng.Giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ Đồng. Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa. Ơn châu báu không bờ bến. Biết tìm kiếm của chi đền. Ôi Chúa Thiên đàng. Cam nếm cơ hàn. Nhắp chén phiền vương phong trần. Than ôi Chúa thương người đến quên mình. Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành. Ai đang sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. Tinh tú trên trời, sông núi trên đời. Với thánh thần mau kết lời. Cao sao Hoá Công đã khéo an bài. Sai con hiến thân để cứu nhân loại. Hang chiên máng rêu tạm trú. Bốn bề tuyết sương mịt mù.”

         Chúng tôi là đôi bạn gái cùng đang ở lứa tuổi hoa mộng, có thể nói là lứa tuổi đẹp và rất hồn nhiên… Bạn thường hay giải thích những gì tôi thắc mắc về Chúa hoặc các vị Thánh, hay ý nghĩa của những ngày lễ trọng. 

         Nhờ bạn tôi, mà tôi hiểu khá nhiều về đạo Thiên Chúa và từ đó, tôi thường xuyên cùng bạn đi lễ. Bạn tôi cho biết Giáng Sinh là ngày trọng đại của những người theo Kitô Giáo, phải làm lễ kỷ niệm và tưởng nhớ ngày sinh của Chúa Giê-Su vào ngày 25 tháng 12, ngày mà Thiên Chúa xuống thế gian làm người để cứu nhân loại… theo tài liệu viết về lịch sử Thiên Chúa Giáo, Chúa được sinh ra tại Bethlehem cách Jerusalem khoảng 5.5 miles (khoảng 09 cây số) thuộc Vương Quốc Juda, dưới thời Đế Quốc La Mã.

         Tại một số nước, người Thiên Chúa Giáo ăn mừng Lễ vào ngày 25 tháng 12, nhưng cũng có một số nước tổ chức Lễ vào tối 24 tháng 12. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tôi được biết những người theo Chính Thống Giáo Đông Phương vẫn sử dụng lịch Julius để tổ chức lễ vào ngày này và theo lịch Gregorius thì Lễ Giáng Sinh vào ngày 07 tháng 1. Sau nầy, dần dần theo thời gian và qua lễ hội của người phương Tây, người ta tổ chức Lễ Giáng Sinh càng linh đình hơn, cho đến ngày nay, Lễ Giáng Sinh được xem là một ngày lễ quốc tế.

         Một hình ảnh quen thuộc được gắn liền trong mùa Lễ Giáng Sinh là ông già Noel, một ông già mặc quần áo màu đỏ viền trắng với tóc bạc phơ, râu và hàng ria dài trắng như tuyết. Ông già Noel tùy ngôn ngữ của mỗi nước mà tên đọc khác nhau. Từ đầu, người Hà Lan gọi Thánh Nicholas là Sinter Klass, sau này đọc thành Santa Claus. Trong tiếng Anh, Ông già Noel được gọi là Santa Claus (Thánh Nicolas), xuất phát từ truyền thuyết về một nhân vật có thật, sống ở thế kỷ thứ 4 tên là Nicolas. Tiếng Pháp gọi là Le Père Noel (nghĩa là Ông cha Noel). Riêng người Việt Nam, ảnh hưởng văn hóa Pháp một phần, vẫn quen gọi là Ông Già Noel.

         Truyền thuyết cho rằng Ông già Noel trở lại trần gian qua đường ống khói lò sưởi, đến mỗi gia đình để tặng quà cho trẻ con vào trong chiếc vớ hay giày treo gần giường ngủ hay lò sưởi. Ông mang lại những giấc mơ đẹp với tuổi thơ trong đêm Lễ Giáng Sinh. Vì vậy mà cha mẹ, người thân thường mua quà bỏ vào vớ để cạnh lò sưởi lúc trẻ con ngủ, để khi thức dậy chúng cảm thấy vui mừng với quà của ông già Noel tặng. Điều này khuyến khích trẻ em biết vâng lời cha mẹ, làm việc thiện để được ông già Noel tặng quà theo điều ước…

