TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Thursday, March 31, 2016

QUÀ TẶNG CUỐI ĐỜI THƠ DƯƠNG QUÂN


QUÀ TẶNG CUỐI ĐỜI

       Rồi một ngày...
       Em về tìm Nursing-home
Thăm anh trao một nụ hôn ân cần
       Thưa rằng: nghĩa nặng, thâm ân
Mai sau có xuống mộ phần đem theo.

       Đời người tuổi muộn hắt hiu
Biết đâu một sớm, một chiều ra đi
       Xuôi tay, còn giữ được gì
Nổi trôi, bầm dập đã đầy gian nan.

       Trăm năm để lỗi cung đàn
Nắng mưa kẻ Bắc người Nam mịt mờ
       Gởi lòng lẩn trốn trong thơ
Lửa hương hoài niệm thuở chờ giấc xưa.

       Nhạt phai rượu lạt, men thừa
Cành xuân lão hóa đã trơ cội tình
       Nỉ non em gọi tiếng "Mình!"
Vụng về nên để gập ghềnh nghiệp duyên.

       Kể từ non nước ngửa nghiêng
Bước lưu vong nặng ưu phiền ngổn ngang
       Sử kinh tro bụi phai tàn
Dãi dầu đất khách lỡ làng hoài mong.

       Thưa rằng: Đây phút cuối cùng
Đường đời dẫu khác, vẫn chung kiếp trần
       Cho nhau cũng đủ một lần
Nụ hôn vĩnh biệt vơi dần lệ khô.

       Mai sau huyệt lạnh đáy mồ
Canh thâu nhạc dế, trăng mờ, sương sa
       Anh về ngọn cỏ, chòm hoa
Âm dương còn mãi đậm đà cảm thông


