TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Saturday, November 30, 2019

TÂM TÌNH CÙNG TRI KỶ - THƠ DƯƠNG QUÂN


TÂM TÌNH CÙNG TRI KỶ

TÂM TÌNH CÙNG TRI KỶ


Hỡi tri kỷ! Có biết chăng:


- Trời đất bao la, lòng người chật hẹp
Tình chớm lên ngôi, đã vội phai tàn
Đời chưa thăng hoa, tương lai vụn vỡ
Hữu hạn kiếp người, vô tận thời gian


Ngoảnh nhìn lại, bao người vào thiên cổ
Đã lặng câm, im ắng đến tê người
Cõi vô minh, lời thỉnh cầu tuyệt vọng
Vũ trụ buồn, “hình nhi thượng” chơi vơi


Ta vẫn ngồi nghêu ngao trong bóng tối
Đợi trăng lên, chờ trăng lặn, canh tàn
Tiếng cú kêu, nhạc côn trùng ai oán
Sương đầm đìa, sầu mộng vẫn chưa tan


Ta còn lại, “thiên ban tam thốn dụng”
“Nhất đán vô thường, vạn sự hưu vong”
Ta thả nổi, đời phong trần lưu lạc
Lũ vượn người đã bán rẻ non sông


Ai cũng như nhau: “Hữu hình hữu hoại”
Nợ áo cơm, lời giáo huấn Thụ Nhân
Ta, hạt cát, giữa chập chùng sạn sỏi
Đã khiến ta mắc mướu bẫy đường trần


Nhưng chẳng hề chi. Lưới trời lồng lộng
Một mình ta, ngồi luận cổ suy kim
Ta nhớ cố tri, ta thương tiền kiếp
Ta giận đời này, lừa lọc bon chen


Biết bao kẻ, hắt hiu buồn số phận
Hãy nói KHÔNG, với hệ lụy thường tình
Ta chán lắm, cảnh “đêm dài lắm mộng”
Người cứ chờ, rồi sẽ tới bình minh


Ta bất mãn chung thân. Rồi tự hỏi:
Giá khi xưa, ta đừng có trên đời
Để khỏi vướng nhọc nhằn, mang phiền lụy
Thế gian này đỡ ô nhiễm. Lôi thôi!


Dương Quân   
5.18



Tuesday, November 26, 2019

ẨM THỰC DÂN GIAN CỦA NGƯỜI BIÊN HOÀ ĐỒNG NAI - HOÀNG ÁNH NGUYỆT



ẨM THỰC DÂN GIAN CỦA NGƯỜI BIÊN HOÀ ĐỒNG NAI    

        Bạn đã  đến Đồng Nai và đã thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, nhưng nếu bạn chưa ăn cá chạch nướng chấm “cơm mẻ” thì chưa thể biết một món ăn độc đáo của vùng sông nước quê tôi.
        Cứ đến giữa tháng Tư Âm Lịch, trời bắt đầu mưa lai rai thì mực nước trên các kênh rạch dâng cao và chuyển sang màu đục. Bấy giờ khắp nơi người dân rộ lên đặt lộp cào cá chạch, một trong những đặc sản của vùng nước ngọt nhưng sản lượng lại không nhiều như các loài cá khác.
        Cá chạch có khắp 3 miền đất nước, miền Bắc và Nam gọi là chạch, miền Trung quen gọi là cá nhét. Cá chạch có da trơn như lươn, nhưng cơ thể ngắn và nhỏ hơn, cá chạch trưởng thành dài 15-20 cm.
        Có 6 loại cá chạch: chạch khoan, chạch rằn, chạch bông, chạch lá tre hay còn gọi là chạch gai, chạch sông còn gọi là cá chạch lấu hay chạch bùn.
        Cá chạch đồng là loại cá nước ngọt, thân hình cá thon tròn, dẹp, đầu nhỏ , hơi tròn, mắt nhỏ, miệng ngắn có râu, da mỏng , dưới da có nhiều tuyến tiết chất nhờn, nên rất trơn nhẳn. Vây nhỏ, lẫn sâu dưới da nên khó thấy, vây lưng không có gai cứng , vây ngực và vây bụng ngắn , vây đuôi rộng. Cá có màu vàng nâu hoặc xám đen. Lưng sẫm hơn bụng .Trên thân có nhiều chấm, mỗi chấm có rất nhiều chấm nhỏ hợp thành. Ở vây đuôi có một chấm to màu đen, trên vây có nhiều sọc đen song song.
        Trong tất cả các loài cá nước ngọt, cá chạch thuộc loại dai, có thể nói là cá ngon, quý hiếm.
        Từ con cá chạch xấu xí được chế biến nhiều món ngon dùng để ăn với cơm hay làm mồi nhắm cùng rượu bia thì ngon hết sẩy.
        Ở nhà quê hay ở Sài Gòn, người ta thường có món cá chạch kho nghệ ăn với cơm nấu hơi khô mà lại là cơm gạo nàng tây hoặc nàng thơm, nàng hương chơ Đào của Tỉnh Tân An thì phải biết, ăn quên thôi.
        Nhiều người thắc mắc không hiểu sao ông bà mình kho cá chạch thì phải kho với nghệ, nếu không có nghệ củ dùng bột nghệ cũng được hoặc kho với lá nghệ, ăn mới ngon, mới hấp dẫn.
         Chúng ta đã biết nghệ là một vị thuốc. Hồi xưa mấy bà sau khi lâm bồn thường dùng nghệ xoa tay chân, mặt mày, nhiều khi thoa khắp thân mình nữa để được chắc da chắc thịt. Những vết thương muốn tránh thành sẹo người ta cũng thoa nghệ. Nghệ bột còn được uống để trị bịnh loét bao tử. Còn nghệ dùng trong việc kho cá chạch không hiểu có tác dụng gì, mà sao ăn  quen món này thấy ngon thơm hơn kho cá chạch không có nghệ. Màu vàng của nghệ và mùi vị của nó tạo sự kích thích tuyến dịch vị.
        Ăn và làm món ăn là cả một nghệ thuật, một triết lý sống của con người, vua chúa hàng quý tộc, giàu sang, người có quyền chức, họ có những món ăn ngon cầu kỳ. Riêng những người bình dân, sống nông thôn, quê mùa họ cũng có những món ăn độc đáo, đặc sản dù tầm thường ít tốn kém nhưng lại hợp khẩu vị, ngon tuyệt vời. Đó là những món ăn nhớ đời mà hàng quý tộc chưa có dịp biết qua, nhất là kỷ thuật làm các món ăn của người Đồng Nai cũng khá chăm chút, nhiều kiểu cách…
        Có thể kể một số món ngon từ cá chạch: chạch nướng chấm “cơm mẻ”, chạch xào sả ớt, chạch um chuối chát, chạch nấu lẫu, chạch nấu cháo, chạch nấu canh chua, chạch kho tộ lá gừng, chạch hầm đậu phọng, chạch um trứng gà…
       Người xưa gọi cá chạch là “nhân sâm dưới nước” bởi bên cạnh giá trị dinh dưỡng nó còn có nhiều tác dụng chữa bịnh. Đông y cho rằng cá chạch có tác dụng bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương, thanh nhiệt. Nó được chữa rất nhiều bịnh, nhất là bịnh về gan, mật, kháng viêm, tiêu độc và kháng khuẩn mạnh, do đó cá chạch cần thiết cho người già. Thịt cá có lượng mỡ rất thấp, nhưng lượng đạm lại rất phong phú, cao hơn nhiều so với nhiều loại thịt cá khác.
        Còn nhiều nữa những món lạ món ngon của quê nhà ngày xa xưa, bây giờ nhắc lại càng thêm nhớ và thèm. Chẳng biết đến bao giờ mới được ăn lại!
        Ăn uống đã vượt lên trên sự thỏa mản nhu cầu Đói và Khát mang tính thuần sinh lý mà ăn uống còn thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, của dân tộc. Xem cách ăn uống của một người, một gia đình, một dân tộc có thể phần nào đánh giá được trình độ văn hóa, trình độ nhận thức thẩm mỹ của chính con người ấy, dân tộc ấy, những món ăn bình dân, những thú ăn chơi...
        Tin rằng cùng với thời gian “ Văn hóa ẩm thực Việt Nam” mãi mãi sẽ còn được mọi người nâng niu, bảo tồn, gìn giữ như một trong những di sản quý báu, đặc trưng của dân tộc Việt Nam ta.

