TRĂNG VIỄN XỨ (HOÀNG ÁNH NGUYỆT

TRĂNG VIỄN XỨ

Trăng treo ảo ảnh biên đình

Trăng soi lữ khách độc hành viễn du

Trăng thề hẹn bến tương tư

Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người

(Dương Quân)


Cám ơn các thân hữu đã ghé vào ngôi nhà đơn sơ của HOÀNG ÁNH NGUYỆT






Monday, March 30, 2015

Chúc Ngày Mới

Chúc Ngày Mới
 Mạnh Khoẻ 
Vui Vẻ 
Hạnh Phúc May mắn
(Nhặt trên Net)


Saturday, March 28, 2015

MỪNG SINH NHẬT NGƯỜI ANH

Birthday Lights
 

Chúc Mừng Sinh Nhựt
 
(Anh Nguyễn Kim Lộc 21-4)
Bút hiệu Thế Nhân
 
Mừng ngày anh Lộc đã ra đời
Ân phước gần kề tám chục thôi
 
Nền nếp duy trì câu thệ ước
Gia phong gìn giữ chữ giao bôi
Văn thơ lai láng tràn muôn chốn
Ý tứ dồi dào trải khắp nơi
 
Đinh Sửu năm này vui hưởng phúc
Nhân Trần* song thọ sống tròn đôi
 
Hoàng Ánh Nguyệt
(2012)
(*Bút hiệu của anh chị:
Thế Nhân&Phong Trần)
 

Thursday, March 26, 2015

THƠ HOÀNG ÁNH NGUYỆT TẶNG SINH NHẬT NGƯỜI YÊU.

Block of my Heart
 
MỪNG SINH NHẬT ANH
Ngày này năm ấy anh ra đời
Phước lộc trời ban biết mấy mươi
 
Muôn thuở vẫn ngời gương phẩm hạnh
Ngàn thu luôn sáng đạo làm người
Lời thơ còn vẵng câu thân ái
Nét bút đâu quên ý tuyệt vời
 
Thất thập cổ lai vui hưởng phúc
Bách niên giai lão mãi càng tươi.
 
Hoàg Ánh Nguyệt
(02/2015)

HOÀNG ÁNH NGUYỆT VIẾT VỀ NHƠN TRẠCH ( BIÊN HOÀ )