                   Dương Quân




BIÊN HOÀ QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH

BIÊN HÒA QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH

Quận Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hoà, nằm về phía Tây Nam thành phố Biên Hoà, giáp với thủ đô Sài Gòn (Tây, Nam); tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu (Đông, Nam); quận Long Thành (Bắc, Đông Bắc), được thành lập ngày 09 tháng 9 năm 1960, Nghị Định số 858-NV, dưới thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà.     
Từ tỉnh lỵ Biên Hoà đến Nhơn Trạch phải trải qua một khoảng đường dài trên 40 cây số, theo Quốc lộ 15, vừa qua khỏi chợ Long Thành, gặp ngã ba, rẽ tay mặt, đi Liên Tỉnh Lộ 25 vào Nhơn Trạch; nhưng, nếu từ Nhơn Trạch đi Sài Gòn thì lại rất gần, chỉ hơn 10 cây số, qua ngã phà Cát Lái, hoặc cũng có thể đi từ thủ đô Sài Gòn đến Nhơn Trạch bằng ngã qua phà Thủ Thiêm (sông Sài Gòn) đến Cát Lái, rồi qua phà Cát Lái (sông Đồng Nai) đi đến Nhơn Trạch. …         
Sau năm 1960, Nhơn Trạch bắt đầu phát triển với những chương trình xây dựng rộng lớn: về quân sự có Kho Đạn Thành Tuy Hạ, Trường Quân Khuyển. Khu Trù Mật Hang Nai, dành cho kế hoạch nông thôn. Nhờ có những tài nguyên thiên phú ẩn tàng một vùng đất rộng, Nhơn Trạch với những đồng lúa, nhiều loại cây trái, phong cảnh hữu tình, đặc biệt có nhiều cá sấu ở khu Rừng Sác và có nhiều loài dơi xuất hiện vào mùa sầu riêng trổ bông và mùa chôm chôm chín, đã trở nên một địa danh tốt cho việc an cư lập nghiệp. Thuở ban đầu, số dân cư nơi này cũng khá đông; về sau, dân chúng nhiều nơi, hầu như đa số ở thủ đô Sài Gòn bung về đây đầu tư thương mãi, xây cất công ty, nhờ vậy mà Nhơn Trạch trở nên trù phú.         
Người dân Sài Gòn, gần như có thói quen, sau những ngày làm việc vất vã ở thành phố, họ muốn có được những ngày cuối tuần thư giản bằng cách thực hiện chuyến du lịch dã ngoại về vùng Nhơn Trạch, vì gần Sài Gòn và còn mang màu sắc miệt vườn 
Điều thú vị nhất là ghé vào các khu vườn trái cây, đi dạo quanh tìm sự thoải mái qua cảnh trời cao, sông rộng, vườn cây trĩu trái, toả hương. Khung cảnh mát mẻ, êm ả của miền quê Nhơn Trạch dễ khơi gợi lòng người một niềm lưu luyến. Nhiều phong cảnh đẹp như tranh vẽ tạo cho đối tượng một sự thanh thản, một cảm giác tuyệt vời rất êm đềm, yên tĩnh, khiến cho tâm hồn con người dễ hòa nhập vào môi trường tự nhiên, cây trái xanh tươi trĩu cành; thích thú nhất là thưởng thức các loại trái cây trong vườn do tự tay mình hái, những chùm chôm chôm đỏ tươi và những chùm dâu chín mọng, sum sê; đi dưới bóng những hàng mít, hàng dâu, có cả hàng dừa lẫn hàng cau dọc theo dòng kênh; ngắm những bụi thơm trái thật to, giống thơm Tây, được trồng men theo bờ vườn chôm chôm, sầu riêng. Thơm Tây cũng là món quà quý của miệt vườn Nhơn Trạch và Long Thành mà du khách mua dành để tặng bạn bè, hoặc làm quà cho người thân khắp nơi nhất là ở thành phố.         
Muốn thưởng thức những đặc sản của vùng quê Nhơn Trạch, người ta thường để ý đến các mùa vụ trong năm: cứ hết mùa bưởi, mùa dâu, mùa sầu riêng lại đến măng cụt, chôm chôm… để có thể hưởng được hương vị của trái cây đầu mùa. 
Vào mùa Xuân, hoa sầu riêng bắt đầu trổ bông, du khách về miệt vườn Phú Hội, Long Tân, Nhơn Trạch, chẳng những thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản mà còn có dịp thưởng thức món ăn thật độc đáo được  biến chế, nấu nướng từ thịt con dơi.        
Miệt vườn Phú Hội, Long Tân có rất nhiều loại dơi như: dơi chó, dơi sen, dơi hương, dơi quạ…Dơi quạ là loài dơi to nhất mỗi con nặng trên ký lô và khi bay hai cánh giang dài hơn cả mét, chuyên sống bằng cách hút mật bông sầu riêng và ăn chôm chôm chín, nên những người ăn thịt dơi sành điệu ở xã Phú Hội rất ưa thích những món thịt dơi quạ. Họ cho rằng thịt dơi quạ là món ăn đại bổ, bổ phổi, bổ thận, đặc biệt là món huyết dơi pha rượu, ngoài ra, trong dân gian còn truyền miệng, cho rằng huyết dơi quạ pha rượu uống sẽ trị được chứng bịnh lao, chỉ là bài thuốc dân gian, nhưng có rất nhiều người bịnh áp dụng, mặc dù chưa có sự kiểm nghiệm của ngành Y Học, nhằm xác định tánh dược trong huyết con dơi quạ.    
Theo ông Chín Ra, nhà ở Bến Cẩm, xã Phước Thiền và vài ông chủ vườn sầu riêng có tiếng ở Phú Hội cho biết, dơi quạ xuất hiện ở miệt vườn trái cây Nhơn Trạch một năm chỉ có hai lần. Lần đầu vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào mùa chôm chôm chín, khoảng Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5, Âm lịch).         
Dơi quạ bay theo từng đàn và chọn những cây sầu riêng trổ bông thơm ngát, xà vào cắn đài bông để hút mật. Chúng rất khôn ngoan và biết phân biệt, chỉ chọn những cây thật ngon để cắn bông hút mật và thường xuất hiện lúc nửa đêm, đến tờ mờ sáng thì chúng bay về xóm Hố, vùng ven khu rừng lòng chảo thuộc xã Phú Hội và Long Tân để ngủ. Dơi quạ ngủ suốt ngày đến nửa đêm thì thức dậy, bay đi ăn. Người dân Nhơn Trạch cho biết, không ở đâu dơi quạ nhiều như ở xã Phú Hội, vì đài hoa sầu riêng và chôm chôm chín là thức ăn ưa chuộng nhất của loài dơi nầy. Để tránh cho các vườn sầu riêng và chôm chôm bị dơi quạ phá hoại, gây thất thu, các chủ nhà vườn ở Phú Hội và Long Tân nghĩ cách giăng lưới đánh bẩy, lưới có gắn lưỡi câu treo tòn ten trên cành sầu riêng, đàn dơi xà xuống ăn, thì cánh bị vướng vào lưỡi câu, càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt, đến sáng chủ vườn chỉ việc ra gở đem vào làm thịt hoặc đưa ra chợ bán. Vườn cây nào không khéo che, gặp bầy dơi bay ngang qua chỉ một đêm thôi, đến sáng hôm sau, vườn trái sum sê chỉ trơ trọi cành không. Ông Chín cũng cho biết thêm, thịt dơi quạ chế biến nhiều món ăn rất ngon, như: Dơi quạ hấp chao, dơi quạ rô ti, dơi quạ nấu cháo đậu xanh, húp bát cháo dơi bạn sẽ thấy mình khác lạ, cảm giác rất dễ chịu, nhẹ người, khỏe khoắn thêm lên, và dân “nhậu” còn có thêm món dơi quạ xào lăn.         
Thịt dơi quạ được các ông chủ vườn cho rằng “đại bổ” vì chúng ăn toàn mật hoa và chôm chôm chín, phân dơi cũng rất hữu dụng, đã giúp ích nhiều cho nông nghiệp tạo mùa màng tươi tốt. Cây sầu riêng được bón phân dơi sẽ cho nhiều trái, đặc biệt trái thật to và nhiều múi, rất thơm ngon, cây được bón phân dơi đã cho năng suất đậu trái cao gấp đôi so với phân hoá học cũng như các loại phân hữu cơ khác.         
Mấy năm gần đây, được biết các nhà vườn trồng dưa hấu ở miệt Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, Long An và Vĩnh Long cũng sử dụng phân dơi bón dưa hấu cho năng suất cao mà thịt dưa lại chắc, đỏ au ít hạt  và cũng ít sâu bệnh, chẳng những được nhà vườn ưa chuộng mà còn bán được cho một số cơ sở y dược mua về, sau khi loại bỏ tạp chất, bào chế ra nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, cho thú, và phân dơi còn là nguyên liệu phụ gia để chế ra thuốc súng, pháo bông…
Tác dụng của phân dơi trên nhiều loại cây ăn trái, làm tôi nhớ ra đã có dịp đọc qua cuốn " Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của dược sĩ Đỗ Tất Lợi viết rằng phân dơi còn gọi là "dạ minh sa" (hay thiên thử phẩn, biên bức phẩn). Vì phân dơi ban đêm có ánh lân tinh, nhấp nháy nên gọi là dạ minh sa. Dạ minh sa vì có vị cay, hàn lại không độc, vào can kinh có tác dụng hoạt huyết, nếu bào chế với các vị thuốc như thảo quyết minh, cốc tinh thảo, để chữa bịnh gan.
Dơi quạ có rất nhiều ở Phú Hội, Long Tân, Nhơn Trạch và ở miệt rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ. Và đặc biệt ở Đồng Tháp Mười hiện nay có một làng dơi, chuyên nuôi dơi đề lấy phân.
Dơi là loại vật khá nhạy cảm đối với môi trường xung quanh. Chỉ nơi nào thật sự an toàn chúng mới đến cư ngụ, như những tháp lầu cao hoặc những khu rừng rậm ít người lai vãng.
Một trong những giai thoại được truyền khẩu trong dân gian về vùng Nhơn Trạch là tại "Rạch Thiềng Liềng, Đồng Thanh, Ngã Bảy, ghi dấu các trận thủy chiến từ thời Nguyễn Huệ đánh với Gia Long".
Ngày nay Nhơn Trạch còn lưu giữ các đi tích kiến trúc cổ xưa như chùa Ông ở Phước Thiền, làng Đồng Môn, cùng với các nếp sống cổ truyền như nghề làm giá Phước Thọ, Phước Long, nghề làm bún Phước Lai, đều là những nét đẹp truyền thống, quý báu còn truyền tụng.
Xứ Nhơn Trạch còn có rừng Giồng và rừng Sác, nơi này, nước ngọt và nước mặn giao nhau tạo thành dòng nước lợ, môi trường thích hợp cho một số sinh vật như cá, tôm, cua, ốc, tạo nguồn hải sản ngon nổi tiếng không nơi nào bằng. Điều khá bất ngờ là trong số đó có cá sấu ở các ngọn sông Ông Kèo, sông Thị Vải, sống Đồng Môn, Đồng Tranh, sông Vàm Sát, rạch Vũng Gấm, rạch Chà Là, rạch Vọp, rạch Miễu, là những nơi đều có nhiều cá sấu, chúng sống thành từng bầy và được người dân trong vùng xem là "chúa nước" nhưng nổi tiếng "dữ dằn" nhất là cá sấu Vũng Gấm (là ấp của xã Phước An, Nhơn Trạch) nơi đây được truyền nhau từ đời này sang đời khác câu ca giao về rừng Sác:

Rừng sâu nước mặn phèn chua - Trăm ngàn cá sấu thi đua vẫy vùng

Săn cá sấu cũng rất nguy hiểm nên thợ săn cá sấu rất gan dạ và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, không đơn giản như dùng đèn, chĩa hoặc dùng mồi là chó hay vịt, chỉ để câu những loại cá sấu vài ba chục ký. Dân chuyên nghiệp câu loại vài ba trăm ký để lấy da, đồ nghề phải trang bị đầy đủ. Dân câu cá sấu chuyên nghiệp được gọi là "Traomun", một nhóm vài người được gọi là "gánh".
Con mồi để câu là một con vịt có gắn hai thanh sắt hàn chéo hình chữ thập thả xuống để nhử mồi. Traomun chính được ngụy trang bằng cách vẽ trên người những đường rằn ri trước ngực còn sau lưng họ đeo một bó phao tre và tay cầm cây lao bằng mun đầu có bịt sắt và buộc sợi dây bằng cước dài hàng trăm mét. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề săn cá sấu, Traomun lớn tuổi nhất có nhiệm vụ quan sát, khi thấy cá sấu lớn đến gần, những vết gai sần sùi nổi trên mặt nước, cứ bơi chung quanh con mồi mà không táp ngay thì "Người mồi" biết chắc đó là cá sấu lớn "Người mồi" sẽ nhảy xuống và họ làm động tác khuấy động, đập nước, để nhử cá sấu đến gần, lúc đó "Người mồi" thừa thế đâm lao vào mang cá sấu rồi thả dây bơi vào bờ, cá sấu vùng vẫy vì bị trúng thương , thợ săn chuẫn bị hai chiếc xuồng bơi ra kè vào. Những Traomun này chuyên săn cá sấu to để lấy da, phần thịt cho người dân cư ngụ trong vùng. Được biết thịt cá sấu có vị ngọt, dai, có thể nấu cháo, xào, kho hay nấu cà ri ăn với bánh mì đều ngon và rất hấp dẫn, người dân sống trong vùng Rừng Sác va những vùng lân cận ưa chuộng nên những đám giổ, đám tiệc làm với thịt cá sấu 05 - 10 ký là chuyện thường .
Nhơn Trạch lại còn có một đặc sản nổi tiếng nữa là trà, nước trà ngon phải kể đến xã Phú Hội, cây trà gắn liền với người dân Phú Hội từ bao đời nay và cũng đã trở thành câu ca dao của quê hương Phú Hội, Nhơn Trạch "Suối Mạch Bà, trà Phú Hội".
Theo phong tục của người Việt Nam nói chung, người dân huyện Nhơn Trạch nói riêng , món trà không thể thiếu, nhất là trong những ngày Tết. Đặc biệt đối với người lớn tuổi uống trà chẳng những làm cho con người sảng khoái (người biết thưởng thức) mà chính trà còn tạo sự gắn bó, tình làng nghĩa xóm, người dân thuộc lòng hai câu thơ:

Tuổi già ngồi uống nước trà - Nên tình nên nghĩa cũng đà ra thơ

Nước Mạch Bà được nấu sôi pha với trà Phú Hội rót ra ly trà bốc lên mùi thơm tỏa ra thật quyến rũ, càng tạo nên hương sắc trà Phú Hội.
Về thăm Nhơn Trạch, ai khách thị thành tìm nơi thư giản, ai bạn buôn bán gần xa ghé qua ngơi nghỉ hay thăm viếng họ hàng sẽ có được phút giây hài lòng với phong cảnh hữu tình, hình ảnh làng xưa vẫn chưa phai mờ còn được ghi lại ở các di tích kiến trúc lâu đời tại chùa Ông ở Phước Thiền, làng Đồng Môn, miền đất trù phú, ruộng đồng màu mỡ, cây trái thơm ngon, đặc sản quê hương ngạt ngào hương vị khó quên. Nào nước Mạch Bà, trà Phú Hội, giá Phước Thọ, bún Phước Lai, các món ăn biến chế từ thịt dơi rất bổ dưỡng, hương vị tôm, cua, ốc...nước lợ nổi danh khó tìm, nơi săn cá sấu lý tưởng, đều là những nét đẹp truyền thống, sẳn sàng chào đón muôn khách ghé thăm.
Về thăm Nhơn Trạch chúng ta sẽ tìm thấy được những phút giây miệt vườn và khắp mọi nẻo đường đều có cuộc sống ấm no đầy tình người : chất phác, hiếu khách, hiền hoà và muôn lòng biết vọng bái tín ngưởng , niềm tin.

Hoàng Ánh Nguyệt



Wednesday, March 30, 2016

THƯ VIẾT VEN RỪNG THƠ DƯƠNG QUÂN

Default Re: Trang thơ Dương quân




Thư Viết Ven Rừng

Từ khi gãy gánh văn chương
Ta về chống gậy lên đường lãng du
Đào thôn mây trắng, sương mù
Ngày nung lửa hạ, đêm mờ giá đông.

Ngựa hoang lộng hí ven rừng
Khói đùn chất ngất mấy tầng viễn tây
Cổ cao ủng lội cát dày
Nón nghiêng vành rộng, nặng vai áo cừu.

Am nghèo mượn mõ thiền sư
Tụng kinh cứu khổ giải trừ nghiệp căn
Tứ thời lần chuỗi ăn năn
Hạt quên, hạt nhớ trần gian vô thường.

Hữu hình, hữu hoại bi thương
Cõi người sinh diệt khôn lường bước chân
Lửa thiêu lụn nấm tro tàn
Được thua, thành bại, ngổn ngang lỗi lầm.


Đứt dây đàn xuống nốt trầm
Bản tình ca lỡ trăm năm nhịp hò
Hãy còn nét ngọc trong thơ
Dày công thuở ấy, bây giờ, mãi sau.

Ân cần cuối quãng đường đau
Vết thương đổi lấy ngọt ngào thiện tâm
Rồi khi ngủ giấc trăm năm
Thong dong trên chốn vĩnh hằng vô ưu.
Dương Quân
7.13




Tuesday, March 29, 2016

MỘT NGÀN NĂM THƠ DƯƠNG QUÂN NS CAO NGỌC DUNG PHỔ NHẠC

Mời xem:




MỘT NGÀN NĂM

Một ngàn năm! Em hẹn anh
Một ngàn năm ấy bao tình, hở em?

Ngàn năm thắp nén hương nguyền
Bao lần hóa kiếp giữ nguyên lời thề.
Ngàn năm một giấc ngủ mê
Mấy vòng nhựt nguyệt đi, về nắng mưa.

Ngàn năm đã đủ hay chưa
Trầm luân mấy cõi cho vừa giấc say?
Ngàn năm bể nhớ vơi đầy
Đường trần đã lỡ kiếp này mất nhau.

Ngàn năm hình phạt thấm đau
Mà như con nước qua cầu chảy xuôi
Ngàn năm mấy đợt làm người
Hay cây cỏ mục, ngậm ngùi rong rêu.

Ngàn năm gỗ đá tiêu điều
Khói sương tan hợp trăm chiều ngổn ngang
Ngàn năm hưng thịnh, phai tàn
Lại ngàn năm khác muộn màng tiếp theo.

Ơi! Người say đắm ta yêu
Ngàn năm miễn được một chiều có em.