                       

      Hoàng Ánh Nguyệt
 (San Jose Xuân Quý Tỵ 2013)
          (Tài liệu sưu tầm)




Wednesday, November 20, 2019

QUÀ TẶNG CUỐI ĐỜI - THƠ DƯƠNG QUÂN

QUÀ TẶNG CUỐI ĐỜI


già
 
 
Rồi một ngày...
Em về tìm Nursing-home
Thăm anh trao một nụ hôn ân cần
      Thưa rằng: nghĩa nặng, thâm ân
Mai sau có xuống mộ phần đem theo.
 
Đời người tuổi muộn hắt hiu
Biết đâu một sớm, một chiều ra đi
Xuôi tay, còn giữ được gì
Nổi trôi, bầm dập đã đầy gian nan.
 
Trăm năm để lỗi cung đàn
Nắng mưa kẻ Bắc người Nam mịt mờ
Gởi lòng lẩn trốn trong thơ
Lửa hương hoài niệm thuở chờ giấc xưa.
 
Nhạt phai rượu lạt, men thừa
Cành xuân lão hóa xác xơ cội tình
Nỉ non em gọi tiếng "Mình!"
Vụng về nên để gập ghềnh nghiệp duyên.
 
Kể từ non nước ngửa nghiêng
Bước lưu vong nặng ưu phiền ngổn ngang
Sử kinh tro bụi phai tàn
Dãi dầu đất khách lỡ làng hoài mong.
 
Thưa rằng: Đây phút cuối cùng
Đường đời dẫu khác, vẫn chung kiếp trần
Cho nhau cũng đủ một lần
Nụ hôn vĩnh biệt vơi dần lệ khô.
 
Mai sau huyệt lạnh đáy mồ
Canh thâu nhạc dế, trăng mờ, sương sa
Anh về ngọn cỏ chòm hoa
Âm dương còn mãi đậm đà cảm thông.
 
Dương Quân



 

Sunday, November 17, 2019

BIÊN HÒA QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH - BÀI VIẾT HOÀNG ÁNH NGUYỆT


BIÊN HÒA QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH







QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH 

 

    Quận Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hòa thời VNCH, nay là Huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, nằm về phiá Tây Nam thành phố Biên Hòa, phía Bắc giáp huyện Long Thành (Đồng Nai) và nằm về phía Đông Nam thành phố Sài Gòn, giáp các quận 2 và quận 9, phía Nam giáp khu Rừng Sác thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhơn Trạch là một quận xa nhất của Tỉnh Đồng Nai, từ tỉnh lỵ Biên Hòa đến Nhơn Trạch phải trải qua một khoảng đường dài trên 40 cây số, đi Quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), vừa qua khỏi chợ Long Thành, gặp ngã ba, rẽ tay mặt, đi Liên tỉnh lộ 25 vào Nhơn Trạch, nhưng nếu từ Nhơn Trạch đi Sài gòn thì lại rất gần, chỉ hơn 10 cây số, qua ngã Phà Cát Lái, hoặc cũng có thể đi từ trung tâm Sài Gòn đến Nhơn Trạch bằng ngã qua phà Thủ Thiêm (sông Sài gòn) đến Cát Lái rồi qua phà Cát Lái (sông Đồng Nai) đi đến Nhơn Trạch.Trước năm 1975, nơi đây có kho đạn thành Tuy Hạ, có trường Quân Khuyển, có Khu Trù Mật Hang Nai, một vùng đất rộng, trồng lúa và nhiều loại cây trái, phong cảnh hữu tình, đặc biệt có nhiều cá sấu ở khu Rừng Sác và có nhiều loài dơi xuất hiện vào mùa sầu riêng trổ bông và mùa chôm chôm chín.
 
Sau năm 1975, dân chúng thành phố Sài gòn bung về đây lập nghiệp, nhờ vậy mà huyện Nhơn Trạch trở nên trù phú của Biên Hòa Đồng Nai
 
       Người dân thành phố Sài Gòn, gần như có thói quen, sau những ngày làm việc vất vã ở thành phố, họ muốn có được những ngày cuối tuần thư giản bằng cách thực hiện chuyến du lịch dã ngoại, sống cùng thiên nhiên để hít thở chút không khí trong lành nơi thôn quê và thưởng thức những trái cây tươi, đặc sản miền quê, họ chọn về vùng huyện Nhơn Trạch, là một huyện gần Sài gòn và còn mang màu sắc miệt vườn. Điều thú vị nhất là ghé vào các khu vườn trái cây, đi dạo quanh tìm sự thoải mái qua cảnh trời cao, sông rộng, vườn cây trĩu trái, tỏa hương. Khung cảnh mát mẻ, êm ả của miền quê Nhơn Trạch dễ khơi gợi lòng người một niềm lưu luyến …
 
       Nhiều phong cảnh đẹp như tranh vẽ tạo cho đối tượng một sự thanh thản, một cảm giác tuyệt vời rất êm đềm, yên tĩnh…khiến cho tâm hồn con người dễ hòa nhập vào môi trường tự nhiên, cây trái xanh tươi trĩu cành; thích thú nhất là thưởng thức các loại trái cây trong vườn do tự tay mình hái, những chùm chôm chôm đỏ tươi và những chùm dâu chín mọng, sum suê; đi dưới bóng những hàng mít, hàng dâu, có cả hàng dừa lẫn hàng cau dọc theo dòng kênh; ngắm những bụi thơm trái thật to, giống thơm tây, được trồng men theo bờ vườn chôm chôm, sầu riêng. Thơm tây Long Thành và Nhơn Trạch cũng đang là món quà quý của người miệt vườn dành để tặng bạn bè, hoặc du khách mua làm quà cho người thân khắp nơi nhất là ở thành phố; thêm vào đó, ta nghe có tiếng chim hót líu lo trên ngọn cây…. Ta cảm nhận được mùi sầu riêng lan tỏa ngát hương. Quả thật, không khí, màu sắc lẫn hương vị  miền quê Nhơn Trạch đã giữ một vai trò đặc biệt trong việc làm thư giản tinh thần cho một số đông người dân thị thành sau những tháng ngày cố bon chen tìm lẽ sống. Những chuyến vui chơi dã ngoại cuối tuần đã thật sự trở nên cần thiết đối với người dân cư ngụ tại thành phố Sài gòn và miệt vườn Nhơn Trạch là nơi tạo nguồn thư giản đầy thú vị. 
 