 
QUÊ HƯƠNG MIỆT VƯỜN NHƠN TRẠCH
Hoàng Quỳnh Hương
(California, U.S.A.)
Quận Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hoà, nằm về phía Tây Nam thành phố Biên Hoà, giáp với thủ đô Sài Gòn (Tây, Nam); tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu (Đông, Nam); quận Long Thành (Bắc, Đông Bắc), được thành lập ngày 09 tháng 9 năm 1960, Nghị Định số 858-NV, dưới thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà.     
Từ tỉnh lỵ Biên Hoà đến Nhơn Trạch phải trải qua một khoảng đường dài trên 40 cây số, theo Quốc lộ 15, vừa qua khỏi chợ Long Thành, gặp ngã ba, rẽ tay mặt, đi Liên Tỉnh Lộ 25 vào Nhơn Trạch; nhưng, nếu từ Nhơn Trạch đi Sài Gòn thì lại rất gần, chỉ hơn 10 cây số, qua ngã phà Cát Lái, hoặc cũng có thể đi từ thủ đô Sài Gòn đến Nhơn Trạch bằng ngã qua phà Thủ Thiêm (sông Sài Gòn) đến Cát Lái, rồi qua phà Cát Lái (sông Đồng Nai) đi đến Nhơn Trạch. …         
Sau năm 1960, Nhơn Trạch bắt đầu phát triển với những chương trình xây dựng rộng lớn: về quân sự có Kho Đạn Thành Tuy Hạ, Trường Quân Khuyển…., Khu Trù Mật Hang Nai….dành cho kế hoạch nông thôn…….. Nhờ có những tài nguyên thiên phú ẩn tàng một vùng đất rộng, Nhơn Trạch với những đồng lúa, nhiều loại cây trái, phong cảnh hữu tình, đặc biệt có nhiều cá sấu ở khu Rừng Sác và có nhiều loài dơi xuất hiện vào mùa sầu riêng trổ bông và mùa chôm chôm chín.… đã trở nên một địa danh tốt cho việc an cư lập nghiệp. Thuở ban đầu, số dân cư nơi này cũng khá đông; về sau, dân chúng nhiều nơi, hầu như đa số ở thủ đô Sài Gòn bung về đây đầu tư thương mãi, xây cất công ty… nhờ vậy mà Nhơn Trạch trở nên trù phú.         
Người dân Sài Gòn, gần như có thói quen…. sau những ngày làm việc vất vã ở thành phố, họ muốn có được những ngày cuối tuần giải trí bằng cách thực hiện chuyến du lịch về vùng quê Nhơn Trạch, vì gần Sài Gòn và còn mang màu sắc miệt vườn….         
Điều thú vị nhất là ghé vào các khu vườn trái cây, đi dạo quanh tìm sự thoải mái qua cảnh trời cao, sông rộng, vườn cây trĩu trái, toả hương. Khung cảnh mát mẻ, êm ả của miền quê Nhơn Trạch dễ khơi gợi lòng người một niềm lưu luyến …Nhiều phong cảnh đẹp như tranh vẽ tạo cho đối tượng một sự thanh thản, một cảm giác tuyệt vời rất êm đềm, yên tĩnh…khiến cho tâm hồn con người dễ hòa nhập vào môi trường tự nhiên, cây trái xanh tươi trĩu cành; thích thú nhất là thưởng thức các loại trái cây trong vườn do tự tay mình hái, những chùm chôm chôm đỏ tươi và những chùm dâu chín mọng, sum sê; đi dưới bóng những hàng mít, hàng dâu, có cả hàng dừa lẫn hàng cau dọc theo dòng kênh; ngắm những bụi thơm trái thật to, giống thơm Tây, được trồng men theo bờ vườn chôm chôm, sầu riêng. Thơm Tây cũng là món quà quý của miệt vườn Nhơn Trạch và Long Thành mà du khách mua dành để tặng bạn bè, hoặc làm quà cho người thân khắp nơi nhất là ở thành phố.         
Muốn thưởng thức những đặc sản của vùng quê Nhơn Trạch, người ta thường để ý đến các mùa vụ trong năm: cứ hết mùa bưởi, mùa dâu, mùa sầu riêng lại đến măng cụt, chôm chôm… để có thể hưởng được hương vị của trái cây đầu mùa. 
Vào mùa Xuân, hoa sầu riêng bắt đầu trổ bông, du khách về miệt vườn Phú Hội, Long Tân, Nhơn Trạch, chẳng những thưởng thức nhiều loại trái cây đặc sản mà còn có dịp thưởng thức món ăn thật độc đáo được  biến chế, nấu nướng từ thịt con dơi.        
Miệt vườn Phú Hội, Long Tân có rất nhiều loại dơi như: dơi chó, dơi sen, dơi hương, dơi quạ…Dơi quạ là loài dơi to nhất mỗi con nặng trên ký lô và khi bay hai cánh giang dài hơn cả mét, chuyên sống bằng cách hút mật bông sầu riêng và ăn chôm chôm chín, nên những người ăn thịt dơi sành điệu ở xã Phú Hội rất ưa thích những món thịt dơi quạ. Họ cho rằng thịt dơi quạ là món ăn đại bổ, bổ phổi, bổ thận, đặc biệt là món huyết dơi pha rượu… ngoài ra, trong dân gian còn truyền miệng, cho rằng huyết dơi quạ pha rượu uống sẽ trị được chứng bịnh lao, chỉ là bài thuốc dân gian, nhưng có rất nhiều người bịnh áp dụng…mặc dù chưa có sự kiểm nghiệm của ngành Y Học, nhằm xác định tánh dược trong huyết con dơi quạ …         
Theo ông Chín Ra, nhà ở Bến Cẩm, xã Phước Thiền và vài ông chủ vườn sầu riêng có tiếng ở Phú Hội cho biết, dơi quạ xuất hiện ở miệt vườn trái cây Nhơn Trạch một năm chỉ có hai lần. Lần đầu vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào mùa chôm chôm chín, khoảng Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5, Âm Dương lịch).         
Dơi quạ bay theo từng đàn và chọn những cây sầu riêng trổ bông thơm ngát, xà vào cắn đài bông để hút mật. Chúng rất khôn ngoan và biết phân biệt, chỉ chọn những cây thật ngon để cắn bông hút mật và thường xuất hiện lúc nửa đêm… đến tờ mờ sáng thì chúng bay về xóm Hố, vùng ven khu rừng lòng chảo thuộc xã Phú Hội và Long Tân để ngủ. 
Dơi quạ ngủ suốt ngày đến nửa đêm thì thức dậy, bay đi ăn…. Người dân Nhơn Trạch cho biết, không ở đâu dơi quạ nhiều như ở xã Phú Hội, vì đài hoa sầu riêng và chôm chôm chín là thức ăn ưa chuộng nhất của loài dơi nầy. Để tránh cho các vườn sầu riêng và chôm chôm bị dơi quạ phá hoại, gây thất thu, các chủ nhà vườn ở Phú Hội và Long Tân nghĩ cách giăng lưới đánh bẩy, lưới có gắn lưỡi câu treo tòn ten trên cành sầu riêng, đàn dơi xà xuống ăn… thì cánh bị vướng vào lưỡi câu, càng vùng vẫy thì càng bị dính chặt, đến sáng chủ vườn chỉ việc ra gở đem vào làm thịt hoặc đưa ra chợ bán. Vườn cây nào không khéo che, gặp bầy dơi bay ngang qua chỉ một đêm thôi, đến sáng hôm sau, vườn trái sum sê chỉ trơ trọi cành không… Ông Chín cũng cho biết thêm, thịt dơi quạ chế biến nhiều món ăn rất ngon, như: Dơi quạ hấp chao, dơi quạ rô ti, dơi quạ nấu cháo đậu xanh … húp bát cháo dơi bạn sẽ thấy mình khác lạ, cảm giác rất dễ chịu, nhẹ người, khỏe khoắn thêm lên, và dân “nhậu” còn có thêm món dơi quạ xào lăn.         
Thịt dơi quạ được các ông chủ vườn cho rằng “đại bổ” vì chúng ăn toàn mật hoa và chôm chôm chín… phân dơi cũng rất hữu dụng, đã giúp ích nhiều cho nông nghiệp tạo mùa màng tươi tốt. Cây sầu riêng được bón phân dơi sẽ cho nhiều trái, đặc biệt trái thật to và nhiều múi, rất thơm ngon, cây được bón phân dơi đã cho năng suất đậu trái cao gấp đôi so với phân hoá học cũng như các loại phân hữu cơ khác.         
Mấy năm gần đây, được biết các nhà vườn trồng dưa hấu ở miệt Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, Long An và Vĩnh Long cũng sử dụng phân dơi bón dưa hấu cho năng suất cao mà thịt dưa lại chắc, đỏ au ít hạt  và cũng ít sâu bệnh, chẳng những được nhà vườn ưa chuộng mà còn bán được cho một số cơ sở y dược mua về, sau khi loại bỏ tạp chất, bào chế ra nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, cho thú, và phân dơi còn là nguyên liệu phụ gia để chế ra thuốc súng, pháo bông…
Hoàng Quỳnh Hương

VĂN HOÀNG ÁNH NGUYỆT

 
Cháo Lòng Huỳnh Của
Hoàng Quỳnh Hương
(California, U.S.A.)
 
Thời gian thắm thoát, lật bật đã một năm trôi qua. Mọi người đang chuẩn bị cho việc tống cựu nghênh tân, tiễn năm cũ, đồng thời lo việc đón chào năm mới. Tôi cũng không thoát ra khỏi quỹ đạo tập tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam, cũng đang lo các cái cho ngày Tết sắp đến…
 
Vào một buổi chiều, tôi đang lu bu công việc, bỗng có điện thoại của ông Lâm Sĩ Đắt, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Biên Hoà tại Texas, gọi đến, yêu cầu tôi viết bài Cháo Lòng, món ăn chủ lực của quán Huỳnh Của của một thời vang bóng.
         
Tôi chưa dám nhận lời, vì sợ không nhớ đầy đủ thành phần vật liệu cùng kỹ thuật nấu nướng để có thể trình bày đầy đủ chi tiết, hầu giúp các bà nội trợ biết một cách tận tường…để thực hiện một nồi cháo lòng “ngon”, phục vụ chồng con và thết đãi bạn bè như ý … vì món cháo lòng của quán Huỳnh Của trước đây do cô tôi, bà Bảy Đắc, thân mẫu của anh chủ quán Huỳnh Của tự tay nấu, còn tôi cũng như chị và em tôi (Thuỷ và Nga) chỉ là những người hụ hợ phụ việc. Cô tôi sai bảo gì thì cứ làm theo thế ấy, nhưng những lời dạy bảo của cô tôi trong việc nấu nướng hằng ngày đã vô tình trở thành những bài học qu báu đối với tôi, nhưng vì thời gian trôi qua đến hơn bốn chục năm rồi, bài học vô tình có nhiều chỗ bị mọt ăn hay mối đục ….
         
Sau giây phút ngập ngừng, tôi nhận lời viết bài nầy, khi nẩy ý, sẽ nhờ chị và em tôi phụ cùng cháu Huỳnh Đồng, Huỳnh Dung (con anh Hai Huỳnh Của) nhớ lại những chỗ nào tôi không nhớ rõ, thế là bài viết món cháo lòng Huỳnh Của bắt đầu được ghi ra giấy.
         