DƯƠNG QUÂN





Sau đây là Link Youtube của bài Thơ MỘT NGÀN NĂM của Dương Quân
được Nhạc sĩ Cao Ngọc Dung phổ nhạc và tiếng hát Ca Sĩ Tâm Thư.

http://www.youtube.com/watch?v=hPmDD-4t2OU



NH/13

Anh Nguyet Hoang 


Một Ngàn Năm thơ của T/S Dương Quân, lời thơ hay, giản dị, mộc mạc, nhưng thật chân tình lại hàm ý nhiều tình cảm chứa đựng đầy xúc tích gây ấn tượng, càng đọc thơ Dương Quân, lại được phổ nhạc, càng nghe càng thấy hay và thấm thía. N/S Cao Ngọc Dũng phổ nhạc, hòa âm hay lắm, rất hay với tiếng hát Tâm Thư nghe nức nở. Hình ảnh cũng quá đẹp.

Cám ơn T/S Dương Quân, T/SLâm Sông Đồng, N/S Cao Ngọc Dũng và C/S Tâm Thư đã cho nghe bản nhạc từ thơ Dương Quân, tuyệt vời.

Hoàng Ánh Nguyệt

Thugiang cũng muốn nói lên những lời này nhưng chị Ánh Nguyệt Hoàng đã nói hết ý của Thugiang rồi, cầu chúc nhà thơ Dương Quân,và tất cả T/SLâm Sông Đồng, N/S Cao Ngọc Dũng và C/S Tâm Thư đã cho nghe bản nhạc từ thơ Dương Quân, tuyệt vời.





.

Sunday, March 27, 2016

ĐIỂM HẸN SAU CÙNG THƠ DƯƠNG QUÂN




Điểm Hẹn Sau Cùng 

Ta ở bên nầy
Miền biển vắng
Thùy dương lả ngọn triệu năm dài
Chập chùng sóng phủ buồn lên cát
Tiếp nối khôn cùng nhịp chuyển xoay

Người ở bên kia
Vùng phố thị
Dòng đời xuôi ngược, gót bon chen
Sớm chiều cuồn cuộn tràn như thác
Thế sự xôn xao ngợp muộn phiền
Ta mơ về phía bên kia mãi
Mong cuộc tương phùng (dẫu phút giây)
- hương tóc thôi miên
- làn mắt ngọc
- kề vai sao rụng
- rót thơ đầy

Nhưng ta đã biết :
- là vô vọng
Người vẫn nặng nguyền hương khói xưa
Nên biển mãi dạt dào con sóng
Nên tình ta đẫm những trang thơ

Xin hẹn cùng ta ở chốn nào
- bên ngoài vũ trụ
- giấc chiêm bao
- tinh cầu xa lạ
- nơi mù mịt
Để được bình yên yêu mến nhau

Ta sẽ ung dung lánh cõi trần
Thoát vòng hệ lụy, kiếp trầm luân
Đợi người cho đến ngàn năm nữa
Điểm hẹn sau cùng: Đỉnh Tuyết Vân.

DƯƠNG QUÂN




HAI CHÁU NGOẠI RITCHIE SAMSON & JENNIFER CANADA



CHÁU NGOẠI RITCHIE SAMSON 2016


CHÁU NGOẠI RITCHIE SAMSON & JENNIFER



Saturday, March 26, 2016

QUÀ TẶNG CUỐI ĐỜI THƠ DƯƠNG QUÂN



QUÀ TẶNG CUỐI ĐỜI

       Rồi một ngày...
       Em về tìm Nursing-home
Thăm anh trao một nụ hôn ân cần
       Thưa rằng: nghĩa nặng, thâm ân
Mai sau có xuống mộ phần đem theo.

       Đời người tuổi muộn hắt hiu
Biết đâu một sớm, một chiều ra đi
       Xuôi tay, còn giữ được gì
Nổi trôi, bầm dập đã đầy gian nan.

       Trăm năm để lỗi cung đàn
Nắng mưa kẻ Bắc người Nam mịt mờ
       Gởi lòng lẩn trốn trong thơ
Lửa hương hoài niệm thuở chờ giấc xưa.

       Nhạt phai rượu lạt, men thừa
Cành xuân lão hóa đã trơ cội tình
       Nỉ non em gọi tiếng "Mình!"
Vụng về nên để gập ghềnh nghiệp duyên.

       Kể từ non nước ngửa nghiêng
Bước lưu vong cởi xích xiềng hoang mang
       Sử kinh lụn nắm tro tàn
Dãi dầu đất khách lỡ làng hoài mong.

       Thưa rằng: Đây phút cuối cùng
Đường đời dẫu khác, vẫn chung kiếp trần
       Cho nhau cũng đủ một lần
Nụ hôn vĩnh biệt vơi dần lệ khô.

       Mai sau huyệt lạnh đáy mồ
Canh thâu nhạc dế, trăng mờ, sương sa
       Anh về ngọn cỏ, chòm hoa
Âm dương còn mãi đậm đà cảm thông


                   Dương Quân




Friday, March 25, 2016

TRÊN BÃI BIỀN THƠ DƯƠNG QUÂN



TRÊN BÃI BIỂN

Ta cứ ngỡ quay về trong cổ tích
Gặp Nàng Tiên đi lạc xuống trần gian
Giữa muôn trùng mây cao và biển rộng
Em ngồi đây, bờ cát nắng huy hoàng.


Em rực rỡ như tượng thần Vệ Nữ
Nét diễm kiều, dáng công chúa Tiên Dung
Ta chẳng được như tên chài họ Chữ *
Chờ em ban một mối giải tâm đồng.


Em là gió, là mây, hay là tuyết?
Là thịt da thơm ngát cõi trần ai?
Là tóc, môi...những đường cong diễm tuyệt
Khiến hồn ta ngây ngất mộng chương đài.


Ta ao ước dang vòng tay biển rộng
Đem bao la ôm ấp tấm thân ngà
Ta muốn trải lòng ta trên cát ẩm
Nơi em nhìn từng đợt sóng thăng hoa.


Ta gọi gió thay cho lời nhắn nhủ
Tấm tình ta dào dạt tiếng ru em
Ta mượn nắng ngàn phương về ấp ủ
Dâng cho em sưởi ấm đóa môi mềm.


Ta muốn góp muôn kỳ hoa, dị thảo
Xây vườn thơ, lầu mộng, gác văn chương
Và trân trọng mời em lên ngôi báu
Cho thần dân mê đắm cảnh thiên đường.


Nhưng ta biết: xa ngoài tầm tay với
Em cao sang, đâu phải của loài người
Nên ta ghép bài thơ này rất vội
Chỉ tôn thờ, chiêm ngưỡng mãi mà thôi.



