TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Thursday, September 28, 2017

VÀI CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ THU CẢM CỦA DƯƠNG QUÂN


BÀI VIẾT CỦA HOÀNG ÁNH NGUYỆT

Anh Dương Quân quý mến. 


       Thơ là một nghệ thuật cao nhất của trí tưởng tượng và đó cũng là cả một sự suy tư liên kết nhau từ hiện thực, quá khứ lẫn tương lai. 
        Trong thơ văn từ cổ chí kim, hình ảnh mùa thu thường xuất hiện trong mạch nguồn của thi nhân, gợi ra cho con người những cảm xúc man mác, ở bất kỳ góc độ nào...Chẳng hạn như trong thơ văn Pháp thì có hai nhà thơ nổi tiếng như A. Lamartine với bài "Mùa Thu - L'automne":
...
"Oui, dans ces jours d'automne, ou la nature expire,
A ses regards voilés je trouve plus d'attraits..."
Dịch
Trời về thu lá vàng rơi như trút
Cảnh đượm buồn càng thơ mộng làm sao!...

Và Paul Verlaine với bài " Thu Ca - Chanson d'autome":

"Les sanglots longs 
Des violons 
   De l’automne 
Blessent mon cœur 
D’une langueur 
   Monotone. "
Dịch
"Vĩ cầm nức nở
Tiếng thu
Lòng ta một mối
Sầu tư
Khôn cầm"...

        Bên Tàu thì có Đỗ Phủ, Lý Bạch, hay Việt Nam có Nguyễn Du, Tãn Đà ...không ai không nói tới mùa thu. Như bài thơ "Tiếng Thu" tuyệt tác của Lưu Trọng Lư, thể hiện những ý niệm đầy độc đáo: 
...
"Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác,
 Đạp trên lá vàng khô"...

        Với anh Dương Quân trong những dòng thơ của anh, thường luôn tràn ngập màu sắc, tràn ngập tình người, anh viết nhiều bài thơ về thu. Riêng bài thơ THU CẢM càng đọc tôi càng thích và có vài cảm nghĩ:

         Lời thơ trong sáng, ý thơ nhẹ nhàng, êm như ru, cái man mác của thiên nhiên, tỏa ra như mây khói, cộng với cái đặc biệt trong tâm trạng tác giả "Có con én muộn chao ngoài ngõ
Mang hết hạ tàn theo cánh bay" được diễn tả một cách thật tinh tế, hồn nhiên, mà dễ thương biết bao:
Có lẽ là Thu đang đến đây
Cho sương khói ủ mộng thêm đầy
Có con én muộn chao ngoài ngõ
Mang hết hạ tàn theo cánh bay
       Hình ảnh chớm Thu vốn vô tri nhưng đã trở thành đối tượng cho tác giả tâm tình cũng như để miêu tả, nên vì lẽ đó đã hiện lên trong những câu thơ hay, trong sự giao cảm của đất trời, ta bắt gặp những nỗi buồn áo não qua những chữ "nhung nhớ" "đìu hiu" "hoàn hôn tắt" "bóng trăng treo" như thế này, tác giả tâm sự:
Có chi nhung nhớ rất đìu hiu
Nhè nhẹ vương trong sắc nắng chiều
Hồn của muôn loài hoa cỏ mục
Đợi hoàng hôn tắt, bóng trăng treo
       Ở đoạn thơ này những hình ảnh của linh hồn, thiên nhiên, hòa hợp bằng ý thơ độc đáo " Hồn của muôn loài hoa cỏ mục" "Đợi hoàng hôn tắt bóng trăng treo". 
       Đúng vậy ánh trăng mùa thu chính là hình ảnh mà các thi nhân rất thích sử dụng khi nói về thu, nhưng dường như dưới bóng trăng treo vằng vặc kia đang hiểu thấu nỗi lòng của thi nhân, câu thơ của anh theo tôi nghĩ, không nhằm miêu tả hay so sánh, nhưng lại nói lên cái mong ước, cái khát vọng tình cảm chất chứa ở bên trong, rất khiêm nhường nhưng lại không kém phần ý nhị. Cho thấy thơ của anh luôn luôn thật gắn bó với cuộc đời, tôi có cảm nhận anh là một ngọn bút diễn đạt những câu thơ trong suốt, đẹp đẽ và có linh hồn:
Ai có vui gì nghêng đón Thu
Thời gian không hẹn bước gian hồ
Thu tàn, đợi tiết Xuân xanh lại
Riêng mảnh tình phai vẫn xác xơ. 