       Muốn thưởng thức những đặc sản của vùng quê Nhơn Trạch, người ta thường để ý đến các mùa vụ trong năm: cứ hết mùa bưởi, mùa dâu, mùa sầu riêng lại đến măng cụt, chôm chôm… để có thể hưởng được hương vị của trái cây đầu mùa.
 
        Vào mùa xuân, hoa sầu riêng bắt đầu trổ bông, du khách về miệt vườn Phú Hội, Long Tân ( huyện Nhơn Trạch) chẳng những thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản mà còn có dịp thưởng thức món ăn thật độc đáo được biến chế, nấu nướng từ thịt con dơi.
 
         Miệt vườn Phú Hội Long Tân có rất nhiều loại dơi như: dơi chó, dơi sen, dơi hương, dơi quạ…Dơi quạ là loài dơi to nhất mỗi con nặng trên ký lô và khi bay hai cánh giang dài hơn cả mét, chuyên sống bằng cách hút mật bông sầu riêng và ăn chôm chôm chín, nên những người ăn thịt dơi sành điệu ở xã Phú Hội rất ưa thích những món thịt dơi quạ. Họ cho rằng thịt dơi quạ là món ăn đại bổ, bổ phổi, bổ thận, đặc biệt là món huyết dơi pha rượu, ngoài ra, trong dân gian còn truyền miệng, cho rằng huyết dơi quạ pha rượu uống sẽ trị được chứng bịnh lao, chỉ là bài thuốc dân gian, nhưng có rất nhiều người bịnh áp dụng, mặc dù chưa có sự kiểm nghiệm của ngành Y Học, nhằm xác định tánh dược trong huyết con dơi quạ.
 
        Theo ông Chín  Ra, nhà ở Bến Cẩm, xã Phước Thiền và vài ông chủ vườn sầu riêng nổi tiếng ở Phú Hội cho biết, dơi quạ  xuất hiện ở miệt vườn trái cây Nhơn Trạch một năm chỉ có hai lần. Lần đầu vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào mùa chôm chôm chín, khoảng Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Dơi quạ bay theo từng đàn và chọn những cây sầu riêng trổ bông thơm ngát, xà vào cắn đài bông để hút mật. Chúng rất khôn ngoan và biết phân biệt, chỉ chọn những cây thật ngon để cắn bông hút mật và thường xuất hiện lúc nửa đêm, đến tờ mờ sáng thì chúng bay về xóm Hố vùng ven khu rừng lòng chảo thuộc xã Phú Hội và Long Tân (Nhơn Trạch) để ngủ. Dơi quạ ngủ suốt ngày đến nửa đêm thì thức dậy, bay đi ăn. Người dân Nhơn Trạch cho biết, không ở đâu dơi quạ nhiều như ở xã Phú Hội, vì đài hoa sầu riêng và chôm chôm chín là thức ăn ưa chuộng nhất của loài dơi nầy.
 
        Để tránh cho các vườn sầu riêng và chôm chôm bị dơi quạ phá hoại, gây thất thu, các chủ nhà vườn ở Phú Hội và Long Tân nghĩ cách giăng lưới đánh bẩy, lưới có gắn lưỡi câu treo tòn ten trên cành sầu riêng, đàn dơi xà xuống ăn, thì cánh bị vướng vào lưỡi câu, càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt, đến sáng chủ vườn chỉ việc ra gở đem vào làm thịt hoặc đưa ra chợ bán. Vườn cây nào không khéo che, gặp bầy dơi bay ngang qua chỉ một đêm thôi, đến sáng hôm sau, vườn trái sum suê chỉ trơ trọi cành không. Ông Chín cũng cho biết thêm, thịt dơi quạ chế biến nhiều món ăn rất ngon, như: Dơi quạ hấp chao, dơi quạ rô ti, dơi quạ nấu cháo đậu xanh … húp bát cháo dơi bạn sẽ thấy mình khác lạ, cảm giác rất dễ chịu, nhẹ người, khỏe khoắn thêm lên, và dân “nhậu” còn có thêm món dơi quạ xào lăn.
 
         Thịt dơi quạ được các ông chủ vườn cho rằng “đại bổ” vì chúng ăn toàn mật hoa và chôm chôm chín, phân dơi cũng rất hữu dụng, đã giúp ích nhiều cho nông nghiệp tạo mùa màng tươi tốt. Cây sầu riêng được bón phân dơi sẽ cho nhiều trái, đặc biệt trái thật to và nhiều múi, rất thơm ngon, cây được bón phân dơi đã cho năng suất đậu trái cao gấp đôi so với phân hóa học cũng như các loại phân hữu cơ khác.
 
        Mấy năm gần đây, được biết các nhà vườn trồng dưa hấu ở miệt Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, Long An và Vĩnh Long cũng sử dụng phân dơi bón dưa hấu cho năng suất cao  mà thịt dưa lại chắc, đỏ au ít hạt và cũng ít sâu bệnh, chẳng những được nhà vườn ưa chuộng  mà còn bán được cho một số cơ sở y dược mua về, sau khi loại bỏ tạp chất, bào chế ra nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, cho thú và phân dơi còn là nguyên liệu phụ gia để chế ra thuốc súng, pháo bông… 
 
       Tác dụng của phân dơi trên nhiều loại cây ăn trái, làm tôi nhớ ra đã có dịp đọc qua cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của dược sĩ Đỗ Tất Lợi viết rằng phân dơi còn gọi là “ dạ minh sa” ( hay thiên thử phẩn, biên bức phẩn). Vì phân dơi ban đêm có ánh lân tinh, nhấp nháy nên gọi là dạ minh sa. Dạ minh sa vì có vị cay, hàn lại không độc, vào can kinh có tác dụng hoạt huyết, nếu bào chế với vài vị thuốc như thảo quyết minh, cốc tinh thảo, để chữa bệnh gan.
 
      Dơi quạ có rất nhiều ở Phú Hội, Long Tân huyện Nhơn Trạch và ở miệt rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ.Và đặc biệt ở Đồng Tháp Mười hiện nay có một làng dơi, chuyên nuôi dơi để lấy phân.
 