         Bạn tôi kể, người ta thường nhắc đến biểu tượng của ngày Lễ Giáng Sinh qua ý nghĩa “vòng lá mùa vọng”, một vòng tròn kết bằng cành lá xanh tươi treo nơi cửa chánh hoặc đặt trên bàn để mọi người dễ thấy. Cây thường xanh được trang hoàng trong các bữa tiệc của những ngày Đông Chí, cũng là dấu hiệu của mùa Đông sắp kết thúc. Bốn cây nến được đặt trên vòng lá. Đó là tục lệ được khởi xướng bởi các tín hữu Lutherans ở Đức vào thế kỷ thứ XVI để tượng trưng cho cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Vòng lá hình tròn màu xanh còn nói lên tính cách vĩnh hằng, tình thương yêu của Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu giúp con người. Bốn cây nến trong đó được phân chia theo đúng thời gian của Mùa Vọng: ba cây màu tím, màu của Mùa Vọng và một cây nến màu hồng. Cây nến màu tím (purple) đầu tiên được thắp sáng vào ngày Chúa Nhật tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng; cây nến màu tím thứ hai được thắp sáng vào Chúa Nhật tuần lễ thứ Hai; kế, cây nến màu hồng được thắp sáng lên vào Chúa Nhật tuần lễ thứ Ba, cây nến màu tím cuối cùng được thắp sáng lên trong ngày Chúa Nhật tuần lễ thứ Tư của Mùa Vọng. Những người Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong mùa Giáng Sinh và trong ngày Lễ Giáng Sinh. Cây thông Noel cũng là một biểu tượng không thể thiếu… 

         Mùa Giáng Sinh năm nay tự nhiên tôi cảm thấy thật lạnh, cái lạnh khác thường làm tôi không tài nào ngủ được. Tôi choàng dậy lấy khăn choàng quấn ngang cổ, chân mang vớ dày, mặc thêm quần và khoác thêm áo ấm, tôi cuộn tròn trong chiếc chăn kín mít để chống đở cái lạnh. Vậy mà không hiểu sao nó vẫn len vào được. Tôi khẽ rùng mình và run lên nhè nhẹ. Tiếng chuông nhà thờ gần nhà vang lên… Tôi nghe trong lòng dâng tràn cảm xúc… Nhớ ơi là nhớ không khí Giáng Sinh nơi quê hương Biên Hòa, mà mấy mươi năm rồi tôi không thể nào quên. Thời gian có thể xóa nhòa tất cả những gì nhưng tôi thì không thể quên và chắc sẽ không bao giờ quên được trong suốt cuộc đời mình…

         Đời sống của một cô nữ sinh chỉ biết có mái trường và gia đình, đột nhiên rẽ sang hướng đời khác với một quá khứ không thế nào có thể xoá nhòa… Quá khứ ngọt ngào và êm đềm quá… Giáng Sinh năm đó, mọi thứ đều thay đổi, tôi nghĩ đã đến lúc mình trưởng thành, tôi không cùng cô bạn gái đi lễ nhà thờ như hàng năm, vì tôi có người bạn mới, bạn trai… Tôi bắt đầu biết mơ mộng, tình yêu hé nở… Trong cuộc đời có những tình cờ không giải thích được, thêm vào đó có những ngẫu nhiên như được bàn tay vô hình sắp đặt… Những lần theo cô bạn đi lễ nhà thờ, tôi có dịp làm quen với một người bạn trai… Lần đầu tiên tôi cảm thấy như có sự thân thiện, khi anh đưa tôi đến quỳ dưới chân Chúa cầu nguyện… Tôi và anh yêu nhau từ đó. Những đêm Noel của những năm kế tiếp cũng như những lần theo anh đi lễ sau này tôi cảm thấy càng ấm áp hơn, khi nhà thờ Biên Hòa sáng rực ánh đèn, đường phố về khuya se lạnh nhưng đẹp lạ lùng và sau khi dự thánh lễ, chúng tôi cũng có chung những bữa ăn “Réveillon” vào nửa đêm thật hạnh phúc, tuy anh và tôi cả hai là người ngoại đạo.