       Bài thơ Thu Cảm tôi đọc rất cảm xúc, anh diễn đạt tinh tế, trong tình cảm và cảm nhận, trong lúc trời đất giao mùa thơ thường mang nỗi u buồn. Có lẽ do sức gợi cảm của gió đầu mùa se lạnh của sương thu.
       Vần điệu bài thơ Thu Cảm anh đã kết hợp cách gieo vần nhịp nhàng, sự kết hợp ấy đã làm cho câu thơ có một tiết điệu đặc biệt vừa du dương, vừa êm nhẹ. Nên thơ của anh Dương Quân bao giờ tôi cũng đón nhận rất trân trọng, cũng đọc đi đọc lại nhiều lần để tận hưởng cho hết cái khả năng diễn tả của anh nhất là trong âm điệu, trong vần luật…
       Cả bài thơ Thu Cảm là một bức tranh sống động, có màu sắc lẫn âm thanh.
       Thơ anh Dương Quân hầu hết thường có chất triết lý siêu hình, nhưng lại không làm người đọc nhàm chán mà ngược lại đây chính là chất xúc tác để thơ Dương Quân càng chói sáng, hầu hết thơ anh sáng tác đều đạt tới độ hoàn mỹ và thu hút càng ngày càng nhiều người đọc hơn. 
        Chúc anh Dương Quân luôn vui khỏe và sáng tác nhiều hơn nữa.

Hoàng Ánh Nguyệt



Tuesday, September 26, 2017

THU CẢM - THƠ DƯƠNG QUÂN - KIỀU OANH TRỊNH THỰC HIỆN YOUTUBE





 
 
 
THU CẢM

Hình như trời đất chớm thu sang
Đã thấy xôn xao những lá vàng
Đã thấy mây xa chìm xuống thấp
Bên thềm, nụ cúc nắng miên man
 
Có lẽ là thu đang đến đây
Cho sương khói ủ mộng thêm đầy
Có con én muộn chao ngoài ngõ
Mang hết hạ tàn theo cánh bay
 
Có chi nhung nhớ rất đìu hiu
Nhè nhẹ vương trong sắc nắng chiều
Hồn của muôn loài hoa cỏ mục
Đợi hoàng hôn tất bóng trăng treo
 
Có gì ray rức nẻo thu tâm
Những hẹn thề xưa, mộng ước thầm
Từng mảng đời trôi vào dĩ vãng
Chuyến tàu dang dở bóng xa xăm
 
Có chi hư ảo thế gian này
Dư vị ngọt bùi lẫn đắng cay
Như kiếp lá xanh rồi chợt úa
Như người chếnh choáng một cơn say
 
Ai có vui gì nghênh đón thu
Thời gian không hẹn bước giang hồ
Thu tàn, đợi tiết xuân xanh lại
Riêng mảnh tình phai vẫn xác xơ

DƯƠNG QUÂN




 

Sunday, September 24, 2017

LỢI ÍCH CỦA VIỆC HÍT THỞ


Ai thở sâu thì sống lâu.
(Elizabeth Barrett Browning)
 
Hít thở là sự sống. Bạn có thể nhịn ăn trong vài ngày nhưng không thể nhịn thở trong vài phút. Chỉ ngộp thở trong vài phút thôi cũng sẽ giết chết bạn.
 