Nói về món cháo thì Việt Nam đứng vào giải nhất thế giới, vì Việt Nam là xứ nông nghiệp, không nhà nào mà không có gạo, mà món cháo thì lấy gạo làm căn bản, rồi thêm gia vị và vật liệu vào để thành các món cháo khác nhau, nào cháo ếch, cháo cá, cháo gà, cháo vịt, cháo lươn, cháo hào, cháo bào ngư, cháo thập cẩm….và khi nào không tìm được thịt hoặc cá thì những gia đình nghèo vẫn có món cháo trắng ăn với nước nắm kho quẹt.
 
Từ món cháo bình dân (cháo trắng) đến cháo thượng hạng (cháo bào ngư) không biết bao nhiêu món cháo mà kể …món cháo nào nấu đúng kỹ thuật, vật liệu và gia vị đầy đủ cùng nêm nếm điêu luyện đều ngon cả.
 
Tất cả các món cháo đều dễ nấu duy có món cháo lòng được mô tả là nhiều công phu, nhìn tô cháo rất hấp dẫn nào dồi, tim, gan...vân vân…được trình bày trên mặt tô cháo với giá tiền vừa phải và quan trọng là thích hợp với túi tiền của mọi người…
         
Ở Biên Hoà có nhiều địa điểm bán cháo lòng, trong lồng chợ Biên Hoà có hai sạp bán cháo lòng của bà Năm Sì Nằng và bà Ba Cụt khá nổi tiếng nhằm phục vụ cho những người buôn bán và khách hàng đi chợ.
 
Quán cháo lòng nổi tiếng và có thương hiệu hẳn hoi thời ấy thì gần như không tìm thấy đến quán thứ hai, ngoài quán Huỳnh Của, số 174 Quốc Lộ 1 Biên Hoà.
         
Quán cháo lòng Huỳnh Của lúc nào cũng đông khách, từ sáng sớm đến chiều tối, đặc biệt thập niên 1950 trở về sau, quán cháo lòng Huỳnh Của chẳng những nổi tiếng ở Biên Hoà mà tiếng đồn còn vang xa hơn đến những tỉnh lân cận và Sài Gòn.
 
Tôi còn nhớ, lúc tôi mới mười hai tuổi, cách nay hơn 50 năm vào những ngày lễ, hoặc thứ Bảy hay Chúa Nhật, những người ở xa, nhứt là khách từ Sài Gòn đi xe du lịch đến quán rất đông, xe đậu tấp nập dọc theo lề đường trước quán và bên trong quán không còn chỗ cho khách ngồi…
         
Tôi xin mạn phép trình bày vài nét về thực đơn của quán Huỳnh Của thời bấy giờ, gồm các món: **Cháo lòng **Bánh Cuốn Nhân Đậu Xanh Tôm Thịt Nướng **Bánh Cuốn Thịt Nướng **Bún Thịt Nướng **Bánh Tráng Cuốn Thịt Nướng **Bì Cuốn **Cà Phê Phin Đặc Biệt (cà phê ngon có thêm chút xíu muối và tí xíu bơ Pháp (Bretel) bằng đầu tăm xỉa răng)
         
Như tôi vừa kể, quán Huỳnh Của bán cũng nhiều món, món nào cũng ngon, thịt nướng ướp đúng hương liệu và phân lượng, nước mắm chấm làm đúng kỹ thuật, nhưng món làm cho quán nầy nổi tiếng là món cháo lòng.
 
Biên Hoà thuở thập niên sáu mươi, có rất nhiều quán nổi tiếng, nhưng mỗi quán có một món chủ lực và nhiều món ngon khác, như quán Tuyết Hồng với món “Gà Quay Xôi Chiên Phồng”, quán Tân Hiệp với món “Bánh Canh Đầu Cá Hấp”, quán Thu Hà với món “Canh Chua Cá Bông Lau và Cá Rô Kho Tộ”, quán Bình Minh với món “Cá Trê Nướng Cuốn Cải Bẹ Xanh”, quán Mì Chú Mừng với món“Hoành Thánh Mì Sợi Nhỏ”..v.v….                                                     
 
Nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, tôi mạn phép trình bày món Cháo Lòng Huỳnh Của theo yêu cầu của ông Hội Trưởng Hội Ái Hữu Biên Hoà để qu đồng hương nhất là các bà nội trợ có dịp biết qua cách nấu để thỉnh thoảng nấu một nồi cháo lòng thật ngon, trước phục vụ cho những người thân trong gia đình, sau đãi đằng bè bạn gần xa.
 
Nếu các bạn theo đúng chỉ dẫn tôi tin rằng các bạn sẽ thành công và nhất định không làm nản lòng người thưởng thức món cháo lòng do các chị nấu.
         
Bây giờ đã đến lúc ta phải đi hàng thịt để chọn bộ đồ lòng của chú ỉn (heo), phải lựa lòng và thịt càng tươi càng tốt (riêng quán cháo lòng Huỳnh Của ngày xưa, khoảng ba hoặc bốn giờ sáng phải đi chợ nhận mối thịt và lòng heo tươi thật tươi, vừa mới ra lò đem về nấu) và những thứ cần mua là:
 
I. Nguyên Liệu:
* Tim – Gan - Lưỡi - Bao Tử - Huyết Heo
* Gạo 2/3 lon, chọn loại gạo ngon, Nàng Hương Chợ Đào
* 100 g Hành Tím bào mõng
* Ngò - Hành - Chanh - Ớt - Giá 
Gia Vị: Tiêu - Muối - Đường - Bột Ngọt - Tỏi - Nước Mắm Ngon
Vật Liệu Làm Dồi:
1 Ruột Heo (ruột già) - Giấm - 85g Sả bằm - Ớt bằm - 300g Thịt Nạc Dăm - 200g Thịt Nọng
 