         Đêm Giáng Sinh xưa tại nhà thờ Biên Hòa thật thơ mộng và êm đềm. Từ đó, tôi yêu mùa Đông, tuy lạnh nhưng thật lãng mạn. Noel cũng là dịp tôi và mọi người xung quanh tận hưởng những giây phút ngọt ngào của tình yêu, của niềm tin và hy vọng, tuy là mùa Đông nhưng vẫn thấy ấm áp. Ấm áp không phải ngồi bên lò sưởi, mà được ngồi bên cạnh người thương, khi mình dựa đầu vào một bờ vai tin cậy, một người mình yêu và mang tình yêu đến cho mình. Tôi càng cảm thấy ấm áp lạ thường từ đôi bàn tay ấy. Thật khó quên khi đôi bàn tay đan chặt vào nhau, và cho đến bây giờ người bạn đưa tôi đi dự Lễ Giáng Sinh ở nhà thờ Biên Hòa trên 40 năm là ông xã của tôi. Tôi nghĩ lần đầu hai chúng tôi quỳ dưới chân Chúa cầu nguyện… và nhờ bàn tay nhiệm mầu của Chúa se kết cho chúng tôi có được hạnh phúc đến ngày hôm nay, có cuộc sống bên nhau gần trọn đời… chúng tôi vẫn giữ những kỷ niệm khó quên này, những thông lệ hằng năm đến nhà thờ cầu nguyện. Chúng tôi sống với nhau đến bây giờ và đã có bốn mặt con, tất cả đều trưởng thành... Noel đối với tôi thật sự là một niềm hạnh phúc.

         Tôi xin dâng lời cảm tạ Chúa và bao hồng ân Ngài đã cho chúng tôi một cuộc sống đầy ý vị …

         Trong làn không khí hân hoan vui mừng đêm Chúa giáng trần, tôi mong ước và kính chúc quý đồng hương một mùa Giáng Sinh an bình và Tết Dương Lịch đầy may mắn, sẽ đến với mọi người. Và một điều, tôi muốn nói lên ở đây là lời chân thành cảm ơn người bạn học ngày xưa của tôi, hiện không biết đang ở phương trời nào. Người bạn ấy tên Vũ Thị Quyết trước năm 1975 ngụ tại Tân Mai/Biên Hòa.


        Hoàng Ánh Nguyệt




Sunday, December 22, 2019

LỜI TẠ LỖI MUỘN MÀNG - THƠ DƯƠNG QUÂN




LỜI TẠ LỖI MUỘN MÀNG

 

Có lẽ không còn cơ hội nữa

Một lần trở lại viếng quê xưa

Một lần nhìn thấy khung trời cũ

Mấy chục năm qua đã nhạt mờ

 

Có lẽ không còn hy vọng nữa

Được nhìn đồng lúa, ngắm giòng sông

Con đò bến đợi, hoàng hôn vắng

Lơ đễnh lưng trâu, lũ mục đồng

 

Có lẽ không còn tìm lại được

Mái trường rêu mốc, lớp tường vôi

Nắng hè hoa phượng vương màu nhớ

Áo trắng học trò, tóc chấm vai

 

Có lẽ chẳng bao giờ gặp lại

Những người thân cũ, những bà con

Họ hàng ai hãy còn, ai mất

Ai đã nằm yên dưới mộ phần

 

Bỗng dưng! nghe thấm bờ môi mặn

Nhớ buổi ra đi quá vội vàng

Chỉ sợ khỉ rừng ngăn chận lại

Tiếp đời quản chế, mãi gian nan

 

Bước lưu vong, đã dư phiền não

Nung nấu tâm can, héo hắt lòng

Chạnh nhớ quê nhà buồn ủ rũ

Tâm sầu bạch phát, trắng như bông

 

Nào những người xưa? chắc mất rồi!

Những đàn em bé, thuở vui chơi

Giờ lên tuổi thọ, ông bà lão

Hưng, phế bao nhiêu lớp đổi dời

 

Hỡi ai còn thức ở bên kia!