1-   Khoa học đã chứng minh: đủ lượng oxy trong cơ thể sẽ giết tất cả vi trùng, vi khuẩn và vi-rút. Tiến sĩ Otto Warburg đoạt giải Nobel năm 1931 nhờ chứng minh được ung thư sẽ không phát triển trong môi trường giàu oxy. Hiện nay, giới y khoa đều biết hầu hết bệnh đau tim đều do thiếu oxy.
 
Các bạn  nên chú ý về hít thở nếu muốn trẻ lâu. Lão hóa là do cơ thể bị nhiễm độc do hấp thu phải chất độc và sự hư hỏng các tế bào. Những người trẻ lâu nhờ vận động nhiều và tống chất độc ra hiệu quả. Điều đầu tiên cơ thể bạn làm để tống chất độc là kết hợp chúng với oxy.
 
2- Chức năng của hít thở:
-   Cung cấp oxy vào máu cho máu tuần hoàn đến não
-   Kiểm soát năng lượng sống, từ đó kiểm soát tâm trí của bạn.
 
3- Kiểu hít thở:
-   Nông
-   Trung
-   Sâu
 
4- Công dụng của hít thở:

   Tăng năng suất, tăng sinh lực, tăng sáng tạo, vui vẻ hơn,  ngăn chặn lão hóa.
 
Hầu hết vùng phổi của bạn nằm ở lưng. Hầu hết con người hít thở nông bằng miệng, ít sử dụng cơ hoành. Cách hít thở này khiến cơ thể chỉ sử dụng phần trên cùng của phổi nên hấp thu được một lượng nhỏ oxygen. Do đó dẫn đến bạn thiếu năng lượng sống và dễ có nguy cơ bệnh tật. Chưa kể thở bằng miệng dễ khiến hơi thở của bạn có mùi.
 
5-Cách Hít Thở Tối Ưu
Đây là cách hít thở đúng: một nhịp hít thở bao gồm ba phần: Hít – Giữ – Thở 
 
Bạn hít  bằng mũi, miệng đóng lại, thở ra cũng bằng mũi.
 
Hít thở theo nhịp 1-4-2. Hít vào 1. Giữ trong 4. Thở ra 2.
 
Khi hít vào phần bụng phồng ra để cơ hoành di chuyển xuống dưới mát xa các cơ quan nội tạng. Tưởng tượng một quả bong bóng căng phình ra.
 
Khi thở ra phần bụng thóp vào để cơ hoành di chuyển lên trên mát xa trái tim nhỏ bé của bạn. Tưởng tượng bụng như máy hút bụi co rút lại.
 
Bài tập:  Hít vào trong 5 giây. Giữ trong vòng 20 giây. Thở ra trong 10 giây.
 
Bạn có thể nâng số lần lên dần dần. Đạt được đến nhịp 10-40-20 là bạn đã đặt chân vào thế giới hít thở của các thiền sư thông tuệ Ấn Độ . Đừng cố gắng quá sức. Ngạt thở chết luôn. Thử mỗi ngày hít thở như vậy 3 lần, mỗi lần  10 phút. Bạn sẽ cảm thấy nguồn năng lượng của mình cuộn chảy và tâm hồn bình an. Các bạn nên tập vào buổi sáng tinh mơ khi mới thức dậy, buổi trưa khi nghỉ ngơi, buổi tối trước khi đi ngủ 10 phút.
 
Lần đầu tiên tập hít thở, các bạn sẽ cảm thấy năng lượng tràn đầy. Bạn sẽ cảm thấy như có một nguồn suối lạch chảy thông khắp cơ thể.
 
Sau 7 ngày đầu tiên tập hít thở bạn sẽ cảm nhận được sức khoẻ chuyển biến rất tốt.
 
6-Hơi Thở và Tâm Trí
Bạn có để ý khi mình sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi, hơi thở của bạn gấp gáp và rất nông không? Bạn có để ý khi mình  thư giãn , bình tâm, bạn thở chậm và sâu hơn không? Hít thở ảnh hưởng đến tâm trí của bạn.
 