DƯƠNG QUÂN

* Sự tích Chữ Đồng Tử
và Công chúa Tiên Dung




HAI MẸ CON CHÂU & NGỌC




2016



Thursday, March 24, 2016

THƯ VIẾT TỪ MIỀN BIỂN THƠ DƯƠNG QUÂN





THƯ VIẾT TỪ MIỀN BIỂN

Ta về đây, đìu hiu miền biển vắng
Bãi ghềnh sâu, hoang dã lá hoa cồn
Mây lang thang, tháng ngày trôi vô tận
Nhạc trùng dương ru mãi giấc cô đơn.

Ta về đây, không hoa thơm bướm lượn
Không lụa là, son phấn, núi đồi cao
Không lâu đài, không nhạc sang, mỹ tửu
Chỉ bao la trời, mây, nước một màu.

Ta về đây, giấu mùa xuân trong lá
Cho muôn năm rừng giữ tóc em xanh
Ta trút hết lòng ta vào biển cả
Cho rong rêu ủ kín mảnh chân tình.

Em có hiểu. Hay là em không hiểu?
Trọn đời ta đi tìm ngọc trong thơ
Nhưng chỉ thấy trời đêm tràn tinh tú
Cứ ngỡ rằng châu báu rải theo mơ.

Và quanh năm với hai mùa thay đổi
Như lòng ta hạnh phúc lẫn thương đau
Lúc bão dữ, ta âm thầm hứng chịu
Đợi bình yên khi nắng ấm dạt dào.

Những tinh sương, ta dường nghe em đến
Bước chân ngà từng thế kỷ thong dong
Những chiều buông, ta dường nghe em gọi
Tiếng thì thầm trong tiếng sóng bập bùng.

Hãy một lần về với ta. Em nhé!
Để hồn ta hòa với biển muôn trùng
"Trí nhạo sơn, ai hiền nhân nhạo thủy"*
Còn đời ta, đoạn cuối kiếp lưu vong.

Ta chờ em, dạn dày thân khổ hạnh
Mong ngày kia tao ngộ cõi Vô Cùng.
Dương Quân (6.13)

*Nho: Người trí thích chơi núi,

người nhân thích chơi biển




XƯA THẬT LÀ XƯA



1966
 
 
 



Tuesday, March 22, 2016

THƠ VIẾT TRONG ĐÊM THƠ DƯƠNG QUÂN






THƠ VIẾT TRONG ĐÊM


  Hỏi người bên ấy làm thơ  

Nửa đêm thao thức đã mơ những gì 

Người rằng ôn lại cổ thi
Thuở trăng tiền sử hẹn thề vỡ đôi
Máu ngưng đọng đáy tim người
Giọt pha Lê kiếp luân hồi lệ tan

Trăm năm tình lỡ muộn màng
Nghìn năm hẹn lối hoang tàn đón đưa
Hỏi người hình phạt đủ chưa?
Câu kinh sám hối đã thừa vọng âm

Muộn phiền từ buổi xa xăm
Bể oan khiên nổi sóng ngầm tương tư
Sụt sùi ai khóc trong mơ
Đang ngồi xoã tóc bên hồ trầm luân

Bên này sương tuyết rưng rưng
Sóng đời xô ngã mấy tầng đam mê

Dương Quân






Monday, March 21, 2016

MUÔN THUỞ TÌNH CHUNG THƠ DƯƠNG QUÂN




Muôn Thuở Tình Chung

( Chia ly là biển đọa đày
Nhớ thương là mộng chất đầy trang thơ)
DQ

Ta đã bao lần hứa với em
Từ khi nguyệt bạch rớt bên thềm
Chia nhau nhặt nửa vầng trăng vỡ
Để giữ làm tin mãi chẳng quên.

Ta đã vì em phát nguyện cầu
Một mình chấp nhận hết thương đau
Cho em phơi phới mùa xuân sắc
Ta sẽ chung thân chịu dãi dầu.

Ta nhóm trong tim ngọn lửa hồng
Thắp bừng tâm khảm nến chờ mong
Giữ ngôi Hoàng Hậu em về ngự
Ta phận tôi trung vẫn một lòng.

Ta góp hoa và mây bốn phương
Hái muôn tinh tú trải ra giường
Ru em giấc ngủ thần tiên mộng
Để mặc đời ta trải gió sương.

Ta ghép vần thơ thế kỷ dài
Nối liền dĩ vãng đến tương lai
Cho câu hò hẹn chừng vô tận
Ôm nửa vầng trăng nhớ miệt mài.

Dương Quân




MẸO NHỎ



MẸO NHỎ NHƯNG CÓ THỂ CỨU SỐNG MẠNG NGƯỜI

Nghẹn cổ, sái cổ, chuột rút, tê chân… thi thoảng những biến cố này đột nhiên xuất hiện, nhưng nếu xử trí không kịp thời cũng có thể gặp nguy hiểm.
Dưới đây là chia sẻ một số mẹo nhỏ để xử trí rắc rối trong cuộc sống. Nó hoàn toàn là tri thức để có thể cứu người.

1. Phương thức xử lý khi bị nghẹn đồ vật – Chỉ cần “giơ tay lên”
Tại nước Mỹ, một cậu bé 5 tuổi đã cứu sống bà ngoại mình khỏi nghẹn bằng cách thức rất đơn giản, đó là “giơ tay lên”.
Bà của Michelle Stewart, 56 tuổi, vừa xem tivi vừa ăn thạch, khi quay đầu lại, một mảnh thạch bị mắc kẹt trong cổ họng. Bà cố gắng bóp bụng để tự giúp mình, nhưng không có kết quả.
Sau đó cậu cháu hỏi: “Bà ơi, bà nghẹn à?”. Bà vẫn nói không ra lời: “Chắc là bà đang nghẹt thở, bà ơi, giơ hai tay lên, giơ hai tay đi”. Bà cậu đành nghe theo, kết quả thật sự nhổ được cục thạch ra. Cậu bé lúc ấy rất bình tĩnh, cậu còn khoe với bà rằng đây là điều mình được học trong trường.

2. Bị sái cổ
Bạn thỉnh thoảng có bị cứng cổ khi thức dậy buổi sáng không? Là sái cổ.

Đơn giản thôi, bạn chỉ cần nhấc chân lên!
Kéo ngón chân cái ra, lấy tay xoay tròn từ từ theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ.

3. Chuột rút ở chân
Khi chân trái bị chuột rút thì giơ tay phải lên, ngược lại thì giơ tay trái trong khi chuột rút chân phải của mình, ngay lập tức nhẹ nhàng.