Xin mượn bàn tay dắt lối về

Xin chút ân tình còn rất hiếm

Làm liều tiên dược tỉnh cơn mê

 

Không bảnh gì đâu, ở xứ người

Nói năng ngọng nghịu, chẳng suông lời

Họ, Tên- đảo ngược thành - Tên, Họ

Già, trẻ lộn sòng: Anh với Tôi

 

Bất hạnh cho ai, đời biệt xứ

Lìa xa đất mẹ, bỏ quê hương

Đến khi mãn kiếp đày lang bạt

Tro cốt rải về với đại dương

 

Hỡi những người đang sống lẻ loi

Cho ta góp lại nửa môi cười

Nửa kia còn ấm xin tìm đến

Để thấy đời này, cũng đủ đôi

 

Hỡi những người trong cảnh đọa đày

Cho ta gánh giúp cả đôi vai

Đau buồn, ta sẵn lòng chia sớt

Hạnh phúc chia đều khắp đó đây

 

Hãy gói cho ta giọt nắng vàng

Bên nhà buổi muộn bóng chiều loang

Để ta hoà lẫn vào băng giá

Sưởi ấm buồng tim sắp nguội tàn

 

Xin gởi cố hương Lời Tạ Lỗi

Từ ngày khoác áo bước phiêu linh

Vịt -Kìu? Ta chẳng hề hoang tưởng

Chỉ nợ non sông một gánh tình

 

Dương Quân

2018




Saturday, December 21, 2019

MỪNG LỄ GIÁNG SINH - THƠ DƯƠNG QUÂN

MỪNG LỄ GIÁNG SINH

giang sinh



 Mỗi năm mừng đón Lễ No-el
Khắp chốn giăng giăng rực ánh đèn

Chúa xuống trần gian lo cứu rỗi
 Người ham danh lợi cứ bon chen
 Lắm phường gian ác còn tham vọng
 Nhiều kẻ bần dân mãi khổ hèn

 Cầu Chúa cho: "Hòa- Bình- Thế- Giới"
 Ngàn lần xin nguyện tiếng "A-Men!"

 
                            Dương Quân



Sunday, December 15, 2019

VỀ NHƠN TRẠCH ĂN CÁ BÓNG THÙNG - HOÀNG ÁNH NGUYỆT



Về Nhơn Trạch Ăn Cá Bóng Thùng
(Phước Khánh, Phước Lý Biên Hoà)
 
 
 
       Tôi được sanh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng lại thường xuyên có cơ hội về thăm chốn ruộng đồng, rất nhiều lần tôi được ông anh chở “đi ăn đồng quê” kiểu ăn dã ngoại vùng ngoại thành mà tôi rất thích, vừa hóng gió, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản quê mình rất ngon.
       Nền văn hóa ẩm thực và cách ăn uống của người quê tôi Biên Hòa mà nhất là vùng Phước Khánh Nhơn Trạch …của người Việt mang dấu ấn Nam Bộ, thể hiện nét chung của văn hóa Việt Nam, ngoài những món ăn quen thuộc, người vùng quê hiện nay còn có những món ăn độc đáo, ngày càng chế biến ra vô số món ăn lạ, dân dã mà đa dạng.
       Từ thuở ông cha ta vốn đã có lắm thứ ngon ở miệt đồng và đã để lại trong lòng người ăn những dư vị khó tả mà cho đến nay vẫn còn lưu giữ, một trong những món ngon lạ không phải ai cũng có thể được qua một lần thưởng thức. 
       Thiên nhiên ưu đãi nên chỉ có người miệt sông nước, ruộng đồng mới tận hưởng được hết những món quà hào phóng của thiên nhiên ban cho, quanh năm được ăn cá tươi, thêm vào đó do thời tiết mưa nắng hai mùa nên sản vật biển, rừng, sông nước, vườn ruộng bạt ngàn vô tận, là nguồn chứa khá lý tưởng nào: đuông dừa, chuột đồng, dơi, rạm, tôm tít, cúm, vọp, cá, cá sấu v…v…
       Mời các bạn về Phước Khánh, Nhơn Trạch lần này để thưởng thức thêm món ăn dân dã đời thường.
Cá bống thòi lòi biển.
       Những người sống vùng ven biển hoặc gần bãi bùn sông rạch nước mặn, quanh năm đều không xa lạ gì những loài cá sống riêng lẻ mà ở đó phải chịu ảnh hưởng thủy triều, loại cá này trông giống cá bống sao, nhưng lớn con và trông có vẻ dữ tợn. Đó là cá bống thòi lòi biển, có những loại cá bống có những tên khác nhau khá ngộ nghĩnh mà tên gọi quen thuộc đối với người miền Nam. Như bống mú, bóng rậm, bống sao, bống thệ, bống dừa, bống cát, bống trứng, bống tượng…Sống và đào hang dưới bùn, dưới tán rừng đước rừng mắm, ô rô hay rừng dừa nước, có nhiều ở khắp nơi, nhưng đặc biệt vùng Phước Khánh, Nhơn Trạch, hay xa hơn nữa là vùng Cần Giờ, dọc bờ kênh, sông rạch, đều có giống bống thòi lòi như vậy, nước ròng thì chui vào hang, khi nước lớn ngập thì chui ra ngoài. Thực ra, cá bống không lạ gì lắm với người dân quê miền Nam, là vùng đất mà có tới trên chín mươi ba thứ cá, tôm, cua, còng…
       Nhiều người dân sành ăn thủy sản có kinh nghiệm cho biết, thường những con cá sống ở biển có bộ dạng trông xấu xí nhưng thịt chúng lại ngon hơn những con cùng loại sống ở đầm lấy. Nói thì nói vậy cũng không hẳn đúng vì những khúc sông nước lợ và mặn vùng Nhơn Trach, Cần Giờ, Gò Công, Cà Mau…là nơi cá bống thòi lòi sống quanh quẩn, mà cho thịt ngon không thua kém gì. Được xếp vào loại cá ngon nên dân nhậu rất thích.
      Đặc biệt người dân vùng Nhơn Trạch Biên Hòa gọi cá bống thòi lòi biển bằng một tên khác là cá bống thùng, cũng chưa được nghe ai giải thích lai lịch vì sao lại có cái tên phát sinh này.
 