Thở có thể thay đổi cuộc sống của bạn.
 
-Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy thở. Thở sẽ làm bạn bình tâm và làm dịu những nỗi đau.
-Nếu bạn lo lắng về điều gì sắp xảy ra, hoặc vướng vào một điều đã qua, hãy thở. Thở sẽ mang bạn trở lại hiện tại.
-Nếu bạn thiếu dũng cảm và quên đi mục đích sống của mình, hãy thở.
-Nếu bạn có quá nhiều việc phải làm, hoặc bị xao lãng trong ngày làm việc, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn tập trung vào điều quan trọng nhất bạn cần làm ngay bây giờ.
-Nếu bạn đang dành thời gian với một người bạn yêu thương, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn cảm nhận giây phút hiện tại với người ấy, thay vì nghĩ lan man về những việc khác bạn cần làm.
-Nếu bạn đang tập thể dục, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn tận hưởng bài tập, và nhờ vậy bạn sẽ tập được lâu hơn.
-Nếu bạn đang di chuyển quá nhanh, hãy thở. Thở sẽ nhắc nhở bạn đi chậm lại và thưởng thức đời nhiều hơn.
 
Chúng ta hãy thở đi. Và tận hưởng từng giây phút của đời này.
 
90% năng lượng của bạn nên đến từ hít thở. Thở là cách quản lý căng thẳng tốt nhất. Trên thế giới có những chuyên gia dạy về cách hít thở. Yoga cũng là một cách tập hít thở siêu hiệu quả. Cách hít thở trong bài viết nầy là cách đơn giản nhất giúp mọi người mau chóng cải thiện sức khỏe.
 
 
 
THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH 
 
Từ hàng ngàn năm nay, con người đã biết tự chữa bệnh cho mình qua Yoga, Khí công và Thiền. Tuy nhiên, qua các lý luận bao la đầy vẻ kỳ bí của các phương pháp này đã làm cho nhiều người chán ngán.
 
Dưới đây, xin được giới thiệu về những kinh nghiệm về phương pháp thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Bác sĩ  từng là bệnh nhân đã được khỏi bệnh chỉ nhờ biết thở đúng cách.
 
Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học ĐH Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941.
 
Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở BV Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái  Các bác sĩ Pháp bảo, ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi.
 
Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp... thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Chuyện khó tin nhưng có thật! 
 
BS. Đỗ Hồng Ngọc bạn của BS Viện viết: "Tôi may mắn được quen biết  ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy.  Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm.  Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý-xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, (nay là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989). Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học. 
 
 Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc... thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa "dung tích sống" như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười "tiết lộ" với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi... thở, nhờ vậy mà ông không bị stress (căng thẳng) , không bị mệt. 
 
Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông. 

http://www.dongcong.net/misc/SucKhoeLaVang/tho-de-chuabenh_clip_image002.jpg
"Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng,  phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu!
 
Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ... dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Và cho đến hôm nay, khi đã hoàn toàn bình phục, thở có phương pháp đã thành một quán tính tự nhiên từ lúc nào tôi cũng không thể nhớ rõ.
 
Xin ghi lại đây, như một sự biết ơn, về chuyện “thở” với nguyện ước rằng, sẽ có nhiều người “biết thở” đúng phương pháp, để nhờ đó có thể tự chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho mình.
 
Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh... của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc. 
 
Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện: 
 
Tóm lại như sau cho dễ nhớ:
 
1- Phình bụng hít vào
         Thót bụng thở ra
         Chân tay thư giãn
 
2- Hít chậm - thở sâu
 
3- Để ý hơi thở
          Đứng ngồi hay nằm
         Ở đâu cũng được
         Lúc nào cũng được!

hay
 
 Thót bụng thở ra
 Phình bụng thở vào
 Hai vai bất động
      Chân tay thả lỏng
      Êm chậm sâu đều
     Tập trung theo dõi
     Luồng ra luồng vào
     Bình thường qua mũi
     Khi gấp qua mồm
     Đứng ngồi hay nằm
     Ở đâu cũng được
     Lúc nào cũng được!  
 