       Dơi là loài vật khá nhạy cảm đối với môi trường xung quanh. Chỉ nơi nào thật sự an toàn chúng mới đến cư ngụ, như những tháp lầu cao hoặc những khu rừng rậm ít người lai vãng.
 
Sau đây là vài giai thoại truyền khẩu trong dân gian về vùng Nhơn Trạch (Đồng Nai)

 
                          Rừng sâu nước mặn phèn chua
                       Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng
 
Săn cá sấu cũng rất nguy hiểm, nên thơ săn cá sấu phải gan dạ và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, không đơn giản dùng đèn và chĩa hoặc dùng mồi là chó hay vịt, chỉ để câu những loại cá sấu vài ba chục ký. Dân chuyên nghiệp câu loại vài ba trăm ký để lấy da, đồ nghề phải trang bị đầy đủ. Dân câu cá sấu chuyên nghiệp được gọi là (traomun), một nhóm vài người (được gọi là “gánh”). Con mồi để câu là một con vịt có gắn hai thanh sắt hàn chéo hình chữ thập thả xuống để nhử mồi. Traomun chính được ngụy trang bằng cách vẽ trên người những đường rằn ri trước ngực còn sau lưng họ đeo một bó phao tre và tay cầm cây lao bằng mun đầu có bịt sắt và buộc sợi dây bằng cước dài hàng trăm mét. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề săn cá sấu, traomun lớn tuổi nhất có nhiệm vụ quan sát, khi thấy cá sấu lớn đến gần, những vết gai sần sùi nổi trên mặt nước, cứ bơi chung quanh con mồi mà không táp ngay thì “Người mồi” biết chắc đó là cá sấu lớn “Người mồi” sẽ nhảy xuống và họ làm động tác khuấy động, đập nước, để nhử cá sấu đến gần, lúc đó “Người mồi” thừa thế đâm lao vào mang cá sấu rồi thả dây bơi vào bờ, cá sấu vùng vẫy vì bị trúng thương, thợ săn chuẫn bị hai chiếc xuồng bơi ra kè vào. Những traomun này chuyên săn cá sấu to để lấy da, phần thịt cho người dân cư ngụ trong vùng. Được biết thịt cá sấu có vị ngọt, dai, có thể nấu cháo, xào, kho hay nấu cà ri ăn với bánh mì đều ngon và rất hấp dẫn, người dân sống trong vùng Rừng Sác và những vùng lân cận ưa chuộng nên những đám giổ, đám tiệc làm với thịt cá sấu loại nhỏ 5-10 ký là chuyện thường.
 
Nhơn Trạch còn có một đặc sản nổi tiếng nửa đó là trà, nước trà ngon phải kể đến xã Phú Hội, cây trà gắn liền với người dân Phú Hội từ bao đời nay và cũng đã trở thành câu ca dao của quê hương Phú Hôi Nhơn Trạch “Suối Mạch Bà trà Phú Hội” Theo phong tục của người Việt Nam nói chung , người dân huyện Nhơn Trạch nói riêng, món trà không thể thiếu, nhất là trong những ngày tết. Đặc biệt đối với người lớn tuổi uống trà chẳng những làm cho con người sảng khoái (người biết thưởng thức) mà chính trà còn tạo sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm, người dân thuộc lòng hai câu thơ:
 
                            Tuổi già ngồi uống nước trà
                       Nên tình nên nghĩa cũng đà ra thơ
 
       Nước Mạch Bà được nấu sôi pha với trà Phú Hội rót ra ly trà bốc lên mùi thơm toả ra thật quyến rũ, càng tạo nên hương sắc trà Phú Hội (Nhơn Trạch).
 
       Nét đặc thù của miệt vườn Nhơn Trạch: Trái cây có hương vị thơm ngon khó quên, có nước Mạch Bà, có trà Phú Hội, có các món ăn biến chế từ thịt dơi rất bổ dưỡng, có nhiều thứ tôm cá ngon, là nơi săn cá sấu lý tưởng. Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là tỉnh Đồng Nai.  Đồng Nai là một miền đất trù phú. Tôi yêu quê tôi chẳng những Đồng Nai là vùng đất địa linh nhân kiệt, đồng ruộng màu mỡ, cây trái thơm ngon, phong cảnh hữu tình với nhiều hoa thơm cỏ lạ mà Đồng Nai còn rất ấm áp tình người, người dân Biên Hòa luôn hiền hòa và hiếu khách. 
 
 
   Hoàng ÁnhNguyệt                                                                           
Thung Lũng Hoa Vàng 
Mùa Hè
2008    
 
BÀI ĐỌC THÊM
 
Đất Nhơn Trạch còn sản sinh ra nhân tài, hiện nay mà chúng ta thường hay nhắc đến đó là nhà thơ Dương Quân, anh đã từng là cựu HS Petrus Ký, CSV Quốc Gia Hành Chánh (Ban Đốc Sự HC) .
Từng giữ chức vụ Công Cán Uỷ Viên (Bộ VH - Giáo Dục - TN)
Thời VNCH trước 1975

Tác giả các tập thơ:
 
- Chập Chờn Cơn Mê 2003
- Điểm Hẹn Sau Cùng 2007
- Trên Đỉnh Nhớ 2010
- Như Thật Như Mơ 2013
 
Xin đọc bài thơ nổi tiếng sau đây:




GÁNH TRẦU MỸ HỘI
                                                                                                                                                        

   Thương nhớ gởi về quê Mỹ-Hội
   Dòng đời thắm thoát bấy nhiêu năm
   Bao mùa mưa nắng bao thay đổi
   Mà bóng người xưa vẫn bặt tăm.



              ***

   Thuở xưa Mỹ-Hội êm đềm quá
   Cây trái sum suê đủ bốn mùa
   Phước Lý về ngang Thành Tuy Hạ
   Nhà em ở dưới rặng cau thưa.


   Nhà em có Mẹ già gầy yếu
   Ba mất từ khi em biết đi
   Mẹ bán thúng trầu lưng buổi chợ
   Nuôi em khôn lớn tuổi xuân thì.


   Ngày ấy anh về thăm Mỹ-Hội
   Qua phà Cát Lái ghé Long Tân
   Tìm em trưa nắng tan phiên chợ
   Thăm Mẹ thăm em đã mấy lần.


   Con gái miệt vườn, không trang điểm
   Nhưng em rất đẹp, tánh ngoan hiền
   Má hồng, mắt biếc, làn môi đỏ
   Giúp Mẹ gánh trầu buổi chợ phiên.


   Anh trai tỉnh lỵ ra trường lớn
   Ăn học, làm quen nếp thị thành
   Hai đứa cùng nhau chung ước hẹn
   Chờ anh đi kiếm chút công danh.


   Mỗi bận trở về thăm xóm cũ
   Ra vườn gom hái lá trầu vàng
   Trầu cau chung gánh - chung duyên nợ
   Đủ nghĩa cho tình ta chứa chan.