 
       Cá thòi lòi sống vùng nước lợ, có thể lặn sâu 5 tới 10 phút, hay phóng lên mặt nước, cành cây đeo vắt vẻo và nhất là tài leo trèo trên những rễ cây đước hay cây mắm, chúng thuộc giống lưỡng cư, rất hiếu động và di chuyễn  nhanh trên mặt nước. Mồi của cá thòi lòi là: còng, tôm, nham, tép và các loại cá nhỏ. 
       Những con cá bố mẹ người ở quê gọi là “cá bóng cựu”, là những con cá từ năm trước còn lại nên rất bự, thường sống kín đáo, chọn nơi ngóc ngách để đào hang sâu, đặc biệt rất thích ở  trong lùm ô rô hay trong kẹt rễ đước hoặc rễ mắm, hang sâu từ 1,5 đến 2 m, có nhiều ngách. Thế nhưng hang dầu có sâu đến đâu thì cũng không thoát khỏi bàn tay của con người. 
       Lần đầu tiên khi nhìn thấy cá thòi lòi biển nhiều người trố mắt, ngạc nhiên vì chúng có cái đầu hình trụ, hai con mắt trên đầu to lồi gần hẳn ra ngoài như hai bóng đèn, nó có khả năng quan sát xung quanh, chỉ cần nghe tiếng động nhẹ là nó lủi nhanh mất dạng. Người dân có nhiều cách bắt thòi lòi, nhưng cũng tùy thuộc thói quen, tập quán của từng địa phương.
       Bống thòi lòi xuất hiện nhiều khi triều xuống, rượt bắt bằng tay thì không kết quả, vì chúng phóng chạy thật nhanh xuống hang hoặc lặn sâu dưới nước. Kinh nghiệm có người chờ nước cạn, cá chui vào hang, họ sẽ ém kín các ngách rồi cắm que cây trước miệng hang, căn lưới, đến khi nước lớn cá trồi ra là mắc lưới ngay. Ở nhiều nơi, người dân dùng xà di kết bằng lá dừa nước như miệng phễu khi cá mắc vào thì không thể nào thoát ra được
       Trước đây cá bống xuất phát từ món ăn dân dã của bà con vùng quê, nhưng đến nay đã trở thành món ăn truyền thống, có mặt trong thực đơn của các nhà hàng khách sạn sang trọng, được giới thiệu với khách ngoại quốc như là món quốc hồn quốc túy và được thực khách Tây ta đánh giá cao, làm được nhiều món: nấu cháo tiều, chiên, kho xả ớt, kho tiêu, nướng trui, trộn gỏi lìm kìm, canh chua…
       Cá bóng thòi lòi được biết nhiều nhất và phổ biến nhất là cá bóng kho tiêu kho tộ ăn với cơm trắng, rau luộc thì rất đậm đà, tuy thanh đạm nhưng lạ miệng, một bửa cơm đặc sản rất ngon.
       Tới mùa cá bống thì con nào con nấy mập tròn , bụng căn đầy trứng. Cá được làm sạch, lột da, sắp cá vào nồi đất, ướp gia vị, đầu hành đập dập, nước mắm, đường, nước màu đem kho tiêu, để lửa riu riu, khi nghe bốc mùi thơm thơm thì phải nhắc nồi xốc vài lần cho cá thấm đều gia vị canh cho cạn nước còn xâm xấp, cho thêm chút tép mỡ và ít mỡ nước , tiêu xay, cá sẽ ửng màu hổ phách, cạn hết nước tỏa mùi thơm là được. 
 