BS Đỗ Hồng Ngọc (dohongngocbs@gmail.com)



 

ĐỜI NGƯỜI - THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT


 



ĐỜI NGƯỜI

Đời người đang dở...thường tình
Nào ai đi suốt hành trình bên nhau
Dẫu cho cay đắng thế nào
Xua đi tăm tối,  dạt dào niềm tin

Thời gian thắm thoát trôi nhanh
Được rồi lại mất, nhục vinh, thế thời
Khó khăn chớ oán trách trời
Thong dong tự tại sống đời an nhiên

Không gây thù hận lụy phiền
Chữ nhân chữ đức, vững bền dài lâu
Quanh đi ngoảnh lại bạc đầu
Duyên rời nợ giữ lao đao xứ người

Khi anh quay gót đi rồi
Vầng trăng viễn xứ ngậm ngùi nhớ thương
Vẫn còn đau thắt đoạn trường 
Dẫu ngàn năm mãi vấn vương bóng hình

Trầm luân nặng nợ thế tình
Trần gian vạn nẻo gập ghềnh sông mê
Bóng chiều, tuổi muộn, ủ ê
Níu đôi chân mỏi lê thê dặm dài

Thân tàn đất khách, xuân phai
Đường đời muôn mối đắng cay chán chường
Dứt trừ thống khổ tai ương
Sống đời thanh tịnh vô thường xá chi

Nghiêp căn, dẫu đến hạn kỳ
Bước ra khỏi kiếp còn gì nữa đâu
Rời xa cõi tạm phù du
Đi về thiên cổ ngàn thu vĩnh hằng.

Hoàng Ánh Nguyệt
          SJ.2016



Saturday, September 23, 2017

ĐỌC THƠ DƯƠNG QUÂN - ĐỈNH DUNG NGHI 12312016




NGUYEN BA ĐỌC

ĐỈNH DUNG NGHI

Anh không phải hàng vương tôn công tử
Kẻ thất phu chỉ có trái tim hồng
Và tình yêu là kho tàng, châu báu
Trao cho em, làm sính lễ cầu hôn.

Anh xin rước em về Dinh Hạnh Phúc
Mời em lên ngự trên Đỉnh Dung Nghi
Nơi thủy chung anh tôn thờ duy nhất
Chốn trăm năm đầm ấm sắc hương thề.

Anh sẽ góp mây trời may áo lụa
Sẽ gom hoa nở thắm vạn mùa xuân
Sẽ thu nhạc trùng dương từng thế kỷ
Đem về em tô điểm nét thiên thần.

Anh sẽ giữ lòng yêu em tuyệt đối
Sẽ trung thành mãi mãi tận ngàn sau
Sẽ chiêm ngưởng dáng đoan trang vời vợi
Bóng hình em huyền thoại lẫn ngọt ngào.

Nàng Thơ ơi! Anh đã từng mộng mị
Đeo đuổi em hết cả một đời người 
Không còn nữa những giòng thơ bi lụy 
Khi môi em hàm tiếu nụ cười tươi.