   Gặp nhau rồi lại xa nhau nữa
   Căn dặn đừng quên sớm trở về
   Em đứng bên bờ sông Cát Lái
   Nhìn theo như níu bóng người đi.


   Chiếc phà tách bến, dòng sông rộng
   Nước xoáy lao chao đám lục bình
   Run rẩy những chồi hoa tím tím
   Thương em bịn rịn bước không đành.
 

   Công danh đeo đuổi chi mà khổ
   Đã lỡ bon chen chốn lụy phiền
   Chưa kịp đến ngày tin Mẹ mất
   Gánh trầu giờ trĩu nặng vai em.


   Anh về lần ấy, hay lần cuối
   Ngồi kế bên em xếp liễn trầu
   Chợt thấy bàn tay gầy guộc quá
   Lần đầu xao xuyến nụ hôn nhau.


   Anh đốt trầm hương xin khấn Mẹ
   Sau này được kết nghĩa trăm năm
   Em làm nội trợ, nuôi con nhỏ
   Thôi gánh trầu, thôi những nhọc nhằn.


   Rồi buổi quê hương tàn cuộc chiến
   Anh xa thành phố, sống trên rừng
   Mười năm dày dạn cùng sương gió
   Ai hẹn ngày về giữa gió sương?


   Mỹ-Hội cũng thay từng cảnh sống
   Chợ phiên cần gạo, chẳng mua trầu
   Cau khô, trầu héo, buồn trong thúng
   Vườn cũ thưa dần những bóng cau.


   
Em có khi nào qua Cát Lái
   Bến phà đứng đợi một bên bờ
   Nước sông cuồn cuộn xuôi dòng nhớ
   Những mảng lục bình theo sóng đưa?


   Như mảng lục bình trong nước xoáy
   Không về trở lại bến sông xưa
   Dòng đời xô dạt anh xa mãi
   Mà bóng người thương chẳng nhạt mờ.



              ***


   Biết có ai về quê Mỹ-Hội
   Nhắn dùm người cũ mấy lời thăm
   Giờ thân viễn xứ còn trôi nổi
   Xin hiểu lòng nhau - tạ lỗi lầm.




     Dương Quân
                                                                                                                                                        


 

   

CÁCH CHỮA VẸO CỔ, KHAN TIẾNG, ĐAU BỤNG, ĐAU BẢ VAI, NHỨC RĂNG



CÁCH CHỮA VẸO CỔ, KHAN TIẾNG, ĐAU BỤNG, ĐAU BẢ VAI, NHỨC RĂNG

Sau khi bài viết  “CÁCH CHỮA CHẢY MŨI, NGHẸT MŨI, HO HẾT NHANH KHÔNG CẦN THUỐC” đã được các bạn thực nghiệm có kết quả tốt và ưu ái chuyền, chia sẽ cho nhau trên nhiều trang web. Đến nay số lượt người xem bài này đã vượt quá 70.000 lượt xem. Cũng theo yêu cầu của một số bạn Cherry xin chia sẽ tiếp một số cách chữa nhanh khác, nó đã được thực nghiệm qua nhiều người bệnh cho kết quả tốt, mong rằng sẽ giúp ích cho các bạn khi gặp phải vấn đề này trong cuộc sống. Cách chữa nhanh này không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe khi làm sai, nó dễ làm, kết quả tốt, không mất tiền và đi đâu chúng ta cũng có thể giúp đở người khác hay giúp cho người thân khi họ bị những bệnh như thế. Cherry chúc sức khỏe mọi người và chúc các bạn thành công khi thực hiện
 
Bài 1-  Chữa đau bụng :
Có nhiều trường hợp bị đau bụng, do thức ăn, đường ruột, đau bụng kinh hoặc do đau đại tràng v.v… bạn có thể thử cách làm giảm cơn đau bụng đơn giản như sau đây:
*- Dùng lưng của đầu móng bàn tay phải đẩy vào lòng bàn tay trái theo chiều của mũi tên (Hình 1) sức đẩy không mạnh lắm, không đủ làm đau nhưng đủ ma sát mạnh vào các huyệt nằm trong lòng bàn tay hoặc bạn cũng có thể cào khắp lòng bàn tay (Hình 2) cách này không êm ái như cách dùng lưng của móng tay đẩy ngược lên tuy nhiên cách nào cũng có mục đích ma sát vào lòng bàn tay làm điều hòa đường ruột. Làm khoảng 5 phút rồi bạn chuyển đổi tay ngược lại, tay trái đẩy hoặc cào vào lòng tay phải. Nếu bạn bị đau bụng thuộc về những triệu chứng ghi ở trên, chỉ bằng cách chữa này cơn đau sẽ giảm dần, có khi hết hẳn.  
Nếu đau bụng vì mắc đi ngoài khi bạn đang đi trên xe mà chưa có điều kiện đi liền thì cách này sẽ giúp bạn trụ lại thêm vài phút (Dù vậy bạn đừng tập thói quen nín thường xuyên sẽ không tốt cho đường ruột)
Riêng những người đau bụng kinh… ngoài cách làm này còn phải dùng ngón trỏ của tay chà sát bờ môi trên ít phút mới thật sự hết hẳn đau.
 
Bài 2- Chữa khan tiếng:
Hôm nào bị ho nhiều hoặc ăn trái cây nhiều sinh ra nóng, nhiệt cao làm tắt tiếng, mất giọng, để giúp khắc phục nhanh tình trạng này… bạn có thể dùng cách chữa như sau : Nhờ người thân dùng 2 lòng bàn tay chà sát vào nhau khoảng 30 giây cho nóng (xem hình 3)  rồi áp lòng bàn tay đó vào sau cổ gáy của bạn chổ có hình 2 mũi tên (xem hình 4) chà mạnh nơi này cho nóng lên (Do cổ hẹp nên chà đổi tay, tay trái rồi tay phải)  Thời gian chà mỗi lần khoảng 5 -10 phút,chà xong có thoa thêm dầu nóng ở chổ 2 mũi tên này, làm khoảng 3-5 lần là tiếng nói có thể khôi phục lại nhớ là chà sát cho nóng mới hiệu nghiệm nghen.  
 