 
        Đưa lên miệng cắn miếng cá, nhai chậm rãi để tận hưởng bởi độ ngọt bùi, thơm ngon thật quyến rũ, tạo nhiều ấn tượng cho người ăn, điều đặc biệt hơn nữa là cá này để nguội vẫn không tanh, nên món này thường dành cho các bà đẻ, bởi thịt rất hiền, ít xương lại rẻ hơn cá lóc đồng. Ca dao có câu” cá bống kho tiêu, cá thiều kho mặn” để cho thấy. Cá bống kho đúng cách sẽ cho thịt tuy khô nhưng không cứng, cay cay nhờ tiêu, mặn mà thấm gia vị, thơm ngon tuyệt hảo. Hâm đi hâm lại vài lần, là lúc ăn miếng cá vừa thơm, vừa bùi cảm giác như đang ăn thịt.
       Đối với các ông dân nhậu được một dĩa gỏi cá thòi lòi nướng trui trộn lá lìm kìm thì vài xị đế Bến Gỗ là thường. Thòi lòi nướng trui sau đó xé lấy thịt, lá lìm kìm ( loại dây leo mọc rất nhiều ở rừng ngập mặn). Mùa mưa lá lìm kìm xanh non. Vị lá này chua chua, chát chát lại có vị mằn mặn, đem rữa sạch trộn chung với thịt thòi lòi, hành tây thái mỏng, đậu phọng rang giã vừa, gia vị vừa ăn. Gỏi cá thòi lòi trôn lá lìm kìm ngon đặc biệt và phải được chấm với nước mắm chua ngọt mới đúng hương vị. Gắp một miếng gỏi cá cặp thêm vài lá lìm kìm nhai chậm rãi, bạn sẽ nghe lâng lâng hòa quyện khó tả. Bạn bè đãi rượu nhau chỉ cần vài món cá bóng mặc dù chỉ là món ăn dân dã nhưng là bữa ăn đầm ấm hương quê.
       Tôi hân hạnh nhiều lần về Phước Khánh, Phước An, Phước Lý Nhơn Trạch Đồng Nai và được thưởng thức nhiều món ngon từ cá bóng thòi lòi do các bà chị bà con giỏi nội trợ đãi, tôi thuộc loại khách quý nên được đãi ngoài những món cháo tiều, kho tiêu, nướng xả ớt, nướng trui, gỏi lìm kìm, canh chua…lần này được thưởng thức món cá bóng thùng hấp bia, cuốn bánh tráng rau sống thật tuyệt. Nói chung món nào chế biến từ “cá bống thòi lòi” ăn một lần nhớ mãi.
       Văn hóa ẩm thực trong cuộc sống hằng ngày của người quê tôi Biên Hòa phản ánh rất sinh động, thêm vào đó do ảnh hưởng môi trường thiên nhiên cũng như đặc sản vùng đất, qua chế biến nhiều món từ đặc sản cho thấy dân gian bao đời nay đã lưu tồn, vận dụng trong ẩm thực sáng tạo vô cùng phong phú, mang sắc thái văn hóa ẩm thực rất riêng, đậm nét hương đồng cỏ nội.
 