II. Cách thực hiện:
1/ Chuẩn bị:
*Tim: rửa sạch - *Gan: rửa sạch, luộc gan với chút giấm pha thêm nước lạnh, gan chín (xâm vào thấy không ra nước đỏ là gan chín) vớt ra rửa sạch bằng nước lạnh, gan trắng và mềm (không mua gan có màu đen sậm, nên lựa gan có màu hồng) - *Bao tử: lộn bề nhớt ra ngoài, bắt chảo lên bếp cho nóng bỏ bao tử vào, lấy đũa đè bao tử sát xuống chảo đảo qua đảo lại cho bề nhớt không còn và khô vàng đều, nhắc xuống bỏ bao tử vào thau nước lạnh cạo rửa lại cho sạch - *Lưỡi: rửa sạch, bắt nồi nước sôi thả lưỡi vào, luộc sơ trong vòng 5 phút vớt ra thả vào thau nước lạnh cạo sạch phần trắng đóng trên lưỡi (khi luộc bong ra) - *Huyết heo: cắt miếng vừa ăn - *Hành tím: lột vỏ bào mỏng theo chiều xuôi, phi vàng - *Hành lá - *Ngò rửa sạch cắt nhuyễn - Chanh: cắt vừa - Ớt: bào mỏng hoặc băm nhuyễn - Giá: rửa sạch - Tỏi: băm nhuyễn - Gạo: vo sạch rang hơi vàng.
2/ Chế biến:
a/ Làm dồi:
*Cách rửa ruột để làm dồi: Ruột heo lộn bề nhớt ra ngoài chà muối (hay giấm cũng được) rửa lại vài lần. Tiếp theo lấy một ít phèn chua giã nhỏ vò đi vò lại nhiều lần, sau đó rửa sạch.
Sả: bằm nhuyễn
Thịt nạc dăm, nọng heo bằm vừa (đừng bằm nhuyễn không ngon) trộn chung nêm tiêu, muối, đường, bột ngọt, ớt bằm, tỏi bằm, sả bằm, tiêu đen nguyên hột, nước mắm ngon.
         
Dồn thịt vào ruột, trước hết cột phần cuối của ruột, dồn hết phần thịt đã chuẫn bị, cột chặt mỗi khúc dồi dài độ 6 inch (15cm) cho đến hết thịt (vẫn đễ nguyên dồi cột từng khúc không cắt rời ).
         
Cho dồi đã làm xong vào chảo đổ nước ngập để luộc, luộc dồi phải canh chừng khi sôi lấy kim xăm đều lên khúc dồi cho ra bớt nước, nếu nước sôi không canh chừng để xăm, dồi sẽ bị bể, luộc đến cạn nước, khi cạn nhớ trở thường xuyên đến khi khô, dồi sẽ vàng đều rất đẹp, không phải chiên.
                            
b/ Nấu cháo:
Nước lạnh nấu sôi - Nước sôi cho tim, lưỡi, bao tử, một chút muối, đổ gạo vào nấu lửa riu riu vớt bọt, khi thịt chín vớt ra thau nước lạnh rửa sạch, vớt ra rổ để ráo nước (sở dĩ rửa thịt lại với nước lạnh để thịt không bị thâm đen) cháo lòng muốn ngon hột gạo chỉ nở búp búp mà thôi, sau cùng nêm bột ngọt, đường, thêm một chút nước mắm ngon vào cho vừa ăn - Huyết: luộc riêng.
                  
3/ Cách dùng:
Tim, gan, lưỡi, bao tử, thái mỏng, dồi xắt hơi dày. Múc cháo ra tô. Xếp các thứ tim, gan, lưỡi, bao tử, dồi lên mặt tô cháo, thêm vài miếng huyết, một nhúm giá, hành phi, hành ngò, tiêu.
         
Món này cần ăn nóng. Chanh, muối ớt, nước mắm ngon được dọn ra để thực khách nêm thêm cho vừa khẩu vị, ngoài ra, một đĩa bánh “dầu cháo quảy” nóng giòn cũng được sẳn sàng, để phục vụ các vị khách thích ăn kèm với cháo.
 
Cách nấu cháo lòng cũng đơn giản, nhưng việc chuẩn bị rất công phu, vì phải làm nhiều thứ, và phải cẩn thận, thực hiện đúng “bài bản” và hay dở ở chỗ nêm nếm để cho tô cháo thơm ngon, tim gan lưỡi ngọt mềm, miếng dồi ăn nghe thú vị.
         
Với cách thức trình bày trên đây, tôi mong qu đồng hương nhất là các bà nội trợ sẽ thực hiện được một nồi cháo lòng như ý, đãi người thân trong gia đình cùng bè bạn gần xa.
         
Từ xưa tới nay, việc ăn uống là một nhu cầu không thể thiếu đối với mọi sinh vật và việc ăn uống đối với con người đã trở thành một nghệ thuật, vừa để sinh tồn vừa để thăng hoa cuộc sống. Chẳng gì vui hơn, khi các bạn chọn được một món ăn vừa ý. Món ăn gây cho bạn niềm thích thú, bạn thưởng thức được chất ngon ngọt tuyệt vời qua vị giác khiến cho cân não được thoải mái….
 
Bát cháo lòng Huỳnh Của đã từng đạt độ ngon như vậy, nên đã được nhiều người khách ở Biên Hoà cũng như khách ở phương xa từng khen “Cháo lòng Huỳnh Của” ăn hoài không biết chán và cũng nhờ đó mà quán Huỳnh Của được vang tiếng một thời….
         
Trong khi viết bài nầy, tôi hình dung quang cảnh Biên Hoà chuẩn bị đón xuân và Tết mà lòng cảm thấy nao nao. Tôi qua Mỹ chưa đầy hai năm, mới hưởng hai mùa xuân nơi đất khách, nên những hình ảnh quen thuộc của tỉnh Biên Hoà vẫn còn đậm nét trong tôi…
 
Tôi đang đứng giữa trời giá buốt của mùa Đông nước Mỹ, nhưng nghe lòng ấm lại khi thấy người Việt Nam tha hương vẫn theo tập tục cổ truyền, đi mua sắm những thứ cần thiết để mừng Xuân Mậu Tý, 2008.

Sunday, March 22, 2015

HOẠ SĨ A.C.La

Tím Xưa, tranh A.C.La


Tím Xưa
Oil on canvas
8x12 inc
 by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**

Nàng khều tôi ra khỏi giảng đường, cầm tay tôi lôi đi.

Đi dăm bước nàng vén tà áo dài ngồi bệt xuống ngay vỉa hè. Nàng ra dấu cho tôi ngồi xuống bên cạnh. Nàng nhấc bổng chiếc cặp đang xách đưa sang bên cạnh và để xuống, mở nắp và lấy ra một miếng bánh đưa cho tôi, biểu "ăn đi". Rồi nàng nhìn vào trong cặp, thọc tay lôi ra miếng bánh thứ hai cho mình. Tôi không nhớ mình ăn mặc ra sao hôm đó, nhưng cho đến nay vẫn còn nhớ như in: Nàng mặc áo dài mầu tím và chiếc quần trắng.

Chúng tôi không được gần gũi nhau mãi như thế: Sau này tôi làm việc ở địa đầu giới tuyến và nàng mở văn phòng luật ở Sài Gòn... Có thể là số kiếp.

Giữa tháng tư 1975 nhân về Sài Gòn công tác, tôi ghé thăm nàng, nhà ở Hòa Hưng. Nàng không đưa tôi vào phòng khách. Hai đứa đứng nói chuyện ngay sau cửa sắt phía ngoài mà nàng đã khép lại chỉ để hé ra một chút. Nàng đứng tựa lưng vào kính cửa xe, tôi tựa lưng vào tường. Trời đã tối hẳn nhưng ánh đèn đường giúp tôi nhìn được rõ ràng khuôn mặt người bạn học ở ngôi trường có 'cây dài bóng mát'. Nàng mặc đồ bộ, áo ngắn tay, màu sáng. Tôi còn nhớ rõ ràng cánh tay trái trắng và mịn, buông thõng. Cánh tay phải đưa lên che ngang bụng và bờ ngực vun lên.