Bài 3- Chữa Vẹo cổ:
Biểu hiện của bệnh là ngủ dậy thấy cổ bị căng cứng, rất đau khi xoay chuyển đầu qua trái hoặc phải. Không những vậy đôi khi đau lan cả vai, làm các cơ ở vai cũng căng cứng, nếu ấn vào thấy đau buốt. Nguyên nhân do tư thế nằm gối đầu không đúng, làm khí huyết không điều hòa, cơ cổ có thể bị kéo giản lâu nên sinh ra đau. Sau đây là mẹo cách điều trị nhanh nhưng rất hiệu quả:
Đau cổ bên nào nhiều thì chữa tay của cùng bên đó, thí dụ đau nhiều ở cổ bên trái thì chữa ở cổ tay trái (xem hình 5) chổ mủi tên được tô màu hồng. Lấy cườm tay mặt chà sát mạnh cho nóng vào lưng của cổ tay trái trong phạm vi màu hồng vùng có mũi tên (xem hình 5 và 6) Chà khoảng 5-10 phút, sau đó thoa thêm dầu nóng ở chổ vùng màu hồng này. Nếu đau mà không phân biệt được đau cổ bên nào nhiều thì chữa cả 2 tay, dùng tay phải chà vào lưng của cổ tay trái và sau đó đổi lại là dùng tay trái chà vào lưng của cổ tay phải. Bạn cũng có thể nhờ người khác chà dùm vào chổ cổ tay nầy cũng được, miễn làm sao cho cổ tay nóng lên là được. Kiên trì sử dụng cách làm nầy vài lần cơn đau sẽ biến mất và cổ trở lại bình thường.

Bài 4- chữa bả vai đau nhức, không giơ tay lên cao được:
Trong giấc ngủ không thể nói trước được điều gì đang xãy ra, đôi khi sáng thức dậy bạn cảm thấy một bên hay 2 bên vai đau ê ẩm và nhức nhối. Cách chữa đau này không giống như cách chữa bị vẹo cổ như bài viết phía trên vì có thể đau cơ do bạn vận động nhiều sinh ra, bạn vẫn có thể xoay đầu sang trái hay sang phải bình thường.  Sau đây là cách chữa đơn giản có thể giúp bạn giảm hoặc cắt cơn đau nhanh trong ít phút:
Dùng cây lăn dò đồng hoặc cây lăn dò sừng của Bùi Quốc Châu (xem hình 7) có bán ở cửa hàng dụng cụ y khoa, lăn ngang từ điểm giữa của 2 đầu mày là huyệt ấn đường chấm màu đỏlăn kéo dài ra đến cuối chân mày theo hình mũi tên (xem hình 7a)  chú ý: bạn lăn bên mày cùng bên với bả vai đau (thí dụ đau bả vai trái thì lăn mày trái) lăn khoảng 5 -10 phút. Nếu đau hai bên vai thì lăn cả hai mày trái và phải. Nếu không có cây lăn dò sừng để lăn bạn có thể dùng lưng của móng tay để một góc 30 độ so với chân mày (xem hình 7b) cà móng ma sát mạnh từ giữa hai đầu mày (huyệt ấn đường đỏ) kéo dài đến cuối mày, cách làm này sẽ làm bạn hơi ê vì các huyệt đang bị phế, tuy nhiên nếu bạn cố lăn ít phút các huyệt sẽ được giải, cơn đau giảm dần và bả vai cũng giãm đau theo. (người không bị đau nhức khi lăn dọc theo mày sẽ không hề thấy ê ê như người có bệnh) Nên kiên trì lăn nhiều lần cơn đau sẽ giãm dần và dứt hẳn. 

Bài 5- Chữa đau răng và đau nướu răng:
Đôi khi bạn đau răng hay đau nướu nhưng vài viên thuốc giãm đau không giúp dứt cơn đau liền. Sau đây là cách chữa giãm đau răng nhanh chỉ mất từ 6- 10 phút, cơn đau răng sẽ dịu lại và làm thêm vài lần cơn đau răng hay đau nướu sẽ biến mất.
Đầu tiên bạn chụm đầu các ngón tay ở bàn tay trái theo chiều thẳng đứng, (xem hình 8) Dùng móng của bàn tay phải (tay nằm trên) gỏ vào thịt của đầu móng bàn tay trái (tay nằm dưới)  độ mạnh của sức gỏ làm bạn có cảm giác ê ê nhưng không đau (nhớ là khi gỏ vẫn giữ tư thế tay để theo chiều thẳng đứng tính từ chân lên đầu, không để tay nằm ngang sẽ ít hiệu quả hơn) Sau đó bạn chuyển tay, lúc này tay phải  trở thành (tay nằm dưới) sẽ chụm lại để theo chiều thẳng đứng và tay trái trở thành (tay nằm trên) sẽ dùng móng gỏ vào thịt đầu móng của bàn tay phải. Nhớ là tay nằm trên luôn dùng móng tay gỏ , tay nằm dưới là đầu thịt để móng gỏ vào. Bạn sẽ cảm nhận cơn đau răng dịu dần qua những lần gỏ. Kiên trì gỏ nhiều lần cơn đau sẽ giãm dần và dứt hẳn.
Cherry chúc các bạn thành công khi thực hiện và nhớ chia sẽ cho mọi người cách điều trị nầy nhé!!



Bài xem thêm:
Bài thuốc làm hạ men gan nhanh nhất:
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/bai-thuoc-lam-ha-men-gan-nhanh-nhat-35D1620F.htm
Bài thuốc đông y chữa bệnh gout:
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/bai-thuoc-dong-y-chua-benh-gout-35CFE66C.htm
Cách chữa chảy mũi, nghẹt mũi, ho, hết nhanh không cần thuốc:
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/cach-chua-chay-mui-nghet-mui-ho-het-nhanh-khong-can-thuoc-35D3F345.htm  
Bài thuốc nam chữa hở van tim.
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/bai-thuoc-nam-chua-ho-van-tim-35D5BA6D.htm   
Bài thuốc đông y chữa suy thận
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/bai-thuoc-dong-y-chua-suy-than-35D5F419.htm  
Bài thuốc chữa viêm xoang
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/bai-thuoc-chua-viem-xoang-35D22F6F.htm   
Bài thuốc chữa bệnh cao huyết áp, mở máu, thiếu máu nảo.
http://yume.vn/cherrynguyentran/article/chia-tay-cholesterol-duong-huyet-chat-beo-va-triglyceride-35D901FE.htm   
 
ngo - quyen.org/a4057





Wednesday, November 13, 2019

VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ - BÀI VIẾT - LÊ THÀNH CÔNG





VỀ MỘT NGƯỜI BẠN CŨ

            LÊ THÀNH CÔNG

          Hình như tạo hoá khi tạo dựng con người, đều có "nhã ý" tặng mỗi người một tài năng riêng biệt, một cái "gift" tiềm tàng bên trong mà khi mới chào đời chưa lộ ra để ai thấy được. Từ lúc còn là đứa trẻ khóc oe oe, trần truồng, mắt nhắm nghiền, da thịt đỏ hỏn...tất cả đều là hình ảnh sơ thời giống nhau. Thế mà trong vòng hơn mười năm sau, mỗi con người đã dần dần hiện ra những cá tính, những nét đặc thù, hoặc tài năng riêng...của tạo hoá ban cho người đó, chỉ riêng cho người đó mà thôi. Và cũng nhờ tính chất cá biệt riêng rẽ này, mỗi cá nhân mới tạo được một vị trí riêng biệt trong lòng người khác. Quí vị, các anh, các chị, Dương Quân và tôi, đều nhận được cái "gift" của tạo hoá ban cho, nhưng "phần" của mỗi người đều khác nhau.