Dương Quân



Wednesday, September 20, 2017

ĐAU ĐẦU ĐỪNG VỘI UỐNG THUỐC

Đau đầu đừng vội uống thuốc, hãy thử massage 6 huyệt này trong 5 phút là đủ

Đau đầu đừng vội uống thuốc, hãy thử massage 6 huyệt này trong 5 phút là đủ
VĂN VŨ
Nhiều nghiên cứu cho thấy huyệt đạo khi massage đúng vị trí, đúng cách sẽ mang lại hiệu quả chẳng khác gì thuốc bổ, những huyệt trong bài viết này sẽ phần nào giúp bạn đẩy lùi cơn đau đầu.
Ai trong chúng ta cũng có rất nhiều bộn bề cuộc sống, công việc phải trải qua mỗi ngày. Có mấy ai không đau đầu vì công việc hay vì áp lực xung quanh? Thế nhưng, đừng lạm dụng thuốc để làm nhẹ bớt những cơn đau này, đôi khi chỉ một chút massage vào đúng huyệt đạo có thể giúp cơn đau tan biến.
Phương pháp massage huyệt đạo đã được khoa học nghiên cứu và khẳng định là có tính hiệu quả trong thực tế và tuyệt vời hơn nữa là một khi biết, ai cũng có thể làm và làm nó hàng ngày.
Mặc dù vậy, nếu như những biện pháp massage, bấm huyệt đạo không mang lại hiệu quả, hãy tìm tới sự tư vấn của bác sĩ vì dù sao những phương pháp dưới đây cũng chỉ là tạm thời.
Massage thế nào cho đúng?
Trước hết, bạn phải có được tư thế thoải mái, cơ thể thư giãn. Không quan trọng bạn ngồi, đứng hay nằm, miễn là cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái là được. Mỗi lần massage hãy thực hiện nó trong khoảng 30 giây tới 1 phút. Ban đầu sẽ khá bất tiện khi phải theo dõi thời gian, thế nhưng khi đã quen bạn có thể ước chừng để có thời điểm chính xác.
Sử dụng ngón tay ấn nhẹ vào huyệt sau đó bắt đầu chuyển động tròn giống như bạn đang cố tẩy một vết bẩn nhỏ bằng ngón tay vậy. Với người bình thường, khi sử dụng đúng huyệt đạo, cơn đau đầu sẽ mất chỉ trong khoảng thời gian từ 5 tới 10 phút.
Mặc dù vậy, các cơn đau không giống nhau và mỗi người có một điểm huyệt đạo khác nhau để khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn. Thế nên hãy thử những huyệt đạo dưới đây và tìm ra vị trí giúp bạn thoải mái nhất.
Trong đông y, huyệt Yintang được coi là con mắt thứ 3 của một người, nó nằm giữa 2 lông mày và thường ở phần xương nhô lên giao giữa mũi và trán. Theo nghiên cứu , huyệt đạo này ngoài giải tỏa cảm giác đau đầu, những người bị nhức, mỏi mắt cũng có thể tự massage huyệt Yintang để đỡ hơn.
Hai huyệt đối xứng này nằm cùng trục với huyệt Yintang nói trên, thế nhưng nó được bố trí gần với mắt hơn. Mặc dù vậy, do khá khó tìm nên trong quá trình massage bạn có thể vẽ hình tròn lớn hơn để chạm tới huyệt. Cũng giống với Yintang, huyệt Zan Zhu giúp làm giảm đau đầu, đau mắt, cải thiện tầm nhìn ngắn hạn.
Huyệt Yingxiang nằm phía trên miệng và dưới mũi, bạn có thể tìm thấy nó khi ấn vào phần hõm của xương gò má. Massage huyệt Yingxiang giúp làm giảm đau, nhức răng, giảm thiểu stress cũng như giảm đau đầu.
Huyệt Tian Zhu nằm ở phía sau gáy, ở giữa đốt sống cổ và tai. Massage huyệt này giúp dễ thở hơn, làm giảm đau tai, một số loại đau đầu.
Huyệt Shuai Gu nằm ở phía trên tai và thường ngang với phần cao nhất của lông mày. Khi di chuyển ngón tay qua phần này bạn có thể cảm thấy một điểm gợn nhỏ, massage phần này để giúp làm giảm đau đầu cũng như đau, mỏi mắt.
Huyệt He Gu nằm giữa ngón cái và ngón trỏ, massage huyệt này bạn có thể sử dụng ngón trỏ cùng nhón cái của tay còn lại để massage cả phần trên lẫn phần dưới. Huyệt He Gu khi bấm vào sẽ hơi đau một chút nên khá dễ tìm. Massage huyệt này sẽ giúp làm giảm đau lưng, đau răng cũng như căng thẳng, cứng phần cổ và đau đầu.

*****************



--