Chúng tôi nói chuyện những gì thì nay đã mờ nhạt, nhưng tôi còn nhớ nàng nói tuần sau đó sẽ đi Pháp thăm người chị. Nghe nàng nói thế, tôi hơi buồn. Đầu gối tôi huých nhẹ vào đùi nàng trách móc:

"Trong lúc dầu sôi lửa bỏng sao cậu lại bỏ bạn bè mà đi như thế?".

Nàng phân trần: "Đâu có đi lưôn đâu. Văn phòng vẫn giữ nguyên. Khó lắm mới xin được xuất cảnh đó. Sẽ về lại mà."

Chuyến bay có nàng trong đó đã rời Tân Sơn Nhầt vào những ngày cuối của Miền Nam. Dù không muốn 'có đi luôn đâu' nhưng hoàn cảnh có thể đã giữ chặt nàng bên trời tây và chúng tôi mất nhau từ đó.

A.C.La
12.2014

Saturday, March 21, 2015

XEM TRANH TỪ NET/ XIN LỖI TÁC GIẢ VÌ TRANH VẼ ĐẸP NÊN PHẢI QUÊN " PRIVATE COLLECTION"!)

Mộng Lệ An, tranh mới A.C.La

Vẽ chân dung là một hướng đi của hội họa đã phát triển từ lâu. Thời trung cổ hướng đi này lấn át các hướng đi khác có lẽ do được bao bọc bởi những danh gia vọng tộc. Họa sĩ vẽ chân dung cho những người trong gia đình giầu có và nhận tiền thù lao khá.

Những bức chân dung là thành phần trong gia phả ghi lại nhân dáng, khóe mắt, nụ cười, hoặc bán thân hay trong lễ phục, của cha mẹ, ông bà  để con cháu có những ý niệm cụ thể về tổ tiên của mình. Chân dung còn là những kỷ vật. Khác với văn thơ có thể ghi lại theo lời kể bất cứ lúc nào sau khi nhân vật đã khuất, nhưng hội họa không thể tưởng tượng ra để vẽ lại một người đã khuất một cách sinh động được.

Cũng trong ý nghĩ muốn ghi lại hình ảnh một thời không thể níu kéo, chẳng hạn nét xuân sắc dễ tàn phai, nhiều người giao phó cho nhiếp ảnh hay hội họa để ghi lại chút kỷ niệm quý giá. Hình ảnh đôi khi có vẻ riêng tư chỉ treo trong thư phòng, nhưng vì tính nghệ thuật của bức tranh vẫn có thể đem ra chia sẻ cùng bạn bè hay ngay cả cho quần chúng yêu mến nghệ thuật.

"Mộng Lệ An" là một trong những bức chân dung hiếm hoi mới vẽ xin trình làng, tất nhiên việc này đã được người mẫu chấp thuận. Cũng không nên để sự hiếu kỳ dẫn đi xa mà hỏi xem đó là ai vì sẽ chẳng có câu trả lời nào chi tiết cả.

Chúc quý bạn yêu thích hội họa những ngày cuối năm an lành và vui tươi.

A.C.La




Mộng Lệ An

Oil on canvas 16x20 inch (41cmx51cm)
By A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

Đi Tìm Người Tình Trong Thơ Dương Quân


ĐI TÌM NGƯỜI TÌNH TRONG THƠ DƯƠNG QUÂN.



         

Bao đêm trằn trọc thao thức, tôi cố dỗ giấc ngủ, nhưng chẳng làm sao ngủ được. Cái lạnh lúc trời đất giao mùa từ Thu sang Đông làm lòng tôi ngát lên chút riêng tư ấp ủ thấp thoáng vài hình ảnh khó quên. Cuộc đời có những buồn vui bất chợt dễ thương để trở thành kỷ niệm đẹp, đều mang một ý nghĩa thiêng liêng.
Tôi hân hạnh được Dương Quân nhà thơ xứ bưởi Biên Hòa tặng 4 tập thơ:
                                     1/ Chập Chờn Cơ Mê 2004
                                     2/ Điểm Hẹn Sau Cùng 2007
                                     3/ Trên Đỉnh Nhớ 2010
                                     4/ Như Thật Như Mơ 2013.
          Hôm nay tôi muốn được viết về những điều tôi nghĩ . Đi Tìm Người Tình Trong Thơ Dương Quân.

         Người ta thường nói đến người tình ở nhà thơ này hay phong cách ở nhà thơ khác. Khi phê phán hoặc đồng tình. Và nói đến tình yêu thì không có tuổi và thơ tình hay càng không tính tuổi được bao giờ, mà nhất là tình yêu đối với thi nhân, nguồn đề tài bất tận, trẻ mãi, kể cả những bài thơ mà các thi nhân viết lúc đời đã vào thu. Ngay cả những nhà thơ tiền chiến, hay những nhà thơ cận đại đều có phát họa một người tình, nhiều lúc tưởng tượng, hư cấu, mượn chuyện người khác, hoặc thêu dệt.
        Vì vậy mỗi khi nhắc tới nhà thơ đó là hiện lên hình ảnh người tình trong thi văn lãng mạn với các tác giả tiêu biểu như :

        Nhà thơ Nguyên Sa với “Áo lụa Hà Đông” 
        Mặc dù đã trải qua mấy chục năm sau ngày thi Hoa hậu, để lại trong lòng Nguyên Sa lúc nào cũng mơ tưởng đến ánh mắt nụ cười của người đoạt chức Hoa hậu đầu tiên, thôi thúc ông viết bài thơ ca ngợi người đẹp kiêu sa:
 “Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”.

        Đọc bài thơ “Màu tím hoa sim”, lời thơ đã có trong tôi nỗi cảm xúc, thi phẩm bi tráng, một tác phẩm kinh điển. Đặc biệt khi nhắc đến Màu tím hoa sim ai cũng nghĩ ngay tác giả Hữu Loan. Bài thơ ấy là một huyền thoại của một mối tình buồn giữa Hữu Loan với cô học trò kém ông 16 tuổi:
 “Tóc nàng xanh xanh/ngắn chưa đầy búi…”.
         Trong giới yêu văn thơ đã nhắc nhở hơn nửa thế kỷ nay, bất tử với thời gian.