Hoàng Ánh Nguyệt
    (San Jose/2012)
    Tài liệu sưu tầm



Wednesday, December 11, 2019

LỐI XƯA - THƠ DƯƠNG QUÂN

LỐI XƯA - THƠ DƯƠNG QUÂN





Image result for NGƯỜI YÊU ĐI LẤY CHỒNG
 
 


LỐI XƯA 
(Để nhớ về Mỹ Hội)


 Thuở bé anh về qua lối nhỏ 
Trước sân em thấy vội ngừng chơi 
Dắt tay, em bảo vào thăm chị 
Chị ở sau vườn giặt áo phơi. 

Một chị, một em nhà vắng vẻ 
Em mười hai tuổi tóc buông lơi 
Mỗi chiều tưới nước hàng hoa đỏ 
Có hiểu gì đâu- nghĩa cuộc đời. 

Rồi cứ mỗi năm về xóm nhỏ 
Tóc dài, em mỗi lớn hơn xưa 
Má em phơi phới và môi đỏ 
Sân vắng, em không nữa cợt đùa 

Ngỡ em, như lúc em còn nhỏ 
Đến hỏi thăm, em chẳng trả lời 
Cứ đứng mân mê hoài chéo áo 
Ngượng ngùng anh cũng nghĩ xa xôi. 

Từ đó mỗi lần qua lối nhỏ 
Nhìn anh- Em chỉ mỉm môi cười 
Thăm nhà, anh trở ra thành thị 
Bên cửa anh buồn đếm bước vơi. 

Năm trước lại về qua lối nhỏ 
Em mười tám tuổi đẹp như tiên 
Áo hồng phất phới trong song cửa 
Tràn ngập tim anh- ánh mắt huyền. 

Nhưng một hôm rồi qua lối nhỏ 
Thấy em đan áo lạnh mùa đông 
Trước sân đã hái màu hoa đỏ 
Mới biết rằng em sắp lấy chồng. 

Chiều nay thơ thẩn về qua ngõ 
Trước cổng ai đề chữ VU QUI 
Rải rác trên đường màu pháo đỏ 
......................................... 
Thôi rồi! Em đã bước ra đi.

Lâu lắm lại về qua lối nhỏ
Nhà em hoang vắng lá đầy sân
Em không còn trở về đây nữa
Chị đã ngủ yên dưới mộ phần .

Dương Quân 
1962



Friday, December 6, 2019

THƯƠNG NHỚ NGƯỜI TÌNH XA 5 (THU BUỒN) - THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT

THƠ. : HOÀNG ÁNH NGUYỆT
N/SĨ   : BẰNG GIANG PHỔ NHẠC
N/ SĨ. : CAO NGỌC DŨNG HOÀ ÂM
CA SĨ : THUỲ AN TRÌNH BÀY
VIDEO: ĐỖ TRẦN THỰC HIỆN




THƯƠNG NHỚ NGƯỜI TÌNH XA 5 (THU BUỒN)


 ho_thu_1-content



Nắng thu buồn ngắm lá vàng

Cung thương xa vắng lẫn làn mưa bay

Giot sầu còn đọng mi ai

Nghe như trong gió vương hoài thở than

 

Chuyện mùa thu cũ dở dang

Những ngày hoa mộng đẹp trang sử lòng

Biết người còn nhớ hay không

Em chơi vơi quá giữa dòng tình câm

 

Nhớ nhung trăn trở lặng thầm

Nghe hồn buốt giá tháng năm đợi chờ

Đường xưa lối cũ mịt mờ

Biển lòng nghe sóng vỗ bờ...mà đau

 

Giot sầu tỉnh giấc chiêm bao

Trao yêu thương thuở ban đầu thiết tha

Đường đời dù đã chia xa

Tình yêu duy nhất... đậm đà mãi thôi

 

Hoàng Ánh Nguyệt

(San Jose. May- 2010)

 

*Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức:

THU BUỒN – Thơ Hoàng Ánh Nguyêt - Bằng Giang phổ nhạc – Cao Ngoc Dũng hòa âm – Thùy An trình bày