          Tôi là một trong những người bạn của Dương Quân đã gần 50 năm qua kể từ ngày chúng tôi được tuyển đậu vào lớp Đệ Thất (Lớp 6) trường Trung học Petrus Ký. Chúng tôi được xếp học chung một lớp suốt cả 7 năm trung học và cũng là bạn sau nầy suốt cả quãng đời - cho đến hôm nay.
          Do đó, tôi "thấy" cái gift của tạo hoá tặng cho Dương Quân khác hơn tôi và các bạn khác. Thật vậy, ngay từ khi còn mặc quần ka-ki xanh, áo sơ mi trắng, thêu phù hiệu Petrus Ký trên túi áo, những năm đầu đệ nhứt cấp trung học, những bạn nhỏ chúng tôi đã nhận thấy người bạn nhỏ Dương Quân cùng lớp đã có "máu" thi văn, có khiếu về văn chương . "Tình anh phát tiết" sớm quá (?). Tôi nghĩ vậy mỗi khi nhớ về người bạn nầy.

          Mà quả thật, hình như anh được sanh ra để "ăn nói" và viết lách. Anh nói cái gì cũng được trơn tru, hoa mỹ...và đặc biệt là cách trình bày, phô diễn có nhiều khả năng lôi cuốn người nghe. Người nghe là bạn bè trong lớp, và "người nghe" đó là các cô nữ sinh choi choi của các trường khác...khi anh ta, chúng tôi đi ...tán đào. Tôi thấy lối nói chuyện hấp dẫn, lối nói chuyện rất...công hiệu của Dương Quân, lối nói duyên dáng, day dứt như kẹo mạch nha, câu nầy nối tiếp câu kia, ý nầy liên kết ý nọ, khiến em nào được "tán" đều cảm thấy lòng mình hư nở hoa vì tai mình được nghe những lời hoa mỹ chải chuốt, ngọt ngào, đậm đà như...champagne, khiến lòng thấy lâng lâng ngây ngất.
Đó là lối "nói" - còn lối  "viết" thì Dương Quân cũng khác hơn nhiều bạn khác.
          Nhớ lại những năm chúng tôi còn là học trò nhỏ - được học tại một trường Trung học nổi tiếng của miền Nam - và trong khung cảnh miền Nam thanh bình, bọn học trò chúng tôi ngây thơ, vui lắm. Nên ngoài việc học, chúng tôi còn "bày ra" việc viết Lưu Bút, và viết Bích Báo.
          Lưu Bút Ngày Xanh là một quyển sổ bìa cứng, bên trong là những trang giấy pelure màu, hoặc giấy ca rô trắng muốt, giữ thật kỹ, thật đẹp, đưa tận tay những người bạn thân thiết để ghi lại những dòng lưu niệm.
          Những trang "Lưu bút ngày xanh" của Dương Quân viết cho bạn bè mang một nét hơi lạ lạ. Nét chữ của anh bay bướm, huê dạng, đặc biệt là các chữ "g" có cái đuôi dài -  lê thê như áng mây chiều (!) - tha thướt. Và lời văn của Dương Quân không có vẻ gì là để dành cho những trang lưu bút rất ư là...học trò, như - nhìn những cánh phượng rơi trong gió, cảm thấy buồn bâng khuâng vì rồi đây chúng ta sẽ tạm chia tay - nghỉ hè - không còn đùa giỡn với nhau hằng ngày; hoặc xa thầy cô, xa mái trường thân yêu , xa bạn bè thương mến, còn đâu những kỷ niệm êm đềm chia nhau trái khế, ly kem...

          Thoát ra những sáo ngữ ấy, Dương Quân thể hiện lối viết đột phá trong văn chương so với các bạn cùng trang lứa. Anh viết như những lời tự tình, những xúc cảm bàng bạc trong lòng người con trai đa cảm.
          Giờ đây trí tôi không còn tốt để nhớ nhiều. Những năm tháng bị tù đày, những thăng trầm nghiệt ngã hằng vài chục năm chồng chất đã vô tình...xâm thực và xói mòn một phần lớn những kỷ niệm  trong cuộc đời mình với bạn bè. Nhưng tôi không thể nào quên một câu của Dương Quân đã viết trong quyển "Lưu Bút Ngày Xanh" của tôi vào lúc đó. Anh viết "...Anh với em như băng hà với biển, và ngàn năm mãi mãi, biển bao quanh băng hà...!!" Chỉ có mấy chữ thế thôi, mà sao tôi thấy hay quá, lãng mạn quá. Tôi thấy xao xuyến cảm động và có chút gì cảm phục, vì với ý nghĩ của bọn học trò lớp Đệ Lục, Đệ Ngũ (lớp 7 , 8) của chúng tôi lúc đó, chưa ai nghĩ đến một ý văn như vậy.
          Cho nên về sau nầy, mỗi khi tôi viết thư tình, những lời văn hoa mỹ của anh đều được tôi tận tình chiếu cố, khai thác triệt để. Thank you Dương Quân - Đa tạ một tài hoa, với bút pháp huê dạng đã gợi cảm hứng cho tôi sau nầy.
          Rồi quãng đời học sinh thơ ấu êm đềm như giòng sông...Danube (?) và mỗi bạn bè chúng tôi người mỗi ngã. Dương Quân vào Quốc Gia Hành Chánh, còn tôi thì khoác chiến y. Người nghề văn, người nghiệp võ.
          Cuộc đời của Dương Quân trơn tru, sóng suốt như những dòng văn anh viết, sống những ngày hoa gấm như nét đẹp trong thi văn anh sáng tác, chí tang bồng hồ thỉ được điểm trang thêm cho cuộc đời bay bướm hào hoa của anh, tung anh lên cao như những áng mây lang thang trong bầu trời mơ ước. Trong thời gian làm công chức trẻ không dài mà anh đã giữ các chức vụ chỉ huy ở địa phương  Quận, Tỉnh - và ở Trung Ương Phủ Bộ - nhứt là khi anh giữ chức vụ Công Cán Uỷ Viên - Giám đốc Trung Tâm ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục, anh đã chứng tỏ là người biết "ăn nói" viết lách và tài năng giao tế, khả năng nghề nghiệp đã giúp anh thành công trước khi vào tù cải tạo 8 năm ở miền Bắc.
          Sau hơn 20 năm dong ruỗi trên đường đời, thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại nhau hàn huyện trò chuyện. Anh lại trở về nhiệm sở, tôi trở ra đơn vị nhưng tình bạn chúng tôi vẫn như xưa, ngày nào mặc quần ka ki xanh, áo sơ mi trắng và phù hiệu thêu trên túi áo