         Bài thơ “Ngày Xưa Hoàng Thị” của Phạm Thiên Thư cho thấy ngày ấy trên con đường trải nắng vàng, có một chàng trai lặng lẽ theo sau cô nữ sinh tên Ngọ đi học về, với tà áo dài trắng, tay ôm cặp, mái tóc xõa ngang vai:
 “Em tan trường về/anh theo Ngọ về…” 
        Chàng thi sĩ đa tình. Theo ông tình yêu trong những bài thơ chỉ là kỷ niệm, kín đáo và tinh khiết, không nhuốm bụi trần, nhưng cũng đã để lại những vần thơ xót xa và lung linh mãi đến bây giờ.

        Hình ảnh Paris trong thơ Cung Trầm Tưởng với tượng đá, công viên, vườn Luxembourg  lá vàng rơi lả tả trong “Mùa thu Paris”: “Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ”… Là một người con gái Tây phương. Hay hình ảnh nhà “Ga Lyon đèn vàng”, tuyết trắng trong bài “Chưa bao giờ buồn thế” đã hiện ra trong những màu sắc với tất cả nỗi niềm.

        Với nhà thơ Kiên Giang tác giả đã thương thầm nhớ trộm người con gái thướt tha với tà áo tím đã khiến ông rung động, và từ đó bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” ra đời. Mối tình học trò trong trắng, ngây thơ của chàng trai ngoại đạo, với cô gái có đạo. Một bài thơ tình đầy lãng mạn

         “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ” Thơ của Nguyễn Tất Nhiên nỗi tiếng với những tác phẫm viết về tình yêu tuổi trẻ. Nguyễn Tất Nhiên đã gặp cô gái người miền Bắc “Đôi mắt tròn đen như búp bê” và đã có tình cảm, thoáng nhẹ vu vơ thời trai trẻ, tuy không thành nhưng cũng đã là nguồn cảm hứng cho tác giả sáng tác nhiều bài thơ tình buồn.

        Trở lại thơ Dương Quân. Đêm đã khuya, ngoài kia trên bầu trời xanh thẳm đã hiện ra những vì sao lấp lánh, tôi ngồi một mình đọc thơ Dương Quân. Nhưng trời về Đông, khí trời lành lạnh. Ngọn đèn trên bàn tỏa ra một bầu ánh sáng chỉ đủ sáng chỗ tôi ngồi. Chung quanh tối, mọi thứ im lặng dày đặc. Lúc này chính là lúc xem thơ Dương Quân.
        Theo gót nhà thơ Dương Quân, tôi đi tìm Người Tình trong thơ anh, đi dần vào thế giới huyền diệu của tình yêu. Của anh chàng Đốc Sự non choẹt, xuất thân Biên Hòa, theo học trường Petrus Ký. Sau khi tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh về nhận nhiệm vụ tận miền cực Nam của tổ quốc, khi mới ngoài hai mươi tuổi đầu:
 “Chân trời cuối Việt xa thăm thẳm” …Hành trang chỉ một xách tay vừa”…
        Từ thuở ban sơ chung chuyến đò anh vướng mối tình đầu, một cô gái quê thật thà, duyên dáng, dịu dàng đã quyến rũ và làm rung động trái tim của chàng thi sĩ  đa tình với lòng non trẻ của Dương Quân.
        Tình yêu trong thơ Dương Quân, nhẹ nhàng và kín đáo, hình ảnh cô gái miệt vườn, chất phát, chèo ghe ra họp chợ. Lời thơ đã làm rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Có lẽ vì nỗi thiết tha đến nhường ấy đã đọng lại trong cõi thơ Dương Quân khi vui cũng như khi buồn đều nồng nàn tha thiết, một cô gái hiếu thảo dễ thương. Lời thơ dịu nhẹ, ngọt ngào.
        Cảnh trước mắt làm cho tình trong lòng cũng nhóm bỗng bâng khuâng. Tác giả tả cảnh cô gái quê nghèo hằng ngày:
 “Hái rau đem bán lo tiền chợ /  Mót cũi rừng thưa, nhúm bếp cơm”.
 Cha mẹ già, con muộn nên cô gái phải:“Tảo tần ngày tháng đáp công ơn”
 Tác giả cũng tỏ ra là người có tình và hiếu nghĩa:
“…Tôi dưới Tân Thành lên chợ quận/ Mua quà xin gởi biếu song thân…”
        Cuộc sống đẹp, tình người đẹp, những câu thơ là cái nhìn ấm áp yêu thương: 
Từ đó tôi yêu miền cuối Việt / Yêu đôi mắt đẹp, cổ tay tròn
Áo bà ba tráng, môi cười nụ / Yêu gái Cà Mau vẹn sắc son.”
(Hương Tình Cà Mau)
        Nghe giọng văn anh rụt rè tình tứ trong mối tình đầu, cũng biết mối tình đó thi sĩ chưa đạt được. Lòng anh luôn luôn mơ ước mối tình nguyên hương trinh bạch.
Đọc những câu vừa nêu trên thì không còn mang dấu vết tượng trưng siêu thực gì nữa mà vẫn nghe ngọt ngào làm sao! Phải chăng nó rạt rào ý chân thành và vẫn là 
dư hưởng kết tinh của mối tình đầu, để rồi kết luận cũng thắm thiết thủy chung. Mang một sắc thái của đồng bằng Nam bộ phù sa ngọt ngào, đầy ắp tình quê hương, dung dị, mộc mạc, chân chất, thật thà, mà vẫn đậm đà hương sắc. 
        Một bài thơ viết từ năm 1967 được đăng trên báo Điện Tín và đã được Kiên Giang Hà Huy Hà cho diễn ngâm trên đài phát thanh Sài Gòn. Và cũng từ bài thơ này đã đưa tên tuổi Dương Quân vào danh sách những nhà thơ hay của miền Nam thời chiến. Một sưu tập công phu của nhóm Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn cùng bằng hữu sáng lập.

        Hình ảnh cô gái miệt vườn không trang điểm, rất đẹp, tánh ngoan hiền, giúp mẹ gánh trầu ra chợ bán:
 “Ngày ấy anh về thăm Mỹ Hội”…“Tìm em trưa nắng tan phiên chợ…”
        Ngồi kế bên em xếp liễn trầu, chợt anh nhìn thấy bàn tay gầy guộc quá, chính hình ảnh đẹp đó đã khiến tác giả yêu tha thiết:
 “ Lần đầu xao xuyến nụ hôn nhau…” Hôn lần đầu mà xao xuyến, mới vừa hôn xong đã đốt trầm hương khấn mẹ xin “ Sau này được kết nghĩa trăm năm”  Mặc dù xa mãi “Mà bóng người thương chẳng nhạt mờ.” 
(Gánh Trầu Mỹ Hội)

        Lời thơ thật dễ thương. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Ta cảm thấy như có vườn cau, giàn trầu, bụi chuối, hoàn cảnh tự nhiên, thêm vào đó tính tình chất phát, còn gì thắm tươi hơn những thiếu nữ thôn quê. Cho nên biết bao nhiêu lần tác giả tả người đẹp với những nét dịu dàng và âu yếm.