4. Tê chân
Nếu tê chân trái, dùng sức vung tay phải của bạn. Nếu chân phải bị tê thì dùng sức vung tay trái.

5. Chiếc kim khâu gia dụng cũng có thể trở thành dụng cụ hữu ích trong việc cứu người. Vì cha mẹ già, ta cần nhất định nhớ kỹ 3 phép cứu mạng dùng kim khâu quần áo.
• Đầu tiên, liệt nửa người hay bán thân bất toại (không phân biệt xuất huyết não hay tắc máu), mắt miệng nghiêng lệch, ngay lập tức lấy kim khâu quần áo châm vào điểm thấp nhất dái tai bệnh nhân, đến khi nhỏ ra một giọt máu, bệnh nhân ngay lập tức được phục hồi, hơn nữa có thể không để lại bất kỳ di chứng nào.
• Thứ hai, bệnh tim đột tử phát sinh, lập tức cởi bít tất người bệnh, tương tự lấy kim châm lên mười ngón chân, ra một giọt máu, lần lượt bóp hết mười ngón chân, người bệnh có thể lập tức tỉnh táo lại.
• Thứ ba, dù là hen suyễn thở khò khè hay viêm thanh quản cấp tính các loại… phát hiện người bệnh thở không ra hơi, đến mức mặt đỏ tía tai, hãy nhanh chóng dùng kim châm lên chóp mũi, rồi thì có thể bóp ra hai giọt máu đen (máu độc).
Ba phương pháp “hồi dương cứu nghịch” trên không có bất kỳ nguy hiểm gì, hãy yên tâm là có hiệu quả trong vòng 10 giây.
Một lòng hiếu thảo mà chia sẻ.

 
Dai Nguyen



Sunday, March 20, 2016

THƯƠNG NHỚ NGƯỜI TÌNH XA 4 THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT BẰNG GIANG PHỔ NHẠC







THƯƠNG NHỚ NGƯỜI TÌNH XA 4 

Nhạc sĩ Bằng Giang phổ nhạc
Nhạc sĩ Cao Ngọc Dũng hòa âm
Tiếng hát Ca sĩ Thùy An
 
Xuân sang hoa bướm đẹp khung trời
Gió nhẹ… se lòng…lạnh tím môi
Phòng vắng mình em buồn héo hắt
Nỗi lòng cô quạnh thấy chơi vơi.

Mây trắng lững lờ theo gió bay
Lạnh nghe giá buốt thấm vai gầy
Càng xa biền biệt càng tha thiết
Em lại mình em lệ ngắn dài.
 
Từng đêm gió rít qua song cửa
Nhớ cố nhân buồn se sắt tim
Kỷ niệm xưa nghe lòng quyến luyến
Ở phương nào…anh mãi riêng em
 
Dư âm ngày cũ vẫn êm đềm
Say đắm lòng em chẳng lãng quên
Anh mãi là người yêu vạn thuở
Thương anh tình đẹp đến ngàn năm
 
Hoàng Ánh Nguyệt
(San Jose, May- 2010 
 
 

 

Saturday, March 19, 2016

ĐƯỜNG TA ĐI THƠ DƯƠNG QUÂN



ĐƯỜNG TA ĐI 

 


Ta đi như sóng xô, bèo giạt
Như lục bình trôi chẳng hẹn về
Cuồn cuộn giòng đời con nước xoáy
Thời gian như thoảng một cơn mê
 
Một cơn gió bụi tuồng say tỉnh
Thắm thoát thanh xuân đã bạc đầu
Chí cả làm chi nên tích sự
Giang hồ, ngày tháng cũng qua mau
 
Ta đi chạy trốn loài hoang thú
Buổi ấy nghênh ngang khắp phố phường
Rầm rập ngày đêm đi cướp của
Đọa đày dân tộc đến tang thương
 
Ta đi như đá lăn sườn núi
Cây cỏ vô tư chẳng vẫy chào
Có chú chim non nằm giấu mỏ
Giật mình nghe vọng bước chân đau
 
Ta đi bỏ lại bao mồ mả
Bỏ cả em thơ, biệt mẹ già
Hương hỏa từ đường, ngày cúng giỗ
Mẹ ngồi khấn nguyện những đêm mưa
 
Ta đi đuổi bám vầng trăng lặn
Bóng tối bên kia nửa địa cầu
Có kẻ cuồng ca ngồi giữa chợ
Kêu gào Hồn Nước lạc về đâu
 
Ta đi như cánh chim chiều mỏi
Chìm khuất non xa, cuối góc trời
Đâu những linh hồn bao bạn cũ
Cùng ta nuốt hận vẫn chưa nguôi
 
Ta đi đến những miền hoang vắng
Như Bá Di xưa với Thúc Tề
Ngửa mặt ta ghì mây xuống thấp
Gởi vần thơ vọng khắp sơn khê
 
Gởi câu khẳng khái. Hề! Ta nguyện
Nếm mật nằm gai vẫn một lòng
Không đội trời chung cùng ác tặc
Dẫu thành tro bụi kiếp lưu vong
 
Ta đi quên nhắn câu từ biệt
Chập choạng con tàu lúc nửa đêm
Nhưng nỗi lòng ta còn luyến tiếc
Trọn đời chưa trả nợ yêu em.
 
Dương Quân
 
 
 

CHÁU NỘI ĐAN ANH

K





Friday, March 18, 2016

GIẤC XƯA THƠ DƯƠNG QUÂN BÀI VIẾT TRẦN VIỆT LONG

Trần Việt Long đọc thơ Dương Quân




NIỀM KHÁT SỐNG NGUYÊN SƠ

Được Anh Dương Quân gởi tặng bài thơ ngắn "Giấc Xưa," tôi mãi bâng khuâng chưa nắm bắt được những hàm ngụ của tác giả qua năm mươi sáu con chữ giản đơn tưởng chừng như vô cùng hồn hậu của mối tình đơn phương đầu đời làm vang danh chàng thi sĩ lãng mạn Phạm Thiên Thư:

"Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ,
"Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay.
Nhưng không! "Giấc Xưa" không đơn giản như thế sau khi tôi chợt nhận ra từ hai động từ "thèm" và "khát" đầy ẩn dụ.  Thế thì chủ từ và túc từ của hai động từ nầy ở đâu? Xin thưa, đầy đủ cả ở đây, và qua đó mới thấy được cái tài hoa của tác giả trong việc vận dụng con chữ tuyệt vời sinh động và nhạc điệu vô cùng thanh nhã mà lại hoàn chỉnh với niêm luật khắc khe của một bài Đường thi thất ngôn bát cú:
"Đất trời, mây gió thèm tơ nắng
"Hoa cỏ, sông hồ khát bụi mưa
Thuở hồng hoang xa mờ trong hoang sử khi sinh vật hình thành thì sự luyến ái xuất hiện như là một tất yếu của niềm khát sống nguyên sơ, ngay cả thực vật cũng có chức năng truyền giống âm dương mà những lễ hội cỏ cây dân gian mùa Xuân và mùa Hạ ở Châu Âu không những mang tính biểu tượng mà còn là những hình ảnh dân dã nhằm mục đích giáo dục những con người trẻ tuổi đầy tính hồn nhiên về sự giao hòa giữa người nam và người nữ, một nhu yếu thiết thân của sự tồn lưu đời sống. (1)
"Ta rước em về thuở cổ xưa
"Buổi hồng hoang những triệu năm thừa
"Đất trời, mây gió thèm tơ nắng
"Hoa cỏ, sông hồ khát bụi mưa
Niềm khát sống nguyên sơ đó là sự chiết tỏa tự nhiên của năng lực bị kiềm tỏa khi mà tinh lực càng dồn nén thì tình yêu càng thăng hoa lãng mạn và đôi khi trở nên thánh hoá.  Theo thời gian, bầu khí quyển nóng dần, bầu trời trở nên quang đãng, những núi băng trên hai cực và trên những núi cao như Hy-mã-lạp-sơn từ từ tan vỡ thì biết bao thần thoại tình yêu được ra đời để đáp ứng nhu cầu khát sống ngày một mãnh liệt hơn.
"Em lãng du trên tầng tuyết vỡ
"Ta tham thiền dưới bóng trăng đưa
Quả là thật khó trả lời cho câu hỏi “ Why is there Being but not Nothing?” của Lebniz, tại sao có Hữu Thể mà không là Hư Vô, thì Thi sĩ Dương Quân đã tìm về Phật lý để giải thích nguồn gốc tình yêu qua Thập Nhị Nhân Duyên.  Từ Vô Minh, người nam thẩy tò mò về sự khác biệt về hình dáng của người nữ, và ngược lại; họ thích nhìn ngắm nhau (Sắc), vuốt ve nhau (Xúc), v.v…
“Vô minh! Sao ý tình ngây ngất?
”Bờ mộng như tràn khắp cõi thơ.
Trong thời tiền sử đó, đời sống thật giản đơn, không tích luỹ, không tranh giành, nhưng niềm khát sống nguyên sơ thì vô cùng dào dạt.  Ngôn ngữ trao đổi hằng ngày thật thô sơ, chủ yếu là tên gọi những gì cụ thể chung quanh trong cuộc sống; một vài lời trừu tượng được dùng để diễn tả tình cảm yêu thương nhiều hơn là ganh ghét.  Lời nói thuở xa xưa đó là những lời thân ái, là ngôi lời (the words), là thi ca của cõi thơ hồn nhiên ngập tràn hạnh phúc.  Và như W. Wordsworth đã viết “cái tươi trẻ của buổi bình minh là niềm chân phúc vô biên:”
“Bliss was it in that dawn to be alive
“But to be young was very heaven.
Chân phúc đó là niềm khát sống nguyên sơ dâng tràn trong cõi “Giấc Xưa.”


Trần Việt Long

 



CHÁU NỘI QUỐC HUY & ĐAN ANH


Hai anh em QUỐC HUY & ĐAN ANH
 
 
 
 
 
 

Thursday, March 17, 2016

CHUYỆN TÌNH NĂM MƯƠI NĂM TRƯỚC BÀI CỦA HOÀNG ÁNH NGUYỆT


Chuyện Tình Năm Mươi Năm Trước

 

Chiều nay, một buổi chiều đẹp trời. Mùa xuân đã thật sự trở về. Ánh nắng chiếu rực rở khắp Thung Lũng Hoa Vàng. Bầu trời dường như cũng trong hơn, xanh hơn, từng mảng hoa Poppy, hoa Mustard nở rộ khắp các cánh đồng, sườn non…lộng lẩy một màu vàng tươi dưới ánh mặt trời, rung rinh trong nắng, thỉnh thoảng những làn gió nhẹ mang hơi lạnh về…

Hôm nay, ngồi một mình. Lòng tôi cảm thấy rung động lạ kỳ…Làm tôi chợt nhớ cái thuở học trò. Tuổi thơ trong trắng, có hoa, có bướm, đẹp như một bức tranh…Và như có những thúc dục vô hình đánh thức trong tôi những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, hồn tôi miên man nhớ về quá khứ, nhớ lại quê hương Biên Hòa thời hoa mộng.

Trong cuộc đời có nhiều thứ để quên, nhưng tình yêu thuở hoa niên khó mà phai nhạt…

Năm mươi năm về trước tôi là một học sinh của trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa. Ở lứa tuổi cắp sách đến trường, được mặc áo dài đi học, tôi cảm thấy mình đứng đắn hơn một chút và tuổi hoa mộng cũng bắt đầu từ đây.

Nhà tôi ở cách trường không xa, tôi có ba chị em gái, Mẹ tôi khéo sinh nên ba chị em tôi người nào cũng dể thương, các anh chàng sĩ quan gọi thân thương ba chị em tôi là quán Ba Con Thỏ, nhà tôi là một quán bán thức ăn có thương hiệu là quán Cháo Lòng Huỳnh Của tọa lạc tại số 174 đường Trịnh Hoài Đức Biên Hòa. Nhà lại ở gần sân bay Biên Hòa và gần Quân Đoàn nên cũng là nơi thường xuyên lui tới của các anh chàng sĩ quan sau những giờ làm việc ngoài công trường, hay sau những cuộc hành quân gian khổ trở về, hầu như đều ghé quán cháo lòng của gia đình tôi để thưởng thức những món ăn ngon: cơm, bún, cháo…Hoặc uống bia, sinh tố, cà phê…

Tôi còn nhớ lúc đó quy vị giáo sư trường Ngô Quyền nhà ở Sài Gòn trưa nào các Thầy cũng ghé Huỳnh Của dùng cơm, rồi trở lại trường dạy tiếp.

Ngoài những buổi đến trường về nhà, chị em tôi cũng phụ gíúp gia đình buôn bán, ba chị em tôi được rất nhiều anh sĩ quan của nhiều binh chủng, đem lòng thương mến, hầu như ngày nào các anh sĩ quan cũng đến quán, có khi ăn mà cũng có khi đến chỉ để uống ly sinh tố hay cà phê rồi về…

Năm đó tôi được một anh sĩ quan ngành Công Binh Kiến Tạo để ý, hằng ngày anh đến quán, mỗi lần anh đến anh hay đi cùng với anh đại úy Đại Đội Trưởng của anh, lúc nào anh cũng mang cho tôi những tờ báo, những quyển truyện, dần dần quen thân, lúc đó tôi xem anh như người anh của mình, gia đình tôi có nhiều con gái nên cũng khắt khe, chị em tôi chưa dám yêu đương chỉ biết lo học.