          Nhưng lần xa nhau sau năm 1975, bạn bè chúng tôi mỗi người một Trại Cải tạo khác nhau, kẻ rừng sâu, người núi rậm, như là lúc hạnh phúc con người , khi vươn lên chưa tới đỉnh ước mơ thì bị tuột dốc...down hill. Ở tù ra tôi hỏi thăm các bạn bè thì biết Dương Quân vẫn còn sống. Nghe tin anh đang làm lò gạch, và tôi quyết tâm đi tìm...
          Với chiếc xe đạp cũ kỹ, xộc xệch, tôi chen chúc lạng lách trên con đường đất đỏ chật hẹp mà những ổ gà, ổ voi đã chiếm hơn 2/3 mặt lộ. Tôi cảm thấy hơi băn khoăn khi nhìn trước mặt khoảng đường còn dài hơn vài cây số. Nhưng tôi không nản lòng, tiếp tục đi tìm anh theo hướng người quen đã chỉ dẫn.
          Giữa cánh đồng hoang vắng, một vài con bò gầy gò đang gặm cỏ trên gò đất, từ xa tôi thấy những hàng gạch đang được phơi nắng chung quanh một mái nhà tôn thấp lè tè mà nhiều tấm đã rỉ sét, không vách, không cửa. Tôi nghĩ đó là nơi làm gạch. Một đám người đứng lố nhố trai gái lẫn lộn, la lối xôn xao đang loay hoay dưới mái nhà. Chính giữa gian nhà là một cổ máy đang nổ xình xịch, khói đen tua tủa. Phía trên cổ máy là một cái cối lớn đựng đất sét. Một người hơi già đang ở trần, mặc quần dài, hai ống quần xăn lên tới đầu gối đang rút chân lên, đạp chân xuống, để nhồi đất cho dẻo; chân thì bước tới, bước lui đạp đều để ém đất vào trục quay của cối, mắt thì nhìn trục quay, vừa nhìn dòng đất sét được cối ép nặn ra để được cắt thành những viên gạch, miệng thì quát tháo la đám thanh niên đang cười giỡn ầm ĩ, mồ hôi giọt ngắn giọt dài, ướt đẫm mình trần...thiếu mỡ, thiếu thịt...
          Thấy có người bước vào, mọi người đều nhìn ra. Riêng người đứng trên cối vẫn không ngừng chân đạp.
          Tôi cất tiếng hỏi thăm:"Xin lỗi, ở đây có ông Dương...? Người đứng trên cối, ngước mắt nhìn tôi. Tôi nhận ra ngay, ông ta là Dương Quân.
Đúng rồi, đúng là Dương Quân của Petrus Ky ngày nào. Đúng là Dương Quân hào hoa phong nhã, "vang bóng một thời"........
          Tôi hơi bàng hoàng xúc động. Anh vẫn chưa nhận ra tôi. Thấy anh ngơ ngác, tôi nhắc tên và nở nụ cười quen thuộc - nụ cười sau bao năm tháng đọa đầy vẫn chưa bị héo hon:
          Công đây, Lê Thành Công, Petrus Ký đây. Tôi dường như hét hơi lớn, vừa như để át tiếng xình xịch của cổ máy. Nhờ vậy, Dương Quân nhận ra tôi. Đôi mắt anh chợt sáng lên và hình như trong khoảng khắc 1/1000 giây phút đó, hình ảnh người bạn nhỏ Petrus Ký năm xưa đã trở lại trí nhớ của nhau.
          Dương Quân đã nhận ra tôi. Một thoáng...lệ chẳng hoen mi...nhưng hơi xúc động. Phải chăng, hai câu thơ sau đây của nhà thơ nào đó, đã diễn tả giùm cảnh huống bấy giờ của chúng tôi:
"Nầy đây - là thật cố nhân
Mà ôi thôi - đã phong trần cả hai."....

          Dương Quân bước xuống khỏi cối đất sét, bảo cho tắt máy, và ra lệnh cho tất cả được nghĩ đến chiều. Anh rửa chân tay, khoác vào cái áo ka ki xanh dương cũ kỹ, tôi chở anh trên xe đạp ra ngoài quán cà phê đầu đường , kể lại chuyện xưa, chuyện tù, chuyện khổ v. v...Từ đó về sau, chúng tôi lại thường gặp nhau ở quán cà phê lề đường, ở nhà tôi dưới tàng cây mận, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện phản bội, chuyện chung tình, chuyện đói nghèo, chuyện bon chen, chuyện xe thồ, chuyện nhọc nhằn của chúng tôi và của người đời, của bạn bè...trước khi tôi định cư xứ người . Sau đó, anh cũng tiếp bước  H.O........
- Helo! Thành Công đây!
- Helo! Tôi nghe! Dương Quân trả lời bên kia đầu dây điện thoại từ bờ Đông Florida nước Mỹ, với tôi từ bờ Tây California , nước Huê Kỳ. Nhưng Đông và Tây không hề cách biệt vì thường lệ cuối tuần , chúng tôi vẫn gọi, hỏi thăm nhau. Dù thường  xuyên nói chuyện với nhau, nhưng chúng tôi chưa lần nào gặp nhau trên đất tạm dung nầy. Anh làm thơ gởi qua tôi. Anh nói:
"Rồi hôm nay, soi gương ta chợt thấy
Da đồi mồi, tóc bạc, trán nhăn nheo
Ta biết mình sức không còn vùng vẫy
Đời sắp tàn với nấm mộ đìu hiu."
          Lời thơ của Dương Quân phản phất "La mort de Loup" của Alfred De Vigny:
"Et enfin, comme moi, souffre et mourir sans parler."
          Gần 50 năm, khác với những dòng lưu bút ngày xanh anh viết xưa kia cho tôi và các bạn nhỏ ở Trường Petrus Ký.
          Tuy anh mệt mỏi, nhưng tôi không quên hình ảnh Dương Quân xắn quần đứng trên cối, đạp nhồi đất sét để làm gạch...Hình ảnh đẹp như thơ văn của anh. Dù hoàn cảnh nào, dù gian truân thống khổ nào, anh vẫn thích nghi, hiện ngang đối đầu với thử thách, cũng như phải tự trui rèn nghị lực để tồn tại sau bao năm dài trong ngục tù bao la. Không ngã quỵ để bị hủy diệt, không ngã lòng để mất tiết tháo, Dương Quân vẫn sống, vẫn làm thơ, dù trong điều kiện cực kỳ cay nghiệt trong trại tù. Hồn thơ anh vẫn lai láng, tuy ý thơ đã pha thêm vị đắng cay.
          Hay là vì phong thổ mà quít Giang Tây có chút thay đổi vị ngọt? Nhưng không sao cả. Vì như thế mới thấy được đâu là xanh mộng ấu thơ, đâu là hoàng hôn xế bóng. Và cũng nhờ thế mới suy gẫm được đâu là nhung lụa, đâu là gió sương.
          Vài dòng về người bạn cũ, kỷ niêm một thời với kẻ đa tình, đa tài như Don Juan, đa năng, đa hiệu như Võ bị Đà Lạt, như Quốc Gia Hành Chánh...một loài chim bay xa với cái "gift" riêng của tạo hoá đã dành cho.

San Diego
Tháng 9/2003
Lê Thành Công