        Có thi nhân chỉ tìm ý thơ trong tình yêu của một người. Trái lại trong thơ Dương Quân thấp thoáng hình ảnh không biết bao nhiêu người, bao hẹn ước ngày xưa cũng đành dang dở, mặc dù:
 “Ôi nhớ lắm! Những ngày hoa gấm cũ” 
        Tác giả là một người khát yêu, lòng mở sẵn để đón một tình duyên, có thể là người con gái chất phát, hay là cô gái miệt vườn, hoặc là trong giây phút tưởng tượng đôi khi yêu tiểu thư, cô nữ sinh thành thị:
Bước hẹn hò em ngập ngừng cuối phố / Hoa hoàng lan thơm ngát nẻo em về” 
Mà “Ba mươi năm, anh bước đời lận đận…/“Một lần đi biền biệt dấu quan hoài”… Và hồn thơ mòn mỏi kiếp lưu vong.” (Em bên ấy)

        Sự gợi tình không phải chỉ do ở người con gái xinh đẹp. Theo sự tưởng tượng mà nhờ sự cảm thông của tác giả với muôn vật trong trời đất, ngọn gió thoảng qua cũng rất có tình. Gặp nhau không được, xa nhau thì bịn rịn đành “Nhắn lại người thương”:
 “Có ai thương bậu, ngỏ lời / Bậu ưng đi!-- kẻo cuộc đời tàn phai”
Chừng nào mây trắng còn bay / Qua còn nhớ bậu những ngày xa xưa.”
(Nhắn lại người thương)

        Ngay khi nhà thơ đi qua Chợ Đồn (Biên Hòa) cũng yêu một cô gái tâm hồn trắng trong:
 “Em xưa trong trắng tâm hồn / Tóc hương bồ kết, má hồng thắm tươi…”
(Em gái Biên Hòa)

        Dương Quân xuất thân từ Biên Hòa nên yêu Em gái Biên Hòa đây mới thật là mối tình man mác, nên tác giả “Đem theo hình ảnh cả đời tha phương”. Chỉ cần đọc thơ anh, cũng có thể hiểu được ít nhiều những gì anh muốn nói hoặc tâm sự.

        Thơ của Dương Quân đằm thắm, nguồn sống rào rạt, lòng say đắm tình yêu, niềm khát khao giao cảm với đời thật nồng nàn, trìu mến, với người tình “buổi trung niên” . Không sum họp nên hẹn đến “Điểm hẹn sau cùng”:
 “Đợi người cho đến ngàn năm nữa / Điểm hẹn sau cùng: Đỉnh Tuyết Vân.”

        Say đắm cảnh đời, dù mạch thơ có dẫn dắt đến đâu, tác giả không cần biết, có người đến đỉnh cao hạnh phúc, tràn ngập hân hoan vô bờ bến, có người bất hạnh ôm lấy đơn côi, cũng bởi thương muộn màng cho nên chàng tương tư:
 “ Bậu về khuất rặng trâm bầu / Qua còn đứng ngóng bên cầu ô rô…
 Cả bài thơ đượm buồn vô hạn. Tuy chỉ là nỗi buồn riêng, nhưng lời thơ nhân đó có cái buồn bát ngát, khắp cỏ cây mây nước:
 “ Qua về khép lại mái hiên / Giăng màn nhựt nguyệt, đắp mền tương tư” 
(Muộn Màng)

        Và xin hẹn chờ kiếp sau. Nhưng dầu sao, con người mơ mộng ấy đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại chuyện thực trong đời mình, tác giả xen vào rất nhiều chuyện mộng. Để sống những giờ thần tiên trong tưởng tượng. Mơ người thật người Tiên.Yêu công chúa Tiên Dung, trong “Bức thư tình vương giả” Mê công chúa tiền triều, trong bài thơ (Hoài cổ) Mơ làm rễ trên trời, hay những câu thơ gợi hình, khát vọng “ Trải thơ làm nệm em nằm/ giũ mây em đắp khơi trầm em xông” (Hy Vọng).

           Người tình xa xôi như Trăng Viễn Xứ cũng không bao giờ với tới “Tái sinh về chốn lụy phiền gặp nhau” yêu nhau đâu phải tình cờ để rồi:
 “Trăng thề hẹn bến tương tư”“Dẫu tàn phai vẫn thiên thu đợi người”.
(Trăng Viễn Xứ).

Anh bất chợt dang vòng tay mở rộng/ Rước em về ngự trên đỉnh dung nghi” 
(Phút say mê)
          Nhưng tôi thắc mắc tác giả dùng chữ Đỉnh Dung Nghi, xưa nay chưa thấy trong tình thơ, anh đã dùng từ rất riêng, không phải ngôi vị cao sang đài các, cũng không phải mái lá đơn sơ mà hiểu riêng anh dùng từ đỉnh dung nghi tượng trưng một chỗ rất đáng được tôn trọng, đáng mến đáng yêu Những người tình nào của tác giả có yếu tố giống thì sẽ được chàng rước về ngự trên Đỉnh Dung Nghi.

        Mơ làm vua, em Hòang Hậu (Trẩm và Khanh). Thơ anh giàu ý nghĩa cũng như luôn hàm súc ẩn dụ không kém phần lãng mạn và có sức hấp dẩn.
        Nhưng chuyện dầu mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình thật chan chứa trong những bài thơ. Dù chưa lăn lóc trong tình trường, đọc thơ Dương Quân bắt ta phải bồi hồi.
        
        Đó là những câu thơ thật đẹp, thanh tao, chứa đựng những xúc cảm lắng đọng, có chiều sâu, được diễn đạt giản dị mà Dương Quân đã viết. Lời thơ như lắng sâu vào lòng người đọc: 
Ta đã bao lần hứa với em / Từ khi nguyệt bạch rớt bên thềm
Chia nhau nhặt nửa vầng trăng vỡ / Để giữ làm tin mãi chẳng quên”.
        Có cái gì đó như chất chứa nghẹn ngào. Con người của tác giả luôn yêu, luôn quý và thấy những cái quý giá đã xa mình. Nhà thơ đã bộc lộ tình yêu của mình mà không cần dấu diếm, bao nhiêu lời tha thiết, hò hẹn:
 “Ta đã vì em phát nguyện cầu / Một mình chấp nhận hết thương đau…”
Cho câu hò hẹn chừng vô tận / Ôm nửa vầng trăng nhớ miệt mài…”.
(Muôn Thuở Tình Si)