Sau thời gian dài anh lui tới thân mật với gia đình, cả nhà tôi ai cũng thương anh, cứ mỗi lần anh đưa quyển sách thế nào trong đó cũng có lá thư, nhiều lần như vậy anh vẫn không thấy tôi trả lời. Tôi biết chắc rằng anh đã mến thương tôi, qua lời thư cũng như cung cách thể hiện, và qua nhiều ngày tháng theo đuổi, chắc anh nghĩ nếu anh không mạnh dạn có thể anh sẽ thất bại vì anh cũng nhìn thấy rất nhiều anh chàng sĩ quan hằng ngày trồng cây si…

Anh nhất quyết phải chiếm tình cảm tôi bằng mọi giá, và tôi phải trở thành vợ anh cho bằng được, nên anh đã cùng các bạn sĩ quan trong đơn vị dựng chuyện để thử lòng tôi…

Môt hôm các anh bạn sĩ quan hớt hải chạy xe Jeep ra nhà báo cho tôi biết:

-         T. Vì thương yêu N. quá mà N. không đáp lại …anh T. không suy nghĩ …và hiện giờ anh đang hấp hối…

Lúc đó tôi sợ quá, các anh bạn sĩ quan gợi ý và muốn đưa tôi vào thăm anh ngay, tôi đã đi theo không đắn đo…Tuổi học trò là như vậy đó, cứ sợ anh chết vì yêu mình thì mình sẽ hối hận suốt đời, nhưng ngược lại điều lo sợ anh “chết” của tôi chỉ là màn kịch, các bạn sĩ quan cùng đơn vị, vì thấy anh thương tôi thật lòng và anh cũng là một sĩ quan hiền lành, một người bạn dễ mến, nên họ muốn tạo điều kiện, dựng chuyện anh “giả chết” vì họ biết rằng con gái hay nhẹ dạ cả tin…Tôi quá ngây thơ nên cũng nhờ vậy mà tôi có một người chồng tốt, suốt cuộc đời hy sinh vì vợ vì con…

Sau đó chúng tôi đáp ứng mối tình này một cách chân thành. Thế là một đám cưới trang trọng được tiến hành với đông đủ họ hàng hai bên…

Chúng tôi yêu nhau, đến với nhau bằng mối tình đầu, thật đẹp, thật hồn nhiên. Anh đã mang đến và anh đã cho tôi hiểu cái giá trị của tình yêu, với những rung động đầu đời, những kỷ niệm bên nhau. Anh đã tôn trọng cái quý giá nhất của đời tôi và anh cũng đã cho tôi cái cảm giác của người con gái lần đầu mới biết yêu…

Nhờ cái bẩy “chết giả” đó mà tôi với “ông chồng đại úy Công Binh Kiến Tạo” sống với nhau đã gần năm mươi năm, có bốn mặt con, các con tôi tất cả đều đã trưởng thành, anh đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc vô biên, chúng tôi luôn cảm nhận hạnh phúc được sống bên nhau, một người chồng hoàn hảo, một người cha thần tượng mà các con tôi luôn hãnh diện mỗi lần nhắc nhở.

Tuy nhiệm vụ của người lính rất nặng nề, nhưng anh lúc nào cũng lo chu toàn, xây dựng một gia đình chung thủy, gương mẫu, hạnh phúc.

Năm mươi năm trước, anh và các bạn anh đã dựng màn kịch”chết giả” để chụp con thỏ của quán cháo lòng Huỳnh Của, là cô nữ sinh Ngô Quyền đã trở thành vợ của anh đại úy Công Binh Kiến Tạo. Rồi tiếp theo  anh Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng CBKT lại chụp thêm một con thỏ em (con thỏ nhỏ). Con thỏ chị lớn nhứt thì bị anh chàng Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh rước về dinh, các anh tài thật, rốt cuộc ba con thỏ của quán cháo lòng Huỳnh Của sụp bẩy các anh sĩ quan, …Trở thành vợ và có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc, con cái thành đạt. Sau bao nhiêu thăng trầm đổi thay của cuộc sống, các anh vẫn trọn vẹn, sống chung thủy, vẫn một lòng.

Nhưng năm mươi năm sau anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại tôi và các con thương tiếc khôn nguôi.

 Tôi đã làm bài thơ Tưởng Nhớ , dâng hương linh anh như nén hương lòng tưởng niệm:

 

TƯỞNG NHỚ
Kinh dâng  hương linh Anh HOÀNG  NGỌC THÁI

Anh đã trả xong nợ thế rồi
Trở về cát bụi giữa trùng khơi
Non bồng nước nhược anh yên giấc
Đau xót lòng em… vắng bóng người!

 
Di ảnh còn đây, anh ở đâu?!
Trời cao vời vợi mấy tinh cầu
Nhìn vầng mây xám lòng đau thắt
Thương nhớ về anh dạ thảm sầu

 
Anh đã ngàn thu giữa cõi trời
Tình thương con, vợ hẳn chưa nguôi
Đã từng tận tụy thân bao quản
Anh sống vị tha suốt cuộc đời

 
Yên giấc ngàn thu biệt bạn vàng
Đau lòng em lắm… quấn vành tang
Còn đâu năm tháng cùng anh bước
Qua khúc gian truân, nỗi đoạn trường

 
Tâm Kinh, em tụng  tiễn đưa anh
Phật chứng lòng  em sự chí thành
Nâng nhẹ hồn anh về cõi Tịnh
Niết bàn Cực Lạc chốn siêu sinh.

 
Hoàng Ánh Nguyệt
(Tháng 09/12/2009)

 

Hình ảnh anh ngự trị trong tôi vẫn chưa phai mờ trong ký ức và cho mãi đến bây giờ, đêm nào tôi cũng mộng mị, những ngày tháng sống bên nhau tôi luôn trân quý tình yêu anh dành cho tôi.

Nhớ lại những kỷ niệm, cảm giác cứ lâng lâng, cứ chập chờn trong từng giấc ngủ, càng nhớ lại, ôn lại dĩ vãng với tất cả niềm thương tiếc. Cho thấy tình yêu của anh dành cho tôi là như thế nào…

Tôi sẽ nuôi mãi trong hồn mình tất cả những hình ảnh thương yêu. Của  năm mươi năm chung sống hạnh phúc…

Cuộc đời là một thay đổi không ngừng, là một con đường dài, nối tiếp, nối tiếp mãi cho đến tận cùng.

Cuộc sống muôn nghìn đời là một định luật , mà chúng ta đành phải chấp nhận, với bao nhiêu những đổi thay của cuộc đời, những kỷ niệm

vui buồn. Nhiều lúc tôi ngồi suy tư, thầm nghĩ mọi chuyện cứ tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua.

Cuối cùng, ngoài bảy mươi tuổi anh đã “chết thật”. Sau cơn bịnh ngắn ngủi, để lại thương tiếc cho vợ con, người thân, bạn bè và đồng đội.

Tuy rằng anh đã đạt được tuổi thọ, nhưng chưa phải là trường thọ.

Mới đó mà anh ra đi đã ba năm rồi. Tháng năm trôi qua, tôi đã trải qua biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn. Mỗi ngày đi qua, những nỗi vui buồn ấy lại trở thành kỷ niệm, để rồi chìm đi giữa những âu lo của đời sống hiện tại, để tôi nhận ra rằng chính những kỷ niệm ấy đã xây thành tình yêu và cuộc sống năm mươi năm tràn đầy hạnh phúc…

Tôi biết nói bao nhiêu lời cho đủ. Tôi chỉ còn biết bám víu lấy định mệnh để vui sống và để nhớ…

Hoàng Ánh Nguyệt

(San Jose 2009)