         Cái đẹp của tình yêu là thế, lời thơ trong sáng, ý thơ nhẹ nhàng mà cảm động đến thế là cùng. 
        Tuy nhiên, ai cũng biết tánh anh không muốn làm mất lòng ai. Tim anh luôn mở rộng đón lấy tình yêu của bốn phương trời. Thơ anh vẫn không thiếu phần tình tứ say sưa, nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, chính khát vọng yêu thương mãnh liệt này, tình yêu vẫn tươi đẹp, dù đợi:
Mười năm, rồi mười năm…” / “Em lặng lẽ qua đời
Nấm mộ vàng cỏ úa / Chập chùng bóng trăng soi…”
 Cho dù âm dương cách biệt nghìn trùng, hiểu cho ta:
Nhựt nguyệt vẫn xoay vòng / Hồn người đi phiêu bạt
Chàng theo vận nước nổi trôi : “Quyện theo hồn núi sông…”
(Người Đi)

         Cuối cùng người yêu của Dương Quân ngoan, hiền lành, chất phát, đầy lòng chung thủy, chờ nhau đến chết, đó là hình ảnh đẹp, tình yêu vẫn mãi tươi đẹp sáng lung linh và huyền diệu. Cõi người vẫn tin rằng, họ vẫn yêu nhau.
         Cuộc đời là những biến đổi không ngừng, gặp nhau như những giòng sông giao lưu nhưng mỗi giòng sông đi về một ngả để rồi cùng ra biển cả. Một yêu thương không thành tựu, trái ngang, nghiệt ngã.

        Người tình trong thơ Dương Quân qua tổng hợp trong 4 tập thơ không tìm thấy người tình kiêu sa sắc sảo mà là một thiếu nữ hiếu thảo, chân thật, chất phát, dịu hiền. Nhưng thỉnh thoảng tác giả cũng lướt qua thiếu nữ thời đại cách đây vài chục năm. 

        Nửa thế kỷ Dương Quân làm thơ, chất chứa đặc trưng của người con gái miền Nam. Rốt cuộc những người tình của Dương Quân là như vậy. Và tình yêu trong thơ anh, dù là ở tuổi thanh xuân, tuổi trung niên hay khi đã ngã bóng, đều đắm say và nồng nàn. Dòng đời không tạo được hạnh phúc cho người. Theo bước thời gian để lại nhiều kỷ niệm. 
     Hạnh phúc nhất là khi người ta có những kỷ niệm để thương yêu, ấp ủ bên lòng và cũng hạnh phúc nhất là khi người ta có quá khứ để quay lại và nhìn xem mình đã lớn được bao nhiêu. Mỗi nỗi nhớ đều sống động, êm đềm, ấm áp, hòa quyện vào nhau trong một khoảng không gian là nỗi nhớ! Và cũng nhờ vào những lời bình dị, mọi nỗi nhớ liên kết vào nhau như mắt xích đến nỗi khi ta nhắm mắt, những hình ảnh xưa cũ lại kéo về như ta đã gặp hôm qua, đã gặp hôm nay!
        Mỗi nỗi nhớ của nhà thơ đều mang âm hưởng tình nghĩa. Phải, tác giả đã nắm được những gì quá tinh tế mà con người khó bắt nhận để đưa vào thơ mình! Kể cả đất trời cũng vậy, đất quê hương, đất xứ người, đất trên muôn ngàn mảnh đất khác lạ! Nhưng để rồi một ngày ta đi xa, một ngày ta xa lánh cuộc đời…
        Thơ Dương Quân đằm thắm, như những nốt nhạc mà thanh âm réo rắc, nhịp nhàng làm câu thơ có tiết điệu đặc biệt, khiến tôi say sưa, ưa đọc, nó là những vần thơ dễ thương mà lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Biên Hòa nơi quê hương của Dương Quân. Một thi nhân luôn ca ngợi tình yêu và tuổi trẻ. Ngòi bút của tác giả riêng âu yếm những nỗi lòng của người thiếu nữ. Nhưng sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết. Khi bình yên lặng lẽ, khi phơi phới yêu thương, Dương Quân thỏ thẻ những lời đến dễ thương, đã đưa người đọc về cuộc đời bên trong đầy ý nhị. Để trở về với hồn thơ, trở về với những niềm tâm sự sâu lắng của nhà thơ.
        Đọc thơ tình của Dương Quân, hiểu thơ Dương Quân ta có thể đánh giá được phong cách, đánh giá được ngôn ngữ của tác giả luôn ôm ấp, ca ngợi chân dung mẫu người tình lý tưởng, hình ảnh người con gái không sắc nước hương trời, không cao sang đài các mà chỉ tìm thấy người tình mộc mạc ngoan hiền, trung hậu, đảm đang, nhẹ nhàng chung thủy. Tuy Dương Quân có đề cập đến có mơ người thật người tiên, yêu công chúa tiền triều chỉ là tưởng tượng thoáng qua. Từ những kỷ niệm tươi sáng, cho đến bao nhiêu buồn thương , bao nhiêu chán nản, bao nhiêu đau khổ vì yêu, cả cái cảnh đời giá lạnh lúc “đã xế bóng” . Nhưng dầu sao, trong vườn trần gian không còn gì, không còn hy vọng người tình nào, cho nên tác giả đi lên núi mượn mỏ thiền sư:
Am nghèo mượn mõ thiền sư / Đọc kinh cứu khổ giải trừ nghiệp căn
Tứ thời lần chuỗi ăn năn / Hạt quên hạt nhớ trần gian vô thường” 
(Thư viết ven rừng)
Cũng không được một lần nữa nhà thơ đành trở xuống miền biển vắng mời mọc:
“Mời em một chuyến rong chơi – Thăm miền biển vắng thăm người cô đơn…
Mời em thu xếp về đây – Hành trang xin nhớ chất đầy túi thơ”
(Lời Mời Của Biển)

        Mãi mãi Dương Quân không gần gũi Người Tình nào cả. Lời mời chân tình mộc mạc viết từ miền biển vắng, cũng chẳng có ai hưởng ứng, quá cô đơn, thất vọng, cuối cùng nhà thơ đành viết lời trăn trối. Sẽ có một ngày người ung dung nằm xuống bên bìa rừng, đành vĩnh biệt thế gian:
 “Lửa thiêu lụn nấm tro tàn… Thong dong trên chốn vĩnh hằng vô ưu”…





          Đọc thơ Dương Quân thấy tâm hồn mình phong phú hơn, yêu con người và cuộc đời tha thiết hơn. Biết thêm một Dương Quân thủy chung, nhân hậu.
        Hôm nay nhân dịp sinh nhật anh Dương Quân (tháng 02 DL), tôi hoàn tất bài viết này như một món quà để kính tặng anh Dương Quân nhà thơ xứ bưởi. Xin cầu chúc anh Dương Quân sống vui khỏe để tiếp tục sáng tác thơ cho đời, cũng như tiếp tục tìm trường phái thơ cho riêng mình, để không còn những đêm trăng ngồi độc ẩm mà buồn cho cuộc đời, buồn cho thế sự.

Hoàng Ánh Nguyệt
(Đông Hàn Giáp Ngọ 2014)